Đại Kỷ Nguyên

‘Còn Tuổi Nào Cho Em’ của Trịnh Công Sơn và câu chuyện 300 bức thư tình gửi người con gái ấy

Còn Tuổi Nào Cho Em là ca khúc mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1964, khi đó ông mới 24 tuổi. Có thể nói, ca từ của bản nhạc này khá thách thức người nghe khi muốn lý giải cho rõ ngọn ngành của thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Nhưng khi cố gắng xem xét mọi khía cạnh có liên quan đến bài hát này, như bối cảnh và hoàn cảnh ra đời của bài hát, tâm tư của tác giả tại thời điểm sáng tác, cũng như tâm hồn và tính cách của tác giả, lại có thêm sự hỗ trợ từ các tư liệu quý giá do người thân của chính tác giả công bố cách đây không lâu, thì “tảng băng chìm” này cũng đã dần hé lộ, nay xin chia sẻ đôi chút vài khía cạnh được khám phá từ bài hát này cùng quý vị độc giả.

Có lẽ nhiều người cũng đã biết rằng tình khúc Diễm Xưa nổi tiếng của Trịnh Công Sơn lấy cảm hứng dựa trên mối tình của tác giả với cô gái Huế tên Bích Diễm. Mối tình này kéo dài không lâu. Ít ai ngờ rằng, cô em gái ruột của Diễm tên Dao Ánh mới là “người tình lâu dài” thực sự của Trịnh Công Sơn.

Dao Ánh và Trịnh Công Sơn (Nguồn ảnh: seea.vn)

Trong khi Trịnh Công Sơn còn đang trong buồn bã với mối tình đã tan vỡ với Diễm, thì cô em gái nhỏ 15 tuổi của cô đã mạnh dạn viết thư chia sẻ nỗi buồn với “ông anh rể hụt”; hai người tiếp tục thư từ qua lại với nhau, từ đó bắt đầu mối quan hệ của hai người.

Nhưng cũng phải tới 2 năm sau, Trịnh Công Sơn mới chính thức đặt vấn đề yêu đương với Dao Ánh. Đó là lý do dù rằng ca khúc này là Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh trong thời kỳ đầu hai người trao đổi tình cảm nhưng chưa hề trực tiếp đả động đến tình yêu; chỉ thấy trong lòng nhạc sĩ họ Trịnh tràn ngập một nỗi băn khoăn mơ hồ nào đó về vấn để tuổi tác của cô bé.

Còn tuổi nào cho em – một bài hát Trịnh Công Sơn viết tặng Dao Ánh (Nguồn ảnh: Flickr.com)

Có lẽ khi đó Trịnh Công Sơn cũng đã cảm thấy được tương lai rồi sẽ có một mối quan hệ nào đó với Dao Ánh; ông cũng cảm thấy bâng khuâng nhưng cũng khá lo ngại cho mối quan hệ này.

Thời gian đó Trịnh Công Sơn đang dạy học ở B’Lao, Lâm Đồng, còn Dao Ánh vẫn còn đang đi học ở Huế, yêu nhau chủ yếu chỉ qua những cánh thư, thậm chí tình yêu vẫn còn đang trong thời kỳ bí mật và e ấp.

Ta hãy tạm gọi đôi tình nhân này là S và A để bắt đầu đi vào khám phá những uẩn khúc trong câu chuyện tình của họ mà Trịnh Công Sơn đã tiết lộ qua nội dung bài hát, cũng là trải nghiệm một chuyến đi tưởng tượng theo dòng suy tư của tác giả ca khúc.

Cách chơi chữ của Trịnh Công Sơn trong bài hát này chính là dùng “tuổi” để thay cho “người”. Cụm từ “tuổi nào” mà ta thấy lặp đi lặp lại trong bài hát này chính là nói về hai người bọn họ; “tuổi nào” gặp trong ca từ khi này thì đại diện cho S, mà khi khác thì lại đại diện cho A. Nếu nhìn theo cách này, thì nội dung bài hát đã trở nên rõ ràng hơn hẳn. Trong mối quan hệ này, nhân vật đã không còn hình hài cụ thể nữa, mà chỉ còn là “em của tuổi 15” và “anh của tuổi 24”.

Trong mắt S, thì A vẫn là một cô gái còn quá trẻ (thực tế cũng là như vậy), cô như búp măng non đang vươn dậy, vô tư trong sáng và ôm ấp nhiều ước mơ hoài bão cuộc đời:

Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này

Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời, tay măng trôi trên vùng tóc dài (Nguồn ảnh: Flickr.com)

Trong khi đó, S dù cũng chỉ mới có 24 tuổi nhưng cũng đã già dặn hơn bạn gái anh rất nhiều trong suy nghĩ, nên nhìn thấy mà cảm thương cho những lá vàng, rùng mình trong cơn lạnh của những gió heo may xứ cao nguyên, cảm thông với nỗi lòng của cô gái hướng về người yêu nơi xa xôi:

Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay…
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may

Chàng trai còn mặc cảm với phận nghèo, bận bịu với những suy tư như người già trước tuổi:

Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời

Trong những buổi S lang thang một mình giữa miền cao nguyên mây trắng, nhớ tới người yêu nhưng không muốn làm vẩn đục nàng quá sớm, vì nàng còn quá thơ ngây, với đôi tay như búp măng non còn đang độ lớn:

Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài

S mong sao người yêu lớn nhanh hơn một chút, muốn san sẻ cho người yêu chút từng trải cuộc đời từ anh, để gần nhau thêm trong tinh thần, cho nên mới muốn san sẻ cho em một ít tuổi đời của bản thân mình, cho em bớt vô tư, cho hai người gần nhau hơn.

Em xin tuổi nào, còn tuổi nào cho nhau

S nghĩ rằng anh đang làm cho cô bé rất buồn, đáng ra ở tuổi của cô, vì mắt cô còn trong sáng quá, cô không đáng phải chịu một nỗi buồn quá sức như vậy, để nước mắt phải nặng như mây như mưa đến thế:

Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu
Em xin tuổi nào, còn tuổi trời hư vô, bàn tay che dấu lệ nhòa, ôi buồn!

Cộng thêm sự xa cách về địa lý, nên A không thể lên xứ hoa đào với S, chỉ có thể tới thăm S trong tâm khảm của mình qua những nốt nhạc, phím đàn. Trong chờ đợi mỏi mòn mà S cảm thấy như nghìn thu đã trôi qua trên mối tình khá vô vọng của họ:

Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
Xin chân em qua từng phiến ngà

Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù, xin chân em qua từng phiến ngà (Nguồn ảnh: tintm.com)

S ngồi đó buồn nhớ người yêu, muốn nhìn thấy người yêu, đến mức mong rằng trong đám mây trôi lang thang trên cao kia có mang theo cả vạt áo lụa của người anh yêu (Ta nhớ rằng xứ Huế, nơi người yêu anh ở đó, có rất nhiều mây và mưa). Nhưng anh đã thực sự hoang mang về cơ hội có thể đoàn viên với cô, bao giờ họ mới thật sự được cùng với nhau?

Xin mây xe thêm màu áo lụa
Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ

Điều S day dứt nhất là A còn quá nhỏ, với tuổi của S thì cũng có thể hiểu được rằng một cô gái nhỏ tuổi như thế thì tình yêu chắc chắn cũng sẽ còn rất bồng bột, có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Hơn nữa S còn có một tâm hồn rất nhạy cảm, một tâm hồn nghệ sĩ có khả năng nắm bắt được rất nhanh những thay đổi trong tình cảm của người yêu, thêm vào đó là nỗi cảm thông với người yêu nữa, nên làm S càng khổ sở day dứt hơn với mối tình này. Trong sâu thẳm S vẫn không tin rằng A là thuộc về mình; điều này thể hiện qua tên ông đặt cho bài hát “Còn tuổi nào cho em”. Chính vì không muốn người yêu “trẻ con” phải chịu đựng khổ sở thêm nữa nên S đã chủ động chia tay với A. Trong lá thư chia tay, S đã viết:

“Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được”.

Quay trở lại thực tế cuộc sống, Dao Ánh thuộc tuýp phụ nữ thủy chung; nhưng không phải là thủy chung với chồng mà là thủy chung với mối tình đầu của mình. Khi Trịnh Công Sơn nhận ra sự bế tắc của cuộc tình và chủ động chấm dứt, Dao Ánh cũng đã không cố gắng níu kéo vì bản thân cô lúc đó còn quá trẻ và cũng còn nhiều vấn đề khác của cuộc sống cần suy tính.

