Đại Kỷ Nguyên

Triển lãm tại New York vinh danh di sản nghệ thuật rực rỡ của Hy Lạp cổ đại

Hy Lạp cổ đại là một nền văn hóa có ảnh hưởng sâu sắc đến các nền văn minh phương Tây. Phần lớn các tư tưởng chính trị, tư tưởng nghệ thuật, khoa học và văn học ngày nay đều chịu ít nhiều ảnh hưởng. Vì thế, những gì còn lưu lại của Hy Lạp cổ đại là di sản quý giá giúp ta hiểu rõ hơn về nền văn minh rực rỡ này.

Tàn tích Pegamon 

Thành phố cổ Pergamon được phát hiện bởi kỹ sư người Đức Carl Humann vào những năm 1860. Vào thời điểm đó, ông đang thực hiện các cuộc khảo sát đất đai để sửa chữa đường sắt. Ông phát hiện cư dân địa phương đang đốt những mảnh tượng đá cẩm thạch cổ để làm vôi. Từ đó nơi này đã trở thành một dự án khai quật khảo cổ, tiến hành trong 138 năm qua. Ngày nay, các kiến trúc đô thị quan trọng nhất đã được khai quật tại thành cổ Pergamon.

Pergamon xưa là thủ đô của triều đại Atalus. Họ cai trị hầu hết Tiểu Á từ năm 281 đến năm 133 trước Công nguyên. Địa danh hiện đại được Thổ Nhĩ Kỳ đặt là Bergama. Những tàn tích của thành phố cổ sừng sững trên những ngọn đồi là minh chứng cho vương quốc vĩ đại cùng văn hóa của họ. Đây chỉ là một trong nhiều vương quốc thuộc Hy Lạp do Alexander Đại đế để lại sau các trận chiến ở Tây Á và Bắc Phi.

Triển lãm tại New York vinh danh bộ sưu tập 

Một số di sản quý giá từ di tích đó đang được đặt tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. Chúng được sưu tầm từ nhiều bộ sưu tập khác nhau trên khắp thế giới, trưng bày cho công chúng dưới danh hiệu tôn vinh: “Pegamon và Vương quốc Hy Lạp của thế giới cổ đại“.

Đây là “triển lãm cho mượn xuyên quốc gia” đầu tiên ở Hoa Kỳ với chủ đề nghệ thuật Hy Lạp. Thời kỳ Hy Lạp cổ đại thường được hiểu là thời kỳ lịch sử gắn liền với cái chết của Alexander (năm 323 trước Công nguyên), cho đến cái chết của Cleopatra (sự sụp đổ của Vương quốc Ptolemy).

Hiện vật bao gồm đồ trang sức bằng vàng và bạc, các sản phẩm thủ công, đồ thủy tinh sang trọng, cũng như các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch và đồng. Tất cả thể hiện sự đổi mới cùng tay nghề thủ công tinh xảo trong cung điện hoàng gia thời đại Hy Lạp cổ.

Vương miện Hercules, được tạo ra trong thời kỳ Hy Lạp cổ đại, năm 200-150 TCN, được làm bằng vàng và mã não. Bộ sưu tập của Bảo tàng Di sản Nhà nước Munich. (Ảnh: Kati Vereshaka/epochtimes)

Những báu vật nguy nga lộng lẫy

Trong bài phát biểu khai mạc triển lãm, người phát ngôn chính – Carlos A. Picón – đã thừa nhận rằng muốn thông qua lần triển lãm này mà thể hiện toàn diện văn hóa nghệ thuật của vương quốc Hy Lạp cổ đại. Đồng thời, ông lưu ý rằng nghệ thuật Hy Lạp cổ đại thường vượt qua giới hạn về phong cách của địa khu này.

Picón cũng tiết lộ, rằng hơn 260 hiện vật trong triển lãm đến từ hơn 50 nhà sưu tầm ở 12 quốc gia. Tất cả cùng nhất trí mục tiêu hoàn thành  “một nhiệm vụ khó khăn“.

Hình ảnh toàn cảnh cho thấy khung cảnh phục dựng của Pergamon, thủ đô nổi tiếng nhất của vương quốc Hy Lạp cổ đại, vào năm 129 TCN. (Ảnh: Kati Vereshaka/epochtimes)

Bức ảnh trên cho thấy sự hối hả và nhộn nhịp của thành phố, sự hùng vĩ của cung điện, nhà hát lớn khổng lồ nơi nhiều khán giả chờ đợi xem những vở hí kịch. Bức ảnh này bổ sung một yếu tố sống động cho triển lãm; với hoạt động xã hội nơi cổ nhân sinh sống thực sự phức tạp và đáng ca ngợi.

Huy chương bạc mạ vàng với đầu nhân mã Silenus, được tạo ra trong thời kỳ Hy Lạp năm 200-150, được lưu giữ trong Bảo tàng Quốc gia Berlin. (Ảnh: Kati Vereshaka/epochtimes)

Thành phố Pergamon từng là một trung tâm văn hóa và thương mại. Thư viện ở đó được ca ngợi là thư viện lớn thứ 2 chỉ đứng sau thư viện của thành phố Alexandria ở Ai Cập. Triều đại Attalus tích cực thúc đẩy nghệ thuật và khoa học, cho phép các thành phố Hy Lạp duy trì độc lập và lấy cảm hứng từ kiến trúc của Athens. Thành phố Pergamon chính là một ví dụ điển hình.

Nữ thần trí huệ Athena

Tác phẩm điêu khắc lớn nhất trong triển lãm là bức tượng tưởng niệm Athena (là nữ thần của trí huệ) đứng trước thư viện lớn Pergamon. Bức tượng được khắc từ bàn tay của Phidias nổi tiếng.

