Đại Kỷ Nguyên

Cuộc phỏng vấn họa sĩ Richard Stone, người từng vẽ chân dung nữ hoàng Anh

Khi chỉ mới 22 tuổi Richard Stone đã trở thành họa sĩ vẽ chân dung hoàng gia Anh trẻ nhất trong vòng hai trăm năm qua. Cuộc đời ông là câu chuyện về lòng kiên định vượt qua những nỗi bất hạnh trong cuộc sống.

“Nữ hoàng liệu có thể ngồi để tôi vẽ một bức chân dung bà không?”, người họa sĩ trẻ tuổi dè dặt hỏi trên điện thoại, giọng vừa có chút tự tin vừa có chút lo lắng mong đợi. Viên quản gia lâu năm trong cung điện hoàng gia Anh trả lời bằng một giọng uy nghiêm nhưng lịch sự: “Tôi đã hiểu lời thỉnh cầu của ngài, chỉ có điều, nữ hoàng sẽ không đáp ứng bất kỳ một lời thỉnh cầu nào qua điện thoại.”…

Lời từ chối này vẫn không đủ để chàng trai trẻ rút lui, anh ta lấy hết kiêu ngạo của một người họa sĩ mà khẳng định một cách chắc chắn: “Thưa ngài! Ngài còn chưa xem qua tác phẩm của tôi, nhưng tôi chắc rằng sau này tôi sẽ trở nên nổi tiếng như Rembrandt.” (Rembrandt Harmansson Van Rein là một trong những họa sĩ tiêu biểu của phong cách tranh Baroque châu Âu và là nhân vật chính của bức tranh Thời kỳ hoàng kim của Hà Lan trong thế kỷ 17. Ông được biết đến như một họa sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử hội họa Hà Lan).

Nói xong câu này, người họa sĩ cảm thấy tim đập thình thịch trong lồng ngực, hồi hộp chờ câu trả lời? Sau một hồi im lặng, người quản gia ở đầu kia điện thoại đã nói: “Ngài nói đúng, thưa ngài! ngài có thể đến phòng làm việc của tôi vào tuần tới. Hãy mang theo tác phẩm của ngài, ít nhất tôi cũng nên xem qua trước một chút.” Bằng cách này, Richard Stone, người họa sĩ khi chỉ mới 22 tuổi, đã trở thành họa sĩ vẽ chân dung hoàng gia trẻ nhất nước Anh trong vòng hai trăm năm qua.

Chân dung Nữ Hoàng nước Anh. (Ảnh: Richard Stone/Tạp chí Quality Life)

Sau hai mươi lăm năm, khi nhớ lại quá khứ, Richard kể lại với một tình cảm sâu sắc: “Nữ hoàng là một cộng tác viên xuất sắc, bà rất nhiệt tình trong nghệ thuật. Bà còn là một người rất biết kể chuyện, tôi từng ngồi trước mặt bà, lắng nghe những câu chuyện của bà kể về những nghệ sĩ mà bà biết. Trải nghiệm đó quá tuyệt vời đối với tôi, cảm giác giống như trên thiên đường vậy.” Trước niềm hạnh phúc này, Richard không thể quên sự nghiệp nghệ thuật của ông đã bắt đầu từ một mùa đông ảm đạm lạ thường; khi giấc mơ của ông gần như bị gián đoạn vào thời điểm đó.

“Sau khi bị tai nạn, nghệ thuật trở thành phương tiện giao tiếp duy nhất của tôi và giúp tôi hòa nhập với cuộc sống. Nhưng tôi không cần phải đi tìm sự đồng cảm bởi vì tôi chưa bao giờ cảm thấy đáng thương.”

Điều bất ngờ trong cuộc đời họa sĩ

Ngày thứ hai của lễ Giáng sinh, năm Richard mới bốn tuổi, đã tràn đầy hứng thú; ông thức dậy và chuẩn bị đi ra ngoài cùng mẹ để mua hàng. “Khi đã ra đến ngoài, tôi phát hiện rằng đã quên con gấu bông của mình. Tôi đã nói với mẹ rằng tôi sẽ quay lại để lấy nó”. Có lẽ do quá vội vàng mà Richard đã bị trượt ngã từ cầu thang xuống.

Richard Stone trong studio của mình. Ông nói: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi mỗi ngày là vẽ tranh.” (Ảnh: epochtimes/Tạp chí Quality Life)

Tình hình khi đó rất nghiêm trọng. Cậu bé Richard rơi vào hôn mê và được bác sĩ chẩn đoán là bị vỡ xương sọ. Đã ba tháng kể từ khi cậu bé tỉnh lại. “Các nhân viên y tế nói với bố mẹ tôi rằng não của tôi có thể đã bị tổn hại nghiêm trọng. May mắn thay, khi tôi thức dậy, não tôi đã ổn định. Tuy nhiên, tai tôi đã bị điếc hoàn toàn, tôi bắt đầu sống trong một thế giới không có tiếng động“.

Vài tháng nữa qua đi, cậu bé Richard đã trở lại trường học. Chào đón cậu bé là một cuộc sống hoàn toàn khác trước đây. “Tôi đã trở thành một nhân vật bi thảm. Không ai muốn chơi với tôi. Bởi vì tai tôi không thể nghe thấy gì, giáo viên cũng không thể dạy tôi.” Người giáo viên chỉ có thể đưa cho Richard một tờ giấy, cũng như bút màu và sơn, bảo ông hãy vẽ, không biết rằng hành động vô tình này đã giúp cho “Tiểu Rembrandt” lần đầu tiên thể hiện tài năng nghệ thuật của mình.

Khi tôi phát hiện ra rằng mình rất cô lập, tôi bắt đầu vẽ mọi thứ tôi thấy. Tôi không cố tình học và thành thạo các kỹ năng vẽ, mà chỉ vô tình làm điều đó“. Khoảng thời gian đột ngột thay đổi số phận của Richard; do không bị xáo trộn bởi thế giới bên ngoài nên ông có nhiều sự tập trung hơn những người bình thường, cống hiến hết mình cho việc khám phá sâu sắc thế giới nghệ thuật và không ngừng tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình trong đó.

Nhớ lại thời gian đó, Richard nói trong cảm xúc nghẹn ngào: “Tôi rất háo hức được giao tiếp với thế giới bên ngoài. Sau tai nạn đó, nghệ thuật trở thành phương tiện giao tiếp duy nhất của tôi, giúp tôi hòa nhập với cuộc sống. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy rằng tôi rất đáng thương. Sau khi tôi có thể vẽ và quan sát những thứ xung quanh mình, tôi thực sự tận hưởng mỗi ngày trong cuộc sống“.

Chân dung Flavia Stone, cô con gái nhỏ của Richard. (Ảnh: Richard Stone/Tạp chí Quality Life)
Chân dung phác họa Campbell. (Ảnh: Richard Stone/Tạp chí Quality Life)

Ông bắt đầu hình thành kĩ năng quan sát cơ thể người từ khi ấy, vì để hiểu được ngôn ngữ hình thể của những người muốn giao tiếp với mình. Sự quan sát tỉ mỉ này của ông vượt xa những người bình thường, đặt nền tảng cho Richard trở thành một họa sĩ vẽ chân dung xuất sắc trong tương lai. “Từ trải nghiệm của tôi, bạn có thể thấy cách tôi hiểu khuôn mặt mọi người. Điều này khiến tôi càng yêu nghệ thuật và sau đó trở nên quan tâm đến mọi người khi tôi ở trường. Khi tôi vẽ khuôn mặt của những người xung quanh, tôi biết rất chắc chắn rằng tôi muốn trở thành một họa sĩ vẽ chân dung”.

