Đại Kỷ Nguyên

Nghệ thuật chụp ảnh các loài chim trong thiên nhiên

chụp ảnh các loài chim

Chụp ảnh các loài chim trong thiên nhiên vừa dễ vừa khó. Dễ là vì chúng đa dạng và có mặt ở khắp mọi nơi. Khó là vì để chụp được chúng, bạn cần có những kỹ năng nhất định, trang bị đồ nghề phù hợp và phải có hiểu biết về thói quen sinh hoạt của chúng.

Đối với các nhiếp ảnh gia chụp chim, mùa chim di cư ở Bắc bán cầu là thời điểm tuyệt vời nhất trong năm. Bộ lông chim trong mùa sinh sản có đủ loại màu sắc. Chim trống thường xòe cánh để quyến rũ chim mái. Nhiều loài chim khác nhau có thể xuất hiện trên đường bay di cư đi tới địa điểm làm tổ của chúng. Các nhiếp ảnh gia được thoải mái trải nghiệm những khoảnh khắc tuyệt vời với những loài chim lớn nhỏ và đa dạng.

Chim sẻ đất màu chàm. (Ảnh: Sheen Watkins)

Điều gì khiến cho một bức ảnh chụp chim đẹp? Đó chính là đôi mắt chim phải sắc nét, các chi tiết của bộ lông phải cân bằng với hậu cảnh không bị nhiễu loạn. Một bức ảnh chụp chim tốt có thể được dùng làm hình ảnh nhận dạng loài chim đó khi chụp được các đặc điểm rõ ràng và độc đáo. Một bức ảnh đẹp loại khác có thể là mô tả con chim đang hoạt động trong bối cảnh môi trường sống tự nhiên của nó.

Chụp ảnh chim đòi hỏi phải có một mức độ thành thạo nhất định, nhưng bạn cũng không cần phải là bậc thầy mới chụp được những bức ảnh chim tuyệt vời. Sự kiên nhẫn, chăm chỉ thực hành và các đồ nghề phù hợp là những yếu tố nền tảng để cải thiện trình độ trong bất kỳ sở thích hoặc nghề nghiệp nào. Đối với chụp ảnh chim thì các hiểu biết của người chụp về chim, chẳng hạn như về môi trường sống, hành vi và dấu hiệu của chúng cũng sẽ tạo nên sự khác biệt.

Điệu múa xòe. (Ảnh: Sheen Watkins)

Kiên nhẫn và chăm chỉ thực hành

Nghe những lời khuyên kiểu này có thể làm bạn nhàm chán. Nhưng để cải thiện kỹ năng nhiếp ảnh của bạn, điều này đúng là rất quan trọng! Khi bạn đi vào thực tế xảy ra ngoài trời trong tự nhiên với những màu sắc, tiếng chim hót và thay đổi cảnh tượng các mùa, bạn sẽ không cảm thấy nhàm chán chút nào.

Chăm chỉ thực hành trong trường hợp này ngụ ý rằng bạn dành nhiều thời gian ở nơi mà các loài chim thường tới. Đây có thể là quan sát những con chim hoang dã trong một khu vực nơi chúng đã quen nhìn thấy con người. Nó có thể là một địa điểm nổi tiếng về chim di cư, nơi các loài chim dừng chân để nghỉ ngơi hoặc làm tổ.

Chăm chỉ thực hành giúp mài giũa kỹ năng lấy nét của bạn và thành thạo việc điều chỉnh các thiết lập. Đó còn là xem xét lại những bức ảnh mà bạn đã chụp và loại bỏ đi những gì bạn không thích. Thực hành cũng giúp bạn xem xét lại các thiết lập trong xử lý ảnh sau khi chụp để xác định các thiết lập tối ưu cho mỗi loài chim hoặc tình huống cụ thể. Ví dụ, một con chim nhỏ có thể đẹp hơn khi đặt độ sâu trường ảnh nông hơn. Một con chim lớn, chẳng hạn như một con cú mèo có thể đẹp hơn với độ sâu trường nhỏ hơn để có nhiều chi tiết của con chim được chụp nét hơn.

