Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện ‘Sự trở về của đứa con hoang đàng’ qua các tuyệt tác tranh thời Phục Hưng

Đằng sau mỗi tác phẩm Phục Hưng đều là những câu chuyện khiến người xem phải suy nghĩ, và chủ đề “Đứa con hoang đàng” cũng xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm thời kỳ này.

Đằng sau tác phẩm này là cả một câu chuyện đáng suy ngẫm (Họa sĩ: Rembrandt)

Đó là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương vô bờ của người cha đối với đứa con phóng đãng và sa đọa.

Ở vùng nọ, có một người cha già sống cùng hai con trai. Một hôm, vì muốn ăn chơi mà không phải làm lụng, người con thứ đã xin cha chia cho phần tài sản mình sẽ được hưởng. Ít ngày sau khi sở hữu số của cải đó, người con thứ đã gom góp mọi thứ và lên đường đi xa. Anh ta sống rất phóng đãng và phung phí tiền bạc của mình.

Đứa con hoang đàng, 1623 (Họa sĩ: Gerard van Honthorst)

Vào lúc người con thứ ăn tiêu hết sạch tiền của thì cũng là lúc vùng đất anh ta dừng chân xảy ra một nạn đói lớn. Lâm vào cảnh túng thiếu, người con thứ phải đi nuôi lợn cho một người dân nơi đây. Nhìn đàn gia súc ăn, anh đói đến nỗi chỉ ao ước được nhét cho đầy bụng thức ăn của chúng, ấy vậy mà cũng không được.

Sự trở về của đứa con hoang đàng, 1651 – 1655, bảo tàng Hermitage, St. Petersburg (Họa sĩ: Salvatore Rosa)

Bình tâm lại, người con thứ chợt nhớ tới gia đình, nơi anh được hưởng tình yêu của cha, với cơm áo no đủ. Tuy nhiên, anh cũng biết rằng, mình đã không xứng với phận làm con nữa, và chỉ mong được trở thành một người làm công cho cha mà thôi. Nghĩ vậy, người con thứ lên đường trở về nhà.

Khi anh còn đang đi ở đằng xa, người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm hôn con trai mình…

Sự trở về của đứa con hoang đàng, 1773, bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna (Họa sĩ: Pompeo Batoni)

Không để con kịp nói gì hết, người cha đã vội vàng nói đầy tớ mang quần áo đẹp ra cho con thay, và làm thịt một con bê để ăn mừng con trai trở về.

Sự trở về của đứa con hoang đàng, 1619, bảo tàng Gemäldegalerie, Berlin (Họa sĩ: Guercino)

Lúc ấy, người con cả từ đồng đi về nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, mới ngạc nhiên hỏi chuyện đầy tớ. Biết được sự việc, người anh cả vô cùng giận dữ và đã không chịu vào nhà. Khi cha ra năn nỉ, anh nói: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

Nhưng người cha trả lời rằng: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy được.

Sự trở về của đứa con hoang đàng, 1662–1669, bảo tàng Hermitage, St Petersburg (Họa sĩ: Rembrandt)

Câu chuyện về đứa con hoang đàng là một dụ ngôn trong Kinh Thánh, được chúa Giê-su kể cho những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái, khi họ chỉ trích ngài vì đã chào đón và ăn uống cùng những người có tội. Đứa con hoang đàng không chỉ nói về tấm lòng bao dung rộng lớn và cơ hội rộng mở cho những ai biết hối lỗi, mà còn là lời cảnh tỉnh đối với hai thói xấu thường thấy: lối ăn chơi bừa bãi của người con thứ, và tâm ganh ghét oán hận của người con cả.

Quang Minh

Exit mobile version