Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện thú vị đằng sau bức tranh nổi tiếng ‘Il voto di Luigi XIII’ của danh họa Jean Auguste Dominique Ingres

Jean Auguste Dominique Ingres (1780-1867) là một họa sĩ theo trường phái tân cổ điển người Pháp. Ảnh: Wikipedia.

Jean Auguste Dominique Ingres, được coi là nhà lãnh đạo, bậc thầy cuối cùng của chủ nghĩa tân cổ điển. Ông được thừa hưởng các tinh hoa nghệ thuật thời kỳ Văn hóa Phục Hưng, coi trọng các giá trị hoàn hảo, nhấn mạnh tính trật tự, rõ ràng. Câu chuyện thú vị đằng sau bức tranh nổi tiếng “Il voto di Luigi XIII” cho ta thấy chuẩn mực trong từng nét vẽ của Auguste cũng như các họa sĩ xưa.

Jean Auguste Dominique Ingres

Jean Auguste Dominique Ingres sinh năm 1780 tại thị trấn nhỏ Monteban ở miền tây nam nước Pháp, lớn lên trong một gia đình nghệ thuật có sáu anh chị em. Cha là một họa sĩ trang trí, nhà điêu khắc và vô cùng yêu âm nhạc. Ông đã dạy Auguste học màu sắc, kỹ thuật vẽ đường tuyến và biểu diễn violin từ khi còn nhỏ. Vào năm 11 tuổi, Auguste đã đến Học viện Mỹ thuật Hoàng gia ở thành phố lớn, nơi ông nhận ra sự vĩ đại của Raphael và dành phần còn lại của cuộc đời để sùng bái Raphael.

Năm 1797, ông may mắn được vào phòng vẽ riêng của David để học tập. Năm 1801, ông đã giành giải nhất của Giải thưởng Rome nhờ bức “Ambassadors of Agamemnon” và giành được cơ hội học tập ở Ý trong bốn năm, nhưng bởi sự thiếu hụt trong ngân sách của chính phủ nên đến năm 1806 ông rời tới Rome. Trong sáu năm này, Auguste sinh sống bằng việc bán những bức tranh của mình.

“Ambassadors of Agamemnon”,  năm1801. Ảnh: wikipedia

Khi mới đến Rome, ông đã gửi một số bức tranh đến triển lãm Salon de Paris, nhưng đều không được khen ngợi. Trong 18 năm ông ở lại Ý, ông vẫn luôn được đánh giá như vậy cho đến năm 1824, tác phẩm “Il voto di Luigi XIII” mới khẳng định tên tuổi ông. Chiến thắng bất ngờ này đã mang lại sự phấn khởi cũng như vinh quang cho cuộc sống của Auguste.

Tuyệt tác nổi tiếng “Il voto di Luigi XIII”, tranh sơn dầu năm 1824, hiện đang lưu giữ tại Notre Dame de Montauban. Ảnh: Epoch Times

Một câu chuyện thú vị đằng sau bức tranh nổi tiếng, thể hiện sự chuẩn mực trong từng nét vẽ của các họa sĩ xưa

Bức tranh “Il voto di Luigi XIII”, còn gọi là “Lời thề nguyện của vua Louis 13” đối với Auguste lúc bấy giờ được coi là tác phẩm quan trọng. Đây là bức vẽ mang tính lịch sử được đích thân Bộ Nội vụ nước Pháp ủy thác.

Bức tranh miêu tả cảnh tượng vua Louis 13 quỳ xuống trước mặt Đức Mẹ Maria, hai tay kính dâng lên Người vương miện, đại diện cho nước Pháp, thành kính mong được Đức Mẹ che chở cho con dân Pháp quốc.

Sau gần 20 năm sinh sống ở Italy, Auguste hi vọng có thể đem bức họa này trở thành một vật kỷ niệm vinh hiển mừng ông quay trở về nước mẹ, Pháp.

Vì thế ông rất chăm chút cho tác phẩm này. Một trong những khó khăn đầu tiên ông gặp phải, đó là ông chưa tìm được người mẫu phù hợp. Năm 1820, Auguste từng nổi nóng trong xưởng vẽ của mình vì tìm mãi không ra người mẫu tạo dáng cho tác phẩm.

Sau đó, ông đã đến nhờ Abraham Constantin (1785-1851), một họa sĩ người Thụy Sĩ, người bạn thân của ông, nhờ Constantin trở thành người mẫu tạo dáng cho tác phẩm của ông. Nhưng Constantin kiến quyết từ chối.

Lúc đó, Auguste nghĩ mãi cũng không hiểu tại sao dù ông có van nài thế nào, Constantin cũng không chịu nể mặt mà nhận lời.

Hóa ra, Auguste muốn người bạn tốt của mình tạo dáng theo tư thế Đức Mẹ Maria đang ôm trong tay Chúa Jesus. Như vậy họa sĩ mới có thể vẽ ra được một cách chính xác kết cấu hình ảnh thân thể con người. Hơn nữa, Auguste còn yêu cầu người mẫu phải để trần toàn bộ. Cùng với đó, điều khiến Constantin không chịu được đó là có vẻ Auguste sẽ phải tốn kha khá thời gian để phác họa ra kết cấu bức tranh. Bởi Constantin biết bức tranh này có ý nghĩa quan trọng ra sao với Auguste.

Chính vì thế Constantin nhất quyết không chịu đồng ý. Tuy vậy, sự khó chịu của Constantin cũng không làm Auguste nản lòng thoái chí.

Như vậy, Auguste sẽ phải giải quyết vấn đề này thế nào?

Rất đơn giản là Constantin và Auguste sẽ đổi chỗ cho nhau, Auguste trở thành người mẫu, tạo dáng ôm đứa bé (nhưng đứa bé không có thay vào đó là ôm một cái mũ), còn Constantin sẽ thay Auguste phác họa nhanh tư thế.

Constantin dù sao cũng là nghệ nhân chuyên trang trí men sứ nổi danh của Thụy Sĩ, vì vậy Auguste vẫn rất tin tưởng vào tay nghề họa của bạn mình. Sau vài trang giấy vẽ, kết quả Auguste thỏa mãn, vừa lòng. 

Mấy năm sau, tác phẩm đại thành công, được rất nhiều người ngưỡng mộ, nhưng chẳng mấy ai biết được người mẫu cho tác phẩm này là ai.

Qua câu chuyện thú vị sau “hậu trường” này, chúng ta có thể nhận ra sự cẩn thận, thái độ cẩn mật, chặt chẽ của các nghệ sĩ hội họa truyền thống Tây phương. Ngay từ khi mới bắt đầu học cầm bút, họ đã được chỉ dạy, rèn luyện nghiêm khắc những kiến thức phác họa cơ bản, từ cấu tạo thân thể người, cấu trúc không gian v.v. đều phải nắm rõ.

Ví dụ như trong câu chuyện trên, tác phẩm miêu tả nhân vật có mặc đầy đủ y phục, vậy tại sao người mẫu lại phải lõa thể? Đó cũng chính là sự nghiêm túc, cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ của các họa sĩ cổ điển xưa, bước đầu tiên, họ phải nắm chắc được cấu tạo cơ thể người bên dưới bộ y phục đó.

Kỳ thực, sự nghiêm cẩn ấy không phải chỉ có ở Jean Auguste Dominique Ingres, mà rất nhiều các họa sĩ cổ điển đều như thế. Các bức phác họa đầu tiên, bản thô nhất đều là hình ảnh các nhân vật lõa thể, sau đó mới từ từ vẽ thêm y phục trùm lên. Điều này không chỉ thể hiện quy trình nghiêm khắc, chặt chẽ bao nhiêu, mà còn thể hiện thái độ trân trọng của người nghệ sĩ với mỗi một nhân vật, mỗi một “đứa con tinh thần” của mình.

Danh họa Auguste còn để lại một câu danh ngôn “Dessinez longtemps avant de songer à peindre. Quand on construit sur un solide fondement, on dort tranquille.”, có nghĩa “Hãy chú tâm dành nhiều thời gian phác họa rồi hẵng cân nhắc nên động bút vẽ thế nào. Chỉ khi ta xây dựng được một nền móng vững chắc, ta mới không lo lắng gì nữa, an tâm mà ngủ ngon.”

Điều này có thể thấy trong tác phẩm nổi tiếng “Le serment du Jeu de Paume”, để hoàn thành được bức tranh khổng lồ với khoảng 35 nhân vật này, ông chia ra làm các bước nhỏ.

Bản phác thảo sơ bộ các nhân vật trong bức tranh, đầu tiên để các nhân vật lõa thể để nắm vững kết cấu. Ảnh: Epoch Times
Ảnh: Histoire Image
Bước tiếp theo là phác họa y phục các nhân vật. Ảnh: Epoch Times
Tác phẩm sau khi được hoàn thành năm 1792, kích thước 304cm x 654cm. Ảnh: Wikimedia

Theo epochtimes.com

Clip hay:

Exit mobile version