Đại Kỷ Nguyên

Khám phá 10 tu viện Phật giáo lý thú trên thế giới

Trên hành trình truyền bá từ Ấn Độ sang phương Đông, văn hóa Phật giáo đã để lại nhiều dấu ấn kiến trúc kỳ thú trên các quốc gia nằm bên dãy núi Hymalaya hùng vĩ. Hãy cùng khám phá 10 tu viện thuộc loại kỳ thú nhất trong số đó.

Các tu viện là một trong những thể chế căn bản nhất của Phật giáo. Các nhà sư ở đó có trách nhiệm bảo tồn và truyền bá các giáo lý cũng như giáo dục và hướng dẫn các tín đồ. Nguồn gốc các tu viện xuất phát từ sự thực hành “vassa”, một khóa tu được thực hiện bởi các nhà sư và ni cô và dần dần phát triển thành các trung tâm học tập, nơi các nguyên tắc và giáo lý được phát triển và tranh luận.

10. Tu viện Yumbulagang

Theo một truyền thuyết Yumbulagang là tòa nhà đầu tiên được xây dựng ở Tây Tạng và cũng là cung điện của vị vua đầu tiên của Tây Tạng, Nyatri Tsenpo. Tên của tu viện này ó có nghĩa là “Cung điện của Mẹ và Con trai” trong ngôn ngữ Tây Tạng. Dưới triều đại của Dalai Lama thứ 5, cung điện này đã trở thành một tu viện của giáo phái Gelugpa. Đáng buồn là, nó đã bị hư hại nặng nề và mất đi một tầng trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Vào năm 1983 tu viện đã được xây dựng lại.

9. Tu viện Erdene Zuu

Tu viện Erdene Zuu có lẽ là tu viện Phật giáo cổ xưa nhất còn tồn tại ở Mông Cổ. Nó được xây dựng vào năm 1585 bởi Abtai Sain Khan, khi truyền bá Phật giáo Tây Tạng vào Mông Cổ. Đá từ tàn tích Karakorum đã được sử dụng để xây dựng tu viện. Nó được bao quanh bởi một bức tường có 100 bảo tháp. Dưới thời cai trị của chế độ cộng sản, Erdene Zuu chỉ được phép tồn tại như một bảo tàng. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Mông Cổ vào năm 1990, tu viện Erdene Zuu đã được chuyển cho các Lạt ma và quay lại trở thành nơi thờ tự.

8. Tu viện Ganden

Tu viện Ganden là một trong ba tu viện vĩ đại tầm cỡ “đại học” của Tây Tạng, nằm trên đỉnh núi Wangbur ở độ cao 4.300 mét. (Hai tu viện còn lại thuộc top 3 là Tu viện Sera và Tu viện Drepung). Là nơi xa nhất từ ​​Lhasa trong số 3 tu viện đại học, theo truyền thống Ganden có số người ít hơn, với khoảng 6.000 nhà sư vào đầu thế kỷ 20. Năm 1959, tu viện này bị phá hủy hoàn toàn bởi Hồng vệ binh; xác ướp của Tsongkhapa – người sáng lập tu viện – đã bị đốt cháy. Việc tái thiết tu viện đã được thực hiện từ những năm 1980.

7. Tu viện Key Gompa

Key Gompa hay Tu viện Ki là một tu viện Phật giáo Tây Tạng hàng nghìn năm tuổi, nổi bật trên đỉnh một ngọn đồi ở độ cao 4.166 mét trong Thung lũng Spiti. Ngôi làng Kibar bên dưới tu viện được cho là ngôi làng cao nhất ở Ấn Độ. Tu viện đã bị tấn công nhiều lần trong lịch sử lâu đời bởi quân Mông Cổ và các đội quân khác; nó cũng bị tàn phá bởi hỏa hoạn và động đất. Các sự kiện hủy diệt và phục hồi liên tiếp đã dẫn đến các tòa nhà có hình hộp, và toàn bộ tu viện trông giống như một pháo đài, nơi các ngôi đền được xây dựng theo kiểu tòa nọ trên đỉnh của tòa kia.

