Đại Kỷ Nguyên

Bài từ ca ‘Mãn Giang Hồng’ nổi tiếng của Nhạc Phi làm nức lòng quân sĩ, cảm ứng đất trời

Nhạc Phi là nhà quân sự nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, danh tướng chống quân Kim thời Nam Tống. Trước sau tổng cộng quân của ông đã có 126 trận chiến với quân Kim và toàn thắng. Nhưng ông cũng là người yêu thơ ca, thường cùng các quan văn trong triều đình ngâm thơ đối nghịch rất tinh tế. 

Là một danh tướng bách chiến, bách thắng, Nhạc Phi phụng mệnh chinh phạt quân xâm lược Dương Ma, chỉ trong vỏn vẹn 8 ngày ông đã bình định được hơn hai trăm nghìn quân đội của Dương Ma. Sau khi bình định xong, Nhạc Phi bắt đầu chuẩn bị cho chuyến chinh phạt miền Bắc lần thứ 2. Ngay trước đêm xuất binh, gia đình Nhạc Phi truyền tin tức đến rằng: mẹ vợ của ông đang trong tình trạng nguy kịch!

Nhạc Phi và chữ “Hiếu”

Nhạc Phi nghe tin xong vội vã đưa Nhạc Vân đi suốt đêm để trở về nhà, khi gặp phu nhân Lý Thị, ông lo lắng mà hỏi: “Mẹ thế nào rồi nàng?”

Lý Thị trả lời: “Chỉ sợ không qua nổi tối nay.” Nhạc Phi thở dài nói: “Vì sao không sớm nói cho ta biết?!”

Lý thị chảy nước mắt mà rằng: “Mẹ một mực không cho thiếp nói với chàng. Bà ấy nói rằng mấy năm qua chàng đã quá vất vả với việc bình định quân nổi loạn, cuối cùng mới có thể thu phục được sơn hà, sao có thể vì cá nhân bị bệnh mà quấy nhiễu? Mấy ngày trước thân thể của mẹ còn khá khỏe mạnh, sắc mặt cũng rất tốt, vẫn còn may vá được, nào ngờ mẹ đã dùng phấn để che đi sắc mặt, rõ ràng đau đớn vậy mà còn miễn cưỡng lao vào làm việc, đến khi không chịu nổi nữa mới gục xuống.”

Nhạc Phi (Ảnh: blog.udn)

Nhạc Phi nghe xong, không ngừng rơi nước mắt, vội vã đi đến trước phòng của mẹ, lúc này Nhạc mẫu Diêu thị đang ngủ, Nhạc Phi thấy vậy chỉ dám khẽ thì thầm gọi nhẹ.

Nhạc mẫu Diêu thị sau khi tỉnh lại, cầm tay Nhạc Phi mà nói: “Con! Con trở về rồi, Bắc phạt chuẩn bị như thế nào rồi?”

Nhạc Phi trả lời: “Hài nhi bất hiếu, không thể quay lại sớm để hầu hạ mẹ.”

Diêu thị nói: “Từ cổ trung hiếu không thể lưỡng toàn, ta sống đến 70 năm đã đủ, con hãy để ý hoàn thành Bắc phạt. Đây không chỉ là tâm nguyện của mình ta, mà còn là tâm nguyện của mười vạn bách tính đại Tống!”

Nhạc Phi nói: “Tướng quân binh mã đã chuẩn bị ổn thỏa, chỉ đợi lệnh liền có thể cố thủ thu phục phía Bắc”.

Diêu thị trả lời: “Tốt! Đây mới là con trai ngoan của ta, ta chỉ sợ không qua nổi tối nay. Con còn nhớ năm đó ta khắc ở trên lưng con bốn chữ ‘Tinh Trung Báo Quốc’ không?”

Nhạc Phi: “Hài nhi nhớ”.

(Ảnh: lizhidaren)

Diêu thị: “Làm mẹ chỉ nguyện ngươi làm một trung thần, để cho người quê hương nói người này dạy con khá lắm, dạy con thành danh, tận trung đền nợ nước, lưu danh bách thế. Con làm xong việc đại sự hãy quay về đưa ta an táng ở quê hương, ta sẽ dưới Cửu Tuyền mà an lòng!”

Nhạc Phi đáp: “Mẹ yên tâm! Hài nhi trọn đời bảo vệ quê hương!”

Diêu thị lúc này chậm rãi đứng dậy, xoa nhẹ lên mặt Nhạc Phi, giống như năm đó người tiễn Nhạc Phi ra khỏi nhà vậy, tay chậm rãi chỉ lên bầu trời, nhìn cao theo phương Bắc nói: “Năm đó ta trong mộng thấy con là một Phật Tổ ngồi trên lưng đại bàng giáng thế hạ phàm, ta đã biết sứ mạng của con là bất phàm. Hôm nay con đã thành tài, con phải theo sao Thiên Lang hướng Bắc mà đi, giống như tiền triều trấn thủ biên ải Dương Lục Lang Trung Nguyên vậy. Sứ mạng của ta vậy là đã xong”.

(Ảnh: artnet)

Nhạc mẫu nhớ lại cảnh tượng khắc chữ trên lưng Nhạc Phi trong quá khứ; Nhạc Phi muốn nhập ngũ để phục vụ đất nước, tiếc là mẹ già tuổi đã cao, ông hiểu được đạo lý “Phụ mẫu tại bất viễn hành”, nên trong tâm hết sức do dự. Người mẹ muốn nói với con trai về đạo lý từ xưa trung hiếu khó mà lưỡng toàn, nhưng không tiện nói ra, chỉ đành lấy kim may khắc trên lưng con trai bốn chữ “Tinh Trung Báo Quốc”.

Nhạc Phi sau đó dặn vợ trông nom mẹ già, một thân một mình tiến thân tới Đại Nguyên Soái thống lĩnh binh mã. Ngày sau, Tống Cao Tông nghe lời sàm tấu mà xử án oan cho Nhạc Phi, càng làm chữ “Trung” của ông lưu danh cùng sử sách.

Sau khi Nhạc mẫu mất, Nhạc Phi rất đau buồn, mấy ngày không ăn không uống, khóc thương thảm thiết mà bệnh mắt tái phát đến mức khó mà lãnh binh.

Nhạc Phi cùng Lư Sơn có duyên phận cực kỳ đặc biệt, ông nhiều lần du ngoạn Lư Sơn và làm thơ tặng trụ trì Tuệ Hài hòa thượng ở Đông Lâm tự, Lư Sơn:

Bồn Phổ Lư Sơn kỷ độ thu,
Trường Giang vạn chiết hướng đông lưu.
Nam nhi lập chí phù vương thất,
Thánh chủ chuyên chinh diệt thổ tù.
Công nghiệp yếu khan Yên thạch thượng,
Quy hưu chung tác Xích Tùng du.
Ân cần ký ngữ Đông Lâm lão,
Liên Xã tòng kim trước lực tu.

Dịch nghĩa:

Ở Bồn Phố và Lư Sơn đã trải qua mấy lần thu
Sông Trường Giang uốn khúc chảy về đông.
Làm trai nam nhi, quyết chí phò vua hưng thịnh hoàng thất
Bậc Thánh vương thân chinh đánh dẹp bọn tù trưởng địa phương.
Công danh, đại nghiệp sẽ được khắc ghi trên bia đá đất Yên
Trở về quy ẩn học theo Xích Tùng Tử tu Tiên ngao du
Ân cần gửi lời với các bạn già phong trào  phục hưng Đông Lâm
Từ nay theo hội tu Phật Liên Xã, chuyên tâm dốc sức tu luyện

Phong cảnh núi Lư Sơn (Ảnh: commons.wikimedia)

Trong câu “Quy hưu chung tác xích tùng du” tựa hồ như nói rằng sau khi thu phục sơn hà xong, ông sẽ học theo tiên nhân cổ Xích Tùng Tử bước vào con đường tu luyện, vân du tứ xứ.

Sau tang mẹ, Nhạc Phi đem linh cữu bà đến Lư Sơn an táng, Nhạc Phi vốn định túc trực bên linh cữu 3 năm để làm tròn chữ hiếu, nhưng vì Cao Tông không cho phép, ông đành mang chữ hiếu “lui quân về”.

Chữ “Trung” một lòng

Thiệu Hưng năm thứ sáu, Nhạc Phi lần thứ hai chinh phạt phía Bắc, cùng các tướng Trâu Cao, Dương Tái Hưng mỗi người một ngựa, thế như phá trúc, tấn công Thái Châu. Lý Thành của Thái Châu vừa thấy Nhạc quân gia đánh quân tới liền trốn không ra, Nhạc Phi tính kế giả vờ rút lui. Lý Thành trúng kế xuất binh tấn công, vì thế mà bị quân của Nhạc Phi phục kích, tiêu diệt toàn bộ. Sau đó Nhạc Phi muốn thuận đà đưa binh vào thành Lạc Dương nhưng hậu viện ngăn cản, triều đình lại không ủng hộ, nên lần thứ hai chinh phạt chỉ có thể đóng giữ quân đội tại Giang Châu.

(Ảnh: kejixun)

Nhạc Phi cùng các tướng sĩ thao luyện nơi binh trường thi thoảng cũng cùng nhau tụ tập ngâm thơ đối nghịch, cùng các quan văn trong triều đình giải trí rất tinh tế. Một ngày thu mưa rả rích, các tướng sĩ trên sân nhà ngồi trên chiếu ngâm từ, viết chữ cùng nhau. Chỉ mình Nhạc Phi yên lặng không nói, đôi tay múa bút vẽ thư pháp, nhấn bút rất nhanh, viết xong nhìn về phía xa thấy những gợn sóng vĩ đại trên sông Trường Giang hồi lâu không nói một lời.

Các tướng sĩ đến cạnh bàn xem những câu từ Nhạc Phi vừa viết, chính là bài từ ca “Mãn Giang Hồng”:

Nộ phát xung quan,
Bằng lan xứ,
Tiêu tiêu vũ yết. Đài vọng nhãn,
Ngưỡng thiên trường khiếu,
Tráng hoài khích liệt.
Tam thập công danh trần dữ thổ,
Bát thiên lý lộ vân hoà nguyệt.
Mạc đẳng nhàn, bạch liễu thiếu niên đầu,
Không bi thiết.
Tĩnh Khang sỉ,
Do vị tuyết.
Thần tử hận,
Hà thời diệt!
Giá trường xa,
Đạp phá Hạ Lan sơn khuyết.
Tráng chí cơ xan Hồ lỗ nhục,
Tiếu đàm khát ẩm Hung Nô huyết.
Đãi tòng đầu, thu thập cựu sơn hà,
Triều thiên khuyết.

Dịch nghĩa:

Lửa dựng ngút đầu,
Đứng tựa lan can,
Trận mưa vừa dứt.
Ngóng trời xa,
Uất hận vang trời.
Hùng tâm hừng liệt,
Ba mươi tuổi công danh cát bụi,
Tám ngàn dặm dầm sương tắm nguyệt.
Chẳng an nhàn thiếu niên đầu sớm bạc,
Bi thiết không nguôi.
Mối nhục Tĩnh Khang,
Chưa xả hết.
Hận thù này,
Bao giờ mới diệt.
Chiến mã nhung xa,
Dẫm Hạ Lan chừ đạp.
Đói vùng lên ăn thịt giặc Hồ,
Khát cười chém Hung Nô uống huyết.
Rồi đây dành lại cả giang sơn,
Về chầu cửa khuyết.

Các tướng sĩ hừng hực khí thế bắt đầu luyện hát theo, khí thế khảng khái sục sôi, hát đến một nửa mọi người liền lắng xuống hiểu ra, có gì đó ôn hòa khác thường, các tướng sĩ đồng thanh nói, phải đem khúc này coi như là một khúc quân ca của Nhạc Phi, mỗi khi hành quân hay tập đội đều phải truyền nhau hát.

(Ảnh: blog.sina)

Nhạc Phi bình thản nói: “Ta đúng là đang có ý đó. Ta ngày xưa tại xuân thu chiến quốc Đô Thành Lâm An, nước Ngô có công tử Quý Trát là người hiểu biết về âm luật, hắn đi sang nước Lỗ xem quốc thánh nhạc liền biết sự hưng thịnh suy vong của nước nhà. Ta là muốn Đại Tống thu phục được sơn hà, cần phải khôi phục âm nhạc thịnh thế trước đây, vì thế mà ta làm bài Mãn Giang Hồng này, cũng là nguyện vọng một đời của ta”.

Các tướng sĩ đều cảm động, cùng chủ soái Nhạc Phi nhìn về phía dòng nước Trường Giang cuồn cuộn chảy, hát lên câu cuối bài “Mãn Giang Hồng”: Đãi tòng đầu, thu thập cựu sơn hà,Triều thiên khuyết. Họ đều cảm thấy một nội tâm bình hòa vô cùng, không có bi hùng ưu tư trước lầu Hoàng Hạc, lại có sức mạnh tinh thần chiến đấu như những gợn sóng vĩ đại.

Không lâu sau, trời ngừng mưa, nắng chiều dâng lên, chỉ thấy mờ mịt nơi chân trời xuất hiện ảo ảnh như tiên cảnh, một cung điện nguy nga lộng lẫy, kim quang vạn ánh tuyệt luân, ngôn ngữ khó mà hình dung nổi! Các tướng sĩ lại cất lên câu cuối: triều thiên khuyết. Trong lòng có vô hạn thứ hướng về, có thể là đang hoàn thành chinh phạt miền Bắc, cũng có thể là theo chủ soái quy ẩn nơi núi rừng đồng quê, hay cũng có thể là cùng hướng về cung điện trên thiên thượng, nơi mới thật sự là nhà…

Bài từ ca ‘Mãn Giang Hồng’ nổi tiếng của Nhạc Phi:

Theo Epoch Times
Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version