Đại Kỷ Nguyên

Hạc Vàng bay đi, mây trắng ngàn năm còn ở lại

Hoàng Hạc Lâu là thắng cảnh nổi tiếng ở Vũ Hán gắn liền với sông Trường Giang và là một trong “Tứ đại danh lâu” của Trung Hoa. Ngôi lầu nằm bên bờ sông Dương Tử và nhìn ra thành phố Vũ Hán, tỉnh Hà Bắc. Biết bao thi nhân, có cả Thôi Hiệu và Lý Bạch, đã từng viết nên những áng thơ nổi tiếng về ngôi lầu này. Truyền thuyết kể rằng Hoàng Hạc Lâu được xây dựng để tỏ lòng tôn kính với một vị Đạo tiên.

Truy ngược lịch sử, thì thời Tam Quốc, ba nước phân hùng. Ai cũng biết ngã ba sông Trường Giang và Hán Thủy là vị trí chiến lược. Bên Đông Ngô đã chi xây ở đây một ngôi lầu tháp để kiểm soát những thuyền bè qua lại và tình hình thời cuộc. Trải qua bao nhiêu lần lở bồi của sóng gió Trường Giang, ngôi lầu này bị đập phá rồi xây dựng lại không biết bao lần. Cùng với đó là những truyền thuyết, huyền thoại. Đáng lưu ý nhất là câu chuyện về Phí Vĩ lên tiên, cỡi hạc vàng và đã dừng chân nghỉ trên ngọn tháp quan sát của Ðông Ngô thời Tam Quốc. Vì sự tích này mà tháp này được đặt tên là Hoàng Hạc Lâu.

Theo Trần Nguyên Thắng thì trong “Liệt tiên toàn truyện” của Vương Thế Chinh và Uông Vân Bằng đời Minh kể thêm rằng sau khi lên tiên, Phí Vĩ hay thơ thẩn đi chu du đây đó, nhất là hay thả bộ dọc theo bờ sông Trường Giang. Ông thường hay ghé vào một tửu lầu ở cuối đồi Hoàng Hạc Sơn uống rượu nhưng ông không có tiền nên uống rượu “ghi sổ”. Nhưng chủ nhân tửu lầu họ Tân vẫn luôn vui vẻ cho ông thiếu tiền rượu mà không hề đòi. Nhiều năm trôi qua như thế, cho đến một ngày Phí Vĩ gọi chủ nhân họ Tân lại nói: “Tôi nợ ông tiền rượu quá nhiều rồi. Bây giờ là lúc tôi xin trả cho ông”. Nói xong, Phí Vĩ một tay cầm vỏ cam, gọi hạc vàng đến. Phí Vĩ cưỡi hạc vàng bay dọc theo bờ tường của tửu lầu nói vọng theo: ”Mỗi khi có khách đến uống ruợu thì ông hãy vỗ tay và hát lên thì ngay lập tức hạc vàng sẽ từ tường hiện ra và múa theo điệu ông hát”. Nói xong Phí Vĩ bay mất!

Người họ Tân tuy nghi ngờ về những điều Phí Vĩ nói nhưng rồi vì tò mò ông ta cũng làm theo những gì mà Phí Vĩ đã dặn. Và đúng như thế, mỗi lần họ Tân vỗ tay và hát thì chim hạc luôn luôn hiện ra nhảy theo nhịp hát của ông. Cứ như thế, mười năm trôi qua, chủ nhân tửu lầu họ Tân giờ đây trở nên rất giàu có, nhưng lòng lúc nào cũng nhớ đến Phí Vĩ. Chợt một hôm Phí Vĩ trở lại gặp họ Tân và hỏi rằng: “Chim hạc của tôi đã trả nợ đủ tiền rượu cho tôi chưa?“. Ðể cám ơn, họ Tân đã mời Phí Vĩ dùng cơm tối, nhưng Phí Vĩ không nói gì, ông lấy ra một ống sáo bằng ngọc và thổi lên một tấu khúc. Chỉ trong chốc lát, một cụm mây trắng từ trời sa xuống, hạc vàng bay đến chỗ ông. Phí Vĩ cưỡi chim hạc và bay theo vầng mây trắng mất hút vào trời không. Chủ nhân họ Tân đóng cửa tiệm rượu và dùng hết số tiền mình có để xây Hoàng Hạc Lâu, để tưởng nhớ đến Phí Vĩ và hạc vàng. Từ đó người đời sau dùng câu “bạch vân hoàng hạc” để ám chỉ về sự tích này.