Sau khi chia tay 2 năm thì cô theo gia đình di cư sang Mỹ; cô lấy chồng mà vẫn ôm giữ mối tình thầm kín này như ấp ủ một nụ than hồng. Cho đến 20 năm sau, khi biết được Trịnh Công Sơn vẫn còn nhớ nhung cô rất nhiều, thì nụ than hồng này đã lại một lần nữa bùng thành ngọn lửa mãnh liệt, cô đã chủ động về VN năm 1994 để tái ngộ với ông, sau đó cô ly dị người chồng bên Mỹ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bà Dao Ánh trong một lần gặp lại (Nguồn ảnh: tintaynguyen.com)

Nhưng Trịnh Công Sơn không phải là tuýp người của hôn nhân, nên giữa họ vẫn chỉ là duy trì một “mối tình trong tâm tưởng” cho tới tận cuối cuộc đời của nhạc sĩ. Tổng cộng, ông đã gửi cho cô 300 bức thư tình kể từ cái ngày đầu tiên ấy cho đến không lâu trước khi ông vĩnh biệt cõi đời. Trong lá thư cuối cùng (e-mail) dịp trước Tết năm 2001 vẫn là những tình cảm chân thành của ông với Dao Ánh:

“Rất vui nghe nói Ánh sức khỏe bình thường mình cũng ngủ yên tâm. Càng sống, càng thấy có được một cuộc sống luôn luôn bình thường là điều may mắn lắm rồi. Cố gắng tìm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt nhất để cảm thấy đời nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn…Mong gặp lại Ánh ở Sài Gòn trong những ngày sắp tới”.

Sau này Dao Ánh đã trao lại tất cả các bức thư của Trịnh Công Sơn cho gia đình cố nhạc sĩ; cô nói rằng cô đã khắc ghi hết những lá thư đó vào tim mình rồi.

Nhạc của Trịnh Công Sơn nếu nghe không lời cũng đã có cái hay riêng, khi kết hợp với lời bài hát thì đã thành hiện tượng âm nhạc, hấp dẫn đến độ hơi khó lý giải. Các chuyên gia âm nhạc nói rằng lời hát của ông hơi trừu tượng, ông lại chuyên sáng tác trên cung Thứ là cung phù hợp với tâm trạng buồn; trên thực tế đã đạt được hiệu quả này rất rõ.

Khi thể hiện bài hát, giọng hát trẻ và cách trình diễn trong sáng nhẹ nhàng của Jang Mi – dân mạng gọi cô là “thánh nữ Bolero” – bất ngờ lại rất ăn khớp với khung cảnh và tâm trạng của một mối tình tuổi teen được mô tả trong ca khúc này.

Một người bạn trên mạng của cô ca sĩ trẻ này đã chia sẻ: “Nhiều lúc không muốn Jang trở nên nổi tiếng… Mình sợ Jang đánh mất cái ngây thơ, trong sáng, cái hồn nhẹ nhàng mà sâu sắc hiện có. Nếu Jang thành ca sĩ chuyên nghiệp, đừng để mất những cái đó, Trang nhé!”.

Một thính giả khác nói: “Xem video và nghe em hát chị nhớ một thời cắp sách của mình quá. Trong trẻo và dễ thương đến dịu dàng. Bài hát hay là dễ đi vào lòng người, chứ không nhất thiết phải đóng khung như thế này hoặc như thế nọ. Chúc em thành công nhiều hơn nhé. Rất dễ thương”.

Hãy tưởng tượng Jang là cô học trò xứ Huế trẻ trung dễ thương thuở nào mà Trịnh Công Sơn thầm yêu trộm nhớ, sẽ lập tức thấy được bài hát do Jang Mi trình diễn và tự đệm guitar có sức cuốn hút tới đâu. Nếu như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống, ông chắc chắn sẽ thích phần trình bày này của Jang. Dĩ nhiên chúng ta đều biết là không ai có thể thay thế được Khánh Ly trong trình bày các ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Đã nói về ca khúc của Trịnh Công Sơn thì cũng muốn nói kỹ hơn một chút về bản thân cuộc đời của nhạc sĩ, đi ra ngoài bài hát này, vì ông thường đã dùng trải nghiệm cuộc sống của chính mình để làm chất liệu sáng tác.

Ta phát hiện rằng, trong cuộc đời và sáng tác, tư tưởng và triết lý của Trịnh Công Sơn lớn rất nhanh, rất nhanh, nhưng tâm hồn của ông thì lại tươi trẻ rất lâu. Vì vậy mà ta mới thấy những người bạn thân của Trịnh Công Sơn nhận xét: “ông yêu Hồng Nhung với một tình yêu rất đặc biệt”, đặc biệt đến nỗi ông cũng chẳng biết gọi đó là loại tình cảm gì nữa, ông nói: “Cô Bống thân quá nên không biết gọi là gì”.

Ca sĩ Hồng Nhung và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Nguồn ảnh: danviet.vn)

Còn Hồng Nhung thì có vẻ cũng khá bối rối trong mối quan hệ này; hai người cách nhau khá nhiều tuổi nhưng ai cũng nghe thấy Hồng Nhung đã gọi Trịnh Công Sơn bằng “anh”. Bản thân Hồng Nhung cũng kể rằng cô cảm thấy rất cô đơn giữa Sài Gòn hoa lệ khi mới chuyển vào định cư ở nơi này; rằng cô đã coi ngôi nhà của Trịnh Công Sơn như gia đình thứ hai của mình.

Chúng ta đều tin rằng giữa họ chắc chắn không có một tình yêu theo kiểu nam nữ thông thường, và chính họ cũng nhiều lần khẳng định điều đó trước công luận, nhưng ta hiểu ra rằng Trịnh Công Sơn luôn yêu sự trẻ trung trong sáng hồn nhiên của các cô gái, và đó chỉ là những tình cảm đơn thuần trong tư tưởng của ông, chứ không hề nhuốm chút màu nhục dục.

Ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Nguồn ảnh: anhxua.com)

Mà trong tất cả các “tình yêu đã qua” của Trịnh Công Sơn có lẽ cũng không có chuyện đụng chạm thân thể; ngay cả như KL là người thân thiết gần gũi nhất của Trịnh Công Sơn trong thời gian dài cũng đã chia sẻ: “Trịnh Công Sơn nhớ ai, chỉ mình ông ấy biết thôi. Nhiều năm ở gần, tôi không thấy Trịnh Công Sơn có ai cả”.

Trịnh Công Sơn là người đề cao tình yêu tâm hồn, ông từng tâm niệm: “Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nào. Thôi thì đành có nó vậy”.

Sau này khi đã đứng tuổi, nếu nhạc sĩ quý mến ai, ông sẽ mời người đó tới nhà để kết bạn và trò chuyện tâm giao – ông không muốn chỉ ngồi “nhớ suông” như tình yêu thời trai trẻ nữa, ông đã nếm trải chuyện như thế là đã quá đủ rồi. Ông thực sự muốn có những mối quan hệ thực sự tốt đẹp với những người mà ông yêu quý, ông đã ghét sự chia ly, ghét sự rời xa. Với Bống Hồng Nhung, những khao khát như thế của ông có lẽ đã được lấp đầy, ông chẳng còn mong gì hơn thế!

Ai mới là người tình thực sự của ông? (Nguồn ảnh: musicshow.vn)

Dư luận từng đặt một dấu chấm hỏi to đùng: rốt cuộc thì Trịnh Công Sơn yêu ai; ai mới là người tình thực sự của ông? Diễm, Ánh, Ly, Nhung,…? Câu trả lời có thể là: Không ai cả! Người tình thực sự của Trịnh Công Sơn là cái đẹp, cái thánh thiện, cái trong sáng, vô tư, hồn nhiên, chân thật, nhí nhảnh, trẻ trung, sôi nổi và cả tài năng nữa. Nếu có một người con gái nào đó hội tụ được đầy đủ những yếu tố đó, thì đó chính là người tình trong mộng của Trịnh Công Sơn, là người mà ông tìm kiếm; và ông sẽ không bao giờ từ chối một người như thế!

Nghe ca khúc của Trịnh Công Sơn, bồng bềnh trôi trong giai điệu của ông, nhớ về ông, lý giải những điều ông muốn nói qua bài hát, đó là những trải nghiệm hết sức thú vị mà có lẽ rất nhiều người Việt Nam chúng ta đã làm, đang làm và sẽ còn làm.

Hoài Ân

Exit mobile version