Đại Kỷ Nguyên

Bài thơ tuyệt tác kinh điển của Lý Bạch, xưa nay chưa ai dám học theo

Lý Bạch (701 – 762), tự Thái Bạch, được đánh giá là một trong những ngôi sao chói lọi nhất của thi ca thời Đường. Ông được người đời sau tôn kính gọi là “Thi Tiên”, đã làm hàng ngàn bài thơ. Thơ Lý Bạch thấm đẫm phong cách lãng mạn, trữ tình, phong thái siêu trần, thoát tục, từ hàng ngàn năm qua đã in sâu vào lòng độc giả Á Đông. 

Lý Bạch được người đời gọi là Trích Tiên Nhân (ông Tiên bị giáng đày xuống trần gian), cũng được ca ngợi là Thi Tiên (ông Tiên thơ ca), được Đỗ Phủ miêu tả trong bài “Ẩm trung bát Tiên ca” (bài ca 8 vị Tiên đang uống rượu):

Tuý trung vãng vãng ái đào thiền.
Lý Bạch nhất đấu thi bách thiên,
Trường An thị thượng tửu gia miên.
Thiên tử hô lai bất thướng thuyền.

Dịch thơ:

Trốn thiền khi rượu đã say,
Lý Bạch một đấu thơ ngay trăm bài.
Trường An quán rượu ngủ ngay,
Lên thuyền vua gọi nằm dài không lên.

Trốn thiền khi rượu đã say. Lý Bạch một đấu thơ ngay trăm bài. (Ảnh: dkn.tv)

Các tuyệt tác thi ca xưa thường được coi là kinh điển, được người đời sau mô phỏng học tập. Nhưng Lý Bạch có một bài tuyệt tác kinh điển mà xưa nay không ai dám học, vì không thể học theo nổi.

Đây là bài thơ tống biệt nổi tiếng nhất của ông, cũng là một trong những bài tiễn biệt bằng hữu nổi tiếng nhất trong lịch sử thơ ca Á Đông.

Chữ Hán:

贈汪倫  

李白乘舟將欲行,

忽聞岸上踏歌聲。

桃花潭水深千尺,

不及汪倫送我情

Âm Hán Việt:

Tặng Uông Luân

Lý Bạch thừa chu tương dục hành,
Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh.
Đào hoa đàm thủy thâm thiên xích,
Bất cập Uông Luân tống ngã tình.

Dịch nghĩa

Lý Bạch ngồi thuyền chuẩn bị khởi hành,
Bỗng nghe thấy tiếng hát và tiếng giậm chân theo điệu “Đạp ca” trên bờ.
Nước đầm hoa đào sâu nghìn thước,
Cũng không sâu bằng tình cảm Uông Luân đến tiễn biệt tôi

Lý Bạch ngồi thuyền chuẩn bị khởi hành. (Ảnh: pinterest.com)

Dịch thơ

Lý Bạch lên thuyền sắp khởi hành,
Bỗng nghe giọng hát đạp ca thanh.
Hoa đào đầm nước sâu ngàn thước,
Uông Luân đưa tiễn chứa chan tình.

Đây là bài thơ Lý Bạch viết tặng lúc tiễn biệt người bạn thân Uông Luân vào năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 755) khi du ngoạn Kinh huyện (phía nam An Huy ngày nay). Uông Luân là huyện lệnh huyện Kinh, Lý Bạch đến thăm, Uông Luân khoản đãi, lưu luyến không lỡ từ biệt. Sau này Uông Luân từ quan về ở bên đầm hoa đào huyện Kinh, Lý Bạch đến thăm bạn và sáng tác bài này.

Bài thơ này đối với Lý Bạch mà nói, là một sự hiểu lầm. Uông Luân biết Lý Bạch là nhã sỹ phong lưu, nên gửi thư rằng “Tiên sinh thích du ngoạn à? Ở đây có mười dặm đào hoa. Tiên sinh thích uống rượu à? Ở đây có vạn gia tửu điếm (vạn quán rượu)”. Lý Bạch xem thư cho rằng đó là nơi rất đáng đi ngao du, nên nhận lời mời đến nơi. Đến nơi, Uông Luân mới cho biết, cái gọi là “mười dặm đào hoa” là đầm nước có tên đầm hoa đào (Đào hoa đàm), cái gọi là “vạn gia tửu điếm” (vạn quán rượu) chỉ là một quán rượu có tên “Vạn gia” mà thôi. Lý Bạch phóng khoáng thong dong, vui cười ha hả, Uông Luân giữ lưu lại mấy hôm, tặng 8 con tuấn mã và 10 súc gấm. Lý Bạch cảm động thành ý bạn, sáng tác bài thơ tuyệt cú này.

“Tiên sinh thích du ngoạn à? Ở đây có mười dặm đào hoa. Tiên sinh thích uống rượu à? Ở đây có vạn gia tửu điếm (vạn quán rượu)” (Ảnh: pinterest.com)

Trong thơ, đầu tiên miêu tả tình cảnh Lý Bạch lên thuyền chuẩn bị xuất phát, Uông Luân hát điệu Đạp ca (vừa đi vừa hát vừa giậm chân làm nhịp phách) đến tiễn đưa, tình cảm thuần phác chân thành.

Hai câu cuối nhà thơ đầu tiên dùng “thâm thiên xích” (sâu ngàn thước) khen đầm hoa đào nước trong sâu thẳm, sau đó tiếp bằng hai chữ “bất cập” (không bằng), lấy tình bạn vô hình so sánh với đầm nước sâu ngàn thước hữu hình, biểu đạt tình bạn Uông Luân đối với ông. Cả bài thơ, ngôn ngữ mới mẻ, trong trẻo, tự nhiên, làm cho người đọc suy ngẫm vô cùng. Tuy chỉ 4 câu 28 chữ, mà lại sảng khoái lòng người, là một trong những bài được lưu truyền rộng rãi của thi nhân họ Lý.

Ngôn từ bài thơ rất dung dị, mộc mạc, như lời nói vẫn gặp thường ngày, nhưng qua tay Lý Bạch, nó đã trở thành bài thơ kinh điển, được người đời ca ngợi là “Không gọt không giũa, tự nhiên thành vần điệu, lời nói từ tình cảm hết sức chân thành, cho nên trở thành tuyệt diệu”.

Phép tắc thơ cổ đại là “Lời kỵ thẳng, ý kỵ nông, mạch kỵ lộ, vị kỵ ngắn”. Nhưng với bài thơ này, Lý Bạch “phạm”  các kiêng kỵ phép tắc thơ ca : thẳng thắn, dung dị, bộc lộ. Ông “lời thẳng”,  “mạch lộ”, nhưng “ý chẳng nông”, “vị càng nồng”. Cũng chính vì “Phạm kỵ húy” như thế này mà người đời sau không ai dám bắt chước học theo, vì có học có lẽ cũng chẳng thành.

Triêu Lộ

Exit mobile version