Đại Kỷ Nguyên

Tinh thần Hai Bà Trưng, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt mà Tổng thống Trump nhắc đến cụ thể là gì?

Trong bài phát biểu trước lãnh đạo và doanh nhân các nền kinh tế thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) ngày 11/11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc đến tinh thần Hai Bà Trưng trong niềm kiêu hãnh dân tộc Việt.

Ông nhấn mạnh rằng những người anh hùng dân tộc, trong đó có Hai Bà, đã thức tỉnh tinh thần người dân Việt Nam, cũng như nước Mỹ:

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại APEC (Ảnh: netnews.vn)

“Vào khoảng năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng đã đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm, đánh thức niềm tin của Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên các bạn đứng lên với niềm kiêu hãnh dân tộc để đấu tranh chống xâm lược”.

“Những người yêu nước trong lịch sử nắm giữ những câu trả lời cho tương lai của chúng ta. Với sức mạnh của mình, chúng ta hoàn toàn biết mình là ai và phải làm gì cùng nhau. Chúng ta có đủ niềm tin và sức mạnh để cùng nhau đi đến những tầm cao mới. Hãy cùng nhau hướng đến tự do, thịnh vượng và tương lai rộng mở”.

Tổng thống Mỹ, người đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương, cách chúng ta hàng ngàn dặm đường, lại thấu hiểu lịch sử dân tộc chúng ta, biết cách khơi dậy cái gốc của tinh thần người dân nước Việt. Ông đã khơi nguồn cảm hứng, khơi nguồn linh hồn của đất Việt chúng ta. Nhân dịp một vị tổng thống của nước ngoài nhắc đến tinh thần Hai Bà Trưng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chúng ta cùng nói đôi điều về tinh thần phụ nữ Việt, tới Hai Bà Trưng…

Hai bà Trưng (Ảnh: youtube.com)

Tương truyền, Hai Bà Trưng đã đọc lời thề trước khi xuất binh:

“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”

(Thiên Nam ngữ lục)

Đại Việt sử ký có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng đã trở thành quen thuộc đối với người Việt:

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá Vương
Uy danh động tới Bắc Phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng được sao!
Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.

Hàng năm, vào ngày 6 tháng 2 âm lịch, là ngày giỗ hay là lễ hội tưởng nhớ Hai Bà.

Ảnh: dangbodanang.vn

Trong con mắt đàn ông phong kiến ngày xưa không có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” như chúng ta cứ gán ghép và định kiến về họ.

Sử gia Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư, rằng:

“Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi ! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy”

Hoàng đế Tự Đức viết trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục:

Hoàng đế Tự Đức (Ảnh: cadaotucngu.com)

“Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm!”

Hai Bà Trưng, là hai bậc nữ kiệt hiếm có trong lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung. Họ dám nổi dậy mưu toan nghiệp lớn, đền nợ nước, trả thù nhà. Mặc dù cuộc khởi nghĩa này cuối cùng bị thất bại, nhưng công lao và sự nghiệp hiển hách của hai bà vẫn không thể phai mờ được. Những lời ngợi ca trên tưởng cũng không phải là ngoa.

(Ảnh: baomoi.com)

Văn hóa Việt rất đặc trưng so với các nền văn hóa khác.

Văn hóa Việt là Âm tính, là văn hóa Mẹ, văn hóa chữ Tình. Dù có chua xót nhưng Tú Xương trong bài thơ “Thương vợ” cũng cảm nhận được niềm tự hào chính đáng với người vợ “Quanh năm buôn bán” … của mình. Bởi ông hiểu rằng chính cái Thói đời “ông làm thằng, thằng làm ông” đã đặt gánh nặng lên vai bà Tú.

Cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến cũng thương vợ “chân nam đá chân chiêu, váy quai cồng lấm láp” để lo miếng ăn hàng ngày cho một đại trí thức bị bỏ ngoài lề xã hội. 

Chợt nhớ câu nói đầy hào khí của Bà Triệu: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân xâm lược Ngô, cưỡi ách nô lệ, há chịu cúi đầu làm tì thiếp cho người ta”.

Bà Triệu (Ảnh: truyenxuatichcu.com)

Đâu phải là tự hào hão huyền! Dân tộc này, non nước này được dựng và xây tự những người anh hùng, trong đó có những người phụ nữ vĩ đại. Là bà Triệu cưỡi cơn gió mạnh, chém cá kình Đông Hải; là Thái hậu Dương Vân Nga trao ngôi hoàng đế cho Lê Hoàn; là Huyền Trân công chúa làm cây quế giữa rừng, nối dải giang sơn Nước Non Ngàn Dặm; là Ngọc Hân với Quang Trung trai anh hùng, gái thuyền quyên may áo vải cờ đào; là nữ tướng Bùi Thị Xuân lẫm liệt trên pháp trường voi giày ngựa xé…Là bà tôi, là mẹ tôi, là em gái tôi, con gái tôi.. Những Đấng Người mà tôi luôn kính trọng.

Nhìn các bà Tổng thống, Thủ tướng nước ngoài, tôi lại vẩn vơ với ý nghĩ: Bao giờ nước Việt lại có một minh quân là phụ nữ? Bởi linh hồn của nước Việt này vốn là người phụ nữ…

Ảnh: zing.vn

Bao dung hòa ái, chí cả là phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam..

Anh Vũ

Exit mobile version