Đại Kỷ Nguyên

10 lưu ý để chụp ảnh núi non được đẹp và ấn tượng

Những tấm ảnh đẹp về núi có thể tạo cảm xúc mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc chụp núi non cũng không hề dễ dàng. Có một số lưu ý khi bạn muốn thành công trong lĩnh vực nhiếp ảnh này.

Còn chủ đề nào cho một bức ảnh phong cảnh mang tính biểu tượng tốt hơn hơn là một đỉnh núi hùng vĩ? Những ngọn núi chính là một khung cảnh lý tưởng để chụp ảnh thiên nhiên, tuy nhiên chúng cũng tạo ra một số thách thức cho người chụp. Trong phần dưới đây, chúng ta sẽ xem xét 10 mẹo có thể giúp bạn có được kết quả tốt nhất với nhiếp ảnh núi cho riêng mình.

1. Lên kế hoạch trước và dự đoán điều kiện ánh sáng

Lập kế hoạch trước luôn luôn có ý nghĩa quan trọng, bất kể là bạn đang chụp núi non hay một số loại cảnh quan khác. Có hai lý do để việc lập kế hoạch đặc biệt quan trọng đối với nhiếp ảnh núi:

Ảnh: Markus Spiske / CC0

1) Bạn có thể cần phải thực hiện nhiều chuyến đi bộ đường dài và tiêu tốn nhiều năng lượng và thời gian để đi từ nơi này đến nơi khác. Lập kế hoạch trước có thể giúp bạn có mặt đúng lúc, mà không phải loay hoay dành nhiều thời gian và sức lực để cố gắng tìm nơi chụp ảnh mà bạn muốn. Các công cụ như Google Earth có thể hữu ích cho việc lập kế hoạch và trinh sát địa điểm.

2) Ánh sáng có thể rất kém ở vùng núi. Các đỉnh núi có thể chặn ánh sáng mặt trời và các thung lũng có thể chìm trong bóng tối sâu, vì vậy việc lên kế hoạch trước có thể giúp dự đoán các điều kiện và ánh sáng. “Lịch thiên văn dành cho nhiếp ảnh gia” là một công cụ hữu ích để lập kế hoạch dựa trên ánh sáng. Tất nhiên, xem dự báo thời tiết cũng rất quan trọng.

2. Hiểu rằng ‘Giờ vàng’ có thể rất ngắn hoặc không tồn tại

Thông thường chụp ảnh phong cảnh tốt nhất là vào thời gian ngay xung quanh bình minh và hoàng hôn. Nhưng ở vùng núi bạn có thể thấy rằng, tùy thuộc vào vị trí của bạn, các đỉnh núi có thể chặn ánh sáng mặt trời và rút ngắn hoặc thậm chí loại bỏ giờ vàng. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng hãy lưu ý rằng việc chờ đợi giờ vàng có thể khiến bạn phải rời đi mà không chụp được bức ảnh mà mình mong muốn.

Ảnh: Ales Krivec / CC0

3. Bao gồm các chi tiết thú vị của tiền cảnh trong bố cục ảnh của bạn

Các chi tiết của tiền cảnh là một phần quan trọng của bố cục trong chụp ảnh phong cảnh và thiên nhiên, và điều này rõ ràng nhất khi chụp ảnh các đỉnh núi. Nếu bạn đã chọn một hoặc nhiều đỉnh núi làm tiêu điểm của bức ảnh và không muốn bố cục bị tiền cảnh chi phối, thì chỉ cần có thêm chi tiết thú vị để thu hút người xem. Trong một số trường hợp, bạn có thể sử dụng yếu tố tiền cảnh làm chức năng đường dẫn hướng mắt người xem tới đỉnh núi.

Ảnh: Michael Hirsch / CC0

4. Thay đổi phối cảnh của bạn

Các khu vực miền núi rõ ràng bao gồm rất nhiều sự đa dạng về địa hình, và thay đổi phối cảnh của bạn dù chỉ một chút thôi cũng có thể có tác động lớn đến kết quả cuối cùng. Thay vì giới hạn bản thân ở một điểm, hãy thử đi bộ đường dài hoặc leo trèo nhẹ để đến một độ cao khác sẽ cho bạn một góc nhìn khác của cùng một cảnh tượng. Trong nhiều trường hợp, những bức ảnh thú vị và độc đáo nhất sẽ đến từ những phối cảnh khác nhau. Điều này đặc biệt đúng khi bạn chụp ở một địa điểm nổi tiếng đã được chụp ảnh vô số lần trước đó.

5. Bao gồm con người để tao cảm giác tỷ lệ

Ảnh: Lee Roylland / CC0

Với hầu hết các bức ảnh phong cảnh, có lẽ bạn thường cố gắng loại bỏ mọi người khỏi bố cục của mình bằng mọi cách có thể. Tuy nhiên, đôi khi có thể bao gồm một người, hoặc một nhóm người, trong các bức ảnh của bạn để giúp thể hiện quy mô của phong cảnh. Bạn chắc chắn không cần phải làm điều này với mỗi lần chụp, nhưng hãy tìm những cơ hội phù hợp.

6. Bao gồm nước trong bố cục khi có thể

Núi và các vùng nước rất hòa hợp với nhau trong ảnh phong cảnh. Hồ, thác nước và suối đều có thể là những yếu tố hoàn hảo để đưa vào tác phẩm của bạn.

Ảnh: Alberto Restifo / CC0

7. “Chồng xếp” tấm ảnh của bạn

Bởi vì ánh sáng và bóng tối có thể khá phức tạp ở vùng núi, nên việc “chồng xếp” ảnh của bạn có thể là một cách cách làm tốt. Thuật ngữ này (“Bracket”) có nghĩa là bạn sẽ chụp nhiều ảnh cho cùng một cảnh (thường sử dụng giá ba chân), chụp một ảnh cho phần sáng nhất của cảnh, chẳng hạn như bầu trời, và một ảnh khác cho vùng tối nhất của cảnh, như bóng tối trong thung lũng. Các ảnh với mức độ phơi sáng khác nhau, sau đó có thể được trộn thủ công trong Photoshop hoặc được sử dụng để tạo hình ảnh HDR trong các phần mềm Lightroom, Photomatix hoặc một số phần mềm HDR khác. Đôi khi chỉ với hai mức phơi sáng khác nhau là đủ, và trong các trường hợp khác (khi có sự chênh lệch lớn hơn từ sáng đến tối), bạn có thể cần chụp 3, 5 hoặc 7 ảnh cho một cảnh.

Ảnh: Alejandro Gonzalez / CC0

8. Sử dụng khẩu độ nhỏ

Nói chung, dùng khẩu độ nhỏ (số f/stop lớn hơn) sẽ cho phép bạn giữ được nhiều phong cảnh hơn trong tiêu cự. Với những cảnh chụp trên núi, bạn thường có xu hướng muốn lấy nét càng nhiều cảnh vật càng tốt. Bạn không chỉ muốn các yếu tố tiền cảnh được nét, mà còn muốn các đỉnh núi xa cũng được nét. Các khẩu độ nhỏ như f/16f/22 có thể giúp thực hiện điều này, nhưng lưu ý rằng mỗi ống kính sẽ có một chút khác nhau. Đừng cho rằng chụp ở f/22 sẽ tự động cho bạn hình ảnh sắc nét nhất. Hầu hết các ống kính có một phạm vi trong đó chúng có xu hướng sắc nét nhất, vì vậy điều quan trọng là phải kiểm tra ống kính của bạn và hiểu rõ điểm mạnh của chúng. Bạn có thể thấy rằng những bức ảnh sắc nét nhất sẽ có được ở đâu đó trong khoảng f/11f/16 thay vì đẩy nó gần hơn tới f/22.

Ảnh: Chris Combe / CC BY 2.0

9. Mang theo chân máy loại nhẹ

Khi chụp ảnh núi bạn thường sẽ cần phải đi bộ, và trong một số trường hợp, bạn thậm chí có thể cần phải đi bộ đường dài, leo núi và cắm trại. Trong trường hợp này trọng lượng chân máy của bạn có thể có tác động lớn. Mang một chiếc chân máy nhẹ hơn sẽ giúp cho chuyến đi của bạn dễ dàng hơn nhiều và sẽ khiến bạn không để chân máy ở nhà chỉ đơn giản vì nó quá nặng.

10. Đừng giới hạn bản thân chỉ chụp những tấm ảnh mang tính biểu tượng

Nhiều ngọn núi đã trở thành chủ đề nhiếp ảnh phổ biến với những góc nhìn nhất định mang tính biểu tượng và đã được hầu hết mọi người nhìn thấy nhiều lần. Mặc dù không có gì sai khi chụp một số bức ảnh cho riêng bạn từ những góc độ và phối cảnh chung này, nếu bạn muốn tạo ra tấm ảnh thực sự thu hút sự chú ý của người xem, thì có lẽ đó không phải là một bức ảnh đã được nhìn thấy nhiều lần.

Ảnh: John Salzarulo / CC0

Nếu bạn đang ở những địa điểm chụp ảnh phổ biến, bạn có thể tìm kiếm những góc nhìn mới để có được một bức ảnh độc đáo. Và nếu bạn đang nghiên cứu những nơi có thể đến chụp, hãy xem xét những địa điểm không quen thuộc với hầu hết người xem. Có rất nhiều điểm đến tuyệt vời mà sẽ mang đến cho bạn cơ hội chụp những bức ảnh tuyệt vời mà hầu hết mọi người chưa từng thấy.

Theo Marc / Loaded Landscape

Clip hay

Exit mobile version