Đại Kỷ Nguyên

Cảm âm nhạc khúc ‘Tì bà ngâm’, khi tình-hận-danh-bại chỉ còn là hư không

Khúc nhạc ngân nga của tiếng tì bà thánh thót từng cung rung lên trên từng dây đàn thâm trầm, sâu lắng. Bản nhạc như lời hội thoại vào hư không về tình-hận-danh-bại những con tạo kia vẫn xoay vần để đời người thêm tủi khổ. Đó là tiếng ngâm của cây tì bà qua khúc ‘Tì Bà Ngâm’.

Nhạc khúc ‘Tì bà ngâm’ có rất nhiều người viết lời cho bản nhạc này, song sự thành công của bản nhạc chính là sự phối âm của các nhạc cụ truyền thống. Những âm thanh ngọt ngào trầm lắng, những cung bậc cất lên từ những đặc trưng của từng nhạc cụ khiến bản nhạc là sự hài hòa hoàn hảo. Bản nhạc mang theo những tâm tư, trăn trở nghĩ suy về dòng đời, về nhân tình thế thái.

‘Tì Bà Ngâm’ được biểu diễn bởi nghệ sĩ Triệu Thông, tác giả Liễu Hàm Yên. Nhiều người lắng nghe bản hòa âm này đã nói đây như là cuộc hội thoại của một quân tử và một giai nhân về cuộc đời. Cuộc hội thoại ấy khiến người đời như thả hồn vào từng nốt nhạc mà cảm nhận được cái hồn của bản nhạc.

(Ảnh: Pinterest.com)

Hỏi thế gian tình là gì?

Nếu nói Tì bà là lời của giai nhân thì tiếng tiêu là lời tự tình của bậc trí nhân quân tử.

Giai nhân dùng ngón đàn mà bày tỏ những cung bậc yêu thương, nỗi nhớ nhung hay đôi khi là sự da diết khôn nguôi về một cuộc tình. Những khoảnh khắc đắm say trong men tình ái khiến người ta như lâng lâng ngất ngây trong men say dịu ngọt.

Rồi tiếng tiêu vang lên là lời của bậc quân tử trả lời cho câu hỏi của giai nhân. Nếu hỏi thế gian tình là gì, thì bất quả chỉ là ảo mộng của cơn say mà thật thì ít giả thì nhiều.

Rồi giai nhân như chợt hiểu được lời nói của quân tử, song hành cất lên âm vực buồn buồn. Cuộc tình nào rồi cũng phải chia li, sợi dây tình chẳng bao giờ là vĩnh cửu. Phải chăng đó là lúc mà cảm xúc của quân tử và giai nhân đang tìm về sự đồng điệu. Chính là khúc hòa âm vang dội của Tì bà và tiếng tiêu.

Thế gian cái tình làm con người mãi trong đau khổ. Hạnh phúc đó, đắm say đó bốc chốc cũng chỉ là tàn tro để cho con người mãi trong nuối tiếc rồi nhớ nhung. Vị ngọt đôi môi chưa kịp nếm thì đã nhận được vị đắng của tình.

Cái tình là sợi dây trói chặt đời con người. Cái tình ấy từng ngày, từng ngày làm tâm hồn con người như khô héo úa tàn. Để rồi là lời giai nhân kia lại hỏi: thế gian ơi ân oán tình là gì?

Thế gian cái tình làm con người mãi trong đau khổ. Hạnh phúc đó, đắm say đó bốc chốc cũng chỉ là tàn tro để cho con người mãi trong nuối tiếc rồi nhớ nhung. (Ảnh: Pinterest.com)

Quân tử lại buông tiếng sáo, ân oán kia bất quá cũng chỉ bởi tranh đấu đúng sai

Chốn nhân gian con người chìm lặn trong ân và oán. Ân ân oán oán che mờ đi đôi mắt. Có những oán hận cả đời chẳng kết thúc. Người ta ngày đêm bày mưu tính kế mà rửa oán trả thù. Tâm thân mệt mỏi rã rời nhưng vẫn sôi sục cơn oán hận. Người oán đời, người oán người, người oán chính mình và rồi tự mình giết hại chính mình.

