Được xây dựng cách đây gần 80 năm, nhà thờ St. Mark ở Belgrade, vẫn luôn là một biểu tượng tôn giáo, văn hóa và kiến trúc đáng tự hào của người Serbia, và không ngừng được làm cho đẹp thêm bởi các nghệ nhân của đất nước này.
Serbia là quốc gia Kitô giáo truyền thống kể từ thế kỷ thứ 9 khi các nhà truyền giáo Kitô giáo Byzantine – Cyril và Methodius – thực hiện Kitô giáo hóa người Serbia. Hầu hết, dân số Serbia là Cơ đốc giáo chính thống (hơn 80% dân số), sau đó mới đến Công giáo La Mã, Hồi giáo, Tin lành, Do Thái, v.v.
Belgrade, thủ đô của Serbia đồng thời cũng là trung tâm của sự đa dạng văn hóa. Nhiều nhà thờ, tu viện và đền thờ cùng tham gia vào vẻ đẹp kiến trúc của Belgrade. Nổi tiếng nhất là Nhà thờ Saint Sava – một trong những nhà thờ lớn nhất thế giới – và sau đó là nhà thờ Thánh Marko (St. Mark), cũng nằm trong số những công trình nổi bật nhất ở Belgrade.
Nhà thờ St. Mark, dành riêng cho Thánh tông đồ và nhà truyền giáo Mark, nằm cạnh Công viên Tasmajdan, được xây dựng trong thời kỳ hòa bình tạm thời khoảng năm 1931 và 1940. Nó chiếm vị trí là nhà thờ lớn nhất của người Serbia cho đến khi Nhà thờ St. Sava được trùng tu.
Đây là một nhà thờ rất đẹp và độc đáo với kiến trúc thú vị và bắt mắt. Các bức tường bên ngoài chủ yếu có hai màu đỏ nâu đậm và nâu nhạt của vật liệu tự nhiên theo phong cách Serbo-Byzantine. Giống như nhiều nhà thờ khác được xây dựng theo phong cách Byzantine, nó cũng có những tòa tháp hình vòm, trông tuyệt đẹp vào ban đêm khi được thắp sáng. Tuy nhiên đây cũng là một nhà thờ có kiến trúc riêng độc đáo, như một mô hình sao chép từ thời trung cổ. Tháp chuông nhà thờ được đặt ở phía tây.
Nội thất nhà thờ thu hút sự chú ý với tràn ngập các bức bích họa và biểu tượng nổi tiếng, với tác phẩm của một số họa sĩ được yêu thích nhất ở Serbia tô điểm cho các bức tường. Nội thất rộng lớn với rất nhiều biểu tượng mạ vàng và tranh khảm tuyệt đẹp. Bên cạnh chiếc đèn nến chùm rất lớn ở trung tâm, còn có rất nhiều khu vực để đốt nến và cầu nguyện. Không gian rộng lớn và yên tĩnh tỏa hào quang của sự yên bình.
Nhà thờ St. Mark như hiện nay được thiết kế bởi hai anh em Petar và Branko Krstić (cả hai đều là giáo sư của Khoa Kiến trúc Đại học Belgrade), phỏng theo kiến trúc của Tu viện Gračanica, và được hoàn thành vào năm 1940, trên địa điểm ở phía bắc của nhà thờ St. Mark cũ (có niên đại từ năm 1835 nhưng đã bị phá hủy vào năm 1941). Sự phát triển nhanh chóng của thành phố và sự gia tăng dân số vào đầu thế kỷ 20 là nguyên nhân của việc xây dựng ở khu phố Palilula của Belgrade một nhà thờ lớn hơn nhà thờ cũ, chính là nhà thờ St. Mark ngày nay. Tuy nhiên vào thời điểm đó, sự bùng nổ của Thế chiến II đã làm gián đoạn việc hoàn thành nhà thờ. Chỉ có công việc xây dựng được hoàn thành. Còn các phần nội thất, trang trí, sơn bích họa, ánh sáng, âm học, sưởi ấm và thông gió chỉ bắt đầu được làm sau năm 1948. Sau này, toàn bộ nội thất đã được sơn theo kỹ thuật bích họa. Các công việc hoàn thiện nhà thờ thậm chí vẫn đang được làm cho tới tận ngày nay.
