Cuộc gặp gỡ đặc biệt khi mới 6 tuổi với công chúa nhỏ tốt bụng Toni, sau này là hoàng hậu nước Pháp, đã để lại dấu ấn cả đời không phai trong tâm trí thiên tài Mozart. Hình ảnh cô bé hiền dịu đầy thiện tâm đã theo cậu suốt cuộc đời. Vào giờ phút ấy, cậu đã ngẫu hứng ứng tác một bản nhạc tuyệt đẹp giữa chốn hoàng cung hoa lệ dành tặng riêng cho nàng công chúa nhỏ.
Nơi thần đồng Mozart khẳng định danh tiếng nơi Hoàng cung Áo hoa lệ
Vào thời kỳ đó, thành Viên là nơi tập trung của những nhạc sĩ giỏi nhất thế giới, họ tìm đến đây để học tập, sáng tác âm nhạc và muốn khẳng định khả năng, danh tiếng của mình.
Vì thế Viên được coi là thủ đô của nền âm nhạc Châu Âu, ở đây người dân rất yêu âm nhạc, thành phố có nhiều nhà hát, nhiều dàn nhạc xuất sắc và các nhạc sĩ tài ba.
Tuy nhiên nhờ tiếng tăm nổi như cồn của thần đồng âm nhạc Salzburg, khi mới sáu tuổi, Mozart đã cùng với chị gái được biểu diễn âm nhạc trong hoàng cung của nước Áo.
Buổi diễn này có mặt rất đông cận thần, đại sứ các nước, có hoàng tử và công chúa tham dự và đặc biệt là sự có mặt của nữ hoàng của nước Áo thời bấy giờ là Maria Theresa.
Phần đầu của buổi hoà nhạc do hai chị em cùng chơi, hoà tấu bốn tay trên cây đàn clavơxanh, trình độ biểu diễn của hai chị em đã đạt tới trình độ xuất sắc và nhận được sự tán thưởng rất nhiệt tình của giới thượng lưu nước.
Điều này không hề đơn giản, vì những người ở đó đều có sự am hiểu về âm nhạc. Phần tiếp theo, Mozart biểu diễn một mình những khúc nhạc tuỳ hứng mà cậu ưa thích.
Những âm thanh vang lên, một làn âm thanh hoà quyện nhau như một dòng suối ùa ra tưởng chừng như bất tận, cung điện như tràn ngập ánh sáng, tràn ngập hương thơm và màu sắc của vô vàn loài hoa trên thế gian.
Diện kiến nhạc sĩ vĩ đại Haydn và nữ hoàng nước Áo
Khi tiếng đàn cuối cùng của Mozart vừa tắt, nữ hoàng Theresa giơ cao hai bàn tay lên, cả cung điện như thừa lệnh của nữ hoàng, cùng rền lên những đợt vỗ tay tưng bừng, những lời ngợi khen ùa ra, tưởng như không thể dứt.
Một nhạc sĩ già, vóc người nhỏ nhắn, ăn mặc trang trọng, bước đến gần cậu, đặt tay lên vai, nhìn thật lâu vào đôi mắt đang tập trung và gương mặt hơi tái đi vì cảm xúc của cậu bé. Ông khẽ kêu lên:
– Không thể ngờ được! Thật là siêu phàm!
Nữ hoàng quay lại phía ông, nói gần như đáp lại lời ông:
– Đúng thế, ông Hay-đơn! Đây thật sự là một hiện tượng siêu phàm!
Người đàn ông đứng đó, chính là nhạc sĩ Haydn (Hay-đơn) nổi tiếng và vĩ đại của thành Viên, Ông cúi đầu, nói với Mozart bằng một giọng trầm, như nói với một người bạn tâm tình:
– Ta ngày xưa cũng đã sáng tác âm nhạc từ năm lên sáu đấy, cháu ạ. Nhưng ta khổ cực lắm! Ta là đứa trẻ mồ côi, cháu hiểu không, tức là không còn cha mẹ nữa ấy mà! Cháu giỏi lắm, nhất định cháu còn có khả năng tiến rất xa.
Vượt qua thử thách
Đúng lúc đó, hoàng tử Joseph, là con trai cả của Theresa, một người cũng có nhiều năm học tập âm nhạc, tiến lại trao cho Mozart một cây violon và nói giọng thách thức:
– Cậu bé quê mùa, còn đủ sức chơi thêm một bản nữa không?
Mozart nhìn thẳng vào mắt Joseph và đỡ lấy cây đàn. Sau khi biểu diễn nhiều, cậu đã rất mệt. Lướt nhìn quanh như muốn tìm một hình ảnh nào đó quen thuộc, ánh mắt cậu dừng lại trước công chúa út đang ngồi ngoan ngoãn trên chiếc đệm gần nữ hoàng.