Bức tượng cẩm thạch nữ thần Athena, được làm  vào khoảng năm 170 TCN, phỏng theo bức tượng bằng ngà voi được làm bởi Phidias, được lưu trữ trong Bảo tàng Quốc gia Berlin. (Ảnh: SMB/Antikensammlung)

Không có tác phẩm nào khác của Phidias tồn tại cho đến ngày nay, vì vậy bức tượng này chính là một lối tắt để chúng ta hiểu phong cách nghệ thuật của Hy Lạp. Bức tượng nữ thần Athena này là phỏng theo một trong hai bức tượng ngà voi do Phidias sáng tạo (Bức còn lại là hình tượng thần Zeus của Đền Olympian Zeus). Hai bức tượng điêu khắc bằng ngà voi này đã ảnh hưởng đến tất cả các nhà điêu khắc của các thế hệ sau này.

Lần đầu tiên, triển lãm này trưng bày một số tác phẩm điêu khắc Hy Lạp và đồ thủ công trang trí công phu được tìm thấy trên hai con tàu đắm cổ: Antikythera ở vùng biển Hy Lạp và Mahdia trên bờ biển Tunisia. Điều này cho chúng ta thấy hàng hóa đã được chuyển đến các nước phương Tây ngay từ thế kỷ 1 sau Công nguyên.

Bức tượng một thanh niên trẻ bằng đá cẩm thạch, được tạo ra vào cuối thời Hy Lạp cổ đại – đầu thế kỷ 1 TCN, được tìm thấy trong con tàu đắm Antikythera vào năm 1900-1901 và được lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Athens. (Ảnh: Kati Vereshaka/epochtimes)
Chiếc cốc hình nhân mã, được sản xuất trong thời kỳ Hy Lạp khoảng năm 160 TCN, mạ bạc, được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Vienna. (Ảnh: Metropolitan, New York)

Nghệ thuật Hy Lạp cổ được người La Mã ngưỡng mộ 

Triển lãm cũng bao gồm nhiều tác phẩm từ cuối thời Hy Lạp và Đế chế La Mã. Điều đó minh họa cho sự bảo vệ vô điều kiện của người La Mã đối với nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Một số tác phẩm Hy Lạp cổ đại đã được sao chép lại vào thời kỳ đầu của Đế chế La Mã.

Các quý tộc La Mã đã mời các giáo viên người Hy Lạp đến dạy cho con cái họ. Khi các tướng lĩnh La Mã trưng bày các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp như chiến lợi phẩm, người dân La Mã bắt đầu tìm kiếm tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp để bày biện trong nhà. Nhu cầu về tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp đã tăng cao đến nỗi các thợ thủ công Hy Lạp đã phải chuyển đến La Mã để làm việc.

Một ví dụ nổi bật về hiện tượng này là tác phẩm La Mã Ba Tư và một tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch của người La Mã Gallo, tất cả là các bản sao Hy Lạp bởi Đế chế La Mã vào đầu thế kỷ thứ 2.

Khán giả cũng sẽ được chiêm ngưỡng tượng Aristotle hùng vĩ và bức tượng Homer cũ bằng đá cẩm thạch, cũng là một bản sao bởi Rome, để lộ ra một số đặc điểm không lý tưởng trên hai pho tượng vĩ đại này.

Bức tượng bán thân Homer bằng đá cẩm thạch (khoảng 750-700 năm trước), một bản sao của bức tượng đồng Hy Lạp thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên vào đầu thế kỷ 1, được phát hiện ở Ý vào năm 1780 và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Anh ở London. (Ảnh: Kati Vereshaka/epochtimes)

Vũ công duyên dáng

Ngoài những bức tượng bằng đá cẩm thạch hùng vĩ và đồ trang sức tinh xảo, có lẽ hấp dẫn nhất trong toàn bộ triển lãm là một tác phẩm điêu khắc bằng đồng mô tả một vũ công đeo mặt nạ. Bức tượng này ước tính được làm trong thời kỳ Hy Lạp cổ vào thế kỷ thứ 2, tới thứ 3 trước Công nguyên.

“Vũ công đeo mặt nạ” – tượng đồng, công trình thế kỷ 2, lưu giữ trong Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York. (Ảnh: Kati Vereshaka/epochtimes)

Bộ quần áo bó sát và tấm màn che của người vũ nữ tạo ra tư thế vặn người nổi bật, cho thấy sự phổ biến của nghệ thuật múa vĩ đại của quá khứ và hiện tại. Bức tượng toát lên vẻ cao quý và bí ẩn, với bước chân xoay vòng, cùng với sự đơn giản. Xem bức tượng này, khán giả có thể hiểu tại sao các nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại rất được hoan nghênh vào thời điểm đó.

Bên phải là tác phẩm điêu khắc người La Mã Gallo bằng đá cẩm thạch. Ở giữa là bức tượng La Mã Ba Tư, được tạo ra từ thời Đế chế La Mã vào đầu thế kỷ thứ 2 SCN, được lưu giữ tại Bảo tàng Vatican. (Ảnh: Kati Vereshaka/epochtimes)

Triển lãm này chứa đựng trong nó những vẻ đẹp và sự hoàn hảo vô song. Người xem dễ dàng hiểu được nghệ thuật cổ điển đã được khích lệ như thế nào. Tất nhiên, có những yếu tố chủ quan trong đánh giá nghệ thuật, nhưng thời gian sẽ luôn là câu trả lời.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Clip hay:

Exit mobile version