Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện Adam và Eva bị trục xuất khỏi Thiên Đường

Adam và Eva

Adam và Eva ngoảnh lại nhìn, chỉ thấy cánh cổng Thiên Đàng đã khép chặt. Nước mắt tuôn rơi, họ tay trong tay lang thang từng bước chân chậm chạp, tiến vào màn đêm vô định, mênh mang…

Câu chuyện về Adam và Eva là cảm hứng bất tận trong thi ca và hội họa. Rất nhiều họa sĩ đã tái hiện chủ đề ấy theo cách riêng của mình, như bức bích họa trên trần nhà nguyện Sistine của Michelangelo kể về sự sa ngã đầu tiên của nhân loại, hay tranh vẽ ở Brancacci của Masaccio mô tả cảnh trục xuất khỏi vườn Địa Đàng. Đa số các tác phẩm đều nhấn mạnh khía cạnh bi kịch của câu chuyện. Nhưng có một bức danh họa, cũng là nỗi ân hận nhưng lại le lói tia hi vọng, cũng là cảnh trục xuất nhưng vẫn tràn đầy từ bi và yêu thương. Đó chính là tác phẩm “The Expulsion of Adam and Eve from Paradise” (tạm dịch: Adam và Eva bị trục xuất khỏi Thiên Đường) của họa sĩ Benjamin West (1738-1820).

Benjamin West là họa sĩ người Mỹ gốc Anh nổi tiếng với phong cách tân cổ điển những năm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Ông sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nhưng lại tìm thấy duyên phận của mình ở nước Anh. Rất nhiều tác phẩm để đời của ông đều được thực hiện trên mảnh đất hoàng gia ấy. Người Anh gọi ông là “Raphael của nước Mỹ”, còn vua Anh cũng ưu ái phong cho ông tước hiệu Hiệp sĩ, nhưng Benjamin đã khước từ tước vị này.

Adam và Eva bị trục xuất khỏi Thiên Đường

“Adam và Eva bị trục xuất khỏi Thiên Đường” là một trong những họa phẩm của Benjamin West tại nhà nguyện hoàng gia thuộc lâu đài Windsor, thực hiện theo yêu cầu của vua George III vào năm 1779. Đáng tiếc là công trình ấy đã buộc phải dừng lại trong dang dở sau khi Hoàng gia Anh ngừng tài trợ thêm kinh phí. Từ đó bức tranh cũng như rất nhiều tác phẩm khác đã rơi vào quên lãng, mãi đến năm 1989 mới được giới thiệu với công chúng.

Bức tranh kể lại câu chuyện Adam và Eva trong Kinh Thánh: Sau khi Thượng Đế kiến tạo trời đất và vạn vật, ngài đã tạo ra vườn Địa Đàng, rồi lại tạo ra người nam và người nữ, tên là Adam và Eva. Nhưng rồi cả hai vì nghe lời dụ dỗ của con rắn mà lỡ ăn Trái Cấm nên không thể ở lại khu vườn được nữa… Tác phẩm tái hiện cảnh Adam và Eva bị Thiên Thần xua đuổi khỏi Địa Đàng, dựa trên những điều ghi chép trong Kinh Thánh – Sáng Thế Ký.

Bức “Adam và Eva bị trục xuất khỏi Thiên Đường” của Benjamin West, hoàn thành năm 1791 (Ảnh: Wikipedia)

Trong bức tranh, Thiên thần Cherubim với “thanh gươm sáng lòa” ngăn không cho hai người tiến vào thiên giới, còn Eva đang quỳ dưới đất và ngước nhìn lên với ánh mắt khẩn cầu, cùng lúc ấy Adam một tay dắt Eva, một tay che mặt thể hiện nỗi hối hận tột cùng. Sau lưng họ là Thiên Đường sáng hồng rực rỡ, nhưng trước mặt họ là mặt đất vô định và bóng tối mịt mùng. Dưới chân họ, những cây Kế (một loại cây gai) mọc là là mặt đất, còn con rắn thì nhoẻn cười với vẻ mặt không thể đắc ý hơn.

