Cô bạn Tây của tôi đến thăm Việt Nam đã tìm mua ngay một chiếc áo dài. Quả thật, thân hình thon nhẹ và đôi chân dài của cô bạn Tây có vẻ rất hứa hẹn với áo dài. Nhưng chiếc áo dài đó khi cô mặc vào trông lại hơi thô, vẻ duyên dáng không tìm thấy… Mặc áo dài không đơn giản thế đâu. Tại sao phụ nữ châu Âu dáng có đẹp mặc áo dài cũng cảm giác lộc ngộc, khiên cưỡng, vụng về..? Hình như áo dài đã thấm đẫm hồn Việt, phải chăng nó chỉ thực sự đẹp khi phụ nữ Việt mặc vào?
Người Việt xưa rất kín đáo, thâm trầm nhất so với những dân tộc khác trong vùng.
Cristoforo Borri, một giáo sỹ người Ý sống ở vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của xứ Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1623, đã nhận xét rằng
tuy Việt Nam có thời tiết rất nóng, nhưng người Việt ăn mặc kín đáo nhất so với các dân tộc khác trong vùng.
Mặc dù những chiếc áo ôm sát cổ, nhưng nhờ tóc được vấn cao nên trông vẫn thanh tú và cao, sang hơn. Kín đáo đấy, nhưng áo dài của người Việt vẫn có tiếng là gợi cảm.
Cho tới ngày nay, áo dài đã trở thành niềm kiêu hãnh của dân tộc đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam – một hình thức không gian văn hóa có giá trị đã được UNESCO công nhận năm 2002.
Các thí sinh một cuộc thi sắc đẹp mặc áo dài truyền thống
Từ tứ thân, ngũ thân…
Đến nay vẫn chưa ai xác định được chính xác nguồn gốc của chiếc Áo dài đã gắn bó với người phụ nữ Việt Nam từ lúc nào.
Theo các nhà khảo cổ, hình ảnh chiếc Áo dài với hai tà phất phơ trong gió đã được tìm thấy trong các hình ảnh khắc trên các cổ vật như mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ, trên tháp đồng Đào Thịnh vào khoảng ba ngàn năm về trước.
Theo truyền thuyết thì Hai Bà Trưng đã mặc Áo Dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng khi cưỡi voi ra trận.
Người Việt xưa gọi áo dài là Tập phục, nghĩa là loại áo được mặc với nhiều lớp hay còn được gọi nôm na là áo mớ ba hoặc mớ bẩy.
Người Việt xưa vẫn xem y phục Trung Hoa là mẫu mực, và được phân loại cụ thể từ đời Minh (1368 – 1644) thành ba dạng chính: Dạng thứ nhất là Bàn Lĩnh có cổ tròn và vạt áo trước cài sang bên phải. Dạng thứ hai là Trực Lĩnh với hai vạt gặp nhau ở giữa cổ và vạt áo trước xẻ giữa. Dạng thứ ba là Giao Lĩnh với hai vạt trước chéo nhau.
Triều phục và lễ phục của các triều đại Lê, Nguyễn Việt Nam vẫn theo mẫu của trang phục Hán tộc của triều Minh, Trung Quốc.
Áo tứ thân thuộc dạng trực lĩnh, không cổ. Ở thôn quê miền bắc Việt Nam, áo dài tứ thân mặc với xiêm (nay thành váy), và thường được cắt ngắn bớt đi cho tiện, gọn hơn.
Cho đến cách đây gần nửa thế kỷ, áo dài tứ thân vẫn rất được thông dụng bởi phái nữ ở vùng thôn quê Bắc bộ, và ở áo mệnh phụ, tức là áo nhật bình, trong cung.
Để tiện hơn cho việc đồng án, buôn bán vất vả, người xưa đã chế ra kiểu áo tứ thân gọn ghẽ với hai vạt trước rời nhau, có thể buộc lại, và hai vạt sau may liền thành một tà áo. Người xưa phải ghép hai vạt áo sau để tạo tà vì thời đó khổ vải chỉ rộng chừng 35 – 40cm. Là trang phục của tầng lớp bình dân, áo tứ thân thường được may từ vải tối màu để tiện cho công việc.
Phụ nữ thành thị ít phải lao động thường mặc áo ngũ thân để phân biệt mình với tầng lớp lao động nghèo. Áo ngũ thân có bốn vạt như áo tứ thân, được may liền nhau thành hai tà trước và sau như áo dài. Vạt con thứ năm được may dưới tà trước như một mảnh áo lót kín đáo. Áo có cổ và phom rộng, được mặc rộng rãi đến đầu thế kỷ 20.
Áo dài tứ thân thôn quê Bắc Bộ (hai vạt trước vắt chéo)
Tượng Ngọc nữ chùa Dâu thế kỷ 17 (với tấm vân khiên phủ trên vai và quầy nghê thường quấn quanh thân từ eo trở xuống)
Ảnh cho thấy sự phân biệt tầng lớp trong một gia đình, chủ mặc áo ngũ thân, người hầu mặc áo tứ thân (1884-1885)
Bất ngờ: sường xám là một phiên bản có nguồn gốc từ chiếc áo dài Việt?
Loại áo sát người độc nhất có cổ cao, cài nút bên phải dành cho phụ nữ ở Trung Quốc mà ngày nay còn thấy, thường gọi là trường sam, mà người mình hay gọi theo âm Quảng Đông là sường xám, có nghĩa là áo dài, chỉ xuất hiện từ Trùng Khánh và Thượng Hải trong thập niên 1920.
Sường xám trở thành nổi tiếng nhờ bà Tống Mỹ Linh, vợ Thống Chế Tưởng Giới Thạch. Giới sành trang phục thế giới bên Âu, Mỹ thường cho rằng sường xám Trung Hoa là một phiên bản không thành công từ chiếc áo dài Việt.
Mớ ba mớ bảy ở đầu thế kỷ 17
Trong cuốn sách Relation de la Nouvelle Mission des Pères de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine, xuất bản tại Lille năm 1631, Giáo sỹ Borri đã tả rõ về cách ăn mặc của người Việt ở đầu thế kỷ 17: “Người ta mặc năm sáu cái áo dài, áo nọ phủ lên áo kia, mỗi cái một màu. Cái thứ nhất dài đến mắt cá chân một cách trang trọng. Rồi những áo khác ở ngoài ngắn dần.”
Chắc vị giáo sỹ này muốn nói đến cách mặc áo mớ ba, mớ bẩy của phụ nữ Việt hiện còn thấy ở các làng Quan Họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, hay lác đác ở Huế cách đây khoảng hơn nửa thế kỷ?
Thế kỷ 19: vẫn giữ nguyên truyền thống
Năm 1819, khi thuyền trưởng Mỹ John White đến thăm Sài Gòn, cách ăn mặc ở đây vẫn giống như giáo sỹ Borri đã thấy ở Thuận Quảng từ hơn hai thế kỷ trước đó.
Ông White có nhắc đến một thiếu nữ 16 tuổi
mặc quần lụa đen và cái áo may sát người dài đến mắt cá chân. Ông cũng cho biết rằng đàn ông, đàn bà Sài Gòn khi ấy ăn mặc giống nhau, với nhiều lớp áo dài khác mầu. Chiếc áo trong cùng dài đến mắt cá chân, rồi các áo ngoài ngắn dần…
Tuy nhiên, giống như bây giờ, lối ăn mặc đỏm đáng kể trên chỉ dành cho tầng lớp phong lưu, thời thượng. Còn phục trang của đại đa số dân chúng thì nghiêm cẩn hơn với mầu thâm.
Áo dài ba thân ở thế kỷ 20: vẫn chưa chít eo, chưa tạo “phom dáng”
Cổ, tay và thân trên áo dài phụ nữ thời ấy thường ôm theo người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo. Vạt rất rộng, trung bình 80cm ở gấu.
Nam Phương hoàng hậu vào lễ cưới mặc áo kiểu trực lĩnh, không chít eo.
Cho đến đầu thế kỷ 20, tuyệt đại đa số áo dài phụ nữ thành thị ở Việt Nam đều may theo thể năm thân.
Riêng ở miền Bắc từ thập kỷ 1910-1920, phụ nữ thích may thêm một cái khuyết phụ độ 3 cm bên phải cổ áo, và cài khuy cổ lệch. Cổ áo như thế sẽ hở ra cho quyến rũ hơn, và cũng để khoe chuỗi hột trang sức quấn nhiều vòng quanh cổ, bên trong cổ áo.
Thủa ấy các vải áo mầu đậm được dùng nhiều nhất. Mùa Thu, Đông dùng các loại gấm đoạn, và Xuân, Hạ dùng sa, vân. Vì mầu nhuộm từ các chất liệu thiên nhiên của các loại vải ngày trước dễ phai, cho nên người xưa không giặt các áo dài may bằng vải đắt tiền, thường dùng làm áo ngoài.
Thập niên 1930-1940: màu sắc châu Âu du nhập về
Trong các thập niên 1930 và 1940, cách may áo dài vẫn không thay đổi nhiều, nhưng phụ nữ thành thị bắt đầu dùng các loại vải mầu tươi, sáng hơn, được nhập về từ Âu Châu. Cho đến lúc này gấu áo dài phụ nữ thường được may trên mắt cá khoảng 20 cm.
Mặc với quần đen hay quần trắng?
Từ đây, và tiếp tục cho đến gần cuối thế kỷ 20, thiếu nữ khắp nơi mặc quần trắng với áo dài. Quần đen để dành cho phụ nữ đã lập gia đình. Tuy nhiên phần lớn phái nữ thuộc mọi lứa tuổi ở Huế vẫn tiếp tục chỉ mặc quần trắng.
Một vài nhà tạo mẫu áo dài bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này.Các họa sỹ Lê Phổ và Lê Thị Lựu đi tiên phong trong việc bỏ sống nối dọc giữa thân áo, và thu gọn bớt chiều rộng của vạt áo và tay áo. Áo dài ba thân bắt đầu từ đây.
Áo dài Cát Tường: cảm hứng nhân vật ông TYPN (Tôi Yêu Phụ Nữ) trong Số đỏ chính là từ họa sỹ Cát Tường
Áo dài ảnh hưởng phương Tây của họa sĩ Cát Tường đã tạo nên một trào lưu mạnh mẽ khen chê, khiến ông trở nên cực kỳ nổi tiếng. Áo dài Le Mur này bị lên án là “lai căng” với tay phồng, cổ đính nơ (1938)
Trong những năm cuối của thập niên 1930 ông Cát Tường tung ra các kiểu áo dài được ông Âu hóa, cả về mẫu dáng lẫn tên gọi, Le Mur (do ông tự dịch tên của mình ra tiếng Pháp).
Các kiểu dáng tay áo và ống quần điệu đà lấy cảm hứng từ những chiếc đầm Tây Phương điệu đà
Cổ áo khoét hình trái tim với mũi nhọn đằng trước ngực hay sau lưng, và một cái nơ đính vào chỗ khoét nhọn đó. Có khi áo được may theo lối cổ lọ hay gắn thêm cổ bẻ. Vai áo may bồng, tay nối ở vai, và cũng có khi áo dài Lemur khoét hở đến giữa lưng và không có tay.
Những năm 1950s: trở về với những phom dáng đơn giản, nhưng điểm nhấn chính là “thắt đáy lưng ong” và eo con kiến của người phụ nữ qua những chiếc áo dài ôm eo
Đến thập kỷ 1950 sườn áo dài bắt đầu được may có ôm eo, dù vẫn chưa xếp li. Các thợ may lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người. Thân áo sau hơi rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít li ở eo.
Những năm 1960: Chít eo và tôn ngực, thậm chí có dây buộc eo
Áo dài được thay đổi nhiều nhất trong thập kỷ 1960. Áo dài bắt đầu được may chít eo, nhiều khi rất chật, để tôn ngực. Nhiều chị em trong miền Nam lúc ấy còn dùng dây gai quấn quanh bụng và xiết bụng lại cho nhỏ để mặc áo dài chít eo lưng ong.
Áo dài “Trần Lệ Xuân” đã xuất hiện và đứng vững cho tới bây giờ
Đầu năm 1961, trong buổi trình diễn thời trang áo dài đầu tiên của Việt Nam, vị đạo diễn phim ảnh nổi tiếng Thái Thúc Nha của Sài Gòn lúc bấy giờ tung ra một mẫu áo dài mới để giúp chương trình thêm phong phú.
Bà Trần Lệ Xuân, vợ cố vấn Ngô Đình Nhu, chủ tọa danh dự của buổi trình diễn rất thích mẫu áo mới này. Ngoài cái cổ thuyền lần đầu tiên xuất hiện, bà còn thích cách cắt tay ngắn gọi là troa-ca (trois-quatre), tức là ba phần tư của cái áo mới.
Cuối thập kỷ 1960: Áo dài mini xuất hiện, ảnh hưởng của váy ngắn quần loe của châu Âu
Rồi đến gần cuối thập kỷ 1960, để theo đúng thời trang váy ngắn quần loe của phong trào Hippy, áo dài mini của nữ giới trở thành thời thượng. Vạt áo bây giờ may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối. Áo may nới hơn, lúc ban đầu có xếp li ở eo.
Vạt áo bây giờ may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối. Áo may nới hơn, lúc ban đầu có xếp li ở eo.
Ngày nay mốt áo dài mini này đã trở lại mạnh mẽ, đó chính là mốt áo dài mà chúng ta gọi là “cách tân” ngày nay. Áo cách tân ngày nay cũng “ngắn mini”, nhưng thường được mặc với quần âu bó, phom “quần côn”, chứ không mặc với quần lụa ống loe như ngày xưa nữa.
Tuy nhiên, áo dài cách tân trên thực tế chỉ là một cơ hội để áo dài có thể trở “casual” hơn, tức là đời thường hơn, dễ mặc hơn, chứ không thể thay thế được chuẩn mực của áo dài kiểu truyền thống.
Từ thập kỷ 1970 đến nay: truyền thống thực ra là điều được hoàn thiện từ lâu lắm rồi
Từ thập kỷ 1970 đến nay áo dài không thay đổi nhiều lắm. Thỉnh thoảng cách mặc có đổi mới, thí dụ như quần với áo đồng mầu, nhưng không tạo ra được phong trào nào sâu đậm. Các nhà tạo mẫu áo dài bây giờ vẫn luôn nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra mẫu mới.
Áo dài trông đơn giản thế, nhưng muốn biến đổi nó thêm về hình thức sẽ rất khó. Vì nó đã được hoàn thiện từ lâu lắm rồi.
Sự bùng nổ mạnh mẽ gần đây của áo dài truyền thống, thậm chí mớ bảy mớ ba
Từ một vài năm gần đây, đột nhiên người phụ nữ quý trọng trở lại chiếc áo dài một cách đặc biệt. Chúng ta chắc đều nhận thấy giờ đây, mốt trang phục đẹp ngày Tết của chị em, không còn là váy nữa, mà là áo dài truyền thống, thậm chí mớ bảy mớ ba xanh đỏ tím vàng, lớp trong lớp ngoài đủ cả.
Chiếc áo dài đã trở lại với nhiều kiểu dáng phong phú nhất, chất liệu khác nhau qua các bộ sưu tập đầy sáng tạo nhưng vẫn rất tôn trọng truyền thống của các nhà thiết kế tài năng như Võ Việt Chung, Sĩ Hoàng, Thuận Việt…
Vậy là, vàng son hoa gấm, chiếc áo dài Việt Nam có cách điệu ra sao rồi chuẩn mực truyền thống cuối cùng vẫn sẽ lên ngôi. Và thời nay những bàn tay nghệ sĩ tài hoa đã khiến cho những chiếc áo dài truyền thống thực sự tôn vinh được vẻ yểu điệu thục nữ, cái duyên dáng tinh túy của hồn Việt 4000 năm lịch sử mà chỉ khi những người con gái đất Việt mặc vào mới thực sự khiến nó lên ngôi. Điều đó có lẽ đủ giải thích vì sao người bạn Tây của tôi có phần lạc lõng trong chiếc áo dài Việt dù cô không biết tại sao…
Hà Phương Linh (Tổng hợp và biên soạn)