Đại Kỷ Nguyên

‘Những điều trông thấy’ của Nguyễn Du: Khi Đại thi hào nước Việt cúi xuống bên những con người khổ đau

Thời nhỏ, đạn bom loạn lạc, sơ tán hết đồng này núi nọ. Cơm khoai không có. Thức đêm vò võ nghe tiếng bom, tiếng pháo mà rùng mình. Nói gì đến trường, đến lớp. Ngoại tôi cầm theo được tập giấy dó, chỉ lâu lâu dạy cho vài con chữ Thánh Hiền. Và Sở Kiến Hành của Nguyễn Du đã được đọc đi đọc lại nhiều lần trong khung cảnh như thế…

Vốn sợ bài thơ này vì nó dài quá, đọc cứ quên mặt chữ. Nhưng, thật ngạc nhiên, không hiểu sao, mỗi khi khe khẽ đọc xong, ngoại lại ra khỏi căn hầm Triều Tiên chật chội, hít sòng sọc điếu thuốc lào rồi vào tựa vách lim dim. Nhìn thấy lấp lánh trên má ngoại một vệt sáng mờ nhờ ngọn đèn Hoa kỳ vàng như hạt đậu…

Sau này, vào cấp ba. Học bài thơ này, thêm một lần tôi và Nguyễn ở hai khoảng trời xa ngái. Rồi trời an bài làm thầy giáo dạy văn. 

Vậy mà, hôm nay, đến tuổi “tri thiên mệnh” rồi; tròm trèm cái tuổi ngoại ngày xưa, Tôi lại ngồi ứa nước mắt khóc người đã xưa. Khóc cho Nguyễn để thương mình. Khóc cho bốn mẹ con ăn mày kia để thương cho mình hơn nữa. Bởi, hơn nửa đời phiêu bạt, so với bạn bè, danh phận không ra gì. Cả một kiếp sắp qua đi lại là kiếp ăn mày. Ăn mày chính mình mới là khắc khoải!

Đại thi hào Nguyễn Du (Ảnh: cinet.vn)

Sở Kiến Hành: Khi Đại thi hào cúi xuống nhìn những con người khổ đau

“Sở kiến hành” là một bài Hành được làm trên con đường đi sứ của ông quan lớn được giao trọng trách sang triều cống cho nhà Thanh ở Bắc Kinh. Trên con đường vạn dặm đến đất nước Thiên Triều chỉ nghe nói qua thơ văn và các sách Thánh Hiền, Nguyễn Du đã mở rộng kiến văn của mình bằng thực tế.

Với 132 bài được sưu tầm, ta có thể coi đây là những trang nhật ký đi đường của Nguyễn Du. Chính ông cũng coi nó là “tạp lục” (ghi chép lộn xộn). Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu đã cho “Bắc hành tạp lục” là những tác phẩm xứng đáng tầm cỡ của Đại thi hào!

Người ta thường nói: Một trong những khía cạnh vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã cúi xuống nhìn con người khổ đau. Thậm chí có thể cho rằng: Nguyễn Du không chỉ cúi xuống mà đã lẫn vào, hòa vào trong những ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh của kiếp người thống khổ.

Hình tượng người ăn mày đã từng làm chúng ta xa xót từ “Văn Chiêu Hồn” với những giọt mưa rơi thấm lạnh mấy trăm năm:

“Cũng có kẻ nằm cầu gối đất,
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi.
Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”

Cũng có kẻ nằm cầu gối đất. Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi. (Ảnh: pinterest.com)

Hình ảnh một nghệ sĩ mù ở Thái Bình gãy đàn hát thâu đêm để mong có  được bữa ăn buổi sáng; hình ảnh những người dân lưu tán mặt khô xạm vì đói… cũng là các dạng ăn mày mà Nguyễn gặp trên đất nước Trung Quốc. Và ông đã được ghi lại rất sống động.

Tên bài thơ “Sở kiến hành” được dịch khá chính xác: “Những điều trông thấy“. Nó gợi nhắc cho ta những câu đầu làm nền cho cảm hứng Truyện Kiều:

” Trăm năm trong cõi người ta
(…) Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Nói cho chính xác thì phải dịch là “Bài hành về những điều trông thấy“.

Theo Triều Nguyên thì “Hành: là bài thơ, thường đề cập đến những vấn đề chung, những sự kiện mới lạ, bất ngờ hay những đồng cảm tạo ấn tượng mạnh mẽ; chủ thể trữ tình thường kể lại sự việc với tâm trạng bức xúc, có thể bày tỏ thái độ, chính kiến; thể thơ cổ phong thường được sử dụng để sự biểu đạt không bị gò bó, ràng buộc.

Ở đây, Nguyễn Du đã sử dụng thể thơ 5 chữ (ngũ ngôn cố phong) để kể lại một câu chuyện. Ông nhìn thấy bên đường lớn kia có một người mẹ dắt díu ba người con đi ăn mày. Người con lớn nhất thì tay mang chiếc giỏ tre. Đứa bé nhất thì được mẹ ẵm. Họ sẽ làm mồi cho lang sói.

