Đại Kỷ Nguyên

Bản ‘Giao hưởng mùa xuân’ của Schumann: Lời hiệu triệu thức tỉnh vạn vật đang ngủ quên trong mùa đông lạnh giá

Trong dòng chảy lịch sử của âm nhạc, đã có không ít bản giao hưởng nổi tiếng viết về mùa Xuân góp phần tạo nên những bức tranh tươi tắn về thiên nhiên, đất trời và hoa cỏ. Trong số đó không thể không nhắc tới những giai điệu tuyệt đẹp trong bản “Giao hưởng mùa Xuân” của Robert Schumann.

Trong lá thư gửi nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng Louis Spohr, Schumann thổ lộ: “Cái say mê của mùa xuân, nó cuốn con người đi, bất kể tuổi tác, và cứ mỗi năm nó lại mang đến một sinh khí mới… . Câu này khiến người ta liên tưởng tới quãng thời gian đẹp nhất của đời ông chính là việc cưới nữ danh cầm piano Clara Wieck bởi ngay sau khi cưới Clara được một năm, Schumann đã cho ra đời bản giao hưởng đầu tiên của mình: bản “Giao hưởng mùa Xuân”.

Cái say mê của mùa xuân, nó cuốn con người đi, bất kể người đó bao nhiêu tuổi, và cứ mỗi năm nó lại mang đến một sinh khí mới… (Ảnh: huaban.com)

Được sáng tác vào năm 1841, ban đầu mỗi chương nhạc đều được Schumann đặt tiêu đề riêng, chương I là: “Sự khởi đầu của mùa xuân”, chương II: “Buổi chiều” , chương III: “Những người bạn vui vẻ” và cuối cùng là “Mùa xuân nở rộ”. Tuy nhiên, Schumann đã rút lại các tiêu đề trước khi xuất bản và đặt lại theo kiểu mẫu mực:

Chương I: Andante un poco maestoso – Allegro molto vivace
Chương II: Larghetto
Chương III: Scherzo: Molto vivace – Trio I: Molto piu vivace – Trio II
Chương IV: Allegro animato e grazioso

Tuy Schumann đã gạch bỏ những tiêu đề ban đầu trước khi xuất bản ra công chúng, nhưng người đời sau vẫn cứ nhớ đến những chương nhạc của ông bằng những cái tên tuyệt đẹp đó.

Chương đầu tiên được Schumann được viết ở cung Si giáng trưởng với tiêu đề “Sự khởi đầu của mùa xuân”. Có thể nói đây là chương hay nhất và khiến người nghe liên tưởng đến mùa xuân nhiều nhất. Việc mở đầu bằng tiếng kèn trumpet uy vang khiến “Sự khởi đầu của mùa xuân” trở thành “một lời hiệu triệu” thức tỉnh vạn vật đang ngủ quên trong mùa đông lạnh giá. Sự “hiệu triệu” này cũng tương ứng với câu thơ của Adolph Böttger, một trong những nguồn cảm hứng của Schumann khi sáng tác:

O wende, wende deinen Lauf—
Im Thale blüht der Frühling auf!

(Ồ quay lại! Quay lại! Kẻo bỏ lỡ
Mùa xuân trong thung lũng đã nở rộ rồi!)

Khi Schumann hướng dẫn nhạc trưởng Wilhelm Tauber cách thể hiện “Giao hưởng mùa xuân” một cách hoàn mỹ nhất , Schumann trao đổi: “Ngài có thể thổi một chút sinh khí của mùa xuân vào dàn nhạc của ngài khi họ chơi bản này của tôi được không? Đó là điều mà tôi mong mỏi nhất khi sáng tác [bản giao hưởng] vào tháng 1 năm 1841. Tôi muốn tiếng kèn trumpet phải được vang lên đầu tiên để gợi lên âm hưởng như tiếng gọi từ trên cao, như lời hiệu triệu của sự thức tỉnh. Trong phần mở đầu, tôi muốn âm nhạc gợi lên khung cảnh thế giới đang chuyển dần sang màu xanh, có lẽ là với một chú bướm bay lượn trên không, rồi sau đó, ở phần Allegro, mọi thứ đều phải thể hiện được rằng mùa xuân đang hồi sinh…”

Để Wilhelm Tauber trình diễn bản giao hưởng của mình một cách hoàn mỹ nhất Schumann gợi ý bằng một chú bướm bay lượn trên không… (Ảnh: 500px)

Chương thứ hai được viết ở cung Mi giáng trưởng với tiêu đề “Buổi chiều”, một khúc nhạc êm dịu và mơ màng đúng theo phong cách của Schumann và ẩn chứa tinh thần mộ đạo.

Chương thứ ba được viết ở Đô thứ với tiết tấu nhanh, vui tươi của khúc scherzo cùng với tiêu đề “Những người bạn vui vẻ” khiến người nghe được đắm mình trong sự hân hoan. Tương tự như các scherzo khác của Schumann, khúc này cũng gồm hai phần trio tương phản nhau: phần thứ nhất mang không khí huyền bí, còn phần thứ hai lại sôi nổi theo đúng tinh thần của điệu nhảy dân gian Đức Ländler.

Chương cuối được viết ở cung Si giáng trưởng mang tên “Mùa xuân nở rộ” là âm thanh của các nhạc cụ dây. Tuy là đoạn kết nhưng tiết tấu vẫn nhanh, cao trào gợi mở sự huy hoàng của mùa xuân khi hồi sinh. Có một nhận xét khá thú vị rằng “Nếu có thể biến tổng thể của bản giao hưởng này thành Phán xét cuối cùng, thì đoạn kết của bản giao hưởng chính là khung cảnh một Thiên đường đang mở ra”

Dưới đây mới quý độc giả thưởng thức toàn bộ tác phẩm “Giao hưởng mùa xuân” của Schumann do dàn nhạc The Buchmann-Mehta thực hiện: 

Vài nét về tác giả

Robert Alexander Schumann (8 tháng 6 năm 1810 – 29 tháng 7 năm 1856)

Robert Schumann sinh tại thành phố Zwickau trong một gia đình làm nghề xuất bản sách. Cha ông là một người trí thức và rất khuyến khích sự phát triển năng khiếu âm nhạc từ rất sớm của con trai. 

Schumann bắt đầu sáng tác âm nhạc từ năm lên 7 tuổi, nhưng ông cũng sớm thể hiện một tài năng đặc biệt qua các buổi biểu diễn đàn piano. Friedrich Wieck đã từng nói với Schumann rằng ông có thể trở thành nghệ sĩ piano bậc nhất châu Âu. Sau đó vì muốn có những ngón tay dài hơn để thuận tiện cho việc diễn tấu trên đàn piano, Schumann đã chế tạo ra một loại máy nhằm kéo dài các ngón tay. Nhưng thật trớ trêu, Schumann đã bị hỏng tay và phải vĩnh viễn từ bỏ con đường của nghệ thuật biểu diễn piano.

Chính biến cố này khiến ông quyết định dồn sức lực cho việc soạn nhạc. Các tác phẩm đầu tiên của ông là các bản piano và lieder; sau đó ông soạn nhạc cho piano và dàn nhạc, thêm vào đó các tác phẩm lieder (những bài hát cho giọng ca và piano), bốn bản giao hưởng, một bản opera và các bản concerto, Thánh ca và nhạc thính phòng.

Tháng 9 năm 1837, Schumann đã hỏi cưới Clara nhưng Frierich thẳng thừng từ chối vì Schumann lúc đó rất nghèo đồng thời không ngần ngại lăng mạ ông, nhưng sự kiện này chỉ làm tăng thêm tình yêu của Clara và thời gian này cũng là lúc Schumann sáng tác những khúc nhạc tình hay nhất, trong đó có khúc Clara Fantasy ( Fantasy op. 17 ) và khúc này đã trở thành một tình khúc rất nổi tiếng của mọi thế kỷ.

Vào ngày 29 tháng 7 năm 1856 tại thành phố nhỏ Endenich gần thành phố Bonn (Đức), Schumann đã qua đời trong tình trạng hoàn toàn suy nhược bởi áp lực cuộc sống nặng nề.

Hoàng Lâm

Exit mobile version