Nhà thờ St. Mark có chiều dài 62 mét, rộng 45 mét, và chiều cao của vòm chính đến chân cây thánh giá là 60 mét. Diện tích bề mặt bên trong có thể sử dụng của nhà thờ là khoảng 1.150 mét vuông. Gian giữa của nhà thờ có thể chứa hơn 150 ca sĩ thánh ca. Nhà thờ có thể tiếp nhận cùng lúc hơn 2.000 tín đồ.
Phía trên cửa vào nhà thờ ở mặt tiền bên ngoài là một biểu tượng khảm của Thánh Tông đồ và nhà truyền giáo Mark – công trình của Veljko Stanojević vào năm 1961. Tầng gác trong nhà thờ được làm từ năm 1974, trong khi sàn của khu vực ở phía trước của biểu tượng và bệ thờ (thánh đường) được lát đá cẩm thạch vào năm 1991.
Biểu tượng của nhà thờ, được thiết kế bởi kiến trúc sư và giáo sư Zoran Petrović, có từ năm 1991 – 92 và được làm bằng đá cẩm thạch, trong khi các biểu tượng bên trong được thực hiện qua bức tranh khảm, tác phẩm của họa sĩ hàn lâm Duro Radulović từ 1996-98. Bệ thờ cũng được làm bằng đá cẩm thạch với những bức tranh khảm nhỏ hơn ở phía trước. Ở giữa nhà thờ, bên dưới mái vòm trung tâm là một chiếc giá treo nến lớn bằng đồng theo thiết kế của Dragomir Tadić năm 1969, và được làm bởi một nhà điêu khắc phái Học viện là Dragutin Petrović.
Kho báu của nhà thờ, hiện đang nằm trong một căn phòng ở phía nam, là một bộ sưu tập phong phú của các biểu tượng và đồ tạo tác quý giá. Các biểu tượng có giá trị nhất là Theotokos với Chúa Kitô từ thế kỷ 16; Chúa Kitô trên ngai vàng, một biểu tượng từ cuối thế kỷ 18; Thánh Nicholas trên ngai vàng, Hoàng đế Constantine và Hoàng hậu Helen, một biểu tượng từ nửa đầu thế kỷ 19; Nhà tiên tri Daniel và Thánh John the Baptist, một biểu tượng từ năm 1863; Thánh Sava của Serbia, một biểu tượng từ năm 1870; Thánh tông đồ và nhà truyền giáo Mark, một biểu tượng từ cuối thế kỷ 19; ‘Phán xét cuối cùng‘, một biểu tượng từ cuối thế kỷ 19; Thánh George giết rồng, một biểu tượng từ năm 1926; cùng rất nhiều biểu tượng khác. Các biểu tượng này chủ yếu là tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng và họa sĩ biểu tượng của thế kỷ 19 và 20, như Steva Todorović, Nikola Marković, Dimitrije Posniković, Vladimir Vojnović, Pavle ortanović…
Hiện tại các nghệ sĩ vẫn đang khôi phục tỉ mỉ các bức tranh khảm ở trung tâm nhà thờ.
Lịch sử nhà thờ St. Mark cũ.
Nhà thờ St. Mark nguyên bản bằng gỗ , được xây dựng vào thời của Petar Jovanović (1833 – 1859), trong một khu nghĩa trang. Đó là một tòa nhà hình chữ nhật có kích thước bề mặt bên ngoài là 11,5 x 21m và bên trong là 7,75 x 17,46m. Nhưng nó đã bị phá hủy trong Thế chiến I bởi quân đội Áo, sau đó được xây dựng lại vào năm 1917. Tới năm 1941 nó lại một lần nữa bị phá hủy trong vụ đánh bom Belgrade của không quân Đức. Vào năm 1942, phần còn lại của nhà thờ gốc cổ xưa này đã bị dỡ bỏ hoàn toàn.
TH từ các nguồn: TripAdvisor Singapore, Belgrade Spots, WikilpediA, Feel Belagrade và Belgrade-at-night
Bạn đang đọc bài viết: “Nhà thờ St. Mark, công trình kiến trúc đáng tự hào của người Serbia” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.nghethuat@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |
Clip hay: