Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức những kiệt tác của họa sĩ Ivan Shishkin, người được mệnh danh “Sa Hoàng của rừng”

Thiên nhiên nước Nga mang một vẻ đẹp đằm thắm, rực rỡ, hiền dịu, mộc mạc nhưng vẫn uy nghiêm. Người dân Nga trong suốt lịch sử đã trân quý và bảo vệ được nét đẹp tuyệt mỹ của những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Và các họa sĩ vẽ tranh phong cảnh Nga đã tinh tế thể hiện nét đặc sắc trong những khoảng khắc đẹp nhất của thiên nhiên, mang theo đó ước mơ của người dân Nga về sự hài hòa của thế giới thiên nhiên và con người.

“Người hùng của những cánh rừng”, “Sa Hoàng của rừng” là ai?

Đó là cái tên mà những người đương thời đã đặt cho họa sĩ Ivan Shishkin (1832-1898). Ông du ngoạn nhiều nơi của Nga, xướng lên vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên trong những bức tranh của mình. Những cánh rừng của ông được ông kiên trì vẽ trong 30 năm, để thực sự để lại cho đời những kiệt tác hội họa.

Ivan Shishkin (1832-1898). Ảnh: Wikipedia.

Ivan Ivanovich Shishkin được xem là một họa sĩ cảnh quan vĩ đại. Ông, hơn ai hết, đã truyền tải qua bức tranh sơn dầu của mình vẻ đẹp của các khu rừng nguyên sinh, những cánh đồng rộng lớn vô biên. Khi ngắm các bức tranh của ông, người xem thường có cảm giác rằng một làn gió sắp thổi, hoặc nghe tiếng kẹt rạn của cành cây.

Vẽ tranh đã chiếm hết tất cả tâm tư của người nghệ sĩ, ông đã ra đi khỏi thế gian với chiếc bút trong tay, ngồi sau giá vẽ.

Ông yêu thích vẽ rừng, quang cảnh trong sáng với ánh mặt trời tươi sáng.

Thiên nhiên được mở ra cho con người, ở khắp mọi góc nhìn, khắc họa sống động sự vĩ đại và nét duyên dáng độc đáo của thiên nhiên Nga.

Bức “Buổi sáng trong rừng thông”

Bức tranh “Buổi sáng trong rừng thông” (nhấn vào để phóng to ảnh).

Một trong những bức tranh sơn dầu nổi tiếng nhất của Ivan Shishkin là “Buổi sáng trong rừng thông” (1889) . Đây không chỉ là một khu rừng thông. Sự hiện diện của các chú gấu như thể chỉ ra rằng ở một nơi nào đó xa xôi, hoang dã như trong chuyện thần thoại, cuộc sống thật tuyệt vời.

Bức tranh “Buổi sáng trong rừng thông” trông tươi sáng và thực đến mức có cảm giác đây không phải là một kiệt tác tạo ra bởi bút và mực, mà là một bức ảnh cảnh quan toàn bộ khu rừng đẹp đẽ.

Mọi chi tiết của bức tranh được miêu tả một cách chuyên nghiệp, tràn đầy tình yêu và trìu mến. Ở phía trước, chúng ta thấy một cây thông đổ, trên đó các chú gấu đang leo trèo. Chúng vui vẻ, tạo cảm xúc tích cực vui tươi nhẹ nhàng cho người xem. Đối với chúng, buổi sáng của một ngày mới là một ngày lễ thực sự. Các chú gấu rất hiền và vô hại, như những đứa trẻ dễ thương.

Bức “Buổi sáng sương mù”

Bức tranh “Buổi sáng sương mù” (nhấn vào để phóng to ảnh).

Bức tranh “Buổi sáng sương mù”của I. I. Shishkin, giống như nhiều tác phẩm của bậc thầy vĩ đại của phong cảnh, truyền tải một bầu không khí yên bình đáng ngạc nhiên.

Một buổi sáng yên tĩnh, sương mù giăng trên bờ sông. Bờ cạn nằm ở tiền cảnh, bề mặt của dòng sông phẳng lặng tới độ ta chỉ có thể đoán là nước vẫn chảy, bên kia bờ đồi trong sương mù buổi sáng.

Bình minh dường như để đánh thức dòng sông, đang ngái ngủ, chậm rãi gom sức mạnh để chảy sâu vào bức tranh … Ba yếu tố – bầu trời, đất và nước – hài hòa bổ sung cho nhau, để bộc lộ ra nét đẹp nguyên sơ nhất của mình. Dường như cả ba quyện làm một, không thể tồn tại thiếu nhau.

Bầu trời màu xanh lơ nhạt, chuyển sắc sang quả đồi với những vạt sương mù, tiếp đó tới màu xanh hiền hòa của cây và cỏ. Dòng nước phản chiếu tất cả sự lộng lẫy đó một cách trung thực, tô đậm vẻ tươi mát dịu êm của buổi sáng.

Sự hiện diện của con người chỉ có thể đoán ra trong bức tranh: một con đường hẹp trên cỏ, lộ ra một cột buộc thuyền – đó là tất cả những dấu hiệu có hiện diện của con người. Bằng cách đó, nghệ sĩ chỉ nhấn mạnh đến sự vĩ đại của thiên nhiên và sự hòa hợp tuyệt vời của thiên nhiên mà Đấng tạo hóa ban cho con người.

Nguồn ánh sáng trong bức tranh nằm ngay phía trước của người xem. Một giây nữa và ánh nắng mặt trời sẽ phủ toàn bộ vùng đất Nga này … Buổi sáng sẽ nhập vai hoàn toàn, sương mù sẽ tan … Vì vậy, như điều gì đó hấp dẫn hơn đối với khoảnh khắc bình minh này, khoảnh khắc chẳng mấy chốc nữa sẽ vụt bay mất.

Bức tranh “Rừng sồi”: Kiệt tác kỳ công trong 30 năm

Bức tranh “Rừng sồi” (nhấn vào để phóng to ảnh).

Bức tranh “Rừng sồi” thường được gọi là sáng tác vĩ đại nhất của Ivan Shishkin, xứng tầm một kiệt tác.

Một ngày tràn ngập ánh mặt trời trong khu rừng sồi. Những cây sồi đại thụ cành tỏa rộng, tràn đầy sức mạnh, lặng lẽ vững vàng hàng thế kỷ khiến chúng ta phải khâm phục. Dù đã xuất hiện những cành khô, nhưng thân sồi, vòm cây vẫn um tùm xanh tốt. Như vô thức gợi cho chúng ta một suy nghĩ rằng những cây sồi này có thể ở đó hàng trăm năm nữa, hàng ngàn năm nữa.

Đây là sáng tác mà Ivan Shishkin đã trải qua 30 năm ròng của cuộc đời họa sĩ để hoàn thành, chú trọng tới từng chi tiết tinh tế nhất, nhỏ bé nhất trong bức tranh.

Bức “Trước cơn giông”

Bức tranh “Trước cơn giông” (nhấn vào để phóng to ảnh).

Bức tranh “Trước cơn giông” là một trong những tác phẩm đầy màu sắc của họa sĩ. Ông đã có thể truyền tải một cách hoàn hảo bầu không khí căng thẳng của cả một khu rừng trước cơn giông. Thời điểm vạn vật im lặng căng thẳng trước cơn phẫn nộ của Thiên nhiên.

Đường chân trời khi ấy chia đều cảnh quan thành hai phần. Phần trên là bầu trời trước cơn giông xám đặc, đầy hơi nước sống động. Phía dưới một con sông nông, cây cối và đất đang chờ mong mưa.

Người xem cảm thấy cơn bão đang đến như thể từ bên cạnh … và trong vai một khán giả, mà lặng lẽ thưởng thức các chi tiết của cảnh quan trước cơn giông, những chi tiết thường bị tuột khỏi mắt chúng ta ngoài thực tế khi cơn giông tới. Hoàn toàn không có chi tiết nào trong bức tranh là thừa. Tất cả đều hài hòa một cách hoàn mỹ..

Thật lạ lùng, nhưng khi nhìn vào bức tranh, bất giác tự hỏi, người nghệ sĩ có bị rơi vào mưa hay còn đủ thời gian để tránh?

Bức tranh được vẽ thực tới mức hoàn toàn không làm nảy sinh câu hỏi nào về tính hiện thực của cảnh quan này.

Bức “Rừng thông”

Bức tranh “Rừng thông”  (nhấn vào để phóng to ảnh).

Trong bức tranh “Rừng thông” chúng ta thấy một góc rừng thông ngập nắng hè. Những con đường cát trắng cho ta biết biển gần đâu đó. Toàn bộ hình ảnh được lấp đầy bằng mùi thông, hương thơm tạo nên sự vui tươi đặc biệt và ấm cúng. Không gì có thể phá được sự yên tĩnh của khu rừng vào buổi sáng (bóng nắng đổ trên cát nói với chúng ta rằng đó là buổi sáng).

Rõ ràng, trước chúng ta là một trong những ngoại ô St Petersburg, nơi mà người họa sỹ tài năng thường tìm thấy những đề tài cho tác phẩm của mình.

Và, đi dạo bộ trong rừng vào một buổi sáng mùa hè, giao điểm của các con đường cát đã thu hút sự chú ý của họa sĩ. Hàng chục mảng xanh rêu, rêu xanh, cát vàng rực rỡ chói lóa … Tất cả các khung màu tự nhiên này không thể để Shishkin thờ ơ. Nhìn vào hình ảnh ta nhớ lại “tinh thần” thông, âm thanh của Biển Baltic mát mẻ. Yên ấm, dịu dàng, và thơm mát. Một mùa hè tươi đẹp và thanh thản …

Giống như bất kỳ tác phẩm của Shishkin nào khác, bức tranh “rừng thông” mang vẻ đẹp chân thực và chuẩn mực của hội họa cổ điển châu Âu.

Bức tranh “Lúa mạch”

Bức tranh “Lúa mạch” (nhấn vào để phóng to ảnh).

Trong bức tranh “Lúa mạch” tác giả kết hợp hai màu chính của nghệ thuật Nga: màu xanh và vàng. Đây là đặc trưng của các biểu tượng chính thống của Nga, liên quan đến hình ảnh của thế giới thiên quốc.

Người nghệ sĩ đã hiểu được rằng, thiên nhiên Nga chính là tác phẩm tuyệt mỹ mà Thần ban cho loài người.

Cỏ xanh dày rậm quanh ruộng lúa vàng bạt gió, những vòm thông ở phía sau nhấn mạnh nền màu cơ bản và hoàn thiện khung màu của bức tranh.

Giá trị biểu tượng truyền thống của cây thông Nga là sức chịu đựng, sức sống và sự chắc chắn. Cây trong bức tranh đại diện cho những vị anh hùng sử thi bảo vệ cánh đồng lúa mạch.

Đột nhiên xuất hiện trong khung hình giữa những cây thông xanh là một cây khô đã chết. Và ruộng lúa mạch vàng bạt gió mang vẻ bi tráng cùng một cảm giác khốc liệt. Con đường đột nhiên chia đôi ruộng lúa mạch, cũng tạo cảm giác chia cắt. Có lẽ, tác giả bằng cách đó đã đánh dấu một bi kịch cá nhân vào bức tranh: Ngay trước khi sáng tác tác phẩm này, người nghệ sĩ đã mất những người thân (cha, vợ và hai con). Sự hiện diện biểu tượng của tác giả trong tác phẩm mở rộng phạm vi kịch tính của bức tranh, làm gia tăng cảm xúc cho người xem, cũng là điều mà tác giả không thể làm khác…

Bức tranh tràn đầy bầu không khí nóng bức mùa hè như sự ngột ngạt buồn thương của tâm hồn người nghệ sĩ đang mất người thân. Đường đất cắt đôi cánh đồng. Sự hiện diện nhỏ xíu của hai người trong bức tranh, dường như là điều tác giả muốn nói, số phận con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên vĩ đại.

Những đám mây xuất hiện ở đường chân trời, dường như muốn nói rằng, đâu đó vẫn còn có chút hy vọng, về sự an lành, và sự tin tưởng vào Thần.

Thật ngạc nhiên, tác phẩm khiến cho khán giả “nghe” bản giao hưởng mùa hè cánh đồng Nga: tiếng vo ve của ong, tiếng nhan hót, tiếng xào xạc của gió. Và tác giả dường như gửi đi thông điệp:

“Mỗi người dù trong hoàn cảnh nào cũng đều nên biết ơn những gì Thần ban cho. Đó là món quà của Thần mà con người cần biết trân quý, giữ gìn.”

Nước Nga được ưu đãi một thiên nhiên tuyệt vời, liệu có phải bởi tâm hồn Thiện lương và hiền hòa, hào phóng của người Nga… Thiên nhiên Nga tươi đẹp, vẫn luôn được cho là món quà quý mà Đấng tạo hóa dành cho loài người.

Thiên Sơn

Clip hay:

Exit mobile version