Mặc dù thị trấn nơi Richard lớn lên không tạo nên bầu không khí cho một bậc thầy nghệ thuật, nhưng tình yêu và sự hỗ trợ từ cha mẹ đã mang tới cho Richard một phép màu. “Cha mẹ tôi đã đưa tôi đến nhiều chuyên gia y tế để tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh, hy vọng khôi phục được thính giác của tôi“. Nhờ những nỗ lực của cha mẹ họ, bốn năm sau, tai trái của Richard đã hồi phục trở lại thật kỳ diệu. “Tôi có thể nghe thấy âm thanh một lần nữa. Nó đã lại thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi“. Cậu bé tám tuổi cuối cùng đã trở lại cuộc sống bình thường từ thế giới của yên lặng. Cậu bắt đầu đến một số phòng khám để theo dõi và rèn luyện tăng thêm khả năng nghe. “Sau đó, tôi đã có cơ hội được mời đến một số nơi ngoài địa phương để học tập, bởi bấy giờ tôi vừa có khả năng hội họa, thính giác cũng đã trở lại. Tôi nghĩ rằng nếu không phải là do vụ tai nạn đó, tôi có thể không có được điều thần kỳ này. Đây thật sự là một cơ hội“. Cuộc đời của Richard từ đó đã sang một trang mới.

Trên con đường nghệ thuật gặp được thầy giỏi

Khi Richard chín tuổi, ông gặp người thầy nghệ thuật đầu tiên trong đời, đồng thời cũng là người hàng xóm của ông – Frederick Heron. Nhớ lại người giáo viên đã khai sáng con đường nghệ thuật cho mình, Richard vẫn tin rằng đây là một họa sĩ nghiệp dư rất tài năng. Ngay từ khi vào học tiểu học, Richard đã bắt đầu tham gia dạy cho một số lớp đào tạo nghệ thuật; Frederick rất vui khi được trao đổi ý kiến với “đồng nghiệp nhỏ”. “Ông ấy thường nói chuyện với tôi về một số chủ đề nghệ thuật, cho tôi xem những cuốn sách nghệ thuật tuyệt vời mà ông đã thu thập được. Vì tôi không có những cuốn sách và bức tranh như vậy ở nhà, nên cảm thấy rất phấn khích khi được quen biết ông“. Con đường nghệ thuật của Richard từ đó không còn cô đơn nữa, Frederick đã tặng cho Richard một món quà sinh nhật đặc biệt, ông đã xây dựng một cây cầu nối đến thế giới mới cho Richard.

Vào ngày sinh nhật lần thứ 14 của tôi, Frederick đã đưa tôi đến tham dự triển lãm mùa hè tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia ở Luân Đôn. Tôi rất phấn khích vào ngày hôm đó, tôi đã được xem hàng trăm tác phẩm của các nghệ sĩ người Anh nổi tiếng nhất. Ngoài ra ở đó còn có một bức chân dung của Sir Gerald Kelly, là trưởng khoa của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia và là người đã vẽ chân dung cho Vua George VI của nước Anh và vợ của ông là Elizabeth I“.

Từ lâu tôi đã biết về những họa sĩ vẽ chân dung vĩ đại trong lịch sử, như Rembrandt, Van Dyck, Holbein, v.v. Nhưng tôi đã bị sốc khi thấy tác phẩm của một họa sĩ vẫn còn sống. Người đàn ông đứng ở giữa trông giống như người thật, như đang đi xuống từ tấm bạt và chuẩn bị bắt tay với bạn vậy“. Sau buổi triển lãm, Richard đã ngay lập tức viết một lá thư cho thần tượng mới của mình, trong đó có đoạn: “Thưa ngài Gerald Kelly, tôi nghĩ ngài là họa sĩ vĩ đại nhất sau Rembrandt. Tôi hy vọng rằng tôi có thể trở thành một họa sĩ vẽ chân dung. Ngài có muốn xem tranh của tôi và cho tôi một lời khuyên không?” Khi kể về điều này, Richard không khỏi bật cười vì sự bồng bột lúc bấy giờ của mình.

