Đại Kỷ Nguyên

Lịch sử thăng trầm và kiến trúc độc đáo lâu đài cổ Mir, niềm tự hào của đất nước Belarus

Lâu đài cổ Mir là niềm tự hào của đất nước Belarus. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử cùng nhiều lần xây dựng và sửa chữa sau khi bị tàn phá, ngày nay tòa lâu đài đẹp đẽ hội tụ 3 phong cách kiến trúc này vẫn ngạo nghễ đứng giữa một vùng thiên nhiên tươi đẹp, tạo nên một quần thể kiến trúc và du lịch kỳ thú.

Tổ hợp lâu đài Mir (tiếng địa phương là Mirsky zamok) là một ví dụ nổi bật về nghệ thuật pháo đài thế kỷ 16, nằm ở thị trấn Mir, quận Karelichy, thuộc vùng Grodno của Belarus.

Ảnh: Trip Points

Sự hòa trộn của các phong cách kiến trúc qua thời gian

Việc xây dựng lâu đài theo phong cách kiến ​​trúc Gothic Belarus được bắt đầu vào những năm 1520 bởi Công tước Jerzy Ivanovicz Ilinicz tại một địa điểm gần làng Mir. Lúc đầu, lâu đài chỉ là một pháo đài hình vuông, với bốn tháp góc và một tháp thứ năm phía trên cổng vào. Năm tòa tháp cao 25 mét bao quanh sân của tòa thành, làm bằng gạch xen kẽ những tảng đá lớn, và phối hợp với các bức tường bao tạo thành một hình vuông 75 mét mỗi cạnh. Độ dày của các bức tường lâu đài (ở phần dưới của các lỗ hổng) đạt tới 2-3 mét. Ngoài ra, các bức tường có các phòng để vũ khí. Tất cả điều này cho thấy khả năng phòng thủ tốt của pháo đài trong trường hợp xảy ra chiến sự.

Ảnh: Wallpaper Vista

Năm 1568, khi triều đại Ilyinich chấm dứt, lâu đài Mir đã được trao vào tay của Mikołaj Krzysztof Radziwill. Ông này đã xây thêm bên trong lâu đài một cung điện ba tầng dọc theo các bức tường phía đông và phía bắc của lâu đài, với 40 phòng được trang trí trần nhà bằng hoa văn chữ triện. Mặt tiền thạch cao được trang trí với cổng đá vôi, các thanh ngang, ban công và hiên theo phong cách Phục hưng. Các bức tường đất được xây dựng xung quanh lâu đài với pháo đài ở các góc, được bao quanh bởi một hào nước.

Trần nhà trong lâu đài được trang trí hoa văn chữ triện. Ảnh: Depositphotos

Một khu vườn kiểu Ý được đặt ở phía bắc và một hồ nước nhân tạo được thiết lập ở phía nam. Công việc này được giám sát bởi kiến ​​trúc sư người Ý Gian Maria Bernardoni. Chủ nhân Radziwill sau đó đã sở hữu tòa lâu đài trong nhiều thế kỷ.

Ảnh: Kira Myshkova / DeviantArt

Sau các cuộc bao vây năm 1655 và 1706, công việc tái thiết lâu đài đã bổ sung một số yếu tố Baroque. Không may nó đã bị hư hỏng nặng trong cuộc chiến Napoleon vào năm 1794 và một lần nữa trong trận chiến Mir năm 1812, và ở trong tình trạng bị bỏ hoang kéo dài.

Đến năm 1817, sau khi lâu đài bị bỏ hoang gần một thế kỷ và chịu thiệt hại nặng nề, chủ sở hữu khi đó là Dominik Hieronim Radziwill đã chết vì thương tích trong chiến trận và lâu đài được để lại cho con gái của ông ta là Stefania. Sau đó, lâu đài lại trở thành sở hữu của con gái Stefania là Maria.

Lâu đài Mir trong tranh in thạch bản bởi Napoleon Orda, 1876. Ảnh: Land of Ancestors

Con trai của Maria là Maurice Hohenlohe-Schillingsfürst đã bán lâu đài cho Nikolai Svyatopolk-Mirsky vào năm 1891. Sau đó con trai của Nikolai là Michael bắt đầu xây dựng lại lâu đài theo sơ đồ của kiến ​​trúc sư nổi tiếng Teodor Bursze – làm cho lâu đài có diện mạo tổng thể như được thấy ngày nay. Gia đình Sviatapolk-Mirski từ đó sở hữu lâu đài cho đến năm 1939, khi quân đội Liên Xô cũ chiếm đóng miền đông Ba Lan.

Ảnh: Evgenia Sevryukova / Belarus Travel Agency in Minsk

Lâu đài trong thời hiện đại

Khi phát xít Đức xâm chiếm Liên Xô vào năm 1941 đã chiếm lâu đài này và chuyển nó thành một trại tập trung người Do Thái địa phương, trước khi ra tay tàn sát họ. Khoảng thời gian giữa năm 1944 và 1956, lâu đài đã được sử dụng làm nơi ở cho các gia đình, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của nội thất lâu đài.

Đỉnh tường bao lâu đài có hành lang và mái che. Ảnh: ravel2unlimited

Sự sửa chữa lâu đài một cách nghiêm túc chỉ được bắt đầu tái khởi động vào năm 1982. Tuy nhiên, tới năm 1991, lâu đài mới bắt đầu thực sự được trùng tu. Kết quả của nỗ lực này là, vào tháng 12 năm 2000, Lâu đài Mir đã được UNESCO chỉ định là Di sản Văn hóa và Tự nhiên Thế giới, do đáp ứng được tiêu chí là một ví dụ đặc biệt của lâu đài trung tâm châu Âu, thể hiện trong thiết kế và bố cục chịu ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa kế tiếp nhau. Kiến ​​trúc Gothic, BaroquePhục hưng cuối cùng đã hòa quyện hài hòa để tạo ra một tượng đài ấn tượng, đại diện cho lịch sử của khu vực này.

Ảnh: GetYourGuide

Jolanta Wilkonska, một hậu duệ của dòng họ từng là chủ nhân một thời của lâu đài Mir, chia sẻ trên trang web của World Heritage Site:

Ngày 1 tháng 9 năm 2002 là chủ nhật, thời tiết tại Mir thật tuyệt vời – một ngày nắng đẹp – điều đó càng trở nên đáng nhớ đối với tôi vì đây là lần đầu tiên tôi gặp và ôm trong tay người em họ của mình từ London, công chúa Maria Svyatopolk-Mirska. Chúng tôi có chung ông nội – Hoàng tử Ivan Nicolaevitch Svyatopolk-Mirski. Hôm nay, tôi có trải nghiệm rất cảm động khi bước vào lâu đài, qua những cánh cửa tuyệt đẹp và hôn những cánh cổng của lâu đài với những giọt nước mắt tuôn rơi. Rốt cuộc, lâu đài Mir từng là ngôi nhà thân thiết của gia đình tôi ngày xưa. Vì vậy, lần đầu tiên, tôi cùng với người anh em họ của tôi tiến vào căn nhà nguyện của gia đình. Cả hai chúng tôi quỳ xuống và cầu nguyện giữa những tổ tiên của chúng tôi được chôn cất ở đó”.

Ảnh: Getty Images

Sau một đợt trùng tu rất kỹ càng, lâu đài Mir được mở cửa trở lại vào tháng 12 năm 2010. Các công trình cải tạo trên khu phức hợp Mir, bao gồm công viên kiểu Phục hưng nước Ý, công viên kiểu Anh và hồ nước, để khôi phục diện mạo của lâu đài giống như thời của Svyatopolk-Mirsky, đã được hoàn thành toàn bộ vào năm 2013.

Ảnh: Belarus – WordPress

Các căn phòng hiện nay trong lâu đài chứa đầy các vật dụng trưng bày làm liên tưởng đến các lâu đài trung cổ thời kỳ châu Âu muộn (đạn súng đại bác, kho vũ khí, cúp săn bắn). Ngoài ra, còn có nhiều tranh chân dung thành viên của các gia đình đã từng sống trong lâu đài này. Tuy rằng hầu như tất cả những đồ vật trưng bày đó chỉ là các bản sao, nó cho khách tham quan một cái nhìn sống động về trang trí nội thất của thời đại đó.

Nội thất cung điện trong lâu đài. Ảnh: Trip-Points!

Ngày nay, có thể chiêm ngưỡng lâu đài Mir và những bức tường gạch đỏ ấn tượng từ bên ngoài cũng như từ sân trong, phối hợp với màu trắng tô điểm thanh khiết. Nhiều khách tham quan cho rằng, điều ấn tượng nhất về lâu đài Mir là kiến trúc ngoại thất. Lâu đài này rất đẹp khi ngắm nhìn từ xa, ví dụ từ cây cầu gỗ ở phía bên kia của hồ nước.

Ảnh: Away With Maja

Bạn đang đọc bài viết: “Lịch sử thăng trầm và kiến trúc độc đáo lâu đài Mir, niềm tự hào của đất nước Belarus” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.nghethuat@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Clip hay:

Exit mobile version