Đại Kỷ Nguyên

Khách thơ từ chối làm “Thi sĩ”, chỉ mong tế thế giữ cổ phong

Giữa mênh mang trời đất, có những người làm thơ.
Giữa bộn bề cuộc sống, thơ vẫn tới bất ngờ!

Xin đừng gọi tôi là “thi sĩ”.

Thi sĩ – kẻ sĩ làm thơ. Kẻ “sĩ” ngày xưa thì ai cũng có khả năng làm thơ cả.

Có một điều chúng ta cần nói rõ. Ngôn ngữ thuần chính, thâm sâu truyền thống giờ đã bị biến đổi khá nhiều theo cách dùng của chúng ta. Giả sử, đá “luân lưu” mà chúng ta hay dùng, thì thực ra cần phải gọi là “luân phiên” mới đúng. Nó được coi là “đúng” chẳng qua vì chúng ta dùng nhiều, đã quen, và không thể thay đổi nó dễ dàng được mà thôi.

Thế thì “làm thơ” kia, có lẽ cũng không ổn lắm. Vì nguyên gốc gọi là “tác thi”. Tác thi không đơn thuần là làm thơ, không đơn thuần là có cảm xúc dâng lên mà trải lòng đó ra bằng câu từ, bằng vần điệu. Từ Hán Việt “tác” được dịch ra có 2 nghĩa là “làm” và “tạo nên” Nếu nói làm thơ không hợp lý, thì tạo nên thơ cũng chưa trọn nghĩa. Đành chỉ để từ tác thi ấy thôi, vì từ nôm thật rất khó kiếm từ thay thế nó được. Thì thôi, tạm dùng là làm thơ vậy.

Từ thi sĩ, cũng đã bị biến đổi theo cách ấy. “Kẻ sĩ” ngày xưa không chỉ là kẻ có học dăm ba con chữ. Kẻ ấy là kẻ có học thức, đương nhiên. Nhưng cũng là kẻ thông hiểu đạo lý, hết lòng vì nghĩa, ôm theo hoài bão lớn lao nhưng biết giữ lễ khiêm cung, kính cẩn. Khi cần thì không việc nào không thông suốt, khi lui về thì chỉ như một kẻ quê mùa, đạm bạc, dung dị giản đơn, như chẳng biết gì đến thế sự, ngày lại ngày vui thú điền viên.

Ôm chí lớn cống hiến cho đất nước còn khi lại lui về vui thú điền viên ngày tháng an lành… (Ảnh: Tinh Hoa)

Từ “thi sĩ” ngày nay được dùng với nghĩa một kẻ lãng mạn, hào hoa, có thể tức cảnh sinh tình ngâm vịnh mấy câu thơ vờn hoa, thưởng nguyệt, vin gió, đòi mây. Rồi những thơ tình, thơ ái, nảy nở đâm chồi tua tủa. Thì thôi, đành để người ta dùng từ “thi sĩ” theo cách ấy vậy.

Nhưng xin, xin chớ gọi tôi như vậy. Với thơ, tôi chỉ là một kẻ làm khách. Một kẻ khi xưa trên bước đường “chinh nhân” (đường làm người vất vả), đi tìm kiếm những câu hỏi trong đầu từ thơ bé không lời giải, hoặc giả ôm tâm phù trợ nước non, mang lại ấm no cho dân chúng, bình yên cho sơn hà mà nhiều khi cùng quẫn, lại nhàn tản rỗi rãi, viết mấy câu cho thỏa nỗi lòng, lúc xa cách tri âm,không người đàm luận; hay một kẻ trên đường tu luyện ngày nay, trên đường “tầm Đạo” như tìm được điều ý nghĩa chân chính nhất trong đời người có thể tìm kiếm, một nửa dốc lòng tu luyện, một nửa đẫm lệ cho thế nhân vẫn đang mê man giữa những danh, lợi, tình.

Vạn Lý Khách là khách thơ, cũng là khách của cuộc đời này, của thế gian này. Một khách trọ đến nơi ắt phải đến, nhưng cũng không phải chốn đặt tâm lâu dài, dù cho luôn mang nỗi lòng trân trọng.

Một khách trọ đến nơi ắt phải đến, nhưng cũng không phải chốn đặt tâm lâu dài, dù cho luôn mang nỗi lòng trân trọng. (Ảnh: Mytour)

Thi sĩ thì ở trên đã nói rồi, thi gia là tác giả lớn về thơ. Cả hai từ này với nghĩa xưa và từ nay đều không hợp.

Thì thôi, nếu bắt buộc phải gọi, xin được gọi tôi là “Thi khách”. Một khách thơ.

Một khách thơ bôn bả từ xa tới
Hình như lòng vội vã muốn đi đâu
Thế nhân cất tiếng một câu
Chào lời tâm đảm, buồm lau xuôi dòng.

Nguyện mang theo một tấm lòng
Tế nhân, tế thế cổ phong vãn hồi.
Rượu đã bỏ, trà nhấp môi
Hùng tâm buông xuống, cõi đời mênh mang.

Vạn Lý Khách

Exit mobile version