6. Đền Lạt ma

Đền Lama (còn gọi là Đền Yonghe / hay Cung điện Hòa bình và Hòa hợp), nằm ở phía đông bắc của Bắc Kinh, là một trong những tu viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất trên thế giới. Ngôi đền này được xây dựng bởi các hoàng đế Trung Hoa – những người có niềm đam mê sâu sắc đối với dòng Phật giáo Tây Tạng. Trong những năm qua, nhiều tu sĩ Tây Tạng và Mông Cổ đã sinh sống và giảng đạo ở đây. Ngôi đền này có một bức tượng Phật Di Lặc cao 26m được chạm khắc từ gỗ đàn hương trắng.

5. Tu viện Thikse

Tu viện Thikse là một tu viện Phật giáo Tây Tạng thuộc giáo phái Mũ Vàng, gây chú ý vì giống với Cung điện Potala ở Lhasa. Tu viện này nằm ở độ cao 3.600 mét trong thung lũng Indus ở Ấn Độ. Đây là một khu phức hợp có 12 tầng và chứa đựng nhiều vật phẩm nghệ thuật Phật giáo như bảo tháp, tượng và tranh treo tường. Một trong những điểm quan tâm chính là Đền Di Lặc được xây thêm, để kỷ niệm chuyến viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đến tu viện Thikse vào năm 1970.

4. Tu viện Punakha Dzong

Tọa lạc trên một hòn đảo nằm giữa ngã ba sông Pho Chhu và Mo Chhu, tu viện Punakha Dzong là một trong những nơi tráng lệ nhất trong tất cả các “dzong” cổ xưa của Bhutan. Một “dzong” là sự kết hợp của một pháo đài và tu viện, được đặt tại mỗi quận ở Bhutan. Punakha Dzong, giống như bất kỳ “dzong” nào khác, là để phục vụ cho một số mục đích, bao gồm bảo vệ khu vực, đồng thời là một cơ sở hành chính cho chính phủ và là ngôi nhà nghỉ đông cho nhân lực của tu viện. Nó được nối với đất liền bằng một cây cầu gỗ hình vòm, và chứa đựng nhiều di tích quý giá từ thời các vị vua liên tiếp trị vì vương quốc từ thung lũng này.

3. Tu viện Taung Kalat

Được xây dựng trên đỉnh một ngọn núi lửa đã tắt, tu viện Phật giáo Taung Kalat là một trong những địa điểm ngoạn mục nhất ở Miến Điện. Để đến được tu viện, du khách phải trèo lên 777 bậc thang lên tới đỉnh núi. Từ đỉnh cao Taung Kalat, có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu vực, bao gồm thành phố cổ Bagan và đỉnh hình nón đơn độc của núi lửa khổng lồ Popa.

2. Tu viện Taktsang Dzong

Nằm ở rìa của một vách đá cao 900 mét, Tu viện Taktsang (còn gọi là Hang cọp) tạo ra một cảnh tượng cực kỳ ấn tượng, và là biểu tượng không chính thức của Bhutan. Theo một truyền thuyết, ngài Gurpa Rinpoche đã bay đến địa điểm này từ Tây Tạng trên lưng một con hổ; và Taktsang từ đó được thánh hóa để thuần hóa con yêu hổ đó. Tu viện đầu tiên được xây dựng vào năm 1692. Năm 1998, một trận hỏa hoạn thảm khốc đã phá hủy hầu hết các tòa nhà gốc ban đầu, nhưng tu viện này đã được gắng sức khôi phục để quay trở lại thời kỳ vinh quang trước đây.

1. Tu viện treo

Nằm ở lưng chừng một vách đá và cách mặt đất khoảng 75 mét, Tu viện Treo (còn được gọi là Đền Xuankong) là một trong những điểm tham quan đáng chú ý nhất ở Trung Quốc. Là một tổ hợp gồm 40 căn phòng được liên kết với nhau bằng các hành lang và lối đi chênh vênh giữa không trung, tu viện đáng chú ý này dường như được gắn vào một bên của vách đá dựng đứng. Cái tên ‘tu viện treo” có thể gây hiểu nhầm, vì nó thực sự được nâng đỡ bởi các cột nhà sàn chứ không phải được gắn trực tiếp vào vách núi đá. Tu viện này được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 và đã được “treo” ở đây trong 1.500 năm. Trong lịch sử lâu dài của nó, nhiều lần sửa chữa và mở rộng đã được thực hiện, dẫn đến quy mô như được thấy ngày nay.

Theo touropia.com (bài và ảnh)

Hòa Bình biên dịch

Clip ý nghĩa:

Exit mobile version