Nhắc tới thơ Đường, nhắc tới Hoàng Hạc Lâu, tôi chợt nhớ lời bình “không theo khoa học” Tây Phương nhưng thấm tâm can của Kim Thánh Thán: “Nếu chọn 10 nhà thơ Đường, không có Thôi Hiệu. Nếu chọn 10 bài thơ Đường không thể không có HOÀNG HẠC LÂU “.

Chính Thi Tiên Lý Bạch đến định đề thơ nơi đây nhưng khi đọc Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đành thôi. Ông nói lý do này bằng một bài thơ. Và đây cũng là bài thơ nổi tiếng. Nó như đôi cánh của Hạc Vàng bay vào một thế giới trong khiết. Lý Bạch theo Đạo Gia. Tâm thái tự nhiên như thiên nhiên của người tu luyện khiến ta nhìn ông với sự cảm phục không ngờ. Lý Bạch vĩ đại nhưng ông hình như không biết điều đó. Ông nhìn thấy “nhà thơ của một bài” thật vĩ đại.

Theo cuốn TOÀN ĐƯỜNG THI được biên tập thế kỷ 18, thời nhà Thanh có 5 vạn bài thơ với 2000 nhà thơ nổi danh. Nghe nói nếu san định lại thì con số này còn khổng lồ hơn.

Nhiều lúc, tôi tự thốt ra lời: “Muôn năm Lý Thế Dân Đường Thái Tông! Ông sống thời Thịnh thế Trinh Quán chưa đến 60 mà sao có sự nghiệp như vậy! Chỉ thơ Đường thôi, đã quá tuyệt vời rồi!”.

Người ta thường kể giai thoại, khi Thi tiên Lý Bạch đến Lầu Hoàng Hạc du ngoạn, định đề thơ, nhưng ông đành gác bút, ngửa mặt lên trời mà than rằng:

“Nhãn tiền hữu cảnh đạo vô tắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”

Tạm dịch:

Cảnh đẹp nhường kia sao khó viết.
Trên đầu Thôi Hiệu đã đề thơ!

Thực ra, Hoàng Hạc Lâu cũng cho Lý Bạch một thi phẩm tứ tuyệt để đời. Đó là: Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng 黃鶴樓送孟浩然之廣陵 (Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng)

黃鶴樓送孟浩然之廣陵

故人西辭黃鶴樓,
煙花三月下陽州。
孤帆遠影碧空盡,
惟見長江天際流。

Phiên âm:

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

Dịch nghĩa

Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía tây,
Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu.
Bóng chiếc buồm đơn màu xanh mất hút,
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy bên trời.

Bản dịch của Ngô Tất Tố

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời

“Nhạc Phi một danh tướng thời Nam Tống, mỗi lần trên đường đem quân lên phía Bắc với ước mơ quét sạch quân Kim để thu hồi giang sơn cho nhà Ðại Tống (nhà Tống lúc đó bị nhà Kim đánh chiếm nên lui về đóng đô ở Hàng Châu. Sử gọi là nhà Nam Tống), ông đều ngừng lại ở Hoàng Hạc Lâu, và với bao nhiêu cảm khái về nơi chốn này, ông để lại cho hậu thế một ca từ bất tử “Mãn Giang Hồng, Ðăng Hoàng Hạc Lâu hữu cảm”. Thế nhưng sau khi Nhạc Phi bị vợ chồng Tần Cối và tên vua hèn nhát độc ác bức hại thì Hoàng Hạc Lâu một lần nữa lại bị phá hủy.

Và bây giờ, xin hãy cùng cảm nhận bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu

Nguyên tác tiếng Hán:

黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。

Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa:

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại,
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không.
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!

Bản dịch của Ngô Tất Tố

Người xưa cưỡi hạc đã lên mây,
Lầu hạc còn suông với chốn này.
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng
Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dày.
Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây!

Bản dịch của Tản Đà

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng aỉ.

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Người đi cưỡi hạc từ xưa,
Đất này Hoàng Hạc còn lưu một lầu.
Hạc vàng đi mất đã lâu,
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông.
Hán Dương cây bóng lòng sông,
Bãi kia Anh Vũ cỏ trông xanh rì.
Chiều hôm lai láng lòng quê,
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu.

Bản dịch của Trần Trọng San

Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay.
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm,
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.

Bản dịch Bùi Đại Dũng:

Người xưa cưỡi hạc đi rồi
Chơ vơ lầu vắng bên trời đứng trông
Hạc vàng đi có về không
Ngàn năm mây trắng như lòng vấn vương
Cây in sông lặng Hán Dương
Bãi Anh Vũ cỏ đơm hương, xanh rì
Chiều buông, đâu lối về quê
Trên sông khói tỏa sóng về buồn dâng.

La Vinh

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:

Exit mobile version