Đại Kỷ Nguyên

Lịch sử kiến trúc và xây dựng Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ

The Capitol Building – Trụ sở chính của Quốc hội Hoa Kỳ và của nhánh lập pháp của chính phủ liên bang Hoa Kỳ – đã trải qua một quá trình xây dựng và cải tạo đầy khó khăn trong hơn 200 năm qua để được như ngày nay.

Tòa nhà ban đầu được hoàn thành vào năm 1800 và sau đó dần dần được mở rộng, đặc biệt là có thêm mái vòm đồ sộ, và mở rộng các phòng cho cơ quan lập pháp lưỡng viện – Hạ viện ở cánh phía nam và Thượng viện ở cánh phía bắc. Giống như các tòa nhà chính của các nhánh hành pháp và tư pháp, Tòa nhà Quốc hội (được gọi tắt là “The Capitol”) được xây dựng theo phong cách tân cổ điển đặc biệt và có bề ngoài màu trắng. Cả hai bậc thềm phía đông và phía tây của nó đều được chính thức gọi là mặt tiền, mặc dù chỉ có mặt phía đông là dành cho việc tiếp đón du khách và chức sắc.

Ảnh: The Great Courses Daily.

Khu vực Tòa nhà Quốc hội có diện tích khoảng 1,11 km², với các hợp phần chủ yếu là bãi cỏ, lối đi, đường phố, và khu vực cây xanh. Bộ mặt như hiện tại được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư cảnh quan người Mỹ nổi tiếng Frederick Law Olmsted, từ năm 1874 đến 1892. Từ năm 1875, Olmsted đã đề xuất xây dựng các sân thượng bằng đá cẩm thạch ở phía bắc, phía tây và phía nam của tòa nhà mà còn tồn tại tới ngày nay.

Ảnh: United States Capitol Police

Olmsted cũng thiết kế Summerhouse, một tòa nhà bằng gạch ngoài trời nằm ở phía bắc của Tòa nhà Quốc hội. Có ba vòm cửa mở vào một cấu trúc hình lục giác, bao quanh một đài phun nước và 22 chiếc ghế cũng bằng gạch. Tòa nhà này được xây dựng từ năm 1879 đến 1881, với ý định cho du khách đến Tòa nhà Quốc hội có chỗ ngồi và lấy nước uống cho người và ngựa. Các đài phun nước hiện đại sau đó đã thay thế đài phun nước bạn đầu của của Olmsted.

Đài phun nước ở mặt phía Tây (ảnh: Architect of the Capitol).

Quá trình thiết kế từ đầu đã mang đậm tính cạnh tranh

Vào mùa xuân năm 1792, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là Thomas Jefferson đã đề xuất một cuộc thi thiết kế Tòa nhà Quốc hội và “Nhà của Tổng thống” trong thời hạn bốn tháng. Giải thưởng cho cuộc thi là 500 đô la. Ít nhất mười cá nhân đã đệ trình bản thiết kế Tòa nhà Quốc hội; tuy nhiên nhiều bản vẽ khá thô và nghiệp dư, phản ánh trình độ và kỹ năng kiến ​​trúc chưa cao tại Hoa Kỳ vào thời điểm đó. Hứa hẹn nhất trong số đó là bài dự thi của Stephen Hallet, một kiến ​​trúc sư người Pháp có bằng cấp. Tuy nhiên, các thiết kế của Hallet quá lạ mắt, với quá nhiều ảnh hưởng của Pháp và được cho là quá tốn kém, nên đã không được chọn.

Ảnh: Zach Gibson/Getty Images

Một tác phẩm dự thi đến muộn của kiến ​​trúc sư nghiệp dư William Thornton, được đệ trình vào ngày 31 tháng 1 năm 1793, đã được Tổng thống Washington khen là “Hoành tráng, đơn giản và đẹp đẽ“, cùng với lời khen ngợi từ Thomas Jefferson. Thiết kế của Thornton được lấy cảm hứng từ mặt trước phía đông của cung điện Louvre, cũng như từ Paris Pantheon cho phần trung tâm của thiết kế, nên đã được tổng thống Washington chính thức phê duyệt ngày 5 tháng 4 năm 1793. Vì vậy, Thornton được coi là Kiến trúc sư đầu tiên của Tòa nhà Quốc hội.

Ảnh: Sasaki

Trong một nỗ lực để an ủi Hallet, các ủy viên của ban xét duyệt đã chỉ định ông ta chỉnh lại các sơ đồ thiết kế của Thornton, phát triển các dự toán chi phí, đồng thời làm tổng giám đốc xây dựng. Do đó, Hallet đã tiến hành tách ra và thực hiện những thay đổi mạnh mẽ cho thiết kế của Thornton, thứ mà ông thấy là sẽ tốn kém khi xây dựng hoặc là có vấn đề.

Tổng thể khu nhà Quốc Hội Mỹ (ảnh: Jacobsen Architecture).

Hallet đã đề nghị thay đổi sơ đồ sàn, để phù hợp với thiết kế ngoại thất của Thornton. Kế hoạch sửa đổi đó đã được chấp nhận, nhưng vẫn phải giữ lại một khu sảnh mở ở trung tâm của mặt tiền phía Đông (là một phần trong kế hoạch ban đầu của Thornton), theo yêu cầu của Bộ trưởng Jefferson và Tổng thống Washington. Hallet sau này đã bị sa thải trong quá trình thi công xây dựng, do tự ý thay đổi thiết kế của Thornton.

Ảnh: GetYourGuide

Quá trình liên tục xây dựng và tái thiết kế theo nhu cầu phát triển

Cánh Thượng viện (phía bắc) được hoàn thành vào năm 1800. Cánh Hạ viện (phía nam) làm chậm hơn nhưng cũng đã được hoàn thành vào năm 1811, với một lối đi tạm bằng gỗ có mái che nối hai cánh với các phòng Quốc hội nơi phần trung tâm tòa nhà trong tương lai với căn nhà lớn hình tròn và mái vòm được thực hiện cuối cùng.

Ảnh: Architect of the Capitol

Không lâu sau khi hoàn thành cả hai cánh, Tòa nhà Quốc hội đã bị quân Anh đốt cháy một phần vào ngày 24 tháng 8 năm 1814, trong cuộc chiến tranh bắt đầu từ năm 1812. Hai kỹ sư quân sự là George BomfordJoseph Gardner Swift đã được kêu gọi để giúp xây dựng lại Tòa nhà Quốc hội. Việc tái thiết bắt đầu vào năm 1815, bao gồm các phòng được thiết kế lại cho cả hai cánh Thượng viện và Hạ viện (nay là hai bên), và được hoàn thành vào năm 1819.

Ảnh: Arizona PBS

Thiết kế ban đầu của Thornton về sau đã được tiếp tục sửa đổi bởi kiến ​​trúc sư người Mỹ gốc Anh nổi tiếng là Benjamin Henry Latrobe, và sau đó đến Charles Bulfinch. Việc xây dựng được tiếp tục cho đến năm 1826, với việc bổ sung phần trung tâm với các bậc ở mặt tiền và cổng cột và một ngôi nhà tròn từ bên trong, vươn lên trên mái vòm thấp đầu tiên của Tòa nhà Quốc hội. Kiến ​​trúc sư Latrobe góp công chủ yếu trong việc xây dựng ban đầu và nhiều tính năng nội thất sáng tạo; còn người tiếp nối của ông, Bulfinch, cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết kế chiếc mái vòm thấp đầu tiên được phủ đồng.

Ảnh: CNBC

Đến năm 1850, Tòa Quốc hội đã không thể chứa nổi số lượng ngày càng nhiều các nhà lập pháp đến từ các tiểu bang mới được thành lập. Một cuộc thi thiết kế mới đã được tổ chức và Tổng thống khi đó là Millard Fillmore đã chỉ định kiến ​​trúc sư người Philadelphia Thomas U. Walter để thực hiện việc mở rộng. Hai cánh mới đã được thêm vào – một phòng mới cho Hạ viện ở phía nam và một phòng mới cho Thượng viện ở phía bắc – cùng với mái vòm lớn bằng gang như hiện tại. August Schoenborn, một kiến trúc sư người Đức nhập cư cũng tham gia vào giai đoạn này.

Ảnh: Florida Politics

Cải tạo mái vòm công phu và tốn kém

Việc mở rộng năm 1850 đã tăng gấp đôi chiều dài của Tòa nhà Quốc hội, và như vậy làm cho mái vòm thấp nguyên bản (với khung gỗ bọc đồng thấp của năm 1818, được thiết kế bởi Charles Bulfinch) không còn tương xứng với kích thước chung của tòa nhà nữa. Năm 1855, quyết định đã được đưa ra để phá bỏ mái vòm cũ và thay thế bằng một mái vòm bằng gang kiểu “bánh cưới” như được thấy ngày nay. Cũng được thiết kế bởi Thomas U. Walter, mái vòm mới cao gấp ba lần chiều cao của mái vòm ban đầu, với đường kính 30m, nhưng vẫn phải đặt trên các trụ xây cũ. Mái vòm do Walter thiết kế là dạng mái đôi, với một khối lớn nằm ở vòm bên trong, hỗ trợ cấu trúc bên ngoài và là bệ đỡ cho một bức tượng khổng lồ được đưa lên đỉnh vòm vào năm 1863, có tên là “Tượng vì tự do“. Trọng lượng gang của mái vòm đã được công bố là 4.041.100 kg.

Ảnh: The Widerness Society
Ảnh: Freepik

Khi mái vòm mới của Tòa nhà hoàn thành, trọng lượng khổng lồ của nó đã áp đảo về tỷ lệ so với các cột đỡ của East Portico xây dựng vào năm 1828. Mặt tiền phía đông của tòa nhà Quốc hội được xây dựng lại vào năm 1904, theo thiết kế của các kiến ​​trúc sư Carrère và Hastings.

Ảnh: Engineering News-Record

Việc mở rộng lớn tiếp theo cho Tòa nhà Quốc hội bắt đầu vào năm 1958, với phần mở rộng của hàng cột hiên trước (Mái cổng phía Đông). Trong khuôn khổ dự án này, tới năm 1960 mái cổng đã được phục chế. Năm 1962, một bản sao bằng đá cẩm thạch của mặt tiền phía đông (vốn bằng sa thạch) được xây dựng rộng hơn mặt tiền cũ 10,2 m. Trong quá trình cải tạo này, các cột kiểu Hy Lạp cũ đã bị loại bỏ. Bên cạnh các cột, hàng trăm khối đá gốc cũng đã được gỡ bỏ và hiện được đặt trong Công viên Rock Creek để làm lưu niệm.

Hàng cột cũ theo kiểu Hy Lạp Công viên Rock Creek (ảnh: The Enchanted Manor).

Vào ngày 19 tháng 12 năm 1960, Tòa nhà Quốc hội đã được Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ tuyên bố là Di tích Lịch sử Quốc gia. Tòa nhà này được xếp hạng 6 trong danh sách “Kiến trúc yêu thích của nước Mỹ“, theo một cuộc khảo sát năm 2007 thực hiện bởi Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ. Tòa nhà Quốc hội Mỹ trên thực tế đã hấp thu rất nhiều tinh hoa từ các tòa nhà nổi tiếng khác, đặc biệt là các nhà thờ và các địa danh ở châu Âu, bao gồm cả mái vòm của Nhà thờ Thánh Peter ở Vatican và Nhà thờ St. Paul ở London.

Màn pháo hoa chào 2019 tại The Capitol (ảnh: WTTW)

Tính đến năm 2012, 20 triệu đô la cho công việc cải tạo xung quanh tầng dưới của mái vòm đã được chi, nhưng những sự xuống cấp khác, bao gồm ít nhất 1.300 vết nứt trên gang giòn đã dẫn đến rỉ sét và rò rỉ bên trong, cần được sửa chữa. Vì thế một dự án phục hồi mái vòm quy mô lớn lại được bắt đầu vào năm 2014. Một giàn giáo lớn đã được dựng lên bên ngoài, bao quanh và che khuất cả mái vòm. Công việc phục chế được hoàn thành và giàn giáo được gỡ bỏ vào giữa tháng 9 năm 2016.

Ảnh: Washington D.C.

Theo Wikipedia

Clip hay:

Exit mobile version