Lison de Caunes là người phụ nữ đã mang đến cho cuộc sống một ý tưởng như trong cổ tích “xe rơm thành vàng”. Bà đã tạo ra phong cách trang trí sang trọng từ chất liệu từng được gọi là “vàng của người nghèo” và gây tiếng vang ở một trong những trung tâm văn hóa, nghệ thuật của thế giới: Pháp.
Lison de Caunes lấy phương tiện biểu hiện là những sợi rơm khiêm tốn và biến nó thành những tác phẩm nghệ thuật vô cùng giá trị, có khả năng tỏa sáng rực rỡ. Bà tự cho phép mình sử dụng “phép thuật” này – như bà nói: thật tuyệt vời khi “dùng đôi bàn tay biến đổi một loại nguyên liệu thực sự nghèo và thô như vậy thành những tác phẩm nghệ thuật”. Những bụi lúa mạch đen được thu hoạch ở vùng Burgundy nước Pháp đã đi đến công xưởng của bà ở Paris. Những sợi rơm của chúng mạnh mẽ và chân chất, nên de Caunes có thể tùy ý nhuộm, uốn cong và cắt chúng để phục vụ cho sáng tác nghệ thuật từ rơm vốn có nguồn gốc cổ xưa.
Khảm tranh rơm được cho là có nguồn gốc từ phương Đông. Nhưng nó đã trở nên phổ biến ở châu Âu từ thế kỷ 17, và gần như đã bị mai một cho đến khi de Caunes hồi sinh nó. “Khi tôi bắt đầu công việc này, tôi chỉ có một mình. Không có trường nào dạy kỹ thuật này. Tôi thực sự là người duy nhất”, bà nói. Con gái của bà, Pauline Goldszal, giúp dịch câu chuyện của mẹ sang tiếng Anh. “Bà ấy cảm thấy như mình đã đạt được mục tiêu trong việc duy trì nghệ thuật này và làm cho nó hồi sinh một lần nữa”, cô nói. “Ngày nay, có rất nhiều người muốn làm tranh khảm rơm. Bộ môn này một lần nữa đã trở lại thành thời trang, và thực sự đó là nhờ công lao của bà”.
De Caunes đã phủ toàn bộ các bức tường và phòng trong nhà bà bằng rơm vàng. Không giống như vân gỗ – lượn cong và biến đổi – các vân của thảm rơm là rất thẳng và quyến rũ khi được sắp xếp thành hàng và các hình dạng hoa văn. Giống như các tia nắng mặt trời, các dải rơm trông rất thẳng và có dạng hình học, nhưng lại rất sống động. Chúng cũng lung linh và tỏa sáng. “Mọi người đều cho rằng đó là nhờ véc-ni, nhưng không phải”, De Caunes nói. “Khi được chiếu sáng, nó thực sự thay đổi và rung động”. De Caunes đã làm các giá bày hàng từ chất liệu rơm cho thương hiệu nổi tiếng Van Cleef & Arpels ở New York, cũng như nhiều cửa hàng của Louis Vuitton.
Bà cũng làm đồ nội thất sang trọng và trang trí hoa văn Art Deco đầy màu sắc – một chiếc tủ có ngăn kéo mà bà bọc tranh khảm rơm gần đây được bán với giá khoảng 90.000 đô la (khoảng 2,1 tỉ đồng).
Đối với bà, thuật ngữ “sang trọng” chính xác được dành cho loại “phép thuật” mà qua bàn tay của nghệ nhân đã biến một vật liệu đơn giản thành báu vật. Sự độc đáo cũng góp phần trong đó. “Chúng tôi không sản xuất hàng loạt”, Goldszal nói. De Caunes thì chia sẻ rằng sản phẩm của bà là rất hiếm, và do đó rất quý giá. “Tôi không phải là nhà máy”, bà nói. Điều tạo nên sự “xa xỉ” cũng là giá trị mà nó thêm vào cho cuộc sống của mọi người. Tranh khảm rơm “mang lại sự ấm áp và cả sự thoải mái cho một căn phòng”, Goldszal nói. “Nó mang lại rất nhiều sức sống, nhưng không bao giờ áp chế không gian sống”.
“Loại sản phẩm này nhìn biến đổi rất nhiều dưới các ánh sáng khác nhau, vì vậy tùy thuộc vào thời gian trong ngày, màu sắc của chúng sẽ thay đổi”, Goldszal nói.
“Bạn sẽ không bị mệt mỏi trong một căn phòng được trang trí bởi tranh khảm rơm. Hơn nữa bạn sẽ không bao giờ có cảm giác buồn chán khi ở trong đó”.
Định vị sợi rơm để tương tác với ánh sáng là một trong những nét tinh tế trong nghề thủ công của de Caunes. Mặc dù bà có thể đoán trước được ánh sáng sẽ phản chiếu từ sợi rơm như thế nào, nhưng không bao giờ hoàn toàn chắc chắn về hiệu ứng đó cho đến khi sản phẩm đã được hoàn thành. “Đôi khi, kết quả không như bà ấy mong đợi, vì vậy bà đã phải tháo ra và làm lại”, Goldszal nói.
Phải mất khoảng bốn ngày để de Caunes có thể hoàn thành một mét vuông của tranh khảm. Nhưng cách tính này cũng không hoàn toàn thể hiện được bản chất của công việc, bởi vì có những mảnh tranh tuy nhỏ nhưng rất phức tạp cũng có thể khiến bà mất tới vài ngày. Hơn nữa bà đã làm công việc này hoàn toàn một mình trong 15 năm, trước khi đào tạo được một số nghệ nhân để hỗ trợ bà, đặc biệt là trong các hợp đồng lớn. Hiện nay bà đã có một đội ngũ gồm 15 nghệ nhân.
Năm 1998, bà đã được Bộ Văn hóa Pháp vinh danh là Maitre d’Art (Bậc thầy Nghệ thuật). De Caunes nhấn mạnh rằng danh hiệu này bao gồm cả nghĩa vụ truyền lại các kỹ năng của bà cho lớp người kế cận. Trang web của Bộ Văn hóa Pháp mô tả niềm vinh dự này là dành cho “những người thợ thủ công cao quý có niềm đam mê trau dồi bí quyết cùng nghề nghiệp đặc biệt của họ, và sự tham gia tích cực của họ vào công cuộc đổi mới hàng hóa thủ công. Hơn cả sự công nhận, danh hiệu này còn là biểu tượng của một sự cam kết và sẵn sàng truyền tải kỹ năng của họ cho những người khác”.
Bà đã học được nghề làm tranh khảm rơm từ người ông của bà từ khi bà còn nhỏ; sau đó bà tự khám phá những tinh tế của nghề này khi đã trưởng thành. Ông của bà là Andre Groult, một nhà thiết kế Art Deco nổi tiếng. Ông đã mất khi bà còn là một thiếu niên; đó là một sự mất mát lớn đối với bà, vì bà vốn rất thân thiết với người ông của mình. Bà cũng là người duy nhất trong số con cháu tiếp nối nghề này của ông.
Tranh khảm rơm từng rất phổ biến nhưng ngày nay đã bị mai một. Andre Groult đã sử dụng nó cho các vật trang trí mà ông thiết kế, qua đó giúp hồi sinh nghề này. Sau khi ông chết, môn nghệ thuật này lại bị suy yếu, cho đến khi de Caunes tiếp nối di sản của ông. Bà bắt đầu công việc của mình bằng cách khôi phục lại những sản phẩm ông đã làm, cũng như những sản phẩm đã được tạo ra từ nhiều thế kỷ trước đó.
Kỹ thuật không có gì thay đổi so với quá khứ: De Caunes trước hết làm khô và nhuộm màu sợi rơm, sau đó tách và mở từng nhánh rồi là cho phẳng. Bà dán mặt trái của sợi rơm lên bề mặt gỗ, kim loại hoặc thủy tinh; mặt phải sáng bóng của sợi rơm được để hướng ra ngoài.
Công xưởng của bà rất im ắng; làm tranh khảm rơm không cần đến các dụng cụ chạy bằng điện, cũng như không có tiếng đập hay tiếng kêu lách cách của các dụng cụ thủ công. “Bà ấy có thể tiến vào một trạng thái rất yên tĩnh và thư giãn khi làm việc”, Goldszal nói. “Đó gần như là một trạng thái thiền định”.
De Caunes cũng khẳng định: “Làm công việc này chính là Thiền”.
Theo J.H. White & Tara dos Santos (Taste of Life Magazine)
Bản quyền ảnh: F. Doury
Hạo Nhiên biên dịch
Clip ý nghĩa: