Đại Kỷ Nguyên

Kỹ thuật chụp ảnh đẹp: Kiểm soát độ sâu của trường ảnh để có những bức ảnh ấn ượng

Khi chụp ảnh với những chủ đề khác nhau nhiếp ảnh gia có xu hướng đặt định độ sâu của trường ảnh khác nhau. Kiểm soát tốt độ sâu của trường ảnh có thể tạo cho bức ảnh kịch tính tốt, phù hợp với mục đích của người chụp. Có 3 yếu tố liên quan tới kỹ thuật này. 

Có nhiều yếu tố quyết định chất lượng bức ảnh của bạn sẽ như thế nào trong mắt người xem. Bố cục là yếu tố rõ ràng nhất, nhưng tiêu cự máy ảnh và độ sâu trường ảnh cũng rất quan trọng. Những yếu tố này có thể thay đổi toàn bộ bầu không khí và điểm nhấn của bức ảnh.

Bóng núi in trên mặt hồ Emerald, Vườn Quốc gia Yoho, British Columbia, Canada. (Ảnh: touropia.com)

Ví dụ: bạn có thể giữ mọi thứ trong bức ảnh sắc nét, như tranh vẽ trên một bức tường phẳng, hoặc thu hút sự chú ý đến một chủ đề cụ thể bằng cách làm cho chủ đề đó thay đổi độ nét so với môi trường xung quanh. Bạn kiểm soát phối cảnh này bằng cách thay đổi độ sâu của trường, làm cho các đối tượng ở tiền cảnh / hậu cảnh trông sắc nét hơn hoặc mờ hơn.

Những ô cửa sổ. (Ảnh: Paul Shears)

Có ba yếu tố có thể điều chỉnh để kiểm soát độ sâu trường ảnh: khẩu độ ống kính, khoảng cách từ máy ảnh đến chủ thể và tiêu cự của ống kính.

1. Khẩu độ ống kính

Các nhiếp ảnh gia thường sử dụng khẩu độ để kiểm soát độ sâu trường ảnh. Bạn có thể làm sắc nét toàn bộ khung cảnh bằng cách đặt khẩu độ (f-stop) càng nhỏ càng tốt, miễn là cho phép đủ lượng ánh sáng cho bức ảnh. Để tách một chủ đề khỏi môi trường xung quanh, hãy làm ngược lại: đặt khẩu độ càng lớn càng tốt. Trong cả hai trường hợp đó, bạn sẽ phải thay đổi tốc độ màn trập tương ứng để bù cho sự thừa hoặc thiếu ánh sáng.

Vườn Quốc gia Jasper, Canada. (Ảnh: touropia.com)

Khẩu độ dao động từ f/1.4 (ống kính siêu nhanh) đến f/22, với các mức tăng dần ở giữa: f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11 và f/16 . Mỗi f/số lên hoặc xuống đó đại diện cho một “trạm dừng” của ánh sáng. Cụ thể, khi bạn chuyển từ f/4 sang f/5.6, bạn sẽ giảm lượng ánh sáng đi qua ống kính chỉ còn một nửa. Hoặc khi bạn chuyển từ f/16 sang f/11, bạn sẽ cho lượng ánh sáng đi qua ống kính tăng gấp đôi. Tỷ lệ số này của khẩu độ giống nhau trên tất cả các loại ống kính khác nhau, bất kể tiêu cự của ống kính là bao nhiêu.

Điệp khúc của thiên nhiên. (Ảnh: Elizme)

2. Khoảng cách từ máy ảnh đến chủ đề

Thay đổi khoảng cách giữa máy ảnh của bạn và chủ đề chụp là một cách khác để ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh. Để tăng độ sâu của trường ảnh, chỉ cần di chuyển lùi ra sau. Để giảm bớt độ sâu trường ảnh, hãy di chuyển tới gần chủ đề hơn. Máy ảnh của bạn hoạt động giống hệt như mắt bạn, sẽ trở nên tập trung hơn khi đến gần đối tượng hơn.

Cơn mưa nhỏ. (Ảnh: Elizme)

Tất nhiên, thay đổi khoảng cách chụp cũng sẽ dẫn đến thay đổi bố cục ảnh của bạn. Để khắc phục sự cố này, bạn có thể thay đổi ống kính hoặc tiêu cự để giữ được bố cục mà bạn mong muốn.

Nấm (Galerina marginata). (Ảnh: Corrie White)

3. Tiêu cự ống kính

Tiêu cự của ống kính càng dài, độ sâu trường ảnh sẽ càng nông và ngược lại. Độ sâu của trường ảnh nhận được cho một điểm dừng khẩu độ (f-stop) cụ thể sẽ thay đổi theo khoảng cách. Chẳng hạn, tại điểm dừng f/11, trên ống kinh zoom (có thể thay đổi tiêu cự) loại 35-70mm, khi được đặt ở 35mm sẽ cho trường ảnh sâu: từ 2 – 6,7m khi ống kính được lấy nét ở khoảng cách 3m. Còn khi ống kính được đặt ở 70mm, sẽ cho trường ảnh tương đối nông: chỉ từ 2,7 – 3,7m khi ống kính được lấy nét ở khoảng cách 3m.

Những chiếc thìa sặc sỡ. (Ảnh: Karen White)

Nghe vậy có vẻ dễ dàng, nhưng dùng cách điều chỉnh tiêu cự để kiểm soát độ sâu trường ảnh thực tế có thể khó khăn. Cũng giống như khi thay đổi khoảng cách giữa bạn và chủ đề chụp, việc điều chỉnh tiêu cự sẽ làm thay đổi bố cục hình ảnh của bạn.

Xuyên qua những mảng xanh. (Ảnh: Roelof de Hoog)

Vì lý do này, tốt nhất chúng ta nên sử dụng thông số f-stop để kiểm soát độ sâu của trường ảnh. Khi đó, bạn có thể tiến hành chụp ở bất kỳ khoảng cách nào với tiêu cự nào bạn muốn. Điều còn lại là bạn cần nhớ điều chỉnh tốc độ màn trập phù hợp (có thể kết hợp sử dụng chân máy và cáp nhả nút bấm chụp) để bù ánh sáng khi đặt khẩu độ ống kính tại các điểm dừng f lớn (ví dụ f/16 hoặc f/22).

Theo bản tiếng Anh của NATE KAY (thephotoargus.com)

Clip hay:

Exit mobile version