Viên ngọc quý được tìm thấy sau một thời gian dài thất lạc, Canon in D major – bản luân khúc cung Rê trưởng của nhà soạn nhạc người Đức Johann Pachelbel, thường được gọi là Canon cung Rê trưởng. Được sáng tác ở thế kỷ 17, nhưng mãi tới thế kỷ 20 người ta mới tìm lại được viên ngọc quý này và vĩnh viễn nó đã trở thành bản nhạc bất hủ say mê…
Nguồn cảm hứng dường như bất tận của Canon in D cho âm nhạc đương đại…
Quả thật, Canon in D có sức hấp dẫn đặc biệt nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển ở thời hiện đại. Nếu tìm trên các trang nhạc trong hay ngoài nước thì những bản hòa âm lại của nó một cách chính thức có đến hàng trăm bản, chưa có một bản nhạc cổ điển nào trong lịch sử có sức ảnh hưởng đến thời cận đại như vậy.
Canon in D thường vang lên réo rắt ở các nhà thờ, trong các lễ cưới, các buổi tập nhạc của những người mới đến với nhạc cổ điển, trên các chương trình truyền hình, những chiếc hộp nhạc dễ thương và tất nhiên là cả các CD tuyển chọn những bản nhạc hay nhất mọi thời đại…
Viên ngọc quý tìm lại…
Canon cung Rê trưởng, cũng như bản Adagio cung sol thứ của nhà soạn nhạc Ý Tomaso Albinoni, đều là những sáng tác của thời kỳ Baroque (tiền cổ điển). Cũng như Adagio cung sol thứ, tuy tác phẩm được sáng tác trong khoảng 1680-1706, nhưng mãi tới thế kỷ 20 người ta mới tìm lại viên ngọc quý này.
Năm 1968 bản ghi âm bởi Jean-François Paillard cùng dàn nhạc đã trở nên bất ngờ phổ biến trong thập kỷ kế tiếp. Từ những năm 1970 đến đầu những năm 2000, các yếu tố của tác phẩm, đặc biệt là tiến trình hợp âm của nó, đã được sử dụng trong một loạt các bài hát nhạc pop. Và cũng như Adagio, tác phẩm đột nhiên trở nên nổi tiếng đến mức không thể hình dung.
Sức ảnh hưởng kỳ lạ của Canon cung Rê trưởng
Tên đầy đủ của Canon in D là Kanon und Gigue in D-Dur für drei Violinen und Basso Continuo, nghĩa là bản luân khúc rê trưởng dành cho vĩ cầm và bè trầm. Tác phẩm viết theo thể loại Gigue (Gigue là một điệu nhảy theo phong cách thời Baroque) cho 3 đàn vĩ cầm và basso, nên đôi khi tác phẩm còn được gọi là Gigue in D.
Ban đầu, bản nhạc được viết dành cho đàn violin và bè trầm như vậy, và được chơi trong các nhà thờ ở hình thức thánh ca là chính.
Tuy nhiên sau này, với sự quá nổi tiếng và được yêu thích trên toàn thế giới, Canon in D được thể hiện lại bằng nhiều nhạc cụ khác nhau, từ piano, violin, classical guitar, guitar điện, harp, flute, xylophone… đến những nhạc cụ truyền thống của các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc v.v, thậm chí Pop, Rock, Acappella, Beatbox, Hip-hop, Dance…
Nhiều người nhầm lẫn canon này với cannon (khẩu thần công), thực tế canon chỉ có nghĩa là luân khúc thôi.
Pachelbel đã để lại cho nhân loại một bản nhạc cổ điển có thể giúp những thính giả thông thường tiếp cận được dễ dàng đỉnh cao của âm nhạc cổ điển.
Với bản Canon in D nhẹ nhàng, không quá khó đối với thính giả thông thường như những bản giao hưởng khác, nhiều người vì vậy đã đặt cho Canon in D những lời tán tụng “có cánh” như “đại kiệt tác âm nhạc siêu ngọt ngào”, “siêu lãng mạn”, “siêu cảm xúc”!
Sau đây, mời quý độc giả thưởng thức “siêu tác phẩm” Canon in D major bản giao hưởng đầy đủ của dàn nhạc Navidas Ochestra:
Bạn đang đọc bài viết: “Thưởng thức tinh tế bản luân khúc “Canon in D Major” với niềm hạnh phúc bất tận…” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.nghethuat@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |