Đổng Nguyên và Cự Nhiên là hai bậc thầy danh họa nổi tiếng có ảnh hưởng rất to lớn trong lịch sử nghệ thuật truyền thống cổ điển Trung Hoa. Các tác phẩm của hai ông, dù đã trải qua hơn nghìn năm bể dâu, nhưng vẫn có ý nghĩa trường tồn trong các trường phái hội họa của các họa sĩ sau này.
Triều đại Đường là thời kỳ hoàng kim của nền văn minh Trung Hoa, cũng là thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật truyền thống, như thơ ca, âm nhạc, hội họa… Một trong những phong cách hội họa truyền thống nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa đó là vẽ tranh sơn thủy. Tuy vậy, tranh sơn thủy dưới thời Đường còn nhiều thiếu sót, nét vẽ cũng đơn giản, mộc mạc hơn.
Mà phải đến cuối đời Đường và suốt giai đoạn Ngũ Đại – Thập Quốc (907-979), tranh sơn thủy mới có những bước phát triển lớn. Nhiều tư liệu và các tác phẩm còn được lưu giữ tại các bảo tàng đã chỉ ra mặc dù thời kỳ này ly loạn trên 50 năm, nhưng những truyền thống hội họa cung đình đã được bảo tồn tốt nhất tại Nam Kinh và Tứ Xuyên với các hoạ gia chuyên về hoa điểu và sơn thủy.
Trong số các họa sĩ nổi bật thời đó, phải kể đến Đổng Nguyên và Cự Nhiên. Với bút pháp tinh tế của mình, hai ông được người đời sau gọi là “Ngũ đại danh họa” thời Ngũ Đại – Thập Quốc cùng với Kinh Hạo, Quan Đồng.
Đổng Nguyên, bậc thầy dùng lối vẽ “thuân” tạo nên những cảnh sơn thủy giống y như thực
Đổng Nguyên, tự Thú Đạt, là một danh họa kiệt xuất nhà Nam Đường thời kỳ Thập Quốc (937-975). Ông từng đảm nhiệm chức Thứ sử Bắc Uyển của Nam Đường, chuyên về văn học và nghệ thuật. Đổng Nguyên sinh năm 934, có tài liệu ghi chép lại là năm 962, tuy vậy không xác định được năm mất của ông.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã mang một tình yêu nghệ thuật lớn, ông muốn dùng bút vẽ thu lưu lại từng phong cảnh non xanh, trù phú của quê hương, vì vậy, ông tự mình tìm hiểu và luyện tập chiểu theo phong cách của hai bậc họa sĩ nổi tiếng thời Đường là Lý Tư Huấn (651-718) và Vương Duy (701-761).
Các bức tranh sơn thủy của ông đều được sử dụng một lối vẽ truyền thống, gọi là “thuân”, đặt nghiêng ngọn bút lông quệt mực khô nhạt để thể hiện vân đá và mặt sáng mặt tối của núi, sau khi phác ra đường nét chung, cùng lối lối vẽ điểm rêu tạo nên những bức vẽ Giang nam phong cảnh hữu tình.
Các bức họa sơn thủy của Đổng Nguyên, phần lớn ông đều sử dụng lối vẽ công bút, vẽ viền rồi tô màu, kết hợp với lối vẽ “thuân”, bút vẽ hầu như đặt nghiêng, cho ra những vân màu mềm mại mà phóng khoáng. Nên phần lớn các bức vẽ của ông đều họa lên những phiến núi nhấp nhô, trùng điệp, mang theo khí thế hùng vĩ của đất trời phương Bắc.
Bên cạnh đấy, tranh phong cảnh vùng phía Nam của ông lại mang sắc thái ôn dịu, nhẹ nhàng, phong cảnh lãng mạn, êm đềm, như chính con người xứ Nam vậy.
Đổng Nguyên cũng được xem là người khai lập ra trường phái “Tranh thủy mặc Sơn thủy Giang Nam” với rất nhiều những nét sáng tác độc đáo.
Đầu tiên, ông thay đổi cách dùng lối vẽ “thuân”, ông thay những đường nét uyển chuyển khi vẽ núi thành những đường nét cứng rắn, thô ráp, tạo nên những mảng sáng tối cho bức tranh thiên nhiên phương Bắc, đem lại hình ảnh ôn hòa, trầm tĩnh, thanh sơn lục thủy cho phong cảnh Giang Nam.
Thứ hai, các bức tranh sơn thủy của ông, hầu hết đều là bức tranh ngang, bố trí cảnh lấy trục ngang làm chính. Như vậy khiến cho bức tranh toàn cảnh rõ ràng hơn, không gian rộng lớn thiên nhiên kết hợp sự nhỏ bé của con người, thú vật… tạo nên sự hài hòa “Thiên Nhân hợp nhất”, mang lại hơi thở cuộc sống ấm áp cho bức tranh.
Các tuyệt tác của Đổng Nguyên lưu lại cho đến nay không nhiều lắm, phần lớn chỉ được tìm hiểu qua các tài liệu lịch sử ghi lưu lại. Tuy vậy, phong cách, lối vẽ tranh của ông đối với các họa sĩ thời Tống, Nguyên cho đến thời Minh vẫn còn ảnh hưởng rất sâu sắc.
Cự Nhiên, cùng với Đổng Nguyên được xưng là “Tứ bậc thầy thời Ngũ Đại Thập Quốc”
Cự Nhiên là sư thầy chùa Khai Nguyên, vùng Giang Ninh, nay là Nam Kinh. Không ai rõ năm sinh và năm mất của ông. Người ta xác định ông sinh thời Ngũ Đại Thập Quốc, bởi ông là đồ đệ lúc sinh thời của Đổng Nguyên. Cùng với Kinh Hạo, Quan Đồng và Đổng Nguyên, được thế nhân xưng là “Tứ đại gia”.
Dưới thời kỳ Nam Đường, ông là tân khách của vua Lý Dục (937 – 978), sau đó Lý Dục đầu hàng nhà Tống, kết thúc thời kỳ loạn lạc 50 năm của Ngũ Đại – Thập Quốc, mở ra một thời kỳ mới phát triển rực rỡ trong lịch sử, triều Tống. Cự Nhiên theo Lý Dục chuyển đến Khai Phong sinh sống. Ông sống trong chùa cho đến lúc qua đời.
Khác với sư phụ mình là Đổng Nguyên, các bức tranh của Cự Nhiên thường là những khung thiên nhiên mờ mịt trong sương khói, hình ảnh những ngọn núi cao vút, hiểm trở, dùng “nét mực thanh vẽ nên cảnh”, chính là phong cách ông theo đuổi.
Cảnh và người trong tranh của ông đều được đặt vào những khung cảnh hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng toàn bộ bức tranh lại mang đến những cảm giác thơ mộng. Những ngọn núi cao chót vót, trùng điệp; bên dưới chân núi bài trí những cánh rừng tùng, bách; bên cạnh những con suối nhỏ chảy róc rách là con đường mòn nhỏ đi xuống, cảnh vật thiên nhiên thanh tĩnh mà ý vị.
Mỗi bức tranh như một lời tâm sự của họa sĩ về đời người, không cầu những thói vui lạc thú, chỉ mong chốn dừng chân bình thản.
Ông sử dụng bút pháp “thuân”, vẽ nét ngoài trước nên tô điểm sau với từng đường nét dưới ngòi bút đậm, dày mang đến những khung cảnh quang đãng, rộng mở, tươi sáng. So với Đổng Nguyên, phong cách vẽ của Cự Nhiên bị ảnh hưởng bởi cách kết cấu, cấu đồ của tranh phong thủy phương Bắc, bút mực có xu hướng trở nên thô, to, phóng khoáng.
Đổng Nguyên được coi là người sáng lập ra trường phái “Tranh thủy mặc Sơn thủy Giang Nam”, sau cùng với sự phát triển phong cách vẽ của Cự Nhiên được ghép chung thành một trường phái riêng biệt và hoàn chỉnh. Cùng với “Tranh sơn thủy phương Bắc” Kinh Hạo và “Tranh sơn thủy phương Nam” Quan Đồng, tạo nên bốn trường phái tranh phong cảnh nổi tiếng bậc nhất thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc.
Bạn đang đọc bài viết: “Những tuyệt tác sơn thủy của hai bậc thầy danh họa Đổng Nguyên và Cự Nhiên” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.nghethuat@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |
Clip ý nghĩa: