Đại Kỷ Nguyên

Giỏi làm thơ, ít ai biết Lý Bạch còn là người có căn cơ tu Đạo không tầm thường (P.2)

Lời toà soạn: Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

“Tứ minh cuồng khách” Hạ Tri Chương: Lý Bạch quả xứng bậc Trích Tiên

Tiếp theo Phần 1.

Trong nhóm của Tư Mã Thừa Trinh có một vị “Tứ minh cuồng khách” tên là Hạ Tri Chương, từng nhậm chức Thái tử hữu thứ tử, Thị độc, Công bộ thị lang, rất có danh tiếng trong giới văn học đời Đường.

Năm 742, Lý Bạch đến Trường An, ở Tử Cực Cung, Hạ Tri Chương lần đầu tiên gặp Lý Bạch. Sau khi xem các tác phẩm như “Thục đạo nan”… của Lý Bạch, Hạ Tri Chương cảm nhận sâu sắc ông là bậc kỳ tài, bèn trực tiếp gọi ông là “Trích Tiên nhân”.

Cách xưng hô này một mặt biểu thị Lý Bạch “Tài hoa hương tỏa tựa Tiên”, là Tiên nhân bị giáng đày xuống nhân gian, mặt khác cũng là ám chỉ trên thân ông toát ra khí chất mà chỉ người tu Đạo mới có.

Hạ Chi Trương. (Ảnh: epochtimes.com)

Hạ Tri Chương nhiệt tình mời Lý Bạch đến quán rượu, hai người vừa uống vừa đàm đạo, vô cùng tâm đầu ý hợp, rất vui thích. Hơn kém nhau 40 tuổi nhưng từ đó cả hai đã kết giao thành đôi bạn vong niên. Do quên không mang theo bạc, Hạ Tri Chương tháo ngọc kim quy mà Hoàng đế ban tặng tạm cầm lấy rượu uống, đây chính là điển tích “Kim quy hoán tửu” nổi tiếng trong lịch sử.

Sau đó, được nhóm Hạ Tri Chương tiến cử, Đường Huyền Tông đã triệu kiến Lý Bạch vào Kim Loan Điện, rồi trao cho Lý Bạch chức hàn lâm cống phụng. Danh tiếng Lý Bạch lan truyền khắp thiên hạ. Từ đó, Hạ Tri Chương và Lý Bạch thường uống rượu thơ phú, đàm đạo nghệ thuật thi ca. Cả hai người cùng với nhóm Trương Húc được người đương thời gọi là “Túy trung bát Tiên” (8 vị Tiên say). Một đại thi hào đời Đường là Đỗ Phủ đã miêu tả sinh động dáng say của Hạ Tri Chương và Lý Bạch trong “Ẩm trung bát Tiên ca” (Bài ca 8 vị Tiên uống rượu):

Tri Chương kỵ mã tự thừa thuyền,
Nhãn hoa lạc tỉnh thủy để miên.”

Dịch nghĩa:

Tri Chương cưỡi ngựa mà giống như lên thuyền,
Mải coi hoa nên sa chân xuống giếng nước, bèn ngủ luôn dưới đáy giếng.

Lại viết:

Lý Bạch nhất đấu thi bách thiên,
Trường An thị thượng tửu gia miên.
Thiên tử hô lai bất thướng thuyền,
Tự xưng thần thị tửu trung Tiên”.

Lý Bạch một đấu thơ trăm bài,
Quán rượu Trường An cứ ngủ dài.
Trên thuyền vua gọi thần chẳng xuống,
Tiên đang uống rượu chớ phiền ai.

Năm 744, Hạ Tri Chương vì bệnh cáo lão về quê, được Hoàng đế và bá quan đưa tiễn. Sau khi về, ông dùng nhà làm Đạo quán xin làm Đạo sỹ, đồng thời được Đường Huyền Tông đồng ý. Lý Bạch vì ly biệt bạn thân mà cảm thấy rầu rĩ, liền viết bài thơ “Tống Hạ tân khách quy Việt”:

“Kính hồ lưu thủy dạng thanh ba,
Cuồng khách quy chu dật hứng đa.
Sơn Âm Đạo sỹ như tương kiến,
Ưng tả hoàng đình hoán bạch nga.”

Dịch thơ:

Kính Hồ nước chảy gợn sóng xanh
Cuồng khách dật hứng biệt ly hành
Sơn Âm Đạo sỹ ông về gặp
“Hoàng đình” đổi ngỗng chữ vang danh

Không lâu sau khi Hạ Tri Chương cáo lão về quê, Lý Bạch vì đắc tội với giới quyền quý mà bị Huyền Tông “tặng vàng về núi”. Năm 747, Lý Bạch đến Việt Trung thăm Hạ Tri Chương, kinh hoàng nghe tin ông đã quy tiên, liền viết bài thơ phú “Đối tửu ức Hạ giám nhị thủ tính tự” (Hai bài thơ uống rượu nhớ Hạ giám và lời tựa), tưởng nhớ người bạn tri kỷ.

Đạo sỹ Nguyên Đan: “Người nhà khác họ”

Tác phẩm nổi tiếng của Lý Bạch “Tương tiến tửu” có viết:

“Sầm phu tử, Đan Khâu Sinh,
Tương tiến tửu quân mạc đình.
Dữ quân ca nhất khúc,
Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính”

Dịch thơ:

Sầm phu tử, Đan Khâu Sinh,
Cùng uống rượu chớ có dừng.
Hát cho nhau một khúc,
Lắng tai tôi hát bạn nghe .

(Ảnh: kienthuc.net)

Đan Khâu Sinh trong đoạn thơ này chính là Nguyên Đan Khâu, là một đạo sỹ hồi đầu Lý Bạch ở Tứ Xuyên kết giao thân thiết nhất. Sử sách có chép, Nguyên Đan Khâu là đệ tử của Đạo sỹ Hồ Tử Dương. Từ các tác phẩm thơ của Lý Bạch có hơn chục bài là thù tạc tặng Nguyên Đan Khâu, có thể thấy, tình bạn của họ thực sự phi thường.

Như trong bài “Dĩnh Dương biệt Nguyên Đan Khâu chi Hoài Dương” (Ở Dĩnh Dương từ biệt Nguyên Đan Khâu đi Hoài Dương), Lý Bạch viết: “Ngô tương Nguyên phu tử, dị tính vi thiên luân” (Ta coi Nguyên phu tử là người nhà mà khác họ), ý tứ là quan hệ của hai người như anh em ruột thịt.

Trong “Nguyên Đan Khâu ca” ông viết như sau:

“Nguyên Đan Khâu, ái Thần Tiên,
Triêu ẩm Dĩnh Châu chi thanh lưu,
Mộ hoàn Tung Sầm chi tử yên,

Tam thập lục phong thường chu toàn,
Thường chu toàn, nhiếp tinh hồng,
Thân kỵ phi long nhĩ sinh phong,
Hoành hà khóa hải dữ thiên thông.”

Dịch thơ:

Nguyên Đan Khâu, thích Thần Tiên,
Sáng uống nước khiết ở Dĩnh Châu,
Tối về Tung Sầm tía sắc mây.

Ba mươi sáu núi thường ngao du,
Thường ngao du, bước sao băng,
Thân cưỡi phi long phóng băng băng,
Qua sông vượt biển tới trời xanh.

Trong bài thơ: “Tây Nhạc Vân Đài ca tống Đan Khâu Tử” (Khúc hát ở Vân Đài Tây Nhạc tiễn biệt Đan Khâu Tử), ông viết: “Vân Đài các Đạo liên yểu minh, trung hữu bất tử Đan Khâu Sinh” (Đài các Vân Đài nối cõi Tiên, có người bất tử Đan Khâu Sinh).

Trong mắt Lý Bạch, Nguyên Đan Khâu là Tiên nhân có thể vượt biển bay lên trời và trường sinh bất tử. Họ cùng nhau tìm thầy học Đạo: “Tôi với Hà tử Nguyên Đan, Yên tử Nguyên Diễn, khí cao Đạo hợp, kết giao Thần Tiên, thân khác tâm đồng, thề mãi cùng mây biển, không gì ngăn cản nổi. Đi khắp thiên hạ, tìm danh sơn, đến cố hương của Thần Nông, đắc được thuật trường sinh của Hồ Công” (“Tống Yên tử Nguyên Diễn ẩn Tiên Thành sơn tự” – Lời tựa tiễn Yên tử Nguyên Diễn ẩn cư núi Tiên Thành). Cùng nhau đàm huyền ngộ Đạo trong bài thơ “Dữ Nguyên Đan Khâu Phương Thành tự đàm huyền tác” (sáng tác khi đàm Đạo với Nguyên Đan Khâu ở chùa Phương Thành):

“Diệt trừ hôn nghi tận,
Lĩnh lược nhập tinh yếu.
Trừng lự quan thử thân,
Nhân đắc thông tịch chiếu.
Lãng ngộ tiền hậu tế,
Thủy tri kim Tiên diệu.”

Dịch thơ:

Nghi tâm diệt trừ hết
Lĩnh nhập tinh tấn môn
Vô tạp niệm nhìn thân
Định huệ soi sáng tỏ
Ngộ ở giữa trước sau
Thấy phép Tiên diệu màu.

Hai người cùng nhau lên núi Tung Sơn tìm Tiên luyện đan: “Dắt tay tìm Thần Tiên, từ nay luyện thuốc Tiên” (“Đề Tung Sơn dật nhân Nguyên Đan Khâu sơn cư tịnh tự” – Đề nơi ẩn cư của ẩn sỹ Nguyên Đan Khâu núi Tung Sơn và lời tựa).

Ảnh hưởng của Nguyên Đan Khâu đối với Lý Bạch không thể nói là không lớn, mà Lý Bạch cũng vì vậy mà có quan hệ mật thiết với Hồ Tử Dương, sư phụ của Nguyên Đan Khâu. Lý Bạch viết trong “Hán Đông Tử Dương tiên sinh bi minh” (Bài minh trên bia tiên sinh Tử Dương Hán Đông) giới thiệu rằng: “Vì gặp các Chân nhân, nhận được Xích đan dương tinh và Thạch cảnh thủy mẫu. Do đó thường hít phi căn, nuốt nhật hồn, bí mật tu luyện”. Hơn nữa, do có Thần giao với Tử Dương, Lý Bạch “Được hưởng đầy đủ tố luận, 10 phần thì đắc được 9 phần”. Sau này, Lý Bạch còn theo Nguyên Đan Khâu đến núi Tung Sơn quy ẩn một thời gian.

Tương truyền, khi Lý Bạch lần đầu tiên đến Trường An, Nguyên Đan Khâu thông qua Thị Doanh pháp sư (Ngọc Chân công chúa) tiến cử Lý Bạch, để công chúa tiến cử với Huyền Tông, thêm vào nữa là nhóm Hạ Tri Chương tiến cử, Huyền Tông mới hạ chiếu triệu kiến Lý Bạch. Cuộc sống của Lý Bạch ở Trường An từ đó khiến Huyền Tông “Xuống xe bộ hành nghênh đón, như gặp Ỷ Hạo (tức Ỷ Lý Quý, ẩn sỹ cuối thời Tần đầu thời Hán – ND), ban tiệc ở thất bảo sàng, tự tay vua múc canh cho”, đồng thời “Thân ở Kim Loan điện, ra vào giữa hàn lâm. Vua hỏi chính sự Chu, thay vua thảo chiếu cáo”.

Bức tranh “Lý Bạch sáng tác Thanh bình điệu”, trích từ tập tranh “Thanh bình điệu đồ” của Tô Lục Bằng đời Thanh vẽ, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Quảng Châu. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Uống rượu họa thơ với Đạo sỹ Ngô Quân

Ngô Quân là đạo sỹ nổi tiếng núi Mao Sơn đời Đường, Huyền Tông nghe danh sai sứ giả triệu kiến ông, trao cho chức Đãi chiếu hàn lâm. Huyền Tông hỏi về Đạo pháp và chuyện tu luyện Thần Tiên, Ngô Quân đáp: “Đó là việc của kẻ nơi núi rừng hoang dã, lấy công phu qua tháng năm tu hành mà có, không phải ý thích của bậc quân chủ”. Huyền Tông vô cùng coi trọng ông.