Một đặc điểm dễ thấy trong bức tranh là sự tương phản màu sắc, nhờ đó đã truyền tải trọn vẹn tinh thần của tác phẩm: Thiên thần xuất hiện trong bộ áo trắng và đôi cánh cũng màu trắng. Cùng là sắc trắng, nhưng khác với những vị trí khác trong bức tranh, màu trắng ở đây được thể hiện rất tinh tế, gợi lên một cảm giác vô cùng thánh khiết và thuần tịnh – sự thuần tịnh của một sinh mệnh nơi thiên giới. Điều ấy tương phản với màu nâu vàng của bộ áo da thú mà Adam và Eva đang mặc trên người.

Bộ áo trắng của Thiên thần gợi lên cảm giác thánh khiết và thuần tịnh. (Ảnh: aleteia.org)

Và hãy chú ý đến một chi tiết nhỏ nhưng lại thay cho ngàn lời nói: Ở nơi tiếp xúc giữa bàn chân của Thiên thần và Adam – cho thấy đó là vị trí có cùng độ sáng tối – ta lại thấy sự đối lập của hai màu da:

Bàn chân của Thiên thần và Adam cho thấy sự đối lập của hai màu da. (Ảnh: aleteia.org)

Cả hai cùng là tạo phẩm của Chúa, cùng bước ra từ Địa Đàng, vì sao lại có sự khác biệt nhường ấy? Ấy là bởi Thiên thần là sinh mệnh cao cấp, hoàn toàn thuần khiết và phù hợp với cảnh giới ở Thiên Đường, nên tất cả những gì thuộc về ngài đều là thanh tịnh. Còn Adam thân mang nghiệp tội, đã không còn phù hợp với cảnh giới đó nữa nên phải rơi rớt xuống dưới. Cũng là nói, Adam đã không còn là “thiên nhân” nữa mà bị giáng xuống thành con người phàm tục, đã mất đi sự thuần khiết ban sơ.

Nhìn rộng hơn nữa sẽ thấy độ tương phản sáng tối trong toàn bức họa: Ở Thiên Đàng là ánh hồng rực sáng, còn trần thế là bóng đen bủa vây cả mặt đất và bầu trời. Cách bố trí màu sắc đã thể hiện một cách tài tình việc Adam và Eva – hai con người tội lỗi – vừa bước ra khỏi cõi trời tươi sáng để tiến vào bóng đêm mịt mùng, cũng tức là thế gian ô trọc. Ở cõi thế gian ấy mọi thứ đều tối tăm mờ mịt: mặt đất tối đen, mây trời xám xịt, cây cỏ xanh thẫm… hết thảy đều mang trên mình thứ màu ảm đạm.

Mặc dù bức tranh miêu tả khá sát so với ghi chép trong Kinh Thánh, nhưng vẫn có hai chi tiết không được Sáng Thế Ký nhắc đến: Trên bầu trời, chim ưng đang tấn công một con chim khác, còn dưới mặt đất, chúa sơn lâm đang đuổi bắt đàn ngựa hoang — Ngụ ý rằng trần gian mà họ phải đối mặt chính là nơi như thế: đầy rẫy hiểm ác, tranh tranh đấu đấu, hiểm họa giăng đầy…

Trong tuyệt vọng lại le lói hy vọng, lúc ruồng bỏ lại chất chứa yêu thương

Nhưng ở nơi tưởng như tuyệt vọng lại le lói tia hy vọng, ở lúc tưởng như bị ruồng bỏ lại chất chứa tình yêu thương. Nếu nhìn về phía bên phải của bức tranh – vùng đất tượng trưng cho trần thế – sẽ thấy trên bầu trời u ám vẫn để lộ ra màu xanh của hy vọng. Còn nếu nhìn về phía bên trái – nơi thể hiện tấn bi kịch của hai nhân vật chính – ta sẽ thấy có điều ngụ ý trong đó.

Hầu hết những bức họa cùng chủ đề đều vẽ Adam và Eva không một manh áo bước ra từ Địa Đàng, mặc dù điều này trái ngược với ghi chép trong Kinh Thánh, rằng “Ðức Chúa Trời lấy da thú làm y phục cho Adam và vợ ông, rồi mặc cho họ”. Nhưng bức họa của Benjamin West thì khác, Adam và Eva được khoác lên mình bộ áo bằng da thú:

Trong bức họa của Benjamin West, Adam và Eva khoác áo da thú, trái ngược với mô típ “khỏa thân” trong các tác phẩm cùng thời. (Ảnh: aleteia.org)

