Đại Kỷ Nguyên

Bát ăn cơm đẳng cấp của các hoàng đế cổ đại

Trong thời cổ đại của Trung Hoa, màu sắc tượng trưng cho thân phận. Bắt đầu từ triều đại nhà Tuỳ, thân phận hoàng gia được hoàn toàn độc quyền sử dụng màu vàng, đây là màu tượng trưng cho sự quyền quý bậc nhất. Đặc biệt trong triều Thanh, mọi thứ trong cung điện đều có màu vàng, phú lệ đường hoàng, hoa lệ tôn quý. Bát sứ Phấn thái là một loại bát sứ mà hoàng thượng thường dùng khi ăn uống.

Cuộc sống cao quý của hoàng gia trong lich sử luôn là điều làm cho người hiện đại chúng ta phải tò mò, bằng chứng là những bộ phim truyền hình về hoàng cung khi xuất hiện đã nhận được sử quan tâm rất lớn từ khán giả.

Con người sống thì phải ăn uống, hoàng đế cũng không phải là ngoại lệ. Những người bình thường sẽ dùng bát sứ, đĩa sứ bình dân để ăn uống, nhưng đối với hoàng đế đó lại là chuyện hoàn toàn khác. Hoàng đế với thân phận tôn quý, chắc chắn những đồ dùng khi ăn uống của ngài cũng phải tương xứng với địa vị của ngài.

Chiểu theo những quy tắc trong hoàng cung, không một ai được ngồi ăn cùng bàn với hoàng đế. Hoàng đế, hoàng hậu, thái hậu, a ca, và các công chúa không những thức ăn khác nhau, mà các bữa ăn và giờ giấc ăn cũng hoàn toàn khác nhau. Khi hoàng đế dùng bữa chỉ có cung nữ và thái giám thân cận hoàng đế được phép đứng cạnh để hầu hạ và gắp đồ ăn cho ngài.

Loại bát sứ mà hoàng thượng sử dụng

Nói về bát sứ Phấn thái, có câu nói rằng: “nó bắt đầu từ thời Khang Hy, tinh chế trong thời Ung Chính, và hoàn chỉnh trong thời Càn Long”. Nó có màu xanh của hoa, lung linh tinh tế, màu sắc này cũng là đặc trưng cho đồ gốm Cảnh Đức trấn (một nơi chuyên làm đồ gốm sứ cho hoàng cung). Nó là một trong tứ đại danh sứ, có một nét độc đáo tuyệt đẹp.

Ngoài ra, màu sắc của sứ Phấn thái và men cẩm thạch có chút bất đồng do khác nhau về nhiệt độ nung. Phấn thái thuộc về loại sử dụng nhiệt độ thấp, khoảng 750 độ C. Nhiệt độ này mang lại cho sản phẩm Phấn thái một cảm giác từng tầng từng tầng, nhạt đậm xen kẽ. Về màu sắc, Phấn thái có màu vàng, màu hồng tím, hay màu san hô đỏ đất được sáng chế trong thời kỳ Ung Chính, là loại màu rất khó nung đốt nhưng khi ra sản phẩm lại cực kỳ tinh xảo và sang trọng.

Ung Chính là vị hoàng đế đã cống hiến nhiều nhất để thúc đẩy chất lượng đồ gốm sứ vốn được tạo từ thời Khang Hy. Mặc dù thời kì trị vì của Ung Chính chỉ có 13 năm nhưng đồ sứ thời kỳ này được nâng cao về kỹ thuật và sáng tạo vượt trội, tạo ra một thời kì đồ sứ Phấn thái chú trọng tự nhiên, cao quý, hoa lệ mà không phàm tục, nhỏ nhắn mà vẫn mang lại mỹ cảm.

Hoa văn rất đơn giản mà phóng khoáng, miệng phách, bụng trống, chân vòng nhỏ, miệng bát tinh xảo có viền, bên trong là men trắng, bên ngoài là các hoa tiết quyền quý.

Màu hồng của hoa đào, màu vàng của ánh mặt trời, màu xanh tựa biển sâu, tất cả các màu đều được nung chín; những bậc thầy nghệ thuật chuyên nghiệp tự tay vẽ những mẫu hoa văn khác nhau lên bát, đều mang ngụ ý sự giàu sang an khang, cuộc sống tươi đẹp.

Đồ sứ Phấn thái là đồ sứ với kỹ nghệ cao của hoàng cung phương Đông, phản ánh một diện mạo đồ gốm sứ nghệ thuật cao thời cổ xưa, giúp hậu nhân thấu hiểu hơn về tài năng và cuộc sống của người xưa.

Theo sohu.com
Ảnh trong bài: sohu.com

Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version