Đại Kỷ Nguyên

Khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi xem hoa nở lúc chờ trăng lên (P.1)

Ngày Xuân nào có thể thiếu mai, đào. Những cánh hoa chúm chím báo Xuân sang. Nhưng mà nghề chơi cũng lắm công phu. Gặp khách tri kỷ đến nhà có thể ngồi cả ngày bên ấm trà để nói về cây, về đời và về Đạo. Đó là sự giao cảm tinh thần rất thi vị của văn nhân tài tử, phong lưu tiêu sái thời xưa mà ngày nay đã trở nên vắng bóng. Bài viết về hoa mai này người viết tặng cho người sành chơi và các tâm hồn đồng điệu. Dù cuộc sống có quay cuồng đến mấy, thì tinh thần ung dung tĩnh tại này cũng không thể mất…

Khi chén rượu, khi cuộc cờ. Khi xem hoa nở, lúc chờ trăng lên

Đất trời vào Xuân và lòng người dù còn bao muộn phiền của năm cũ, cũng thắp lên hy vọng Xuân đến sẽ là một khởi đầu mới trong cuộc hành trình đến hạnh phúc. Đó đã là một quy luật của thiên nhiên và lòng người. Bởi vậy mà nhà ai cũng cố gắng có cành đào, cây mai, chậu quất…

“Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, lúc chờ trăng lên” (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Cây hoa mai được nhắc đến trong bài này là hoa mai trắng hay Nhất chi Mai, (Bạch mai, Hàn mai, Lưỡng nhị mai, nhị độ mai). Tên khoa học là Prunus mume Sieb. & Zucc, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Gọi là mai nhưng lại cùng họ với đào, anh đào, mơ, mận.

Nó hoàn toàn khác với giống mai vàng (Hoàng Mai) miền Nam có tên khoa học là Ochna integerrima thuộc chi Mai (Ochna), họ Mai (Ochnaceae). Tuy nhiên, trong bài viết có đoạn thì nói về giống mai trắng nói chung. Vì thực ra mai trắng cũng có nhiều loại, nhưng cái thần của mai trắng là giống nhau.

(Ảnh: Pinsdaddy.com)

Mai trắng không dành cho tục khách

Nhất Chi Mai sinh trưởng rất chậm, vài năm mới cao chừng mấy chục phân, lại kén người chăm. Người chơi mai cũng không đại trà như đào, quất vì chơi mai mà không hiểu được cái hồn của mai thì cũng phí hoài.

Khi chọn mai thì theo tiêu chí là: bộ rễ và củ đen, thân cây già nua, gân guốc, bong tróc. Dáng thế có chủ đề riêng. Hoa và lộc vừa phải. Hoa mai lúc còn nụ màu đỏ, khi nở thì cánh nhiều tầng và càng nở càng trắng, khi nở rộ cũng là lúc đẹp nhất thì hoa trắng muốt, tinh khiết. Lúc tàn lại chuyển đỏ.

Mai trắng là một bộ trong tứ quý tùng, cúc, trúc, mai. Tùng là sự vững chãi, cúc là đức khiêm tốn, trúc là sự thẳng thắn cương trực, còn mai là sự thanh khiết trinh bạch trong sáng vô ngần. Đây là những đặc điểm của người quân tử thời xưa.

(Ảnh: Tranhsondau.net)

Hoa mai nói chung có vị trí rất cao trong lòng người Việt cổ. Tên mai đã đi vào địa danh. Có thể bạn không để ý, Hà Nội có những địa phương xưa là nơi trồng rất nhiều mai, nên mới có tên là Hoàng Mai (Mai Vàng), Bạch Mai (mai trắng), Mai động, Tân Mai, Tương Mai. Xưa những vùng đất đó đã từng là thái ấp của danh tướng Trần Khát Chân, một người rất yêu mai và đã trồng nhiều mai ở đó, vì vậy mà đi vào tên gọi.

Từ nhành mai của thiên nhiên lúc xuân về: Mai như người quân tử

Mai trắng có một đặc tính là nếu chăm bón quá tốt, cành lá sẽ xum xuê, hoa sẽ nhỏ mà thưa, cành cũng nhẵn nhụi. Nhưng nếu trồng cằn, ở nơi nắng gió thì cành sẽ gân guốc, hoa lại to mà dày.

Thời tiết giá lạnh khắc nghiệt không khuất phục nổi mai. Khi các loài cây hoa khác run rẩy thui chột vì gió sương lạnh giá thì mai vẫn rắn rỏi ngang tàng, càng phô ra cái sắc trắng tinh khiết như tấm lòng trinh bạch của người quân tử. Mai trắng là như thế, như người quân tử đứng giữa trời đất, chịu nỗi đau khổ mà thiên hạ không chịu nổi, từ trong gian khó mà thể hiện một khí phách hiên ngang bất khuất. Mai đã Nhẫn mà lại là Dũng.

