Đại Kỷ Nguyên

Cảm âm ca khúc về mùa thu làm rung động trái tim nhiều thế hệ người Việt: ‘Giọt Mưa Thu’ của Đặng Thế Phong

Những ai yêu thích những ca khúc viết về mùa thu, hẳn đều biết bài hát “Giọt Mưa Thu” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, sáng tác năm 1942. Bài hát đã làm rung động trái tim nhiều thế hệ, nhưng đâu phải ai cũng biết rằng chủ nhân của nó đã viết nên bài hát đó trong đáy sâu của tâm trạng cô đơn, buồn đau và tuyệt vọng.

Mùa thu nơi đất Bắc có nhiều nét đẹp làm xao xuyến hồn người. Cảnh vật thiên nhiên biến đổi cùng với các yếu tố thời tiết tạo nên mùa thu với những đặc trưng không thể trộn lẫn. Trong các yếu tố đó, mưa thu là khiến lòng người buồn nhất. Nào đâu có thấy ai vui với mưa thu bao giờ!

Có những nhạc sĩ còn lấy mưa mùa thu làm cảm hứng sáng tác; nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với bài “Ướt Mi” là một ví dụ (Ngoài hiên mưa rơi rơi, buồn dâng lên đôi môi…). Nhạc sĩ Đặng Thế Phong trong khi lâm bệnh lao nặng, nằm trên giường bệnh nghe tiếng mưa thu rơi đều đều qua mái tranh mà bừng lên cảm hứng sáng tác, ông đã vùng dậy viết trọn bài “Giọt Mưa Thu”

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi, trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi (ảnh: vantho.net).

Cảm giác buồn thương của ông còn nhân lên gấp bội khi phải xa cách người yêu nơi quê nhà:

Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu ai khóc ai than hờ

Người nhạc sĩ nghèo khó cô đơn cảm thấy cuộc đời thật là bế tắc, đến mức muốn trách ông Trời, trách mùa thu tới mang theo nỗi buồn dồn cộng lên đôi vai ông

Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về

Trong khổ đau cùng cực, ông thấy mình sao quá nhỏ nhoi, yếu đuối, còn chẳng bằng lũ chim non trên cành. Ông còn muốn nhờ cậy chúng nói hộ nỗi lòng với trời cao:

Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi mưa buồn chi cho cõi lòng lâm ly

Nhưng mưa gió của mùa thu chỉ là một yếu tố làm cho ông buồn thêm, chứ không phải là căn nguyên thực sự của nỗi lòng ông.

Căn nguyên thực sự đó đến từ bao nỗi lo toan trong tâm ông: bôn ba quá nhiều mà chưa dừng lại ở đâu; bệnh nặng đã đến hồi vô phương cứu chữa; tình yêu còn chưa đơm hoa kết trái; tuổi đời còn quá trẻ chưa thành tựu được gì; nhất là nỗi nghèo khó đã đeo bám ông từ lúc được làm người.

Những nỗi lo như thế, cộng thêm cái lạnh của gió thu, cái trì trì của mưa thu, đã dìm ông xuống đến đáy sâu của sự tuyệt vọng; cho dù đến lúc thời tiết có biến chuyển đẹp hơn, thì cuộc đời ông biết chắc rằng đang đi xuống:

Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh
Mây ngỏ trời xanh
Chắc gì vui mưa còn rơi bao kiếp sầu ta nguôi

Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh, mây ngỏ trời xanh (ảnh: Pinterest).

Vì vậy ông chỉ còn biết khóc cùng với mưa thu:

Ai nức nở thương đời châu buông mau dương thế bao la sầu

Ông đã cảm thấy rõ biển sầu nơi thế gian này, nhận thấy được quy luật của đất trời này là vĩnh viễn bất biến, cuộc đời ông cũng không khác gì một cơn gió đi qua trần thế mà thôi.

Gió xa xôi vẫn về
Mưa trăng ngủ lê thê
Đến bao năm nữa trời
Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu

Chỉ một thời gian rất ngắn sau khi viết ca khúc Giọt Mưa Thu này, ông đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 24, để lại cho đời vỏn vẹn 3 tác phẩm bất hủ đều viết về mùa thu; ngoài bài hát chúng ta đang xem còn có “Đêm Thu”“Con Thuyền Không Bến”. Ba bài hát này đều đã trở nên nổi tiếng ở Hà Nội ngay khi ông còn sống.

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong (Nguồn ảnh: lediemchihue.com)

Ông thậm chí còn tự mình biểu diễn bài “Con Thuyền Không Bến” trên sân khấu; trong khán giả hôm đó có một người đặc biệt, chính là người yêu của ông, lặn lội từ Nam Định lên Hà Nội xem ông hát.

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc, trong bài “Giot Mưa Thu” Đặng Thế Phong đã dung hợp nhuần nhuyễn giai âm thất cung của Tây phương với giai âm ngũ cung của Việt Nam để thể hiện cái hắt hiu và lâm ly của mùa thu ngoài đời và trong đời mình.

Thời đầu khi mới ra mắt công chúng, “Giọt Mưa Thu” được trình bày bởi ca sĩ Tâm Vấn. Bà đã từng chia sẻ: “Thời đó ba bài của ông Đặng Thế Phong thì lẫy lừng ở Hà Nội, gần như là ai cũng biết, từ người mù chữ cho đến người nghe nhạc đều mê”.

Sau này ca sĩ Lệ Thu, trong một hòa âm xuất sắc, có thể nói là người tiếp nối thành công nhất cái hồn và khung cảnh lâng lâng của bài hát này.

Ca sĩ Hoàng Oanh, tạo nên điểm mới lạ cho ca khúc nhờ kết hợp với kể lại tích cổ và ngâm thơ vọng cổ. “Giọt Mưa Thu” qua giọng ca đài các của chị còn như đưa ta về một miền xa xưa hơn nữa.

Thế hệ ca sĩ trẻ tại hải ngoại ngày nay, như Lan Anh, Nini, Uyển My còn đang tìm kiếm những phương thức thể hiện mới cho bài hát, tiếp bước người xưa.

Tiếng hát của Lam AnhNguyệt Anh:

Nỗi buồn khổ của riêng ai, người đó phải gánh chịu. Âu đó cũng là lẽ của đất trời, như hết hạ rồi lại sang thu vậy. Giờ ta ghe lại “Giọt Mưa Thu” của ngày xưa, trong những giọt mưa thu của hôm nay, để tri ân một nhạc sĩ tài năng đã góp phần khai sáng nền tân nhạc lãng mạn cho nước Việt chúng ta.

Hoài Ân

Clip ý nghĩa:

Exit mobile version