Đại Kỷ Nguyên

Như liễu như tơ, như hoa như ngọc, điều gì đặc biệt trong giọng ca và vì sao nữ ca sĩ tài hoa bạc mệnh?

Ngọc Lan là một nữ ca sĩ đặc biệt không giống bất kỳ ai: cô hiền dịu, nhút nhát và khiêm tốn. Tài năng và chất giọng thiên phú đã đưa cô lên đỉnh cao trên bầu trời âm nhạc nhưng không vì thế cô thay đổi bản chất của mình… Người ta luôn hỏi tại sao khán thính giả lại yêu quý cô đến thế, mà cô lại ra đi sớm như thế?

Từ lâu, hình ảnh nữ ca sĩ có gương mặt luôn phảng phất buồn ngồi trong buổi chiều mùa đông, ôm một chú cừu cũng thật là hiền dịu đã ăn sâu vào lòng bao thế hệ khán giả, những người yêu quý và hâm mộ cô, từ tài năng đến phẩm cách.

Nữ ca sĩ đã ra đi, nhưng cô vẫn luôn hiện hữu trong lòng những khán giả mến mộ….

Chất giọng thiên phú của Ngọc Lan đặc biệt ở điểm nào?

Theo phân tích của các chuyên gia thanh nhạc, Ngọc Lan có một chất giọng không thể lẫn vào đâu. Thế mạnh lớn nhất trong giọng ca của cô là âm sắc giọng vô cùng đẹp, có thể xếp vào top những nữ cao có giọng hát đẹp nhất Việt Nam (cô có giọng light lirico soprano, giọng cao trữ tình sáng mảnh).

“Tiếng hát của cô lúc nào cũng mềm mại, ngọt ngào, có độ xốp nên ấm áp, trơn tru như dòng suối. Đó là tiếng hát quý phái, sang trọng, toát lên sự đài các như một tiểu thư liễu hạnh.”

Ngọc Lan sở hữu chất giọng light lirico soprano thuần kim nên sáng, mảnh, nhẹ và trong trẻo, nhưng lại không hề chói, gắt như nhiều giọng kim khác mà vẫn mềm mại, ấm áp. Đó chính là điểm mà các chuyên gia thanh nhạc đánh giá là đặc biệt nhất ở Ngọc Lan.

Ở âm khu thấp, Ngọc Lan có thể hát note trầm trên các từ có thanh 3 (thanh sắc) vốn là thanh điệu mang âm điệu cao, bổng trong tiếng Việt.

Thông thường, Ngọc Lan sẽ nhấn vuốt vào nguyên âm phụ sau khi nhả chữ để làm mềm câu hát, khiến nó trở nên ngọt ngào, trữ tình hơn.

Chính điều này tạo nên màu sắc riêng và khiến giọng hát của Ngọc Lan trở lên đầy đặn, có độ mượt và êm.

Giọng ca nữ tính một cách đặc biệt

Bất cứ một người nghệ sĩ nữ nào cũng mang theo phẩm chất giới tính của mình vào hoạt động nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng biết cách thể hiện nó một cách tốt nhất. Ngọc Lan là một trong số ít nghệ sĩ nữ biết phát huy phẩm chất giới tính của mình vào ca hát, dùng nó để phát triển lối hát mới – lối “hát điệu”, rất phù hợp với những giọng light lirico soprano nhẹ nhàng.

Quả thực mà nói, hiếm có ca sĩ nào hát điệu mà vẫn hấp dẫn, sang trọng, và sâu lắng như Ngọc Lan. Giọng cô ngọt như rót mật vào tai, mềm mại, êm dịu, quý phái.

Giọng hát của Ngọc Lan hát tự nhiên như hơi thở vậy. 

Giọng ca Ngọc Lan tự nhiên như hơi thở, cô hát như kể chuyện thầm thì…

Cái nữ tính trong giọng Ngọc Lan được thể hiện một cách tự nhiên vừa phải, lại kiểm soát kĩ trong giọng hát và dồn nhiều chiều sâu tâm hồn chứ không quá nặng biểu diễn, giúp cho giọng hát của cô tự nhiên hơn, ngọt ngào hơn, cảm xúc hơn, như đang tự sự một câu chuyện tình vậy.

Thậm chí, lối hát điệu này còn giúp cô bật được chất sáng trong âm sắc giọng của mình lên.

Để “hát điệu” một cách quý phái và cảm xúc như vậy, Ngọc Lan thường dịch chuyển vị trí âm thanh lên đầu mỗi khi rung ngân để tạo độ xốp cho giọng hát, giúp mềm và ngọt. Cô cũng thường hát đóng khẩu hình, nhấn vào các phụ âm đóng đứng sau để luyến rất nhẹ, tạo một sự da diết, thiết tha đến khó tả.

Buồn đã trở thành điểm cố hữu trong giọng ca của Ngọc Lan

Điểm đặc biệt nữa trong giọng hát của Ngọc Lan là chất buồn. Ngọc Lan hát rất buồn, cái buồn trở thành bản chất cố hữu trong giọng hát của cô, nên dù có hát những giai điệu nhịp nhanh vui tươi, nhanh mạnh thế nào thì vẫn cứ man mác buồn.