Đầu năm 742, Ngô Quân đông du đến Cối Kê (Hàng Châu ngày nay), ẩn cư ở Diệm Trung (Huyện Diệm, Chiết Giang ngày nay). Ông đã kết giao với Lý Bạch ở đó, cùng Lý Bạch uống rượu họa thơ. Trong bài thơ “Phượng sênh thiên” của Lý Bạch có câu: “Tiên nhân thập ngũ ái xuy sênh, học đắc Côn Khâu thái phượng minh” (Tiên nhân thích sênh tuổi mười lăm, học khúc phượng minh núi Côn Khâu”. Tiên nhân ở đây chính là Ngô Quân.

Trong thời gian ẩn cư ở đây, Lý Bạch cũng đã có trải nghiệm thái dược, phục đan ở núi Thiên Thai Chiết Giang, ông viết:

“Phan điều trích chu quán,
Phục dược luyện kim cốt.
An đắc sinh vũ mao?
Thiên xuân ngọa bồng khuyết.”

Dịch thơ:

Vịn cành bẻ chu quán,
Phục dược luyện kim đan.
Sao được mọc lông mao?
Bồng lai ngàn xuân ngủ .

Và:

“Nhất xan yến quỳnh dịch,
Ngũ nội phát kim sa.
Cử thủ hà sở đãi?
Thanh long bạch hổ xa.”

Dịch thơ:

Mỗi bữa uống quỳnh dịch,
Ngũ tạng phát ánh vàng.
Giơ tay vẫy gọi xe,
Bạch hổ thanh long cưỡi .

Sau đó, Huyền Tông lại vời Ngô Quân vào kinh, ông cũng tiến cử Lý Bạch với Huyền Tông. Từ những năm Thiên Bảo, Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung nắm quyền, kỷ cương ngày càng rối loạn, Ngô Quân biết trước thiên hạ sẽ loạn, bèn kiên quyết xin trở về Tung Sơn, lần này Huyền Tông đã đồng ý.

Bức tranh “Đối nguyệt đồ” do người đời Minh vẽ đã diễn giải ý thơ “Cử bôi yêu minh nguyệt, đối ảnh thành tam nhân” trong bài thơ “Nguyệt hạ độc chước” của Lý Bạch. Hiện lưu giữ ở Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Chính thức thành Đạo sỹ

Năm 744, Lý Bạch rời Trường An bắt đầu ngao du chân trời góc biển, đồng thời tiếp tục tìm Tiên học Đạo, thái dược luyện đan. Hành trang ông ra đi là Tiên dược đầy túi, sách Đạo đầy tráp. Năm 44 tuổi, Lý Bạch đến Tử Cực Cung ở Sơn Đông, bái sư Cao Như Quý nhận Đạo lục, chính thức trở thành đạo sỹ.

Trong thơ “Phỏng Đạo An Lăng ngộ Cái Hoàn vị dư tạo Chân lục lâm biệt lưu tặng” đã chép lại quá trình này. Trước tiên ông đi An Lăng (Huyện Yên Lăng, Hà Nam ngày nay) tìm Đạo sỹ Cái Hoàn, làm Đạo lục xong, sau đó đến Tể Nam, “Tôn sư” Cao Như Quý chính thức trao Đạo lục cho ông ở miếu Lão Tử.

Từ đó, Lý Bạch kiên định bước lên con đường tu Đạo thành Tiên, hơn nữa cả nhà ông đều tu Đạo. Tuy nhiên, ông cũng hy vọng lập công báo quốc, nhưng “Học Đạo thích Thần Tiên” lại trước sau không thay đổi, ông đã để lại hơn trăm bài thơ ca về Tiên Đạo. Đúng là:

Nhất hạc đông phi quá thương hải,
Phóng tâm tán mạn tri hà tại.
Tiên nhân hạo ca vọng ngã lai,
Ưng phan ngọc thụ trường tương đãi.

Nghiêu Thuấn chi sự bất túc kinh,
Tự dư hiêu hiêu trực khả khinh.
Cự ngao mạc tải tam sơn khứ,
Ngã dục bồng lai đỉnh thượng hành .

Dịch thơ:

Cánh hạc bay đi vượt biển khơi
Tâm này phiêu đãng khắp muôn nơi.
Tiên nhân hát lớn mời ta tới
Cây ngọc tay vin đứng đợi chờ.

Nghiêu Thuấn chuyện xưa có gì đâu
Huyên náo một phen rồi cũng tiêu.
Ngao Thần chớ cõng núi Tiên nhé,
Bồng Lai thỏa chí thú tiêu diêu.

(Hết)

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version