Đại Kỷ Nguyên

Khám phá nội tâm của họa sĩ bậc thầy người Hà Lan qua một vài kiệt tác

Trong triển lãm của ‘The Met’ có tiêu đề “Tôn vinh hội họa: Những kiệt tác của Hà Lan”. J.H. White, một nhà báo chuyên về văn hóa – nghệ thuật sống ở New York, đã có những chia sẻ sâu sắc khi chiêm ngưỡng các kiệt tác của họa sĩ bậc thầy người Hà Lan Rembrandt.

Một vài năm trước, một họa sĩ vẽ chân dung hoàng gia nước Anh nói với tôi rằng một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất của ông là kiệt tác gia người Hà Lan thế kỷ 17 Rembrandt van Rijn. Ông Nadine Orenstein, người phụ trách tranh của bảo tàng Metropolitan (the Met) cũng nói rằng có rất nhiều họa sĩ hiện đại đang quay trở lại với bậc thầy cổ điển vĩ đại này.

Bản thân tôi không phải là một nghệ sĩ, nhưng là một người ngưỡng mộ các tác phẩm cổ điển. Vì vậy tôi tự hỏi tại sao Rembrandt vẫn đang tiếp tục truyền cảm hứng cho các họa sĩ giỏi nhất thế giới, ngay cả trong thời hiện đại. Để tìm câu trả lời, tôi đã đến thăm triển lãm của ‘The Met’ có tiêu đề “Tôn vinh hội họa: Những kiệt tác của Hà Lan”, mở cửa đến tận tháng 10 năm 2020. Đó là lần đầu tiên tôi được xem một bức tranh của Rembrandt “bằng xương bằng thịt”.

Bức “Aristotle với bức tượng bán thân của Homer”, 1653, bởi Rembrandt van Rijn. Sơn dầu, KT: 143,5cm x 136,5cm. Mua từ đóng góp và quỹ đặc biệt bởi những người bạn của Bảo tàng, năm 1961. (Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York)

Bức tranh ‘Aristotle với bức tượng bán thân của Homer’

Cuộc tìm kiếm câu trả lời của tôi bắt đầu từ bức “Aristotle với bức tượng bán thân của Homer” của Rembrandt. Ông Adam Eaker, người phụ trách triển lãm và trợ lý giám tuyển tranh châu Âu của ‘The Met’ nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, rằng bức tranh này là một trong những biểu tượng thực sự của bảo tàng. Khi bảo tàng mua được nó tại cuộc đấu giá vào năm 1961, hàng chục ngàn người đã đến xem ở lượt trưng bày đầu tiên, lập nên một kỷ lục.

Ông Eaker cho rằng đây là một kiệt tác của Rembrandt, mô tả hình tượng cao quý của triết gia Aristotle, nhưng bản thân bức tranh cũng có những phẩm chất rất riêng, đó là cảnh tượng nhà hiền triết này chìm đắm trong suy nghĩ. Ông ta đang suy tư điều gì?

Trong bức tranh này, nhà triết học Hy Lạp Aristotle của thế kỷ 4 trước công nguyên đang đặt một tay lên bức tượng bán thân của nhà thơ Homer, một cách nhẹ nhàng và trìu mến như người con đặt tay lên một người cha già. Aristotle đồng thời phô ra những “cái bẫy” của lợi lộc và danh tiếng, có thể nhìn thấy trên ngực ông là sợi dây chuyền vàng gắn huân chương, do một học trò của ông là Alexander Đại đế ban tặng.

Nhiều thế kỷ trước Aristotle, Homer đã đạt được sự bất tử trong văn chương nhờ các tác phẩm “Iliad” và “Odyssey”. Có lẽ Rembrandt qua bức tranh này muốn gợi ý rằng Aristotle đang tìm kiếm trí tuệ từ bậc tiền bối cổ xưa để có một cái nhìn sâu sắc hơn vào bên trong cuộc sống của bản thân ông.

Một bức tượng bán thân nhà hiền triết Aristotle (Ảnh:haddonstone.com)

Chuyên gia Eaker cho rằng Rembrandt muốn cho chúng ta thấy có một cuộc sống nội tâm bên dưới những “cái bẫy danh lợi” này và bản thân ông còn rất nhiều nghi vấn.

Quan điểm chính xác của Rembrandt trong bức tranh này không rõ. Có thể là Aristotle đang so sánh ảnh hưởng của mình với Homer. Cũng có thể Aristotle đang tự hỏi liệu ông đã cho thế giới và “cậu học trò” Alexander Đại đế những chỉ dẫn đúng đắn hay không, hoặc có thể ông đang tự hỏi liệu những ghi nhận bề ngoài này có ý nghĩa thực sự gì không. Tôi có thể tưởng tượng Rembrandt cũng đang tự đặt những câu hỏi này cho di sản của chính mình.

Tuy nhiên, điều được thấy rõ ở đây là, nghệ thuật không chỉ đơn giản là sự mô tả về chủ đề. Nghệ thuật còn là hiện thân của điều không thể nhìn thấy – đó chính là người làm công việc sáng tạo, người nghệ sĩ.

Vậy nên Eaker đã nói, trong mỗi bức tranh của Rembrandt có một người mẫu, nhưng đồng thời luôn có hình ảnh của chính ông. Trong đó luôn là một câu chuyện về điều khiển cọ vẽ, nghề vẽ, và cả tầm nhìn của người nghệ sĩ..

Bức tranh chân dung thoát khỏi ảo tưởng

Đặc biệt, các tác phẩm của Rembrandt không chỉ bộc lộ kỹ năng siêu xuất của ông mà còn cả những phẩm chất vô hình của một bậc thầy: cá tính, quan điểm, các mối quan tâm và tính nết.

Thế kỷ 17 được coi là thời kỳ hoàng kim của hội họa Hà Lan, mà Rembrandt là một trong những nhân vật trung tâm, nhưng ông đã dám đột phá xu hướng nghệ thuật vào thời điểm đó. Tiêu đề của cuộc triển lãm mà tôi đang xem – “Tôn vinh hội họa” – thực tế xuất phát từ một lời rao giảng công khai vào năm 1641 của một họa sĩ không nổi tiếng người Hà Lan là Philips Angel nhằm tôn vinh những phẩm chất ảo tưởng của hội họa Hà Lan.

Ông Eaker đưa ra một ví dụ trong triển lãm về phong cách ảo tưởng này. Đó là bức tranh ‘Một lọ hoa’, của Margareta Haverman. Ông nói: “Bạn có thấy giọt sương trên những bông hoa không? Bạn có thấy những con kiến ​​nhỏ bé không. Càng nhìn kỹ, bạn sẽ thấy càng nhiều chi tiết trong bức tranh này”.

Bức “Một bình hoa”, 1716, bởi Margareta Haverman. Sơn dầu, KT: 79,4cm x 60,3cm. Mua năm 1871. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York)

Các đường nét siêu chi tiết, trơn mượt và lý tưởng trong bức tranh nói trên đã tạo ra một hình thức chất lượng “ảo tưởng”. Rembrandt đã không đi theo phong cách mang tính trào lưu này, mà dùng các nét vẽ lớn hơn và nổi bật hơn.

Ta nhớ rằng Hà Lan là một quốc gia của các thương nhân, và cũng của các nghệ sĩ, trong đó có Rembrandt. Họ đều chịu ảnh hưởng của các tác phẩm gốc hoặc các bản tranh in từ thời Phục hưng Ý khi chúng lan truyền lên phía Bắc. Các yếu tố về bố cục trong các tác phẩm của Rembrandt cũng phỏng theo các họa sĩ bậc thầy như Raphael.

Bức ‘Cowper Madonna nhỏ bé’ bởi Raphael (Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia, Washington, D.C.) (Ảnh: pinterest.com)

Tuy nhiên Rembrandt đã có thể thoát khỏi chủ nghĩa lý tưởng hóa của thời kỳ Phục hưng để miêu tả các nhân vật, bao gồm bản thân ông, với những điểm chi tiết không hoàn hảo mà ông quan sát thấy. Vì thời đó không có ảnh chụp để so sánh, nên không thể biết chắc Rembrandt trên thực tế có theo trường phái tả thực không; nhưng ít nhất cũng nhìn thấy xu hướng của ông là như vậy.

Bức chân dung tự họa của Rembrandt chính là một ví dụ điển hình, minh họa cho nhãn quan thực tế và nghiêm túc của ông.

“Chân dung tự họa”, 1660, bởi Rembrandt van Rijn. Sơn dầu. KT: 80,3cm x 67,3cm, Do Benjamin Altman nhường lại, năm 1913. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York)

Ông Eaker – người phụ trách triển lãm – nhận xét rằng, Rembrandt đã vẽ bức chân dung này ở một mức độ gần như điêu khắc. Ông mô tả khá mạnh bạo các dấu hiệu lão hóa trên khuôn mặt của chính mình. Có thể nhìn thấy những túi mắt nặng nề, những nếp nhăn hằn sâu, và những lọn tóc bạc của Rembrandt là những yếu tố nổi bật của bức chân dung.

Nhưng bản thân tôi thấy rằng bức chân dung tự họa này còn tiết lộ nhiều điều hơn. Rembrandt mong muốn tác phẩm của ông có tính xác thực và chân thực; ông không sợ phô bày những khiếm khuyết của mình. Ông tìm kiếm những sự thật phổ quát bằng những công cụ và cọ vẽ của mình. Đó có thể là một trong những lý do làm cho tranh của Rembrandt vẫn được yêu thích tới ngày nay.

Bức ”Chân dung của một người đàn ông”, bởi Rembrandt, bán được 20,2 triệu bảng vào tháng 12 năm 2009 tại nhà đấu giá Christie. (Ảnh: AFP/GETTY IMAGES / telegraph.co.uk)

Bằng cách lưu giữ lại trong tranh yếu tố nhân tính mà ông đã thực sự quan sát thấy từ nhân vật, Rembrandt đã giúp chúng ta thấy được tính cách của chính mình. Bằng cách nhìn nhận cả mặt tốt và mặt xấu của con người để ngày càng hoàn thiện hơn, trưởng thành hơn.

Biên dịch theo bản tiếng Anh của Epoch Times

Clip hay:

Exit mobile version