Đại Kỷ Nguyên

Hun đúc tình yêu nghệ thuật nhờ chiêm ngưỡng kiệt tác cổ điển từ thuở ấu thơ

“Các họa sĩ bậc thầy đã biết cố gắng che đi và loại bỏ tất cả những yếu tố kỹ thuật để có thể khắc họa cuộc sống thực. Đó là lý do tại sao những bức tranh tầm cỡ lớn trông rất chân thực và gần như thanh thoát và tự nhiên đến nỗi bạn sẽ không cảm thấy độ khó để vẽ ra chúng…”, nghệ sĩ trường phái cổ điển Niko Chocheli thảo luận về các kiệt tác nghệ thuật cổ điển.

Nghệ sĩ Georgia Niko Chocheli, thuộc Trường Mỹ thuật Chocheli ở Doylestown, Pennsylvania, chia sẻ về những kiệt tác mà ông đã được chiêm ngưỡng khi còn là một thiếu niên. Lớn lên ở Georgia thuộc Liên Xô cũ đồng nghĩa với việc Chocheli chỉ có thể đi trong khối Xô Viết để xem nghệ thuật. Dưới đây, ông kể lại việc xem những tác phẩm nghệ thuật đó đã định hình sự hiểu biết của ông về nghệ thuật như thế nào?.

Nghệ thuật gia Niko-Chocheli

Khi tôi còn rất nhỏ, bố mẹ thường đưa tôi đến xem những viện bảo tàng lớn. Từ đó tôi đã yêu thích nghệ thuật, đủ để nó chiếm trọn cuộc sống của tôi, nhưng tới bây giờ tôi cần nhìn lại tình yêu đó được hình thành như thế nào và ai là những nghệ sĩ lớn mà đã truyền cho tôi cảm hứng.

Bản vẽ của Niko Chocheli, là một cách diễn giải cổ điển và lấy cảm hứng từ bức “Lễ biến hình”, 1515-1520, bởi họa sĩ Raphael. (Bản quyền ảnh: Niko Chocheli)

Cả bố và mẹ tôi đều là những nghệ sĩ được đào tạo theo truyền thống, vì vậy họ biết và hiểu tầm quan trọng để tôi hiểu và đánh giá cao các giá trị truyền thống. Bố mẹ biết rằng tôi cần gặp trực tiếp những nghệ sĩ này, để được nói, được xem trực tiếp nghệ thuật gốc. Tôi có nhiều cuốn sách nghệ thuật, nhưng xem một bức tranh trong sách không thể thực sự tạo ra những điều kỳ diệu như khi xem một bức tranh thực sự.

Khi xem một kiệt tác, bạn cảm giác được cuộc sống

Lần đầu tiên tôi được gặp những bức tranh lớn là tại Bảo tàng Tu viện Nhà nước ở St. Petersburg, Nga. Ở đó có rất nhiều bức tranh lớn của bậc thầy, và đối với một nghệ sĩ trẻ dễ xúc cảm như tôi, nó giống như bước vào một thiên đường, một khu vườn địa đàng.

Ở tuổi thiếu niên, bức tranh “Sự trở về của đứa con hoang toàng” của Rembrandt là một bức tranh gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ. Đó là một bức tranh xuất sắc. Khi xem bức tranh, bạn thấy người cha được miêu tả là một người mù. Ông ta già nua và yếu đuối, và người con trai của ông đã trở về nhà sau khi phung phí mọi thứ. Cha anh đã bỏ qua tất cả những lỗi lầm của con trai, và tất cả những gì ông ấy muốn là chỉ ôm lấy anh và nói: “Chào mừng, con đã lạc lối và bây giờ con đã tìm được lối về”.

Bức tranh “Sự trở về của đứa con hoang toàng”; Họa sĩ Rembrandt van Rijn, tại Bảo tàng Tu viện Nhà nước ở St. Petersburg, Nga. (Ảnh: Sergieiev / Shutterstock)

Bức tranh đó thật tuyệt vời, đẹp và ấm áp. Chỉ cần nhìn vào đôi bàn tay của người cha là có thể cảm nhận; Ông ấy bị mù, nhưng vẫn cảm thấy được con trai của mình. Người con trai vùi đầu vào ngực cha. Cảnh tượng đó rất mạnh mẽ và cảm động.

Đây là một điều tạo nên những kiệt tác lớn: Khi xem tranh bạn quên rằng chúng đã được vẽ ra. Bạn cảm thấy chúng sống động và rất thực, và bạn có trải nghiệm như thể bạn đang ở trong bức tranh.

Khi các nghệ sĩ cố gắng thể hiện các kỹ năng và kỹ thuật của họ, điều đó thật xuất sắc và đáng khen ngợi, nhưng đó không phải là tất cả. Đó mới chỉ là sự bắt đầu. Các họa sĩ bậc thầy đã biết cố gắng che đi và loại bỏ tất cả những yếu tố kỹ thuật để có thể khắc họa cuộc sống thực. Đó là lý do tại sao những bức tranh tầm cỡ lớn trông rất chân thực và gần như thanh thoát và tự nhiên đến nỗi bạn sẽ không cảm thấy độ khó để vẽ ra chúng; Trong thực tế, che đi các yếu tố kỹ thuật là một công việc rất vất vả.

Tranh: “Sự trở về của đứa con hoang toàng”. (Nguồn ảnh: paintinghere.com)

Khi đứng trước một kiệt tác, bạn sẽ không nghĩ về các chi tiết kỹ thuật, như các đường nét vẽ và kẻ ô. Bạn chỉ nhìn xem nó được vẽ đẹp như thế nào; dù cho toàn bộ yếu tố kỹ thuật đều đã bao hàm trong đó. Cũng giống như trong cuộc sống thực, khi bạn nhìn vào một người hoặc một vật thể, bạn sẽ không nhìn xuyên vào bên trong cấu tạo, mà chỉ nhìn những gì nổi bật nhất và mạnh nhất.

Tôi đã đứng trước bức tranh này, và sững sờ khi cảm thấy như mình đang ở trước một khung cảnh thật.

Thức tỉnh trước một sự tiệm cận của màu sắc

Tới khi được xem bức tranh “Bức thư của người trẻ tuổi” của Francisco Goya tại Bảo tàng Mỹ thuật Pushkin ở Moscow, tôi đã lớn khôn hơn một chút nhưng vẫn còn ở giữa tuổi thiếu niên.

Đó là một cuộc triển lãm của Cung Mỹ thuật thành phố Lille ở Pháp, nơi lưu giữ những bộ sưu tập tuyệt vời của những bậc thầy vĩ đại và những bậc thầy Fleming tuyệt vời như Rubens.

Bức tranh đó vẽ một người phụ nữ đang đọc một lá thư, với một người phục vụ nhỏ nhắn đang cầm một chiếc ô lớn che trên đầu người phụ nữ. Một chú chó nhỏ đứng trước mặt họ, và dường như có những người thợ giặt quần áo ở phía sau.

Bức tranh “Bức thư của người trẻ tuổi” của Francisco de Goya. (Bản quyền ảnh: Cung mỹ thuật thành phố Lille, Pháp)

Bức tranh này được treo ở trung tâm triển lãm, và điều làm tôi ấn tượng là chiếc váy đen của người phụ nữ đang đọc bức thư. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì mạnh mẽ như vậy. Nó đen và mạnh đến nỗi tất cả những kiệt tác xung quanh bức tranh đó đều được đặt trong một loại bóng tối; tất cả chúng trông như thể đang bị nhòa dần đi. Tôi đã không thể nhìn thấy bất cứ điều gì khác ngoài bức tranh này.

Tất nhiên, vì là một nghệ sĩ trẻ và dễ xúc động, tôi đã muốn tìm hiểu làm thế nào trên thực tế Goya đã làm được điều đó. Tâm trí của tôi đã nghĩ ngợi rất lung: Ông ấy đã có tất cả những truyền thống đặc biệt và những vật liệu tuyệt vời mà chúng tôi có lẽ sẽ không bao giờ có. Ông ấy có lẽ đã sở hữu một loại màu đen đẹp nhất trên thế giới.

Tôi bèn đến gần để xem kỹ chiếc váy đen đó, và tôi đã ngạc nhiên cực độ: tôi thấy được mọi màu khác, trừ màu đen mà tôi hy vọng. Thực tế cũng có chút màu đen, nhưng nó không phải là màu chủ yếu. Mà chủ yếu chính là các màu đỏ sẫm và màu tím. Đó cũng là lúc tôi học được rằng vẽ một bức tranh thực sự là gì, hiểu ra rằng nó không phải là sử dụng một màu sắc hoàn hảo nào đó; mà là phối hợp màu: Chính màu bên cạnh sẽ xác định một màu sắc sẽ trở thành màu gì trong mắt người xem.

Chiếc áo nịt của người phụ nữ được vẽ với một màu trắng rực rỡ, dĩ nhiên tương phản tuyệt vời với “màu đen” nói trên. Mọi màu sắc được hòa hợp cùng nhau. Đó là hiệu ứng đã làm cho “màu đen” này trở nên mạnh mẽ đến vậy. Tôi tự nhủ: Đây chính là bí mật của Goya, và cách ông ta đạt được nó. Ông ấy không có bất kỳ vật liệu đặc biệt nào; mà đó là trí tuệ của ông, và đó là khi tôi thực sự học được vẽ một bức tranh là gì. Bức tranh lộng lẫy này là đã làm tôi thức tỉnh.

Vẽ tranh cùng với niềm vui

Sau đó có một cuộc triển lãm lớn tại Bảo tàng Tu viện ở St. Petersburg của Phòng trưng bày Quốc gia ở London. Tôi đã được xem một bức tranh của Frans Hals vẽ một chàng trai trẻ cầm trên tay một chiếc hộp sọ. Đó là một bức tranh tuyệt vời được vẽ với sự tinh tế và nét vẽ điêu luyện đến mức trông giống như nhân vật đang hát. Trong bức tranh đó tôi thấy có niềm vui.

“Chàng trai trẻ và chiếc hộp sọ (Vanitas)”, 1616-8, Họa sĩ Frans Hals. (Bản quyền ảnh: Phòng trưng bày Quốc gia, Luân Đôn)

Đó là lúc tôi biết rằng các họa bậc thầy không chỉ ngồi trong các xưởng vẽ cũ đầy bụi bặm và vẽ ra những bức tranh để làm bạn nể sợ, mà họ còn có niềm vui trong đó. Họ yêu cái đẹp, họ mừng vui với những khám phá của bản thân, và không bị ức chế bởi bất cứ điều gì.

Bản vẽ của Niko Choceli, vẽ dang dở bằng phấn đỏ và chì nâu gạch, để làm một công cụ hỗ trợ giảng dạy cho học sinh của ông. (Bản quyền ảnh: Niko Chocheli)

Theo LORRAINE FERRIER (theepochtimes.com)

Hòa Bình biên dịch

Clip hay:

Exit mobile version