Chim diệc xanh. (Ảnh: Sheen Watkins)

Kiên nhẫn là thuộc tính gắn liền với chủ đề bạn chụp. Bạn đã chụp ba bức ảnh và bạn nghĩ thế là đủ. Nhưng số lượng đó chưa nói lên điều gì. Chắc chắn có những trường hợp bạn chỉ chụp một lần và đã thành công. Nhưng có nhiều trường hợp các chuyên gia cũng phải chụp một loài chim tới 10, 20, hoặc 100 lần mới có được tấm ảnh mà họ thực sự ưng ý.

Chẳng hạn nếu bạn muốn chụp một cảnh chim đang đậu, có thể sử dụng con chim đó để áp dụng các thiết lập đa thông số (multiple settings), bao gồm các lựa chọn về độ sâu trường. Bạn cũng có thể thực hiện một số thao tác đóng khung phơi sáng để sau đó có thể trộn các độ phơi sáng khác nhau trong Lightroom hoặc Photoshop.

Nếu bạn muốn chụp một con chim đang hoạt động, bạn hãy cố gắng theo dõi nó để có được những bức ảnh với nhiều bối cảnh và hành vi khác nhau, như kiếm ăn, tương tác với các loài chim khác, vươn cánh duỗi cánh và rỉa lông. Tất cả nỗ lực đó sẽ mang lại cho người xem nhiều thông tin thú vị hơn là chỉ một con chim đẹp đậu yên trên cành cây.

Chim chích phương Bắc. (Ảnh: Sheen Watkins)

Đối với những chú chim đậu trên cành cây khô, một số nhiếp ảnh gia thích chụp chúng, một số khác nghĩ rằng chúng rất nhàm chán. Đừng nên quan trọng hóa điều đó! Quan trọng là bạn nghĩ rằng nó có giá trị nghệ thuật. Như con chim sẻ dưới đây chẳng hạn, tác giả chia sẻ sẽ chụp nó vào bất cứ khi nào nhìn thấy nó đậu trên cành.

Chim sẻ đất nhiều màu. (Ảnh: Sheen Watkins)

Bộ đồ nghề chụp ảnh chim

Có hai khoản chính cần đầu tư mà ai cũng biết – máy ảnh và ống kính. Thứ ba là chân máy chất lượng tốt khi đồ nghề của bạn có những chiếc ống kính nặng hơn hoặc mở rộng các đối tượng chụp ảnh (chụp ảnh phong cảnh, chụp ảnh macro…). Bạn có cần ngay lập tức phải chi hàng ngàn đô la cho ống kính, máy ảnh, chân máy hay không? Một máy ảnh có cảm biến phân vùng (cropped sensor) chất lượng tốt cùng với ống kính 70-300mm sẽ là điểm khởi đầu đủ tốt để chụp chim. Nhiều nhà bán lẻ và nhà sản xuất cung cấp các gói với một vài ống kính theo bộ, bao gồm cả ống 70-300mm cho máy và ống kính tầm trung, với mức giá từ 700 – 1200 đô-la/bộ.

Chim bồng chanh. (Ảnh: traveltipsor.com)

Chất lượng của hình ảnh được xác định trước tiên bởi kỹ thuật của nhiếp ảnh gia. Có những bức ảnh được chụp bằng ống kính không đắt tiền lại đẹp hơn so với ống kính rất đắt tiền. Kỹ thuật chụp sẽ tác động đáng kể đến chất lượng bức ảnh trước khi bàn tới giá cả của ống kính. Tuy nhiên, người ta thường nói: “đắt sắt ra miếng”, một ống kính có tiêu cự cố định loại cao cấp sẽ vượt trội về chất lượng hình ảnh so với ống kính đi theo bộ, trong các thiết lập cho điều kiện ánh sáng yếu.