Chúng ta hãy đọc lại Sáng Thế Ký, chương 3 tiết 7 viết rằng sau khi ăn Trái Cấm, “mắt hai người mở ra; họ nhận biết họ đang trần truồng, nên họ lấy lá vả khâu lại làm khố che thân”. Điều ấy nói lên rằng, cả Adam và Eva đều đã kín đáo che thân, vậy vì sao Chúa Trời vẫn cần mặc y phục cho hai sinh mệnh ‘sắp bị trục xuất khỏi Địa Đàng’? Nếu họ là kẻ tội đồ bị nguyền rủa, và là hai tội đồ đã bị đuổi khỏi nơi đất Chúa, thì vì sao Ngài vẫn quan tâm tới họ đến vậy?

Đó là bởi một thứ – người phương Tây gọi là “tình yêu”, còn người phương Đông gọi là “từ bi”. Và bộ y phục da thú chính là thể hiện cho lòng từ bi của Chúa Trời.

Như vậy, với bộ y phục được Chúa ban cho, sự trục xuất Adam và Eva không còn mang sắc màu bi kịch. Mà thay vào đó, đây là thể hiện của Pháp lý, cũng tức là Luật trời: Bởi sinh mệnh bất thuần nên không còn đáp ứng tiêu chuẩn của Thiên quốc, do đó mà không thể ở tại nơi thượng giới. Nếu ở lại, chẳng phải sẽ làm ô uế cảnh giới thánh khiết ấy hay sao? Như thế, sinh mệnh đó sẽ buộc phải rớt xuống tầng thứ thấp hơn. Nếu ở tầng thấp ấy, sinh mệnh kia lại không đáp ứng tiêu chuẩn nữa, thì sẽ tiếp tục rớt xuống. Như thế, việc trục xuất ấy không phải do Chúa Trời nguyền rủa, cũng không phải vì Chúa Trời đã ruồng bỏ, mà là vì Thiên lý bất dung!

Và hãy thử nghĩ xem, sẽ ra sao nếu một sinh mệnh cứ mãi tạo thêm nghiệp tội, và cứ tiếp tục rơi rớt như thế? Đó hẳn sẽ là điểm tận cùng của bi kịch, là đối mặt với sự trừng phạt khôn cùng. Do đó con người mới cần có chư Thần bảo hộ, và cần được chư Thần dẫn dắt để sớm ngày quay trở lại nước Trời. Bộ y phục mà Chúa mặc cho Adam và Eva đã thể hiện sự bảo hộ từ bi ấy.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả…

Nếu để ý kỹ sẽ thấy ẩn giấu trong bức họa là một hình xoắn ốc: bắt đầu từ khuôn mặt chất chứa nỗi ăn năn của Adam, men theo đường cong cơ thể của Adam Eva và tiếp nối với đường viền của những đám mây đen cuồn cuộn, cuối cùng mở rộng ra khoảng không gian vô định…

Hình xoắn ốc ẩn giấu trong bức họa của Benjamin West (Ảnh: Dkn.tv)

Điều đặc biệt là vòng xoắn ấy bắt đầu từ trung tâm của bức vẽ rồi mở rộng ra toàn tranh, bắt đầu từ nơi có ánh sáng rồi di chuyển dần về phía bóng tối, và bắt nguồn từ sự sa ngã đầu tiên (Adam và Eva) đi đến nơi chất chồng nghiệp lực (mây đen cuồn cuộn).

Cho dù chúng ta chưa thể hiểu hết dụng ý của tác giả tại đây, nhưng có thể thấy đường xoắn ốc quấn quanh hai con người lầm lỗi ấy đã tạo nên cảm giác miên man và tiếp nối không ngừng. Bạn có thể ví von nó với vòng xoáy cuộc đời, cuốn con người nổi trôi trong danh – tình – lợi; hoặc liên tưởng nó với dòng luân hồi đằng đẵng, nơi mỗi kiếp sống là mỗi lần chờ đợi, chờ đợi cơ hội để quay về…

Có thể nói, “Adam và Eva bị trục xuất khỏi Thiên Đường” là tác phẩm có sức truyền cảm mạnh mẽ, mang đến hy vọng nhiều hơn là tuyệt vọng, và gợi lên tín tâm của chúng ta vào sự bảo hộ của Thiên Chúa, của chư Thần.

Tâm Minh

Xem thêm:

Exit mobile version