Đại Kỷ Nguyên

Hội họa Hy Lạp cổ đại: Các đế chế vĩ đại từ Sparta đến Athena

Hy Lạp cổ đại kéo dài hơn một nghìn năm bắt đầu với sự sụp đổ của nền văn minh Mycenaean (Mixen) (khoảng 1600-1000). Các thế kỷ mờ nhạt ít được biết đến (1200-800), tạo thành giai đoạn chuyển tiếp giữa nền văn minh Myxen và nền văn minh Hy Lạp. Nền văn minh Hy Lạp thực sự xuất hiện vào thế kỷ 8, đánh dấu bằng sự hình thành các vùng lãnh thổ nhỏ độc lập về cơ cấu chính trị được gọi là các thành. Người ta biết đến kiến trúc và điêu khắc của Nghệ thuật Hy Lạp cổ đại với nhiều vật chứng được lưu lại…

Người Hy Lạp, cũng giống như người Ai Cập, thích trang trí tường của những ngôi nhà của họ. Tranh tường còn lại rất ít, nhưng những khám phá quan trọng đã được thực hiện vào cuối thế kỷ 20.

Tranh trên pano gỗ cũng rất phổ biến, được ghi nhận trong một số văn bản, ví dụ như cuốn Lịch sử tự nhiên của Pline cổ đại (xem một số trích đoạn dưới đây). Tranh trên gốm được bảo tồn tốt hơn theo thời gian, giúp ta có một sự hiểu biết chuyên sâu hơn về các phong cách phát triển nối tiếp nhau. Trước khi giới thiệu những thành tựu chính của hội họa Hy Lạp, cũng cần nhắc lại những giai đoạn lớn của lịch sử Hy Lạp cổ đại.

Bản đồ Hy Lạp cổ đại

Các giai đoạn lớn của Hy Lạp cổ đại

Thời kỳ cổ xưa (800 đến 500)

Tại thời kỳ này, đã hình thành các thành phố với các thể chế chính trị và lãnh thổ độc lập; trong đó 2 thành phố đã phát triển và thực sự đạt được một sức mạnh kinh tế và quân sự: Sparta và Athena. Các thành của Hy Lạp nằm ở rìa phía Bắc của lưu vực Địa Trung Hải. Ví dụ Marseille (Massalia) được thành lập bởi những người định cư Hy Lạp khoảng năm 600. Chữ cái Hy Lạp xuất hiện, bắt nguồn từ chữ Phe-ni-xi. Thế vận hội cũng ra đời tại thời kỳ này. Quyền lực chính trị là chế độ đầu tàu tài chính (những người giàu nhất thống trị). Giai đoạn này kết thúc bằng sự chiếm giữ quyền lực của các bạo chúa. 

Năm 510, ở Athena, bạo chúa Hippias bị lật đổ và tầng lớp quý tộc giành lại quyền lực. Thời điểm này đánh dấu kết thúc của thời kỳ cổ xưa.

Hội họa của thời kỳ cổ xưa có một thiên hướng thuần túy trang trí. Nó không tồn tại như một nghệ thuật độc lập. Nó chỉ là trang trí tường các lăng mộ, đền thờ cũng như đồ gốm sứ.

Chiếc bình với hình con thuyền và các chiến binh (thế kỷ thứ 8)

Chiếc bình cao 99 cm, đường kính 94 cm, Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô, New York.

Thời kỷ cổ (510 đến 323)

Các nhà sử học đã coi thời kỳ này là thời kỳ đỉnh cao của Athena. Thành Athena chi phối toàn bộ thế giới Hy Lạp về mặt quân sự, chính trị và văn hoá. Nó đóng một vai trò quyết định trong các cuộc chiến tranh Medi (498-479) chống lại người Ba Tư. Pericles (495-429), chính khách, nhà chiến lược và nhà hùng biện người Athena, nhà quân sự trong các cuộc chiến của Peloponnesus (431-430) chống lại Sparta và thúc đẩy dân chủ và văn hóa. Thế kỷ thứ 5 được các nhà sử học coi là thế kỷ của Pericles. Vào thế kỷ thứ 4, xuất hiện nhiều cuộc xung đột giữa các thành Hy Lạp cho đến khi Alexander Đại đế (356-323) chinh phục toàn bộ khu vực.

Các tên tuổi lớn của văn hóa Hy Lạp cổ đại thời kỳ này là: Socrates (khoảng 470-399), Platon (khoảng 428-348), Thucydide (khoảng 460-395), Aristote (384-322). Trong lĩnh vực hội họa, đồ gốm với các hình màu đỏ phát triển.

Cuộc chiến của Thần và người khổng lồ, chi tiết (410-400)

Bảo tàng Louvre, Paris.