Càng sương gió giá lạnh, mai càng đẹp, cành càng rắn rỏi, đen bóng xù xì, hoa càng nổi bật lên sắc trắng có thể so với tuyết, hương thơm càng dịu dàng thanh khiết và kín đáo.

Mai không phô phang, cũng giống như đức khiêm cung của người quân tử, nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”, ai tinh ý đều phải chú ý đến mai, đều yêu cái trinh bạch, cao khiết của sắc mai, cái mạnh mẽ rắn rỏi của dáng mai, hương thơm nhẹ nhàng mà thu hút khó cưỡng của hoa mai.

Mai như người quân tử. Hãy nghĩ mà xem bao bậc quân tử, danh sĩ xưa nay, có ai được hưởng hạnh phúc đủ đầy của thường nhân, mấy ai được toại nguyện thỏa chí bình sinh với đời? Tài năng càng cao, đạo đức càng lớn thì cuộc đời lại càng mưa dập gió vùi.

Tô Đông Pha, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thi Nại Am, Ngô Thừa Ân, Tào Tuyết Cần, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát…những bậc tài cao, đạo đức siêu việt có ai là không tránh khỏi trầm luân? Vậy mà đời tư càng thống khổ họ lại càng miệt mài đóng góp cho nghìn đời sau những tác phẩm bất hủ mà thế gian còn ca ngợi mãi. Mưa gió cuộc đời không động được đến tâm của họ. Khí chất ấy chẳng giống như mai hay sao?

Vì thế, người ta mới gọi là mai cốt cách

Trong Kiều, để tả về hai nàng Kiều, Vân, đại thi hào Nguyễn Du viết: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”. Cốt cách cao thượng như mai, tinh thần trắng trong như tuyết, con người được ví von như thế là đến bậc thượng rồi, không thể cao hơn được nữa.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần (Ảnh: Pinterest.com)

Trong một đoạn khác, cụ lại tả nàng Kiều: “nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”. Dù nàng có buồn đau, gầy guộc vẫn giữ nguyên khí chất cao quý trong điệu gầy của mai, nét u hoài của cúc, không phải là sự tàn tạ, bệ rạc.

Hình ảnh mai được sử dụng trong Kiều rất nhiều lần. Mai trong cổ văn, cổ thi chắc chắn là mai trắng trong văn hóa của đất Bắc Hà, chịu ảnh hưởng của phương Bắc, nơi có nhiều mai trắng. Có một câu thơ miêu tả sự yêu hoa mai của cụ Nguyễn Du, được cụ viết trên đường đi sứ phương Bắc trở về. Ngang qua Từ Châu cụ đã chịu đựng giá rét suốt ba tháng cốt chỉ để được ngắm mai nở đầu non, chờ đợi thế có khác gì đợi người tri kỷ.

Nhượng tận khổ hàn tam duyệt nguyệt.
Lĩnh đầu lạc đắc khán mai hoa

(Trích Từ Châu Đạo Trung)

Dịch nghĩa:

Ba tháng khổ chờ qua giá rét.
Hoa mai đỉnh núi ngắm muôn vàn.

(Ảnh: Fotofaka.com)

Cao Bá Quát bái lạy cành mai

Mai cao quý, cốt cách thanh kỳ thế nên ngay cả một hạng người thông minh tuyệt đỉnh, tài năng quán thế, cốt cách phi thường nhưng cũng hết sức ngạo nghễ ngang tàng như cụ Cao Bá Quát cũng phải bái lạy cành mai.

Cao Bá Quát thông minh, học giỏi, văn hay chữ tốt nức tiếng một thời, cùng với Nguyễn Siêu là hai danh sĩ được tôn lên hàng Thần Siêu, Thánh Quát (văn như Siêu Quát vô Tiền Hán).

Quát từng nói với Siêu là: “Thiên hạ có bốn bồ chữ, Quát có hai bồ, Siêu một bồ, còn lại người trong thiên hạ chia nhau một bồ”. Khẩu khí thật là lớn. Cả đời ông chưa từng thấy cần phải bái lạy ai, vì con người không xứng để ông bái lạy. Ông chỉ bái lạy Hoa mai mà thôi, hãy xem thơ ông nói gì:

“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”
(Mười năm lưu lạc tìm thanh kiếm cổ
Cả đời kẻ hèn này chỉ biết cúi đầu bái lạy hoa mai.)

(Ảnh: WordPress.com)

Hết phần 1. Mời độc giả đón đọc tiếp phần 2. 

Uông Tuấn Phong

Exit mobile version