Thương người mẹ, nhưng thương nhất là ba đứa con, “nỗi lòng đau đớn lạ thường, trông lên mặt trời như vì người mà vàng úa”. Nhà thơ lại nghĩ đến hôm qua ở trạm Tây Hà, người ta cung đón cho đoàn mình nào là gân hươu, vây cá, thịt lợn, thịt dê đầy mâm cỗ.

Các quan lớn không chọc đũa vào đã đành, mà kẻ tùy tùng cũng chỉ nếm qua, rồi đổ cho chó nhà hàng xóm, mà chó cũng chán chê không thèm ăn. Chẳng ai nghĩ đến cảnh bốn mẹ con nhà kia cùng cực đang đợi cái chết bắt đi.

Chẳng ai nghĩ đến cảnh bốn mẹ con nhà kia cùng cực đang đợi cái chết bắt đi. (Ảnh: seattletimes.com)

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Bây giờ, chúng ta hãy cùng đọc tác phẩm này qua bản dịch của Nguyễn Hữu Bổng. Mười hai dòng đầu là thoáng gặp ngẫu nhiên, bất chợt của Nguyễn Du về một hiện tượng không hiếm trên con đường xuyên Trung Quốc của quan chánh sứ:

Một mẹ cùng ba con,
Lê la bên đường nọ,
Đứa bé ôm trong lòng,
Đứa lớn tay mang giỏ.
Trong giỏ đựng những gì?
Mớ rau lẫn tấm cám,
Nửa ngày bụng vẫn không,
Áo quần vẻ co dúm.
Gặp người chẳng dám nhìn,
Lệ sa vạt áo ướt,
Mấy con vẫn cười đùa,
Biết đâu lòng mẹ xót?

Cái nhìn từ xa đến gần. Từ một hiện tượng lạ gây chú ý đến một sự thu hút thật ám ảnh. Thực ra, ngay 2 dòng đầu, ta đã thấy cái nhìn rất riêng của Nguyễn:

“Hữu phụ huề tam nhi,
Tương tương tọa đạo bàng”.

Nguyễn không dùng “mẫu” (mẹ) mà là “phụ” (người vợ, người đã có chồng) với nhiều  ngụ ý:

Một người vợ dắt díu ba đứa con“.

Nhìn từ bên này sang bên kia đường thì họ ở tầm tương đối xa, Nguyễn Du mô tả:

“Họ mới được dừng lại nghỉ ngơi bằng cách ngồi bên vệ đường lớn”.

Chữ “tương” thứ nhất nghĩa là “cùng, là phản ánh sự kiện cho người bên kia nhìn thấy”. Chữ “tương” thứ 2 nghĩa là “thấy, mới, nghỉ ngơi”.

Tưởng là 2 dòng tường thuật giản dị. Ai ngờ đã có cặp mắt của một nhà nhân đạo vĩ đại. Chi tiết thì nhỏ nhưng ý nghĩa thì lớn.

Ta phải tự trả lời: Người vợ xuất hiện với sự đùm túm dắt díu ba con ở bên đường gió bụi, đơn thân. Vậy thì người chồng là trụ cột gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho kinh tế và tinh thần của vợ và con đang ở đâu mà để xảy ra cảnh tan đàn xẻ nghé này?

 

(Ảnh: pinterest.com)

Hãy đọc một đoạn trong “Trở binh hành” trong “Bắc hành tạp lục” thì chắc có câu trả lời:

“Cát bụi cuộn mặt trời che khuất
Bộ, kỵ binh chạy dọc chạy ngang
Kỵ binh cung cứng sừng cong
Tên dài đầy ống màu lông trắng ngần
Bộ binh lại tay cầm dao ngắn
Gươm mới mài có gắn tua hồng
Lại thêm khí giới tân binh
Chặt tre làm giáo vỏ xanh tươi màu
Xe lớn chở cung dây đầy ắp
Xe nhỏ thì chở rặt chông dài
Suốt ngày đi mãi chẳng ngơi
Cả hàng trăm dặm bời bời binh đao”

Đâu đâu cũng đang là loạn lạc

Đâu đâu cũng loạn lạc. Ngay cả phái đoàn đi sứ của Nguyễn cũng phải tìm cách vượt khỏi sự cản trở của binh đao. Kị binh, bộ binh và cả các tân binh cùng với đủ xe lớn xe nhỏ cung ứng cho chiến trường… Làm sao không mất mùa? Làm sao không loạn lạc?

Người chồng ấy là cựu binh? Là tân binh? Hay đã là một người vừa dãi thây ngoài chiến địa?… Chỉ biết 4 mẹ con thật thê thảm. Họ lấy vệ đường làm nhà lưu động; lấy sự dắt díu nhau như bèo dạt mây trôi làm tổ ấm; lấy xin ăn may rủi để tồn tại…

Như người bóc tách từng tầng củ hành tây. Nhà thơ tiệm cận vào các thành viên trong gia đình khốn cùng đó:

Một đứa đang ẵm trong lòng mẹ ắt hẳn là còn rất nhỏ. Nếu không còn phải bú thì chân còn chập chững, không thể theo cuộc hành trình mưu sinh của nghề cái bang! Vì còn nhỏ quá cho nên đứa bé chỉ cần ăn, ngủ và chơi là đã thực hiện hết bổn phận của nó!

Đứa lớn có lẽ cũng chẳng lớn bao nhiêu. Bởi đứa thứ hai không nói đến. Nhưng nó đã có thể “lớn nhất” có thể trong vai trò giúp mẹ. Nó cầm giỏ để đi ăn xin…

Đôi mắt nhân đạo của nhà thơ đã bóc tách lớp thứ ba của hiện thực. Cái giỏ tre đựng những gì mà trông như nặng thế, xùm xuề nhiều thứ thế?  

“Khuông trung hà sở thịnh?”

Đứa lớn có lẽ cũng chẳng lớn bao nhiêu. Bởi đứa thứ hai không nói đến. Nhưng nó đã có thể “lớn nhất” có thể trong vai trò giúp mẹ. Nó cầm giỏ để đi ăn xin… (Ảnh: pinterest.com)

Hóa ra chỉ có một mớ rau lẫn với tấm cám!

Trong nguyên tác:

“Lê hoắc tạp tì khang”

Thực ra, trong giỏ tre của đứa trẻ có 4 thứ “tạp phí lù” trộn lẫn lộn xộn với nhau. Rau Lê, rau Hoắc và rau Tỳ đều là những thứ cây cỏ dại mọc hoang nơi ngóc ngách bẩn thỉu. Chúng là thứ thực vật thảng hoặc người ta dùng vị đắng, vị chát của nó làm thuốc chứ để ăn thì… trâu bò cũng còn chê!

Nhìn thực đơn của bữa ăn sắp sửa. Có thể mường tượng bữa ăn hôm trước. Chắc khấm khá hơn. Do làm thuê hay do ai cho mà mẹ con mới có chút năng lượng của tấm cám. Những vảy trấu vàng còn lẫn với rau Tỳ cho ta suy đoán như vậy.

Cũng cần lưu ý, hai thứ rau Lê và Hoắc có thể gọi là rau dại bởi chúng mọc ở ruộng vườn. Riêng lá cây Tỳ chính là lá cây Sơn Trà. Loại cây này còn có tên là cây Chua Chát, cây Gan hay Táo Mèo, Táo Gai được dùng làm thuốc ở cả phương Đông và phương Tây hàng chục thế kỷ qua. Cây Tỳ này thường trồng bên đường hoặc trồng làm hàng rào…

Có hiểu kỹ như vậy mới biết được bữa ăn trước đó có Tỳ Khang (lá Sơn Trà và tấm cám có vỏ trấu). Biết đâu 4 mẹ con có thể hái được những quả Táo Gai?

Nhưng bữa hôm nay có Lê và Hoắc là hai loại rau Đắng và Chát trộn với lá Tỳ Chua còn sót lại với vỏ trấu… Sự kiệt cùng đang đẩy mẹ con đến bước đường cùng!

Nhà thơ chỉ nhìn giỏ rau mà biết:

“Nhật yến bất đắc thực,”

Ngày đã muộn, trưa đã đến rồi nhưng không được ăn. Hai chữ “Nhật yến” có nghĩa là trời trong mây tạnh. Bởi vì tiết lạnh nên buổi trưa mới có được bầu trời đẹp thế này.

Quả là trời đất quá vô tình với sinh mệnh mỏng manh của những người đói khát! Bao nhiêu người no đủ đang thưởng lãm bầu trời. Nguyễn Du nhìn nó mà thấy cay đắng cùng bốn mẹ con khốn khổ!

Bất ngờ nhà thơ mô tả cách ăn mặc và dáng điệu của họ:

“Y quần hà khuông nhương!”

Bản dịch: “Áo quần vẻ co dúm.
Có nơi dịch: “Áo quần thật lam lũ.

“Y quần hà khuông nhương!” (Ảnh: pinterest.com)

Thực ra, chữ “khuông” ở đây là cái gọng (kính), cái khuôn đã cố định, đã bó buộc trong một hình thức; chữ “nhương” là “Cầu cúng để trừ khử tà ác hoặc tai dị”.

Cả mấy mẹ con  mặc quần áo như của những người cúng tế. Bốn con người ấy như một quần tượng đang xin ông Trời cho họ qua những tai dị mà mình chịu đựng! Họ nhẫn nhục chịu đựng bất hạnh và cầu sự dung thứ của ông Trời!

Tiếp theo, nhà thơ dùng thủ pháp đối lập để cho thấy nghịch cảnh:

“Kiến nhân bất ngưỡng thị,”

Nhìn người, không dám nhìn thẳng, nhìn lâu. Chữ “ngưỡng thị” ở đây đối lập với “miệt thị”. Đôi mắt người mẹ muốn tỏ ra sự thành kính, muốn chờ đợi sự cảm thông của người nhưng sợ sự miệt thị nên đành phải giấu kín thái độ ấy của mình.

Hết phần 1. Mời độc giả đón đọc tiếp phần 2. 

La Vinh

Exit mobile version