Thời kỳ Hy lạp hóa (323-146)

Sau cái chết của Alexander Đại đế năm 323, đế chế của ông bị chia cắt, đất nước đi vào một giai đoạn suy giảm tương đối về mặt chính trị. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ Hy Lạp vẫn kéo dài. Đây là lý do tại sao một số sử gia coi đây là thời kỳ Hy Lạp hóa. Nó tương ứng với sự phổ biến rộng hơn của ngôn ngữ và của văn hoá Hy Lạp, đặc biệt đối với Cộng hòa La Mã. Sự bành trướng quân sự La mã dẫn tới việc chuyển Hy Lạp và Macedonia thành các tỉnh La mã vào năm 146. Bắt đầu từ đó là giai đoạn cuối của Hy Lạp cổ đại thường được gọi là thời La mã. Nếu văn hoá và ngôn ngữ vẫn còn, thì quyền lực chính trị và quyền lực quân sự bây giờ hoàn toàn thuộc về Rôma.

Lăng mộ trang trí hình lá cọ, trần nhà (bắt đầu TK thứ 3)

Hội họa Hy Lạp trên đồ gốm

Với thời gian, đồ gốm bền hơn nhiều so với gỗ. Nếu hội họa trên gỗ thời cổ đại Hy Lạp gần như không còn lại gì thì ta có những bộ sưu tập lớn đồ gốm (được vẽ trang trí) nằm ở nhiều bảo tàng trên khắp thế giới. Từ thời Phục hưng, một số nghệ sỹ người Ý đã quan tâm đến đồ gốm cổ.

Từ thế kỷ 15, tổ tiên của Giorgio Vasari đã làm đồ gốm bắt chước đồ gốm của người cổ xưa được phát hiện trong vùng Arrezzo ở Ý. Nhưng các nghiên cứu chủ yếu đượctiến hành từ thế kỷ 18. Việc trang trí những vật dụng (bình, vò, hộp, liễn) bằng đất nung đã có từ rất lâu , trước cả thời Hy Lạp cổ đại, bởi những vật dụng được tô vẽ của nền văn minh Mi-xen (1600-1000) vẫn được bảo tồn.

Có bốn phong cách trang trí kế tiếp nhau cho gốm Hy Lạp cổ đại: hình học, phương Đông, hình đen, hình đỏ. Chúng ta không thấy sự đoạn tuyệt đột ngột và những thay đổi của phong cách tựa như có nét giống với các trào lưu của nghệ thuật trong thế kỷ 20 và 21. Các tiến triển diễn ra chậm chạp và quá trình chuyển đổi từ phong cách này sang phong cách khác nối tiếp nhau. Niên đại đưa ra chỉ có tính chỉ dẫn.

Phong cách hình học (thế kỷ 9 và thế kỷ 8)

Thời đầu, chỉ là các họa tiết hình học được sử dụng, sau đó xuất hiện hình cách điệu của người và vật.

Bình đựng hình học trung bình (khoảng 800)

Bình đựng cao 55,5 cm, đường kính 38, 2 cm, Nghĩa trang Dipylon (Athena), Bảo tàng Louvre, Paris. “Chiếc bình đựng lớn này giống như một cái bình đựng tro cốt hơn là cái hộp. Nó có hai tay cầm, được trang trí các họa tiết hình học (đường uốn lượn, răng sói, zigzag, sọc chữ chi) trong các phần tách biệt bởi những đường chỉ nhỏ. Phần giữa 2 tay cầm được trang trí một đường uốn lượn với những nét chấm gạch bên sườn hai con ngựa» (bản chỉ dẫn bảo tàng Louvre)

Bình kiểu Athen (khoảng 740).

Staatliche Antikensammlungen, Munich. Phong cách hình học trang trí che phủ toàn bộ bề mặt của đồ vật.

Chiếc bình ở Dipylon (thế kỷ thứ 8)

Bình cao 108 cm, Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô, New York. Được phát hiện tại nghĩa trang Dipylon, Athena; đây là một chiếc bình di cốt đựng các vật dụng làm cho người quá cố. Các họa tiết hình học vẫn còn, hai viền trang trí tượng trưng cho một đám tang. Không có bất cứ một sự gợi lại nào của thế giới bên kia, không giống như hội họa Ai Cập.

Chiếc bình với hình con thuyền và các chiến binh (thế kỷ thứ 8).

Cao 99 cm, đường kính 94 cm, Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô, New York. Theo các sử gia, trang trí ở đây là sử dụng cho nghi thức tang lễ. Ta nhận thấy có một chiếc thuyền (hình ở mặt kia) và các chiến binh. Phong cách hình học ở đây là để trang trí các hình dáng được cách điệu.

Phong cách phương Đông (thế kỷ thứ 7)

Với sự mở rộng về mặt địa lý, thương mại với Trung Đông được phát triển, các loại bình, lọ Ai Cập được bán ở thị trường Hy Lạp, ảnh hưởng đến việc chế tạo đồ gốm tại địa phương. Phong cách này được các sử gia đánh giá là mang tính cách phương Đông, nhưng trên thực tế, đặc trưng chủ yếu của nó dựa trên sự phát triển các cảnh tượng, đánh dấu sự thoái lui của họa tiết hình học. Thành Corinthe của Hy Lạp là một trong những trung tâm chính sản xuất đồ gốm mang tính cách phương Đông này. Một trong những biến thể của phong cách này đã phát triển ở thành Rhodes và Milet. Nó đã gọi là phong cách của dê hoang dã vì những hình, họa tiết động vật cách điệu chủ yếu là dê.

