Sưu tập đồ vật để bàn của học giả vốn chỉ được coi là một bộ môn nghệ thuật khiêm tốn, đứng sau điêu khắc, tranh vẽ và đồ sứ. Tuy nhiên, hiện nay những món đồ thuộc “nghệ thuật nhỏ” này có sức thu hút lớn với các nhà sưu tập, bởi trong chúng ẩn chứa những nét tinh hoa của một thời.
Các đại lý buôn đồ nghệ thuật Trung Hoa như Stuart và Barbara Hilbert luôn cảm thấy yêu thích mặt hàng của các đồ vật để bàn của học giả thời xưa, đó cũng là niềm đam mê của các gia đình hoàng tộc, quan lại, văn nhân, thầy đồ ở đất nước Trung Hoa xưa. Nhà Hilberts có 40 năm kinh nghiệm giảng dạy đa cấp đa ngành; Barbara đã dạy môn giáo dục học Trung Hoa còn Stuart dạy môn khoa học, chính trị Trung Quốc.
Cuộc phỏng vấn với các chuyên gia Stuart và Barbara sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về bộ môn nghệ thuật đầy lý thú này.
Cuộc phỏng vấn
Hỏi: Đâu là điều hấp dẫn trong nghề sưu tập các vật phẩm để bàn của học giả xưa?
Trả lời: Vật phẩm để bàn của học giả xưa thường nhỏ và được làm từ nhiều vật liệu khác nhau như đồng, sứ, tre, đá xà phòng, ngọc bích và nhiều vật liệu khác. Về kích thước, tất cả những món đồ đó có thể được đặt trong lòng bàn tay; và mỗi món đồ sẽ tạo một cảm giác xúc giác khác nhau. Thêm vào đó, yếu tố lịch sử của món đồ sẽ làm tăng thêm sự phấn khích tinh thần và niềm vui cho người sở hữu.
Hãy tưởng tượng bạn được sử dụng một viên đá mài mực của triều đại nhà Thanh; trên đó có lưu những chữ viết của một văn sĩ hoặc nhân vật nổi tiếng từ triều đại nhà Tống hoặc nhà Minh. Các yếu tố đa dạng như tổ tiên, truyền thống, phong tục, giá trị và niềm tin đều được chú ý khi xem xét một vật phẩm để bàn của học giả xưa.
Ví dụ, hình dạng của một cái khay rửa bút có thể truyền đạt một ý nghĩa sâu sắc. Chất lượng của hình chạm khắc trên con dấu và vật liệu làm con dấu sẽ truyền đạt ý nghĩa khác nhau về người sở hữu.
Hình tượng người tát nước cùng với một cậu bé chăn trâu sẽ gợi lên tầm quan trọng của nông nghiệp, nhưng quan trọng hơn là vẻ đẹp đồng quê dân dã của vùng nông thôn Trung Quốc nơi đa phần người dân Trung Quốc đã từng sinh sống.
Một chiếc giá để bút lông được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau cũng có thể gợi nhớ cho người dùng về năm ngọn núi cao nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, gắn liền với các giá trị Phật giáo hoặc Đạo giáo cổ xưa. Trong khi đó nhiều người khác chỉ thấy đó là vẻ đẹp của những ngọn núi nói chung có ở khắp các vùng nông thôn Trung Quốc.
Tóm lại, Barbara và tôi đã dành phần lớn cuộc đời để cố gắng tìm hiểu những truyền thống văn hóa sâu sắc và vẻ đẹp trong nghệ thuật Trung Hoa. Chúng tôi đã thành công. Chúng tôi hy vọng sâu sắc rằng giới trẻ Trung Quốc hiện đại cũng có thể “lĩnh hội được” những vẻ đẹp truyền thống đó..
Nghệ thuật gắn liền với tầng lớp học giả là một phần lớn của toàn bộ lịch sử Trung Hoa; nếu để nó trôi mất theo dòng chảy lịch sử mà không đánh giá đầy đủ về giá trị thì sẽ là một sự ân hận lớn. May mắn là gần đây người ta đã có sự đánh giá sâu sắc và nỗ lực hồi sinh môn nghệ thuật nhỏ bé này.
Hỏi: Sưu tập những con dấu triện Trung Hoa có vẻ là một lĩnh vực đòi hỏi phải nghiên cứu thêm. Một nhà sưu tập con dấu Trung Hoa thành công cần có kiến thức gì?
Trả lời: Những con dấu triện Trung Hoa có vô cùng nhiều, vì Trung Quốc luôn có dân số đông và con dấu được sử dụng rất rộng rãi trong suốt chiều dài lịch sử. Ngoài ra, nhiều quan chức, gia đình và nghệ sĩ còn có nhiều con dấu riêng khác nhau. Truyền thống này còn giữ ngay cả trong thế kỷ 20. Cần lưu ý rằng các con dấu có kích thước khác nhau và được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau từ trong và ngoài nước.
Các nhà sưu tập dường như thường có xu hướng sưu tập các con dấu của các nhân vật lịch sử nổi tiếng, các quan chức, hoặc gia đình và các nghệ sĩ nổi tiếng. Các con dấu của chính quyền thường được chạm khắc từ ngọc bích cứng rắn, mặc dù các vật liệu khác như bạc hoặc vàng đôi khi cũng được sử dụng. Những con dấu có tính chất quan trọng thường được lưu truyền trong các gia đình và được coi là báu vật..
Còn có những loại vật liệu làm con dấu khác cũng thuộc hàng cao cấp, chẳng hạn như loại vật liệu có tên là “Thiên Hoàng” với màu vàng hiếm có xuất xứ từ tỉnh Phúc Kiến và được nhiều người săn lùng.
Trong một số trường hợp, tùy thuộc vào độ hiếm của vật liệu làm con dấu, một gia đình đang cần tiền cũng có thể đánh bóng lại con dấu để bán nó trên thị trường. Tất nhiên, có các vật liệu phổ biến và rẻ tiền hơn, như đồng, tre, sừng, ngà hoặc thậm chí là gỗ.
Tóm lại, tầm quan trọng về lịch sử của một con dấu có thể là một yếu tố rất quan trọng đối với một nhà sưu tập, khi đó vật liệu làm con dấu chỉ là mối quan tâm thứ yếu. Tuy nhiên, vì hầu hết các con dấu không có giá lịch sử hay nghệ thuật lớn, nên chất liệu, tình trạng và chất lượng khắc của bản thân con dấu và chữ được khắc trên đó sẽ là những yếu tố quan trọng cho người sưu tập khi định giá một con dấu cụ thể.
Tất nhiên, nhiều con dấu được chạm khắc theo phong cách rất khó hiểu đối với người mới vào nghề, nhưng điều đó cũng dễ giải quyết. Có hàng trăm thợ khắc dấu ở Trung Quốc ngày nay vẫn đang khắc theo các phong cách cổ xưa; và họ thấy việc giải thích các con dấu như vậy rất dễ dàng. Hơn nữa, một nhà sưu tập cũng cần có hiểu biết rất sâu sắc về lịch sử thì mới khớp nối được ý nghĩa của con dấu với người sở hữu xưa!
Hỏi: Xin vui lòng cho chúng tôi biết một chút về ảnh hưởng của Hoàng đế Càn Long (1711-1799) đến việc sưu tập đồ vật để bàn của học giả.
Trả lời: Hoàng đế Càn Long là một nhà sưu tầm cổ vật nhiệt tình và đầy hiểu biết. Trên thực tế ông ta đã “làm Trung Quốc phá sản” với bộ sưu tập quá lớn của mình!
Tuy nhiên, để khẳng định khả năng đặc biệt của vua Càn Long trong việc xác định và sưu tập những đồ cổ tốt nhất của Trung Hoa, các nhà sưu tập sẽ phải chi một khoản tiền rất lớn khi mua bất kỳ vật phẩm nào được liệt kê dưới triều đại rất dài của ông từ năm 1736 đến năm 1795.
Vua Càn Long không chỉ ảnh hưởng đến triều đình và hệ thống quan lại của mình, mà còn tới tất cả những người sưu tập khác. Ông yêu thích các vật phẩm để bàn của học giả và rất yêu thích những chiếc hộp được làm tinh xảo. Ngoài ra, Cấm Cung không chỉ lưu giữ và phân loại danh mục nghệ thuật Trung Hoa trong quá khứ và đương đại, mà còn có nhiều món quà tặng cầu kỳ từ các chức sắc nước ngoài.
Trong triều đại của vua Càn Long, cũng có các vật phẩm nghệ thuật tuyệt vời mới được sáng tạo; đa số chúng được làm theo chính yêu cầu của ông. Những vật phẩm thuộc loại này cực kỳ hiếm. Một số đã thấy xuất hiện trở lại từ các gia đình vốn có mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng quân sự phương Tây mà đã lục soát và vơ vét thành Bắc Kinh trong thời gian của cuộc nổi dậy Boxer (phong trào người Trung Hoa phản đối ngoại bang và ngoại đạo, diễn ra từ khoảng năm 1900 đến cuối triều đại Thanh).
Nhân cách và ảnh hưởng của vua Càn Long đối với các nhà sưu tập hiện đại lớn đến nỗi dường như đã phần nào kìm hãm việc sưu tập các cổ vật tinh xảo từ thời nhà Tống và nhà Minh. Trớ trêu là, đó mới là các thời kỳ cổ xưa mà vua Càn Long thực sự đánh giá cao và nhiệt tình sưu tập.
Theo EPOCH TIMES
Hòa Bình biên dịch