Đại Kỷ Nguyên

Kiến trúc tuyệt đẹp của 10 nhà hát nổi tiếng thế giới

Nhà hát nổi tiếng thế giới

Khi nói đến kho báu kiến ​​trúc, một nhà hát opera thường là một viên đá quý được đánh giá cao nhất trong một thành phố. Những nhà hát opera tốt nhất không chỉ được xây dựng để giới thiệu những giọng hát hàng đầu mà còn để chứng minh cho thế giới rằng thành phố đó đã đạt được trình độ văn hóa và sự giàu có cao độ.

Ngoài việc cống hiến trải nghiệm sân khấu đáng nhớ, các nhà hát opera còn mang đến cơ hội thú vị cho khách du lịch tới xem các công trình xây dựng được thiết kế bởi những kiến ​​trúc sư đáng kính nhất trong lịch sử. Dù tới xem buổi biểu diễn của một vở opera yêu thích hay chỉ tham quan nhà hát, các nhà hát opera tốt nhất thế giới vẫn là những điểm thu hút du lịch nổi tiếng.

Các nhà hát lớn nổi tiếng nhất trên thế giới có đặc điểm kiến trúc độc đáo gì? Chúng ta hãy cùng điểm qua 10 nhà hát nổi tiếng thế giới:

10. Nhà hát Lớn (Bolshoi Theatre)

Được xây dựng lại và cải tạo nhiều lần trong lịch sử lâu đời của nó, nhà hát Bolshoi ở Moskva, Nga bắt đầu đi vào hoạt động trong một cấu trúc bằng gạch và đá không ấn tượng được xây dựng vào những năm 1790. Tòa nhà như hiện tại được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư Andrei Mikhailov và hoàn thành vào năm 1824. Nhà hát thuộc loại tân cổ điển này được trang bị sang trọng với những tấm thảm phương Đông, tường phủ lụa tơ tằm Đa-mát và ghế tựa bọc nhung. Tuy nhỏ hơn nhiều nhà hát lớn khác, nhưng với bốn ban công và phòng trưng bày bao quanh chỗ ngồi của dàn nhạc giao hưởng đã tạo nên một trải nghiệm rất ấm áp. Một cuộc trùng tu vào năm 2011, được đồn đại là có chi phí lên tới một tỷ đô la, đã cải thiện đáng kể hệ thống âm thanh của nhà hát.

9. Nhà hát lớn Quốc gia Hungary

Được thiết kế bởi Mikós Ybl và hoàn thành vào năm 1884, nhà hát Opera Quốc gia Hungary ở Budapest được coi là thành tựu tuyệt vời nhất của kiến ​​trúc sư người Hungary này. Cấu trúc Neo-Renaissance (Phục hưng mới) được trang trí bởi những bức tranh và tác phẩm điêu khắc được tạo ra bởi những nghệ sĩ nổi tiếng nhất cùng một chiếc đèn chùm khổng lồ bằng đồng. Những bức tượng của các nhạc sĩ thiên tài Franz ListFerence Erkel được đặt dọc theo lối vào của nhà hát. Nổi tiếng với hệ thống âm thanh tuyệt vời, nhà hát này đã thu hút các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới, như Gustav MahlerOtto Klemperer.

8. Nhà hát Opera Metropolitan

Được biết đến với cái tên đơn giản là “The Met” bởi những người yêu thích opera trên toàn thế giới, nhà hát Opera Metropolitan tại Trung tâm Lincoln ở thành phố New York nổi tiếng với những sản phẩm công phu và sáng tạo, cũng như chỉ huy các buổi biểu diễn của các ca sĩ opera thành công nhất trên thế giới. Với âm thanh và các tuyến quan sát cũng tuyệt vời, “The Met” đã được công nhận là một nhà hát opera hàng đầu kể từ khi nó bắt đầu mở cửa vào năm 1966. Được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư Wallace K. Harrison, nhà hát với thiết kế hiện đại này có mặt tiền đá hoa trắng với một loạt các vòm lớn.

7. Nhà hát Colon (Teatro Colón)

Khai trương vào năm 1908 với màn trình diễn vở “Aïda” của Verdi, nhà hát Colon ở Buenos Aires được thiết kế từ sự kế thừa của nhiều kiến ​​trúc sư, nên cấu trúc của nó theo phong cách chiết trung. Với gần 2.500 chỗ ngồi và phòng đứng cho 1.000 khán giả, Teatro Colón đã trở thành nhà hát opera lớn nhất thế giới cho đến khi Nhà hát Opera Sydney hoàn thành vào năm 1973. Giọng hát tenor nổi tiếng Luciano Pavarotti đã ca ngợi rằng nhà hát này có âm thanh hoàn hảo, nhưng lưu ý rằng thuộc tính này không phải luôn tốt cho mọi ca sĩ; Nếu một người hát hơi dở, thì sẽ bị lộ ra ngay lập tức.

6. Nhà hát San Carlo

Nhà hát San Carlo ở Naples giữ danh hiệu là nhà hát opera hoạt động lâu đời nhất ở châu Âu. Được xây dựng bởi vua Charles của Bourbon, nhà hát màu vàng kim và đỏ này được kết nối với Cung điện Hoàng gia. Hoàn thành vào năm 1737, nhà hát opera này đã thiết lập một tiêu chuẩn cao mà các kiến ​​trúc sư thuộc thế hệ sau sẽ phải cố gắng để tuân theo. Sáu tầng của khoang ngồi bao quanh chỗ ngồi của các dàn nhạc có hình móng ngựa, với một khoang ngồi đẳng cấp hoàng gia được trang trí lộng lẫy, vươn ra từ phía sau tòa nhà. Một đợt trùng tu nhà hát với chi phí hàng triệu đô la đã được hoàn thành vào năm 2010.

5. Nhà hát quốc gia Vienna

Nhà hát Opera quốc gia của Vienna, Áo, thường được gọi là Staatsoper, được khai trương vào năm 1869 với buổi biểu diễn vở “Don Giovanni” của Mozart. Nhà hát này bị phá hủy một phần bởi bom trong Thế chiến II và không được khôi phục hoàn toàn cho đến năm 1955. Các nhạc sĩ của nhà hát opera cũng được đánh giá cao như các ca sĩ; Dàn nhạc nổi tiếng thế giới Vienna Philharmonic tuyển dụng các thành viên của mình từ dàn nhạc của nhà hát này. Nhà hát quốc gia nổi tiếng với nhiều sản phẩm dành cho trẻ em và các vé chỉ dành cho phòng xem đứng có giá cả phải chăng, mà những người tới xem hát chỉ được mua vài phút trước khi buổi biểu diễn bắt đầu.

4. Nhà hát Amazon

Teatro Amazonas hay Nhà hát Amazon là một nhà hát opera nằm ở Manaus, trung tâm của vùng rừng mưa nhiệt đới Amazon. Nó được xây dựng vào thời hoàng kim của cao su thương mại, sử dụng vật liệu xây dựng từ khắp nơi trên thế giới; đồ nội thất từ ​​Paris, đá cẩm thạch từ Ý và thép từ Anh. Ở bên ngoài tòa nhà, mái vòm được phủ 36.000 viên gạch gốm trang trí sơn màu hình quốc kỳ Brazil. Buổi biểu diễn đầu tiên được ra mắt vào năm 1897, với vở opera “La Gioconda” của Ý. Tuy nhiên nhà hát opera này đã bị đóng cửa ngay sau đó, vì giao dịch cao su suy giảm và Manaus bị mất đi nguồn thu nhập chính. Chỉ có một màn trình diễn duy nhất trong nhà hát Amazon trong quãng 90 năm, cho đến năm 1990 thì nhà hát mới mở cửa trở lại.

3. Nhà hát La Scala

Nhà hát La Scala của Milan được cả thế giới biết đến như một nhà hát opera hàng đầu kể từ buổi trình diễn đầu tiên của nó vào năm 1778, với tác phẩm “L’Europa Riconosciuta” của tác giả Antonio Salieri. Nhà hát được thiết kế theo phong cách tân cổ điển bởi Giuseppe Piermarini, có màu vàng kim và đỏ, nổi tiếng với hệ thống âm thanh tuyệt vời, có thể làm bộc lộ khả năng thực sự của một ca sĩ một cách chính xác đến mức mỗi buổi biểu diễn tại La Scala này được xem như một cuộc thử lửa. Ngay cả các nghệ sĩ có tầm vóc nghệ thuật cao nhất cũng đã từng trải qua những tiếng huýt sáo từ các nhà phê bình ngồi trong “loggione” – một phòng trưng bày ở phía trên các khoang ngồi cho khán giả của nhà hát.

2. Nhà hát Palais Garnier

Nhà hát Palais Garnier nằm trên Đại lộ de l’Opéra ở Paris có khả năng là một trong những nhà hát opera nổi tiếng nhất thế giới, một phần vì nhà hát được sử dụng làm bối cảnh cho tiểu thuyết dẫn tới vở nhạc kịch được phổ cho nó – “The Phantom of the Opera”. Được kiến trúc bởi Charles Garnier và hoàn thành vào năm 1875, nhà hát opera theo phong cách Beaux-Arts này có một chiếc đèn chùm pha lê nặng 7 tấn treo ở trung tâm, cùng các bức tường bằng đá cẩm thạch được trang trí công phu và các bức tượng mô tả các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Năm 1962, Marc Chagall đã vẽ thêm những bức bích họa lên trần nhà. Mặc dù được đánh giá cao về vẻ đẹp, nhà hát này cũng “nổi tiếng” bởi có các hướng nhìn kém; nên Paris Opera hiện nay đã sử dụng công trình mới hơn là Place de la Bastille cho hầu hết các buổi biểu diễn của họ.

1. Nhà hát Opera Sydney

Một trong những địa danh nổi tiếng của Úc, nhà hát Opera Sydney là một trong những trung tâm nghệ thuật biểu diễn uy tín nhất thế giới. Được coi là một kiệt tác kiến ​​trúc của thế kỷ 20, Nhà hát Opera Sydney được thiết kế và xây dựng bởi kiến ​​trúc sư Jørn Utzon, lấy cảm hứng hình ảnh của một chiếc thuyền buồm khổng lồ. Mặc dù tên của nhà hát thể hiện là dành cho opera, nhưng công trình vẫn bao gồm nhiều địa điểm biểu diễn khác nhau. Trong số đó, những địa điểm quan trọng nhất có thể kể tới là Nhà hát Joan Sutherland, Nhà hát Kịch, Phòng Utzon đa năng và Phòng hòa nhạc, nơi có chiếc đàn organ cơ học lớn nhất thế giới. Ngoài ra, một phần của Nhà hát Opera Sydney là Forecourt, là một địa điểm tổ chức các buổi biểu diễn ngoài trời.

Theo touropia.com

Hòa Bình biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version