Dê hoang dã (640-630)

Bình rượu nho cổ Hy Lạp. Cao 39,50 cm, đường kính 30 cm, Bảo tàng Louvre, Paris. “Những hình ưa thích theo phong cách “dê hoang dã” được thể hiện chủ yếu trên các loại bình rượu cổ, bắt nguồn từ các mẫu hình bằng đồng, các đĩa có chân hoặc không chân. Đường vẽ được nhấn mạnh bởi các nét điểm xuyến vẽ màu trên bề mặt gốm trắng ngà. Tô vẽ động vật rất cách điệu (động vật tưởng tượng và động vật thực), được tìm thấy ở nhiều khu vực. Bề mặt được trang trí bởi các hình cách điệu, hình tam giác, hình chữ vạn, hoa hồng, các hoa văn trừu tượng» (Bản chỉ dẫn bảo tàng Louvre)

Chiếc bình của Eurytios (khoảng 600).

Cao 46 cm, đường kính 28,20 cm, Cerveteri (Caeré), Corinth, Bảo tàng Louvre, Paris. Chiếc bình của Eurytios rất đặc biệt bởi kích thước của nó và chất lượng trang trí, mô tả một cuộc phiêu lưu nhỏ của Héraclès (hình ở mặt trước). Heracles, ghé thăm nhà Vua Eurytios, tham gia vào một cuộc thi bắn cung mà giải thưởng là bàn tay con gái của vua, Iole, đã vô tình bị anh trai Iphitos giết chết. (Bản chỉ dẫn Bảo tàng Louvre)

Phong cách với hình đen (thế kỷ 7 và 6)

Những hình vẽ màu đen ra đời ở Corinthe và là một cách thể hiện các họa tiết trên đồ gốm phương Đông. Thành Athena mang đến phong cách ở đỉnh cao của nó. Nó có hai đặc điểm:

– Hình ảnh cách điệu (thực vật, động vật hoặc con người) màu đen trên nền đất son hoặc đỏ;

– Có thể có các vết rạch, nghĩa là các đường vạch trên đất sét trên các hình màu đen, để tạo ra màu mới cho đất nung (xem Achilles và Ajax chơi xúc xắc dưới đây).

Về mặt kỹ thuật, cần phải thực hiện nung ba lần và người thợ gốm phải biết chính xác về thời gian nung, nếu không các hình đen có thể chuyển sang màu đỏ.

Cốc với hình người bắt chim (khoảng 550).

Chiếc cốc xứ Ioni với các hình đen, Etruria (?), cao 15 cm, đường kính 23,5 cm, Bảo tàng Louvre, Paris. “Toàn bộ mặt trong được trang trí với các chi tiết đẹp như tranh vẽ. Một người đàn ông có râu, quấn khố, đứng giữa 2 cây nho; người này đang túm các cành cây trong tay. Trên cây, phía sau người này, là một tổ chim với 4 con chim non được vẽ bằng màu cánh gián nhạt […] ; có thể đây là thần của cây nho và của tự nhiên. Mặt khác đây cũng có thể là người bắt chim”.. (Bản chỉ dẫn bảo tàng Louvre)

Achilles và Ajax chơi xúc xắc (v. 540).

Cao 61 cm, có dấu của Exekias, Bảo tàng Vatican, Rome. Achilles và Ajax là những anh hùng huyền thoại của cuộc chiến giữa Sparta và Troy. Họ chơi xúc xắc trong khi tay vẫn giữ chặt cây giáo. Ở thời kỳ đó (thế kỷ thứ 6 TCN), những cảnh thần thoại đã trở thành một tiêu đề nổi bật trong việc trang trí các vò hai quai. Các nhân vật được thể hiện giống như trong hội họa Ai Cập.

Cày cấy và gieo hạt (khoảng 530).

Chiếc cốc với hình đen, Athena, cao 15 cm, đường kính 21,5 cm, Bảo tàng Louvre, Paris. “Nhiều hoạt động nông nghiệp được thể hiện xung quanh chiếc bình loe miệng. Một cảnh cày cấy và gieo hạt được thể hiện ở mặt chính. Ở giữa hình, một người cầm cày đi sau cặp bò. Phía bên phải, hai thanh niên đang gieo hạt đựng trong một giỏ nhỏ; bên trái, một người đang cầm cuốc để phủ đất lên hạt giống » (Bản chỉ dẫn bảo tàng Louvre).

Hết phần 1. Mời quý độc giả đón đọc tiếp phần 2. 

Theo Rivage de Bohème

Xuân Hà biên dịch

Exit mobile version