Đại Kỷ Nguyên

Cùng ca sỹ Phần Lan Anna Kokkonen tới miền đất vàng Trung Hoa qua nhạc phẩm ‘Kultainen maa’

Có một nhạc phẩm có sức lay động tâm can người nghe, đánh thức phần thiện lương ẩn sâu trong trái tim của mỗi con người. Ca khúc ấy là lời nói chân thành của một nghệ sĩ, khi chứng kiến những nỗi đau, mất mát đang đọa đày, giày xéo lên đồng loại của mình. Lời nói từ trái tim ấy khiến biết bao giọt lệ phải rơi. Ca khúc đó chính là “Kultainen maa – Miền đất vàng”, do Anna Kokkonen sáng tác và thể hiện.

Anna Kokkonen, tác giả của bài hát đầy cảm xúc này, là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ đến từ Helsinki, Phần Lan.

Cô cho biết tên gọi bài hát “Kultainen maa” (tiếng Phần Lan là Miền đất vàng) có hai ý nghĩa. Thứ nhất là địa điểm miền đất vàng mà cô nói đến chính là xứ Thần Châu (Trung Hoa) với nền văn minh 5.000 năm tuổi, cùng những trang sử vàng son đang bị hủy hoại. Thứ hai, đó cũng là nơi ngập tràn màu vàng của những ngọn nến mà những học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc đã thắp lên để phản kháng ôn hòa và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại tàn khốc, dã man, vô nhân tính mà các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đang phải gánh chịu.

Ở miền đất ấy, nơi có những ngọn lửa bức hại khốc liệt nhất, tàn bạo nhất đã và đang diễn ra, nhưng lại không thể làm mất đi ý chí kiên định và niềm tin sắt đá vào con đường chân chính của các học viên Pháp Luân Công. Ngọn lửa ấy, dù vô cùng ác độc, nhưng đã tôi luyện nên những pháp đồ kiên tín như những khối vàng ròng, nên tác giả gọi nơi đó là miền đất vàng.

Ngọn lửa ấy đã tôi luyện nên những khối vàng ròng, nên gọi đó là miền đất vàng. (Ảnh: Pinterest)

Họ là ai và họ phải chịu đựng những gì nơi địa ngục trần gian, trong ngọn lửa lò thiêu?

Nếu chỉ để trả lời, thì họ chính là những học viên Pháp Luân Công. Nhưng để trả lời một cách đầy đủ, thì họ là những người cha, người mẹ, người con và những anh, chị em hoàn toàn vô tội đang bị bắt giam và chịu cực hình một cách phi pháp ở Trung Quốc.

Họ có thể là những kĩ sư trẻ đầy nhiệt huyết, hay là những giáo viên đầy trí tuệ, cũng có thể là những bác sĩ hay những em học sinh, tu luyện với mong muốn mình sẽ trở thành người tốt, nếu đã tốt thì sẽ trở nên tốt hơn, sẽ hoàn thiện hơn nữa, dựa vào chuẩn mực đạo đức cao là Chân-Thiện-Nhẫn mà yêu cầu bản thân (hiểu một cách đơn giản là sống mà không bao giờ dối trá, suy nghĩ hay hành động độc ác hay nóng giận, hận thù; mà luôn là trung thực, thiện lương và nhẫn nại).

Họ cũng có gia đình, có những công việc và đang từng ngày cống hiến trí tuệ của mình cho xã hội. Nhưng đột nhiên một ngày họ biến mất. Không ai có thể tìm thấy họ. Cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, gia đình ly tán. Biết bao nhiêu đứa trẻ bơ vơ chân trần trên tuyết lạnh, trong đói rét mà không hiểu vì sao bố mẹ chúng, ông bà chúng bị bắt đi. Không có lời giải thích nào, không một dấu ấn nào để họ tìm ra câu trả lời. Ai cũng biết họ đã bị chính quyền bắt, nhưng sau khi bị bắt thì họ bị đưa đi đâu? Có lẽ chỉ có một số ít được biết người thân của mình bị đưa đi đâu, còn lại thì họ đều bặt vô âm tín.

Vậy họ đích thực là bị đưa đi đâu? Họ bị đưa tới những trại lao động cưỡng bức, hàng ngày họ bị đánh đập, bị tra tấn bằng những hình thức tra tấn có lẽ còn man rợ hơn cả thời trung cổ, với những con chó hung dữ được thả vào buồng giam để tấn công họ, cắn xé họ, hay bị những vật nhọn đóng vào móng tay, móng chân, bị treo lên cổ những vật nặng như gạch đá, hay bị sốc bằng dùi cui điện… Nếu họ là phụ nữ, hay bé gái, họ sẽ bị hành hạ man rợ, bị lạm dụng thân thể, chịu cưỡng bức tập thể… Những phụ nữ đang mang thai cũng bị tra tấn, hành hạ một cách tàn khốc. Nhưng sự thực kinh khủng này chỉ được tiết lộ qua lời trần thuật của những nạn nhân ít ỏi có cơ hội thoát khỏi địa ngục trần gian này. Những cảnh tượng đó là nỗi kinh hoàng khắc sâu vào tâm trí những ai đã từng chứng kiến tới suốt cuộc đời. Họ có cơ may được thoát khỏi đó thì tấm thân cũng tàn tạ bởi phải chịu những trận hành hạ kinh sợ.

Họ là ai và họ phải chịu đựng những gì nơi địa ngục trần gian? (Ảnh: pinterest.com)

Nếu có cơ hội sống sót, họ sẽ bị đưa đi xét nghiệm lấy mẫu máu, rồi một ngày tăm tối nào đó, khi trái tim họ vẫn còn đang đập, đầu não họ vẫn còn đang tỉnh táo, da thịt họ vẫn cảm thấy đau, thì cũng là lúc họ bị những tên đồ tể của ĐCSTQ rạch lên thân thể những đường dao sắc bén mà cướp đi nội tạng của họ, trong nỗi đau và tiếng gào thét tới lạnh người. Những bộ phận nội tạng đó lại là nguồn hái ra tiền trên thị trường kinh doanh nội tạng người. Điều kinh khủng nhất, vô nhân đạo nhất là họ bị lấy đi nội tạng của mình ngay trong khi họ đang còn sống mà không được gây mê hay gây tê, giống như mổ gia súc gia cầm, làm cái chết đến đột ngột trong đau đớn tận cùng; có người khi đã bị cắt nội tạng ra khỏi cơ thể mà miệng vẫn còn đang la hét, mắt vẫn mở trợn trừng. Có lẽ rằng đây là những hình ảnh đen tối ám ảnh suốt đời đối với bác sĩ Enver Tohti, người đã trực tiếp tham gia vào hành vi đẫm máu này, để rồi sau đó sự day dứt gặm nhấm tâm can ông, khiến ông quyết định đứng lên để nói ra sự thật rùng rợn đó.

Còn nếu họ không chịu đựng nổi các đòn tra tấn mà chết đi, thì họ bị vu cho là tự sát, thân xác họ sẽ bị hỏa táng bí mật mà không thông báo cho gia đình, hoặc được đưa đi ngâm vào bể hóa chất bảo quản, được nhựa hóa thành mô hình cơ thể và được trưng bày dưới cái tên mỹ miều: Triển lãm cơ thể người, nhưng cũng không ngoài mục đích kiếm tiền của những tên bạo chúa. Đây là sự thật kinh hoàng được công bố bởi hàng loạt những báo cáo của các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, hay những điều tra viên; như ông Ethan Gutmann, ứng viên giải Nobel Hòa bình, đã phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo trước Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở thủ đô Viên, nước Áo, nơi tổ chức triển lãm thi thể nhựa hóa “Body Worlds”: “Đây là điều bất thường. Chúng ta đang có một cuộc triển lãm lưu diễn khắp nơi, mà trong đó có thể chứa ADN của các tù nhân lương tâm bị giết hại”.

Những con người đó liệu gia đình còn có thể tìm lại họ không? Có lẽ rằng chẳng bao giờ có thể gặp lại. Những sự thật đau đớn ấy đang tồn tại ngay chính trong thời đại hiện nay, ở cái thời mà con người được cho là rất tự do và bình đẳng. Cái mà người ta gọi là nhân quyền cơ bản, như tự do tín ngưỡng, thì nay lại bị tước bỏ một cách trắng trợn và chịu bức hại thảm khốc bằng các hình thức man rợ đã và đang xảy ra ở Trung Quốc.

Với đôi mắt đẫm lệ, cô vẫn không nản lòng nói lên sự thật…

Đó là câu hát vẫn vang vọng mãi trong giai điệu êm dịu đầy sâu lắng còn lưu lại trong tâm khảm của mỗi người. Đâu đó là ý chí kiên cường mạnh mẽ phía sau song sắt lạnh lùng ghê rợn.

Họ vẫn thắp lên ngọn lửa với hy vọng sẽ làm thức tỉnh những lương tâm còn đang thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm, thậm chí cả những tâm hồn ác độc đang bức hại họ. Họ đang nhẫn nại, đang dùng thiện lương mà đối đãi với người mà có thể ngày mai sẽ lấy đi tính mạng họ. Bao nhiêu người thân của họ bị sát hại vô lý, mà họ vẫn chỉ ngồi đó thỉnh nguyện trong ôn hòa, phi bạo động. Đây là dung nhẫn và từ bi vượt trên cả thiện lương đơn thuần.

Họ vẫn thắp lên ngọn lửa với hy vọng sẽ làm thức tỉnh những lương tâm còn đang thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm, thậm chí cả những tâm hồn ác độc đang bức hại họ. (Ảnh: minghui)

Không còn sợ hãi, không còn đau đớn, cái mà họ bảo trì vĩnh cửu chính là chân lý cuộc đời mà họ đã tìm thấy. Luôn mong mỏi rằng những điều tốt đẹp đó sẽ cứu vớt những mảnh hồn đầy khổ đau, lạc đọa trên đời, họ đã gieo đi những mầm thiện tâm, thiện niệm ngay cả khi họ bị đánh đập tới chết.

Ta có thể thấy rằng, họ là những con người hoàn toàn vô hại, nhưng lại bị đàn áp như thể là kẻ thù của loài người. Họ có thể chống trả không? Chúng ta đều biết rằng, phản kháng là điều tất yếu, nhưng họ không bạo động, không dùng thù hận mà đáp trả, họ chỉ an hòa thỉnh nguyện, an hòa thắp lên ngọn nến trong tâm với hy vọng thức tỉnh lương tri con người.

Và hôm nay, người nghệ sĩ chân chính ấy đã dùng lời ca, dùng tiếng đàn mà gửi tới bạn, tới tôi lời thức tỉnh về một sự thật độc ác kinh hoàng đang tồn tại ở trong cái vỏ của sự hòa bình, thịnh vượng. Mong muốn hết thảy chúng ta cùng lên tiếng chấm dứt tội ác chống lại loài người đã và đang diễn ra trên mảnh đất vàng của 5.000 năm lịch sử.

Ca từ trong sáng, âm nhạc nhẹ nhàng, giọng ca của Anna Kokkonen như giọng nói của một thiên thần với giai điệu du dương thuần khiết đầy thánh thiện. Cô muốn truyền tải tới chúng ta thông điệp rằng: Các bạn ơi, xin hãy thức tỉnh, hãy để phần thiện lương sẵn có đang ngủ vùi trong tận sâu tâm khảm bạn được thức tỉnh, hãy cùng chúng tôi chấm dứt những tháng ngày đen tối để cùng thắp lên ánh sáng của tương lai, một hòa bình với những điều tốt đẹp thực sự được dệt lên từ những mảnh hồn thiện tâm, thiện niệm.

Ca sĩ, nhạc sĩ Anna Kokkonen. (Ảnh: YouTube)

Lời bài hát:

Người phụ nữ đang mặc bộ đồ tù nhân – một người vô tội đang bị nhốt trong một chiếc lồng nghiêng
Dù trong bóng tối cô vẫn nhớ rằng mình là ai và sẽ không bao giờ từ bỏ điều đó
Với đôi mắt đẫm nước, cô vẫn không nản lòng nói lên sự thật
Cái giá phải trả là máu đỏ. “Bạn không thể chối bỏ con tim mình” – Cô gái ấy mỉm cười khẽ nói

Thắp lên ngọn nến
Họ lan truyền ngọn lửa từ trái tim đến trái tim
Ngọn lửa thắp sáng sau những song sắt
Làm tan chảy những khuôn mặt lạnh băng

Vùng đất thiêng
Đằng sau bức tường có một người cha trẻ bị trói
Mặt anh gầy gò, da anh trắng bệch như tuyết
Anh chờ đợi trong im lặng

Vì anh biết sự sợ hãi ngày hôm nay sẽ là thước đo cho sự lựa chọn giữa sống và chết
Anh ngẩng cao đầu như thể cơn đau không làm anh chùn bước
Ẩn sâu trong tâm hồn, trái tim anh trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết

Thắp lên ngọn nến
Họ lan truyền ngọn lửa từ trái tim đến trái tim
Ngọn lửa thắp sáng sau những song sắt
Làm tan chảy những khuôn mặt lạnh băng

Những vị thiên thần đã hạ nhân gian
Chúng ta đưa những ngọn nến lại gần nhau hơn
Đêm nay, bình minh sẽ đến
Những giọt lệ rơi sẽ biến mất trên mảnh đất thiêng
Vùng đất thiêng.

Và lời nhắn cuối: “Nếu như con người không thể cảm thông với nỗi đau của đồng loại, tương lai của con người rồi sẽ ra sao?”.

Trí Lực

Exit mobile version