Cô bé mặc áo xa-tanh mầu hồng, thêu thùa rất đẹp. Cô có đôi mắt đầy thiện cảm, đang mở to nhìn Mozart, trông cô giống như Louisa, người bạn thân thiết nhất của Mozart đang sống ở Salzburg.
Cảm giác đó làm Mozart vui hẳn lên, cậu nhắm mắt lại, nghiêng người, đưa chiếc ác-sê lướt trên dây đàn, một dòng âm thanh óng mượt và trong vắt như từ trên trời buông xuống, trong giây lát, căn phòng bỗng trở nên lặng tờ.
Mozart đã ứng tác bản nhạc thật hay, thật bất ngờ mà không hề chuẩn bị trước. Khi tiếng nhạc dứt, cậu phải nghiêng mình đáp lễ đến bốn năm lần mà tiếng hoan hô vẫn vang lên.
Quay người lại phía nữ hoàng định chào lần cuối, bỗng nhiên, Mozart thấy choáng váng, mọi vật chao đảo, cậu bước thêm một bước và ngã nhào xuống tấm thảm trên sàn.
Lòng tốt của công chúa út Toni
Viên quan hầu đứng ở gần cửa kêu lên, vội bước tới, nhưng công chúa út đã nhanh hơn, cô vụt nhảy khỏi chỗ ngồi, chạy lại đỡ Mozart dậy. Mozart ngẩng đầu lên và nhìn thấy ánh mắt đầy ân cần, trìu mến đang nhìn mình tha thiết.
– Louisa!- Mozart buột miệng kêu lên.
– Không phải Louisa đâu! Tôi là Tô-ni! Mà thôi, cậu đừng xấu hổ nhé! Cái sàn này trơn lắm. Mọi ngày chơi ở đây, tôi vẫn bị ngã luôn ấy mà!
Những lời an ủi giản dị, thân tình ấy làm Mozart muốn khóc lên vì cảm động. Cậu lập cập đứng thẳng dậy, không biết nói gì, nước mắt cứ định trào ra. Công chúa nắm tay Mozart dắt cậu lại gần chiếc ghế của Theresa, nữ hoàng hỏi:
– Con có đau không?
Mozart nhìn công chúa Tô-ni với ánh mắt biết ơn, trả lời:
– Con không sao ạ! Công chúa thật tốt bụng! Khi lớn lên, lệnh bà cho cô ấy kết bạn với con được không ạ? Con thích sẽ được chơi thân với cô ấy!
Tô-ni nói ngay:
– Sao lại không? Thưa mẫu hậu, con cũng thích được chơi với cậu nhạc sĩ này. Mẫu hậu sẽ đồng ý chứ?
Nữ hoàng Theresa trong lúc đang có tâm trạng phấn chấn liền cười và nói vui:
– Để sau này ta nhận nó vào cung dạy nhạc cho con nhé ! Sẽ tha hồ mà kết thân với nhau!
Tức thì, công chúa Tô-ni vòng tay ôm hôn mẹ, trông cô bé có vẻ rất sung sướng, còn Mozart thì đứng ngây người không biết sao.
Nhưng về sau, tình bạn ấy chẳng bao giờ diễn ra, Toni xinh đẹp tốt bụng về sau đã trở thành hoàng hậu nổi tiếng Marie Antoinette của nước Pháp và nàng có kết cục đau thương là phải lên đoạn đầu đài khi cuộc cách mạng Pháp nổ ra.
Nhưng, lòng tốt và sự thiện tâm của nàng công chúa bé nhỏ khi cậu bé ngã ngất đi tại hoàng cung nước Áo thì mãi khắc ghi trong tâm hồn nhạc sĩ thiên tài suốt cả cuộc đời. Như ngạn ngữ có câu:
“Lòng tốt là thứ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể nhìn thấy…”
Phải chăng chính vì vậy mà Mozart đã để lại cho đời câu danh ngôn bất hủ của ông:
“Sự thông minh hay trí tưởng tượng ngất trời, hay thậm chí cả hai kết hợp cùng nhau cũng không làm nên thiên tài. Yêu thương, yêu thương, yêu thương, đó chính là linh hồn của một thiên tài.”
Cùng thưởng thức bản nhạc nổi tiếng nhất của Mozart – Turkish March (hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ), biểu diễn bởi nghệ sĩ piano LANG LANG:
Bạn đang đọc bài viết: “Câu chuyện âm nhạc: Bản nhạc ngẫu hứng tuyệt đẹp của cậu bé thiên tài Mozart trong Hoàng cung Áo hoa lệ” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.nghethuat@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |