Đại Kỷ Nguyên

Nghệ nhân Du Diệu Hồng với nghệ thuật điêu khắc tượng hình người bằng đất sét giấy

Đất sét giấy là một nguyên liệu dùng để nặn tượng được chế biến từ bột giấy, phát triển ở Nhật Bản trong những thập kỷ gần đây. Khi nói đến đất sét giấy, nhiều người nghĩ về các tác phẩm nghệ thuật và đồ thủ công do sinh viên làm, bởi vì ở Đài Loan, đất sét giấy là vật liệu thường được sử dụng trong các khóa học nghệ thuật và thủ công của các trường đào tạo. Tuy nhiên, không giống như các công trình đất sét giấy đơn giản kia, tác phẩm điêu khắc tượng hình người của Diệu Hồng vô cùng tinh mỹ và tỉ mỉ, làm người xem phải trầm trồ thán phục.

Theo các sinh viên của ông, tác phẩm của Diệu Hồng là “huyền thoại”, mang phong cách đa diện. Ông có thể tạo ra pho tượng của một vị Thần hoặc Phật, những người trang nghiêm, thanh lịch trong phong cách truyền thống, hay một bức tượng người phụ nữ hiện đại với nhiều tư thế và đường nét duyên dáng.

Vào tháng 5 năm 2001, Du Diệu Hồng làm đại diện cho Đài Loan tham gia một cuộc triển lãm sáng tạo tượng hình người được tổ chức ở Tokyo; tác phẩm của ông đã trúng tuyển, nhờ có cơ hội này, ông đã trở thành giáo viên người Đài Loan duy nhất xây dựng công ty nổi tiếng về tạo tượng hình người tại Nhật Bản. Nhà điêu khắc tượng hình người có vẻ ngoài trẻ trung và nổi bật này đã ở đó trong 15 năm, giảng dạy cho hơn một nghìn sinh viên, gồm cả giáo viên nghệ thuật trong các trường học và các lớp bồi dưỡng tài năng.

Nghệ nhân Du Diệu Hồng (Ảnh: epochtimes)

Trong suốt 15 năm giảng dạy, Du Diệu Hồng đã dành hơn một thập kỷ để bắt chước các tác phẩm của người khác, nhằm trau dồi kỹ năng của mình; từ khi còn rất trẻ, ông đã luôn luôn cố gắng tìm ra phong cách sáng tạo cho riêng mình. Ngày nay, tác phẩm điêu khắc bằng đất sét giấy của ông đã trở thành độc nhất vô nhị ở Đài Loan. Lịch sử của ông về học tập và sáng tạo chắc chắn là một trong những ví dụ điển hình về một nghệ thuật gia trưởng thành mà không có giáo viên hướng dẫn.

Kiên định trong con đường của riêng mình – điêu khắc tượng hình người

Du Diệu Hồng là người vùng Nghi Lan. Khi còn là một đứa trẻ, ông thường cùng mẹ tới chùa lễ Phật; ông đặc biệt quan tâm đến những pho tượng Phật và Bồ Tát trong các ngôi chùa và cảm thấy những pho tượng này rất tuyệt mỹ. Có lần ông còn ngây thơ hỏi mẹ mình: “Liệu con có thể mua bức tượng Phật đó với 50 xu trong túi của con không?

Sau đó, sự quan tâm của ông đối với tượng đã được phát huy khi ông bắt đầu nặn tượng hình người bằng đất sét. Những khuôn mặt người đã được ông nặn và tạo hình rất tốt; và các tác phẩm của ông từng nhiều lần tham gia những buổi bán hàng từ thiện. Đối với một đứa trẻ mà nói, đây là một vinh dự cũng là một sự khẳng định cho tài năng của cậu.

Tượng người già ở Nhật Bản (Ảnh: epochtimes)

Khi còn học đại học, vì cha ông cho rằng đam mê nặn tượng không thể giúp kiếm tiền, nên giữ vững quan điểm muốn con trai mình học chuyên ngành cơ khí, Du Diệu Hồng phải thuận theo yêu cầu của cha mình. Nhưng đến khi tốt nghiệp, khi ông bắt đầu bước vào đời sống xã hội và lựa chọn công việc cho bản thân, ông đã quyết định trở lại con đường ông thực sự đam mê – đó là nặn tượng hình người. Lần này, vật liệu ông chọn là đất sét giấy, với hy vọng sẽ lấy việc giảng dạy kỹ thuật nặn đất sét giấy làm khởi điểm sự nghiệp của mình.

Mặc dù đã có kỹ thuật và kinh nghiệm nặn đất sét từ trước, tuy nhiên, dù thế nào đất sét giấy cũng là một vật liệu mới và tính chất cũng có sự bất đồng, do đó, ông quyết tâm dành hai năm toàn tâm toàn ý dành cho việc nghiên cứu và nặn đất sét giấy. Diệu Hồng hoàn toàn chuyên tâm nghiên cứu các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét giấy – bao gồm việc đọc liên tục và xem những tác phẩm từ những người đi trước. Hai năm sau, ông đã tự mình mở một triển lãm cá nhân đầu tiên về tác phẩm điêu khắc bằng đất sét giấy. Mười lăm năm sau, cuối cùng Diệu Hồng đã đạt được kết quả tuyệt vời như ngày hôm nay; Du Diệu Hồng nói rằng ban đầu ông đã kiên trì bước theo con đường này là một quyết định đúng đắn.

Các tác phẩm “Tiên nữ” và “La Hán” xuất phát từ tín tâm và ngưỡng mộ đối với những pho tượng Thần Phật

Phòng làm việc của Du Diệu Hồng bày la liệt các tác phẩm bắt mắt, từ những nhân vật có hình dáng từ cổ xưa đến hiện đại, có thể gọi đây là một hình ảnh thu nhỏ của thế giới qua nhiều thời kỳ. Những tượng hình người được ông sáng tác, bất luận là già hay trẻ, nam hay nữ, đều có khuôn mặt phù hợp. Ông chia sẻ, ở thời điểm sáng tạo này, ông hoàn toàn có thể buông xuống quan niệm của mình, quan sát các đối tượng một cách cẩn thận và khách quan, cuối cùng mới tạo ra tác phẩm, vì thế mà sẽ không có sự tưởng tượng của ông lẫn vào trong đó.

Tượng nữ sĩ nhà Đường (Ảnh: epochtimes)

Tượng “Trẻ em” là một trong những chủ đề mà Du Diệu Hồng thường thể hiện. Loạt tác phẩm “trẻ em” của ông có biểu hiện trên khuôn mặt rất phong phú, thể hiện đầy đủ sự ngây thơ và sống động của đứa trẻ. Loạt nhân vật khác cũng được tập trung vào những thay đổi tình cảm trên khuôn mặt, như tức giận, buồn rầu, vui vẻ v.v. đạt đến mức độ xuất sắc tuyệt vời.

Trẻ em người dân tộc thiểu số. (Ảnh: epochtimes)

Mặc dù các nhân vật được miêu tả bởi Du Diệu Hồng có già, có trẻ, có nam, có nữ, có hiện đại, có truyền thống, có thể được mô tả dưới các hình thức và đặc điểm khác nhau, nhưng nghệ sĩ thừa nhận rằng tác phẩm yêu thích của ông lại là những tác phẩm liên quan đến Thần Phật.

Từ nhỏ Diệu Hồng đã tới Trung Hoa nhiều lần, để quan sát chân dung và tượng của các vị thần trong hang đá Đôn Hoàng nổi tiếng. Ông nói rằng qua từng lần trải nghiệm khiến ông cảm thấy như đang được trở về để nhìn thấy pho tượng Bồ Tát của ngôi chùa xưa ở quê hương Nghi Lan, thậm chí còn có cảm xúc lớn hơn cả sự xúc động. Hình dáng thanh lịch và màu sắc phai nhạt theo thời gian của các tượng Phật cổ đại tại Đôn Hoàng làm vang lên tiếng lòng ngưỡng mộ của ông từ thuở ấu thơ, vì thế mà loạt tác phẩm La Hán cùng Tiên nữ phi thiên bằng đất sét giấy được ra đời.

Tượng La Hán Nhật Bản (Ảnh: epochtimes)

Trong 18 vị La Hán có một người gọi là “La Hán trí huệ”, vì để thể hiện được gương mặt tràn đầy trí huệ, Diệu Hồng đã đặc biệt tạo hình một lão nhân với một con lạc đà phía sau lưng, không còn răng, chỉ còn lại da bọc xương, lấy đường viền y phục cùng phản ánh biểu hiện trên gương mặt của lão nhân làm chủ đạo. Một vị La Hán khác đang cõng kinh thư như chuẩn bị hành trang lên đường cầu đạo, ánh nhìn rất dễ chịu, quần áo mang phong cách Ấn Độ, toàn bộ cơ thể được bao bọc bởi một tấm vải, vì thế mà không nhìn thấy ống tay áo, hơn nữa nếp gấp cũng mượt mà hơn pho tượng “La Hán trí huệ”.

Tượng Tiên nữ. (Ảnh: epochtimes)

Không có lối tắt cho học tập nghệ thuật, phải là sự thực hành không ngừng nghỉ

Các tác phẩm điêu khắc tượng hình người rất khó để tạo ra, nhất là phần biểu hiện các tính cách trên khuôn mặt, chẳng những phải làm cho thật giống, mà còn phải làm sao cho toát ra sức mạnh tự nhiên. Trong phòng làm việc của ông có vô số những tác phẩm tinh xảo và phức tạp như vậy, mỗi một tác phẩm đều được làm với đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt, thuần thục; kỹ năng này hấp dẫn người xem, khiến họ không thể tưởng tượng nổi phương pháp thần kỳ cùng kỹ thuật truyền thần tài tình của Diệu Hồng. Đây chính là kết quả của sự trải nghiệm và nỗ lực qua gần 20 năm trời không ngừng học tập.

Tượng Gia Cát Lượng (Ảnh: dollsculpture)

Du Diệu Hồng đã trải qua quá trình học tập khó khăn mà không có bất kỳ sự kèm cặp của người giáo viên nào, vì thế ông thường nhấn mạnh với từng học sinh của mình về việc tự học, ông cũng nhấn mạnh nghệ thuật không có đường đi ngắn nhất, mà chỉ có sự không ngừng luyện tập mới có thể tạo ra được những tác phẩm xuất sắc.

Để kích thích ý nguyện học tập của học sinh, làm cho các em cảm thấy rằng giáo viên luôn có một kho báu mà vĩnh viễn không thể đào xới được hết, tự ông luôn không ngừng học hỏi và sáng tạo ra những tác phẩm tuyệt vời. Từ quá trình tương tác với sinh viên, Du Diệu Hồng đã nhận thức sâu sắc về sự khai sáng và lợi ích của việc “dạy và học” trong việc dẫn dắt các học viên. Trong lớp học của ông, ta thường thấy vị giáo viên nghiêm túc giảng dạy và cố hết sức để truyền đạt cảm hứng của mình tới các học trò, vừa thực hành vừa thảo luận khiến cho bầu không khí trong lớp học lúc nào cũng hòa ái, vui vẻ.

Tượng cô gái dân tộc. (Ảnh: epochtimes)

Học viên đều cảm thấy rõ ràng rằng dưới sự hướng dẫn của giáo viên, họ có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian so với việc tự tìm tòi khám phá. Tuy nhiên, từ giáo viên, họ cũng biết rằng cho dù họ đã được học đủ các kỹ năng, họ chỉ có thể thực sự làm được nếu họ chăm chỉ thực hành.

Mong muốn thành lập một bảo tàng về điêu khắc tượng hình người ở quê hương Nghi Lan

Mặc dù Du Diệu Hồng rất bận rộn cống hiến cho việc dạy học, nhưng ông cũng dành thời gian để làm việc những việc mà ông yêu thích, bởi vì ông biết rằng liên tục học tập và sáng tạo chính là thiên chức của người nghệ sĩ.

Tượng Tiên ông cưỡi trâu. (Ảnh: dollsculpture)

Ngoài ra, ông thấy rằng Đài Loan vẫn chưa có một bảo tàng chuyên về chủ đề điêu khắc tượng hình người bằng đất sét giấy, vì thế ông muốn thiết lập một bảo tàng như vậy tại quê hương Nghi Lan của mình. Ngoài việc trưng bày các tác phẩm điêu khắc tượng hình người xuất sắc, bảo tàng đó hy vọng sẽ tạo ra một màn trưng bày đầy đủ và có hệ thống của các tác phẩm từ thuở bắt đầu làm nghệ thuật đến nay của Diệu Hồng. Mục đích là để cho người xem biết rằng các tác phẩm của ông cũng là kết quả từ sự làm việc chăm chỉ cho đến lúc trưởng thành, và chia sẻ kinh nghiệm rằng không có người nào trên thế giới thành công mà chỉ dựa vào tài năng thiên bẩm; không có thiên tài nào hoàn chỉnh nếu thiếu đi sự nỗ lực!

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version