Ngọc Lan thường hát theo lối lơ đãng, kèm theo nhả chữ kéo dài phụ âm cuối, tạo nên sự da diết. Cái buồn cố hữu biến Ngọc Lan thành nữ hoàng của những bản nhạc buồn. Thật khó mà tìm được ca sĩ nào có thể hát buồn được hơn cô.

Quãng trầm được Ngọc Lan thể hiện tuyệt vời, khiến giọng hát có sức nặng và sâu chứ không hời hợt

Quãng trầm của Ngọc Lan khiến giọng cô rất có sức nặng và sâu…

 Dù là một giọng light lirico soprano sáng mảnh, nhưng Ngọc Lan có thể xuống được quãng trầm một cách thoải mái, cô có thể hát liên tục âm khúc thấp rong một đoạn dài, vì thế giọng hát của cô dù thanh mảnh nhưng vẫn có sức nặng và sâu chứ không hời hợt.

 Ca khúc Chiều một mình qua phố của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở cuối bài là minh chứng rõ rệt cho sự đa màu trong quãng giọng của Ngọc Lan, khi cô đổi giọng, đổi tone liên tục để hát hai âm khu thấp và cao đan xen nhau, mà vẫn hoàn toàn nuột nà.

Quãng trầm của Ngọc Lan luôn kết nối tốt với các quãng khác theo mạch liền giai điệu, không bị chênh, giật, hay lạc điệu, nghe rất tự nhiên, dễ chịu.

Vì sao người ta nói cô như một quý cô Châu Âu bước vào nhạc Việt?

Như một quý cô châu Âu hiền dịu bước vào làng nhạc Việt, với đôi mắt đượm buồn…

Nếu ai biết tiếng Pháp còn có thể thấy Ngọc Lan có kĩ thuật xướng nguyên âm (vocalize) rất điêu luyện và quyến rũ, thuộc bậc nhất ở Việt Nam. Có thể nghe một số ca khúc cô hát bằng tiếng Pháp để thấy được điều đó như Encore, Lui, Comme toi, Femme amoureuse… để thấy được điều này.

Ở đây, ta bắt gặp điểm chung giữa Ngọc Lan và các diva thế giới như Celine Dion, Lara Fabian là dùng nasal voice (đặc trưng giọng Pháp, gọi là giọng mũi) rất tinh tế, sang trọng và đầy quý phái. Có thể nói Ngọc Lan như một quý cô châu Âu bước vào nhạc Việt vậy.

 Hãy nghe các ca khúc Pháp cô hát cuối bài để thấy đẳng cấp nasal phrase của Ngọc Lan khi hát tiếng Pháp, sang trọng và đẹp đến khó tả.

Vì sao cô có vị trí thứ 3 trong âm nhạc Trịnh?

Tuổi đá buồn, hay Chiều một mình qua phố của Trịnh Công Sơn ở Ngọc Lan là một bản tình ca khác biệt…

Nhắc tới nhạc Trịnh Công Sơn, người ta thường nghĩ tới Khánh Ly, Hồng Nhung, nhưng vị trí thứ ba dường như được ưu ái dành cho Ngọc Lan. Chính cô đã đem đến một trường phái mới cho nhạc Trịnh bằng cách hát riêng của mình. Nếu Khánh Ly hát nhạc Trịnh theo lối âm tính đúng đặc trưng alto, Hồng Nhung chọn lối hát dương tính của một dugazon soprano, thì Ngọc Lan lại hát với đúng chất buồn có sẵn của mình, trong chất giọng nữ cao trữ tình sáng mảnh khác biệt.

Đó là cái chất buồn nảy nên từ sự mỏng manh, tinh khối trong giọng hát. Chúng ta biết rằng nhạc Trịnh thường hát về những bóng hồng, vậy thì liệu ai có thể truyền tải cái bóng hồng ấy tốt hơn một bóng hồng biết hát như Ngọc Lan?

Khi nghe lại những ca khúc như Diễm xưa, Chiều một mình qua phố, Tuổi đá buồn… chúng ta thấy được sự xuất sắc của Ngọc Lan, từ cách nhả chữ đến dùng giọng pha ở quãng trung đều mới lạ và thổi một ngọn gió mới vào nhạc Trịnh.

Ngọc Lan hát “Tuyết rơi” (Tombe la neige), nhạc Pháp: Salvatore Adamo sáng tác năm 1963, lời Việt: nhạc sĩ Phạm Duy

Ngọc Lan với hit “Mưa trên biển vắng” (Je ne pourrais jamais t’oublier), nhạc Pháp: Emil Dimitrov và Patricia Carli sáng tác năm 1970, lời Việt: Nhạc sĩ Nhật Ngân

Ngọc Lan hát “Chiều một mình qua phố” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Thay cho lời kết phần 1:

Ngọc Lan rời cõi tạm khi còn xuân sắc, mới 44 tuổi. Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã dành 2 câu thơ để nói về Ngọc Lan:

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

Dịch nghĩa:

Người đẹp từ xưa như các bậc danh tướng
Không muốn thiên hạ thấy mình lúc tàn xuân.

Hình ảnh và tiếng hát Ngọc Lan mãi định tại nơi xuân sắc đó trong lòng những người yên mến cô… 

Hết phần 1. 

Mời độc giả đón xem tiếp phần 2: Sự nghiệp đồ sộ nhưng vì sao Ngọc Lan không bao giờ mắc bệnh ngôi sao? 

Hà Phương Linh (tổng hợp và biên soạn)

 

Exit mobile version