Đại Kỷ Nguyên

Cộng hòa Séc – cái nôi của âm nhạc Châu Âu thời cận đại

Trong số rất nhiều đóng góp của Cộng hòa Séc cho văn hóa thế giới, có một sản phẩm trường tồn theo thời gian và không gian, đó chính là âm nhạc.

Âm nhạc Séc bắt đầu phát triển cùng với việc Kitô giáo truyền nhập vào Bohemia và Mahren, nên chịu ảnh hưởng từ các bài thánh ca của Gregorian và Arnoldt (1297 – 1364) – vị giám mục đầu tiên của Prague; vào năm 1363 ông đã ra lệnh chỉnh sửa một số ca khúc trong danh sách âm nhạc phổ biến của Séc.

Nhà thờ tại Bohmen cũng cho phép nhiều bài thánh ca được hát bằng ngôn ngữ bản địa, chẳng hạn như bài thánh ca Slavơ cổ đại “Chúa thương xót tất cả chúng sinh” trong lễ đăng quang của vua Carl IV, cũng như bài thánh ca nổi tiếng của Séc “Thánh Wenceslas, Đại công tước Cộng hòa Séc”, và “Thiên Chúa toàn năng” v.v..

Một bức tượng bán thân bằng đá của vị giám mục đầu tiên của Prague, Arnold. (Ảnh: Wikipedia)
“Thánh ca Gregorian” (Ảnh: Wikipedia)

Âm nhạc bị đình trệ vì chiến tranh

Âm nhạc đa âm ước chừng xuất hiện ở vùng Bohemia vào khoảng cuối thế kỷ thứ 13. Vào thế kỷ thứ 14, bị ảnh hưởng bởi phong cách “nghệ thuật mới” của Pháp, âm nhạc đa âm bắt đầu lan truyền trong văn hóa của giới trí thức như tại trường đại học ở Prague. Nhưng âm nhạc Séc lại bị đình trệ trong cuộc chiến tranh với Hussite. Thành tựu đáng chú ý duy nhất của thời kỳ này là bản dịch bài hát thiêng liêng của Gregorian sang tiếng Séc, cũng như một số bài hát quân sự bắt nguồn từ cuộc chiến, như “Follow!” “Dậy đi Thành phố Prague vĩ đại” và “Chiến binh của Chúa”.

Jan Hus (Ảnh: Wikipedia)

Jan Hus là một nhà tư tưởng tôn giáo, triết gia, nhà cải cách người Séc. Ông từng là chủ tịch của Đại học Charles ở Prague. Ông là người tiên phong trong cải cách tôn giáo. Do đó, ông bị Giáo hội Công giáo coi là dị giáo, bị tra tấn đến chết. Những người theo ông được gọi là tín đồ Hus, chính họ đã dẫn đến sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Hussite.

Di vật của cuộc chiến tranh Hussite (Ảnh: Julo / Wikimedia Commons CC BY-SA 3.0)

Cuộc chiến tranh Hussite, hay còn được gọi là Chiến tranh Bohemia, diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1420 đến 1434, do các nhà cải cách tôn giáo của Bohemia trong Đế chế La Mã thần thánh phát động. Hus đã bị Giáo hội Công giáo La Mã kết án dị giáo và bị xử tử bằng lửa, khiến các quý tộc địa phương và những người ủng hộ ông đứng lên đấu tranh chống lại Giáo hội Công giáo La Mã và Chính quyền Trung ương Công giáo của Đế chế La Mã thần thánh. 

Sự đa dạng hóa các nhạc cụ

Chịu ảnh hưởng của văn nghệ thời Phục Hưng, nhiều phòng nhạc và phòng tập đàn được xây dựng ở vùng Bohemia, dẫn đến sự đa dạng hóa các nhạc cụ được sử dụng trong âm nhạc tôn giáo. Nổi tiếng nhất là Nhà thờ St. Vitus năm 1567 ở Prague, với chiếc đàn organ được lắp đặt tại giáo đường bởi danh nhân nổi tiếng Rudner.

Đàn organ được lắp đặt trong Nhà thờ  St. Vitus ở Prague. (Ảnh: “Kinh điển Séc”)

Xuất thân từ một gia đình quý tộc thuộc triều đại Habsburg, ông Ferdinand I, đại công tước của gia tộc này đã thành lập một dàn nhạc được đánh giá cao, theo lệnh từ hoàng cung mà mở rộng và bổ sung thêm nhiều nhạc cụ. Dàn nhạc này phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo và xúc tiến của vua Rudolf II. Tuy nhiên, hầu hết các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc đều đến từ Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý và khu vực Đức, không có nhiều người Séc. Vào thời điểm này, dàn nhạc hoàng cung được chỉ đạo bởi Philip (1521 – 1603) đến từ Hà Lan. Ông đã sáng tác tổng cộng 40 ca khúc, 260 bài thánh ca và các bài hát ngắn về tôn giáo, cùng hơn 1100 bài hát thế tục, có ảnh hưởng sâu sắc đến thời kỳ Baroque đầu tiên.

Philip, người Hà Lan – Chỉ huy dàn nhạc hoàng cung. (Ảnh: Wikipedia)

Gia đình Rosenberg ở miền nam Bohemia, cũng là một nhà tài trợ mạnh mẽ cho các hoạt động nghệ thuật và văn hóa, bên cạnh việc là một sức mạnh kinh tế của khu vực. Hai anh em của gia đình này là William (1535 -1592) và Peter (1539 – 1611), cũng thành lập một dàn nhạc thính phòng, cố gắng tạo ra sự khác biệt trong các hoạt động nghệ thuật và kiến trúc trong hoàng cung của Rudolf II. Ngoài ra, có một sự thay đổi quan trọng khác trong lịch sử âm nhạc Séc trong thế kỷ XVI, đó là sự xuất hiện của một số lượng lớn các bài hát dân gian!

Đàn Lute trong thời kỳ cổ điển – loại đàn có thiết kế khá đặc biệt với phần cổ đàn gập ra sau (Ảnh: Jerzy Strzelecki / Wikipedia CC BY-SA 3.0)

Các nhạc sĩ thời Phục Hưng có thể kể đến như Kleindorf Harlant (1564 – 1621), cũng là một cận thần của Rudolf II, ngoài việc là một tài năng ngoại giao xuất sắc, viết và sáng tác âm nhạc, ông còn là một nhà hoạt động nhân quyền, sau cái chết của Rudolf II. Sau khi một trận chiến nổ ra và trại Tin Lành của người Hà Lan bị đánh bại vào ngày 21 tháng 6 năm 1621, ông và 26 nhà lãnh đạo còn lại đã bị chặt đầu trên Quảng trường Phố cổ ở Prague. Mặc dù hầu hết các tác phẩm của ông đều bị giấu đi sau khi ông chết, nhưng may mắn là cũng được khôi phục lại một phần bởi nhạc sĩ người Ý Marengio, với một vài bài hát, chẳng hạn như “Maria Kron”. Bố cục của tác phẩm này rất tinh tế và tuyệt diệu. Nó là dấu ấn đậm nét của thành tựu âm nhạc Bohemia trong thời Phục hưng.

“Nhạc sĩ chơi đàn Lute” – Caravaggio, 1595, tranh vải, lưu giữ tại Bảo tàng Hermitage. (Ảnh: epochtimes)

Có thể nói âm nhạc tại Séc là một thứ âm nhạc cộng hưởng bởi nhiều nhạc sĩ tài năng trên khắp châu Âu, cùng với sự tài trợ và thúc đẩy của những nhà quý tộc và vua chúa mà nghệ thuật âm nhạc nơi đây càng được phát triển một cách tròn đầy, tạo nền móng để những phong cách âm nhạc của các thế hệ sau hướng đến một nền nghệ thuật âm nhạc tuyệt vời.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Clip hay:

Exit mobile version