Đại Kỷ Nguyên

Chân dung phụ nữ yêu kiều với trang phục cầu kỳ trong tranh của họa sĩ thế kỷ 19 Gustave Jacquet

Gustave Jean Jacquet (1846 – 1909) nổi tiếng với tài năng kỹ thuật của mình. Những bức tranh về phụ nữ của ông mạnh mẽ và tinh tế, cũng như những cảnh đời sống lịch sử, phụ nữ và binh sĩ trong trang phục cổ.

Jacquet đã vẽ các tác phẩm lớn trên tấm toan với các kích thước như thật, mặc dù ông thường thích vẽ trên các panô nhỏ hơn. Những người mẫu của ông không phải lúc nào cũng xinh đẹp kinh điển, nhưng họ luôn sôi động và tràn đầy sức sống.

“Chân dung một quý bà trẻ tuổi” (ảnh: PaintingStar).

Jacquet giành được huy chương nghệ thuật đầu tiên tại Salon Paris năm 1875 với bức tranh La Reverie (Giấc mơ). Bức tranh này trong một thời gian đã được treo trong Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York.

“Giấc mơ” (ảnh: PaintingStar).

Tranh của Jacquet đầy hương vị ngọt ngào, được gắn cân bằng trên hai kỷ nguyên. Ông quan sát về những thứ hiện tại và đưa chúng về quá khứ. Ông khám phá những điều tốt đẹp từ mọi lứa tuổi. Ông mượn từ nghệ thuật Venice vẻ đẹp tuyệt vời của thân thể con người, từ người Tây Ban Nha sự vững chắc của đường nét và sự ấm áp của tông màu. Ông học từ các họa sĩ hào hiệp của thế kỷ 18 những hình dạng như tan chảy, ánh sáng duyên dáng và màu sắc đẹp như hoa. Ông đã học hỏi từ mọi bậc thầy hội họa và thể hiện ra trên tranh của mình.

“Cô gái trong trang phục cưỡi ngựa” (ảnh: Fine Art America),

Tranh của Jacquet được trưng bày trong nhiều tổ chức công cộng và tư nhân trên khắp nước Mỹ và châu Âu. Ví dụ ở Anh, các tác phẩm của ông có thể được thấy trong Phòng trưng bày & Bảo tàng Sheffield, Phòng trưng bày Manchester City, Bảo tàng và Phòng trưng bày nghệ thuật Brighton & Hove, và trong các bảo tàng của Mỹ như Bảo tàng nghệ thuật Brooklyn, Bảo tàng nghệ thuật Chrysler, Bảo tàng nghệ thuật Cincinnati và Bảo tàng nghệ thuật The Figge.

“Người chơi đàn Cello” (ảnh: PaintingHere).

Trên tờ Illustrated American, ngày 10 tháng 9 năm 1892, một tác giả khuyết danh đã nói: “nói về mô tả vẻ đẹp duyên dáng yêu kiều của người phụ nữ, từ khuôn mặt, hình dáng và biểu cảm, trong thời hiện đại không có ai hơn ”Gustave Jacquet”. Sau khi Jacquet qua đời vào năm 1909, khi phần lớn bất động sản của ông được đưa ra bán đấu giá tại Galerie Georges Petit, lộ ra bộ sưu tập lớn của ông, gồm hơn 300 lô trang phục thế kỷ 18 đích thực cũng như áo giáp, vũ khí và các vật thể khác. Mặc dù một danh mục các bức tranh của ông chưa bao giờ được công bố, nhưng có khoảng 200 tác phẩm độc đáo của ông được bán đấu giá công khai từ giữa những năm 1980. Điều đáng ngạc nhiên là trước đó rất ít người biết đến nghệ sĩ năng suất và chất lượng này.

“Cô gái trẻ trogn chiếc váy xanh” (ảnh: AllPainter).

Ngày nay, khi tranh châu Âu thế kỷ 19 trở thành một trong những thể loại được đánh giá cao nhất trên thị trường nghệ thuật, bức tranh có tiêu đề “The Welcome” (Chào mừng) của Jacquet đã được bán với giá 361.000 đô la tại Sotheby New York vào tháng 10 năm 2007. Trong danh mục bán hàng của Sotheby, đã mô tả bức tranh này với những lời có cánh: “những chiếc váy satin rung rinh và tỏa sáng, và như là một điệp khúc thơ được làm từ từ vải vóc, ren, vũ khí, áo giáp và nhạc cụ cổ xưa”. Tác phẩm này được trưng bày lần đầu tiên tại Salon Paris năm 1892, và tại Phòng trưng bày Brandus của New York năm 1898, thu hút nhiều sự chú ý tích cực, và thậm chí còn xuất hiện trên Tạp chí Minh họa của Thời báo New York bên cạnh bức tranh nổi tiếng của Rembrandt – “Người đàn ông và cây mía”.

“Chào mừng” (ảnh: ebay).

Một đồng nghiệp đương thời của Jacquet là Arsène Alexandre đã nhận xét: “Trong thực tế, không có sự nghiệp nào liên tục hơn, hoặc một họa sĩ nào giỏi hơn về mặt kỹ thuật như Gustave Jacquet. Jacquet không thô bạo, cũng không lỏng lẻo, cũng không tỏ ra thờ ơ với công việc của mình. Ông hẳn phải có lòng can đảm lớn để cống hiến hết mình cho nhiệm vụ khó khăn là vẽ ra sự duyên dáng nhưng vẫn giữ được tính nguyên bản, và làm tốt nhiệm vụ đó trong khi coi khinh những gì dễ dãi đem cho người khác như bản gốc“.

Khuôn mặt cô gái (ảnh: Arthive).

Họa sĩ Gustave Jacquet có một lý tưởng về lòng tốt. Ông không nghĩ rằng tranh được vẽ ra để gây kinh hoàng hay khiêu khích người xem. Tranh của ông có thể làm chúng ta cảm động sâu sắc theo nhiều cách khác nhau như bản chất của chúng. Tranh của Gustave Jacquet dường như làm người xem trẻ lại, mềm mại và thanh lịch hơn một chút. Ông thể hiện sự duyên dáng, hướng ngoại và thân thiện mà không cần nỗ lực hay bạo lực, và có niềm tin rằng những người khác về căn bản đều là mạnh mẽ và ngọt ngào.

“Nghệ sĩ vẽ trong vườn” (ảnh: Painting and Frame).

Phỏng theo KARA LYSANDRA ROSS / THE EPOCH TIMES

Clip hay: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh

Exit mobile version