Chim chích bông. (Ảnh: traveltipsor.com)

Khi chụp chim bằng các ống kính có tiêu cự ngắn hơn và trọng lượng nhẹ hơn thì có thể cầm máy trên tay. Với các ống kính nặng, có thể sử dụng chân máy sợi carbon chắc chắn, với đầu chân máy được thiết kế đỡ được ống kính nặng. Chụp ảnh cùng chân máy dĩ nhiên sẽ làm chậm quá trình một chút, kết quả có thể là bỏ lỡ các bức ảnh. Tuy nhiên, chuyên gia nhiếp ảnh biết rằng sẽ giữ lại được nhiều ảnh hơn từ ống kính nặng khi chụp cùng chân máy hoặc khi đặt máy ảnh trên một số loại bệ đỡ bổ sung.

Chụp chim đang bay cần có ánh sáng tốt, tốc độ màn trập nhanh và tay cầm vững chắc, hoặc đầu chân máy có bộ xoay trơn tru. Các chuyên gia thường sử dụng khẩu độ lớn để có đủ sáng hơn và đặt tốc độ màn trập nhanh hơn, từ 1/1000 đến 1/1600 giây.

Chim cú mèo tai ngắn. (Ảnh: Sheen Watkins)

Về đèn flash, thực ra những con chim được chụp dưới ánh sáng tự nhiên sẽ đẹp hơn dưới ánh sáng đèn. Đèn flash có thể được sử dụng để lấp đầy ánh sáng bị thiếu và làm con chim lấp lánh hơn và tạo được cân bằng ánh sáng cho bức ảnh. Tuy nhiên tốt nhất là dùng ánh sáng tự nhiên, vì phần mềm xử lý ảnh hậu kỳ cũng có thể giúp nhấn mạnh và tăng cường ánh sáng hoặc cân bằng ánh sáng trong nhiều bức ảnh.

Chim cú tuyết. (Ảnh: Sheen Watkins)

Kiến thức về chim hữu ích cho chụp ảnh

Kiến thức về chim, như thói quen và tiếng hót của chúng, có được thông qua quan sát thực địa và liên tục tham khảo các sách hướng dẫn thực địa, sẽ giúp bạn dự đoán vị trí và thời điểm có thể bắt gặp chim. Những kiến thức này sẽ được tích lũy qua thời gian chụp ảnh chim lâu dài. Đối với những người mới làm quen với nhiếp ảnh chim, dưới đây là một vài mẹo để giúp tăng tốc độ thu thập kiến thức.

1. Có sách hướng dẫn thực địa tốt (Bird Guides)- nhiều trong số đó đang có sẵn bán trực tuyến – để giúp xác định hoặc tìm hiểu các loài chim mà bạn muốn chụp ảnh trong một khu vực nào đó.

(Ảnh: traveltipsor.com)

2. Hãy đi chụp cùng với những người nghiên cứu chim! Ngoài việc học cách chụp ảnh chim từ họ, để phát hiện ra chim cũng có thể là một thách thức cho bạn. Vì vậy hãy bám theo một chuyên gia về chim và họ chắc chắn sẽ vui lòng chỉ cho bạn những con chim khi phát hiện ra chúng. Họ còn có thể rất vui khi gây ấn tượng với bạn về kiến ​​thức về chim sâu rộng của họ.

Chim chích bông (Ảnh: Nick Athanas / traveltipsor.com)

3. Nói chuyện với các nhiếp ảnh gia về chim. Trên phương tiện truyền thông xã hội có nhiều nhiếp ảnh gia về chim rất giỏi và các trang web chia sẻ nghệ thuật nhiếp ảnh chim. Hãy xem kỹ các bức ảnh họ đã chụp. Có thể tìm kiếm bằng Google các hình ảnh theo tên các loài chim để có những ý tưởng.

Chim gõ kiến (Ảnh: traveltipsor.com)

4. Hãy tham dự các hội thảo về nhiếp ảnh chim. Những hội thảo loại này có thể ở cấp địa phương hoặc quốc tế. Các hội thảo sẽ cung cấp cơ hội để học không chỉ từ người hướng dẫn mà còn từ các học viên khác, trong đó luôn có nhiều kiến ​​thức và kỹ năng mà mọi người đều có thể học hỏi lẫn nhau.

Theo Sheen Watkins (loadedlandscapes.com)

Clip hay:

Exit mobile version