Chân dung Nữ hoàng Elizabeth II do Richard Stone vẽ, được trưng bày tại Phòng trưng bày mỹ thuật Partridge ở London. (Ảnh: epochtimes/Partridge)
Chân dung Nữ hoàng Elizabeth II. Họa sĩ Richard Stone. (Ảnh: epochtimes/Partridge)

Điều làm Richard ngạc nhiên chính là, Sir Gerald Kelly rất nhanh chóng đã trả lời thư ông. Ông Gerald Kelly già nua năm đó đã viết: “Cảm ơn bạn đã khen ngợi! Xin hãy mang nhiều tác phẩm nhất có thể đến phòng làm việc của ta. Ta sẽ cố gắng hết sức để ngăn bạn vào một nghề nghiệp nguy hiểm như vậy.” Dĩ nhiên sự hài hước của bậc thầy này không thể làm cho một Richard đang nhiệt tình phải sợ hãi; cậu bé đã chọn những bức tranh đẹp nhất của mình và đến London. Sau khi gặp nhau trong phòng làm việc của Sir Gerald Kelly, Richard nhìn chằm chằm vào thần tượng của mình và nhìn vào những bức tranh một cách cẩn thận, hy vọng được chấp thuận. Nhận xét cuối cùng của Sir Gerald Kelly là: “Nhiệt huyết có thừa nhưng ít tài năng.” Điều này khiến tâm trạng cậu bé rơi xuống điểm đóng băng. “Nhận xét của Sir Gerald Kelly khiến tôi rất xấu hổ. Tôi đã cất tranh của mình đi và nói với ông rằng tôi rất xin lỗi vì đã lãng phí thời gian của thầy.” Trong khi Richard đang thất vọng, Sir Gerald Kelly tiếp tục nói: “Bạn biết đấy, khi ta bằng tuổi bạn, ta cũng rất mong muốn trở thành họa sĩ một cách nhanh chóng như bạn bây giờ. Hãy đến xưởng vẽ của ta! Ta sẽ cho bạn một cái gì đó ta nghĩ là có giá trị.” Trong một khoảnh khắc, trái tim của Richard dường như đang ở trên một chiếc tàu lượn siêu tốc, cậu bé cảm giác như đang lao lên đỉnh từ đáy thung lũng.

Vào ngày đầu tiên đến thăm xưởng vẽ của Sir Gerald Kelly, Richard đã được đưa đến một góc tối của căn phòng, họa sĩ mở ngăn kéo ra và cầm một khối đất sét cứng, một mô hình bàn tay có kích thước nhỏ hơn một inch và nói: “Bạn hãy thử mô tả một chút về bàn tay này.” Richard cẩn thận nhìn và trả lời một cách nghiêm túc: “Đây là bàn tay của một người lao động. Đó hẳn là một người đàn ông trung niên vẫn mạnh khỏe, bởi vì tôi có thể cảm nhận được cơ bắp rất mạnh mẽ”.

“Rất giỏi!” Sir Gerald Kelly gật đầu đồng ý. “Đây là lớp học nghệ thuật đầu tiên của bạn. Bạn đã thấy mô hình bàn tay nhỏ này và nói với ta rất nhiều điều đặc biệt bạn có thể thấy từ nó”. Nhận được lời khen của bậc thầy, Richard không thể kìm nén được sự phấn khích. “Tôi nghĩ, ồ thật là hạnh phúc, tóc trên cổ tôi dựng đứng.” Kể từ đó, hai thầy trò đã thiết lập một mối quan hệ mật thiết, Sir Gerald Kelly đã truyền những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực này cho Richard, sự nghiệp nghệ thuật của ông đã trải qua một sự thay đổi to lớn.

Trong bốn năm cuối đời của Sir Gerald Kelly, Richard thường đến thăm ông. Trước khi bậc thầy vẽ chân dung qua đời, ông có gửi lời khuyên nhủ cuối cùng cho Richard: “Bây giờ, ta nghĩ con đã đủ điều kiện để trở thành một họa sĩ vẽ chân dung, bởi vì tranh của con thực sự xuất sắc. Ta truyền cho con một kinh nghiệm này: Mọi người sẽ không chủ động tìm đến con đâu, con mới chính là người sẽ phải chủ động đi gõ cửa nhà người khác”. Chính vì học theo lời khuyên này từ người thầy, Richard mới có cuộc điện thoại với viên quản gia cung điện hoàng gia Anh.

Bà Marshall và ba con chó.  (Ảnh: Richard Stone/Tạp chí Quality Life)

Cánh cổng dẫn đến một tương lai tươi sáng

Cơ hội luôn ưu tiên đến với những người có sự chuẩn bị và chủ động. Cánh cửa cơ hội nhanh chóng mở ra cho anh. Nhà soạn nhạc Sir Arthur Bliss là người nổi tiếng đầu tiên yêu cầu Richard vẽ một bức chân dung cho mình. Ông nói với Richard: “Những bức chân dung trước đây ta yêu cầu mọi người vẽ cho ta đều trở thành mớ hỗn độn, vì vậy ta muốn đưa ra thử thách này cho ngài. Ta sẽ cho ngài bốn mươi phút. Ta sẽ ngồi đây, ngài hãy vẽ chân dung cho ta. Nếu ta thích bức tranh của ngài sau bốn mươi phút, ta sẽ trả cho ngài một khoản tiền hoa hồng.” Richard đã chấp nhận thử thách, trong khi đang vẽ, anh ấy đã nói chuyện với nhà soạn nhạc về âm nhạc, nghệ thuật và một số kinh nghiệm trong quá khứ, Richard đã cố gắng tìm hiểu thêm về nhạc sĩ chỉ trong vài chục phút, cố gắng nắm bắt khía cạnh thực tế để đưa vào thành cảm xúc. Bốn mươi phút trôi qua nhanh chóng, Sir Arthur Bliss liếc nhìn bản nháp của Richard và lập tức trả khoản hoa hồng là 500 bảng cho ông.

Đó là năm 1969, số tiền đó nhiều hơn tôi có thể tưởng tượng. Ngài Arthur Bliss rất tin tưởng tôi, điều đó mang lại cho tôi sự tự tin rất lớn“. Đây cũng là lần đầu tiên Richard có được sự công nhận chính thức sau nhiều năm vẽ tranh. Trong tâm trí của mình, ông không thể ngừng nhớ lại tai nạn đáng tiếc xảy ra khi còn trẻ con. Cùng với quãng thời gian được đào tạo trong xưởng vẽ và những điều nho nhỏ mà người thầy Gerald Kelly đã dạy ông. “Tôi để chúng (các nhân vật trong bức tranh) trở thành chính mình, bởi vì bức chân dung không chỉ là hình dạng ở bề mặt, nó cần phải nắm bắt được tâm hồn bên trong của nhân vật“.

Một bức chân dung xuất sắc là sự kết hợp giữa tâm hồn và tài năng của họa sĩ. Là một họa sĩ vẽ chân dung xuất sắc, Richard có khả năng chú ý và quan sát thế giới nội tâm của người khác tốt hơn nhờ trải nghiệm độc đáo của mình, cộng hưởng với tâm hồn hiếm có này là thái độ khiêm tốn, ngoan cường của ông đối với nghệ thuật và cuộc sống. Qua những bức tranh của ông, không chỉ thấy được tay nghề tinh xảo và sự theo đuổi không ngừng các chi tiết tinh tế, mà còn thấy được hiện thân của tinh thần quý tộc nước Anh tồn tại hàng trăm năm: thận trọng, không ích kỷ và kiên định.

Dựa theo cuộc phỏng vấn của thời báo epochtime và họa sĩ Richard Stone

Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version