Gốc rễ của nỗi khổ đó, nỗi khổ của ân ân oán oán ấy phải chăng chính là vì ta còn coi trọng và tranh đấu đâu đúng đâu sai. Bất quá cũng chỉ vì cái chấp đó mà loạn tâm nhọc thân, cơ cực cho chính cuộc đời mình.

Hội thoại giai nhân- quân tử được thể hiện qua tiếng sáo cùng âm thanh da diết thánh thót từ tiếng tì bà làm người ta như cảm nhận được sự sâu sắc của một kiếp người.

Con người vì chấp trước đúng sai ở đời mà mang trong mình tâm tranh tâm đấu, đấu với người. Thắng người thì hả hê, thua người thì oán hận trách móc. Lời của người quân tử văng vẳng triết lí thâm sâu: ân oán thế gian bất quá cũng chỉ bởi do tranh đấu đúng sai.

Để rồi giai nhân kia lại ôm đàn mà thủ thỉ: Thế gian kia danh lợi là gì?

Lời quân tử lại ôn tồn đáp lại: Danh lợi kia bất quá cũng chỉ là mong cầu tận hưởng vinh hoa

Tiếng đệm guitar ấm áp hiền họa, nhưng thêm vào chút hương vị của bản hòa âm. Mang theo lời giãi bày về vinh nhục phúc họa ở đời con người.

Nếu như con người ở thế gian vì danh vì lợi mà khốn đốn cả đời. Họ mong cầu được tận hưởng nhung gấm, truy cầu hưởng phúc. Ấy vậy mà họ lại quên rằng, vinh thì đi cùng nhục, phúc lại có mang theo cả họa. Cái lí ở thế gian như mang theo sự phản đảo với chân lý. Con người thế gian coi sống sung túc, hưởng vinh hoa, thỏa mãn danh lợi đó là một cuộc sống hoàn hảo. Rồi vì thế mà chẳng việc gì họ không làm, điều xấu nào họ cũng có thể làm.

Họ tưởng rằng đó mới là tốt, nhưng chân lí của cuộc đời đâu phải như vậy. Con người chịu khổ là hoàn trả nợ nghiệp của mình, càng khổ nhiều thì nghiệp kia hoàn trả càng mau chóng. Bởi gốc rễ của nỗi khổ và bất hạnh của con người chính là nợ nghiệp tạo thành. Nhưng cơn mê nhân thế cứ mãi kéo dài, khiến con người ta cứ vội vã mà bị nó cuốn theo. Trong vòng xoáy danh lợi mà miệt mài rồi vội vã chẳng kịp nghĩ suy, chẳng chịu chậm một chút mà ngẫm thêm một chút. Đâu mới là cái được mất thực sự ở đời.

(Ảnh: Pinterest.com)

Người ta mang theo đủ tâm thái ở đời, mơ ước, ngóng trông, phấn đấu, nỗ lực rồi thành bại cũng nếm trải. Nhưng cuộc đời người như chiếc đèn dầu cô độc, rồi một mai nó cũng tự tàn tạ. Ngọn gió đời có thể thổi tắt bất kể lúc nào, vậy vội mà chi, tham mà chi để rồi tạo thêm biết bao nghiệp lực. Ta còn lại gì cho mai sau? Ta chân thực được mất gì ở thế gian, khi sáng tỏ có lẽ đã muộn màng.

Bản nhạc hòa âm Tì bà ngâm là một sự kết hợp hoàn hảo tôn tạo lên giá trị nghệ thuật của nhạc khúc này. Bản nhạc mang theo những trăn trở nghĩ suy, những tâm tư thầm kín được khéo léo bày tỏ trên từng nốt nhạc. Người nghe có thể trải lòng mình để cảm nhận nó. Tuy nhạc khúc được cảm thụ ở nhiều cung bậc khác nhau, song không thể phủ nhận được sự cuốn hút về giai điệu và thông điệp âm thanh mà nó mang theo.

Tịnh Tâm

Exit mobile version