Đại Kỷ Nguyên

Ngành điện: ‘Phải tăng giá mới bảo đảm đủ điện dùng’

Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ.

Phải tăng giá mới bảo đảm đủ điện dùng”, đó là khẳng định của ngành điện, các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN nhận xét khi nói về giá điện hiện nay của VN được tờ Thanh Niên đăng tải “Ngày nào việc tính toán chi phí giá thành sản xuất điện còn mang tính “bao cấp”, chưa được tính đúng, đầy đủ và nhất quán theo nguyên tắc Chính phủ đã đề ra thì việc tiến đến thị trường điện cạnh tranh càng cam go”.

“Muốn bảo đảm điện cho cả nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu không để thiếu điện trong năm 2024, phải khai thác tốt nhất các nguồn điện có sẵn như thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời. Đặc biệt gỡ nhanh các vướng mắc trong mua bán điện đối với nguồn điện tái tạo. Muốn vậy, phải đưa giá điện về sát thực tế. Các chi phí đầu vào đã qua kiểm toán, kiểm soát mà tăng thì buộc chúng ta phải điều chỉnh cho tăng giá điện mới bảo đảm tính ổn định được”.

Vấn đề là tăng bao nhiêu trong bối cảnh sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế cần trợ lực phục hồi và tránh lạm phát. Ông Nguyễn Tiến Thỏa tính toán: Nếu tính giá thành sản xuất điện đầu vào đang tăng so giá hiện hành là 9,2% (tương đương khoảng 178 đồng/kWh). Nhưng để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động đến hoạt động sản xuất của nhiều ngành nghề và đời sống người dân thì mức tăng là 4,5%, tương đương tăng 86 đồng/kWh.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa lý giải: “Theo quy định tại Quyết định 24 của Chính phủ, giá bán lẻ điện bình quân thay đổi dưới 5% thì EVN điều chỉnh, từ 5-10% thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương và trên 10% Thủ tướng xem xét, quyết định. Như vậy, thẩm quyền điều chỉnh giá điện bình quân dưới 5% thuộc EVN. Thứ hai là tại Quyết định 24 cũng cho phép 6 tháng điều chỉnh giá điện bình quân 1 lần. Tính từ lần tăng giá hồi đầu tháng 5 vừa qua, đến nay cũng đã hơn 6 tháng, việc điều chỉnh đúng theo quy định. Thứ ba, điều chỉnh tăng mức 4,5% giá bán lẻ điện bình quân sẽ khiến chỉ số giá tác động qua 2 vòng trực tiếp và gián tiếp tăng khoảng 0,29%, hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát lạm phát mà Quốc hội cho phép, dưới 4,5%”.

Trong thực tế, các thông số đầu vào sản xuất điện theo báo cáo của EVN trong 10 tháng của năm nay là đã giảm so với năm 2022 nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao so với các năm trước đây. Cụ thể, giá than nhập khẩu dự kiến năm 2023 tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021; than pha trộn của Tập đoàn Than – khoáng sản VN (TKV) dự kiến tăng từ 29,6 – 46,0% (tùy loại); than pha trộn của Tổng công ty Đông Bắc năm nay tăng từ 40,6 – 49,8% tùy loại và giá dầu thô Brent dự kiến tăng 86% so với giá bình quân năm 2020 và tăng 13% so với năm 2021.

Thủy điện hiện có chi phí sản xuất rẻ nhất, chiếm 28% trong cơ cấu nguồn điện hiện nay nhưng nguồn này không ổn định. Vừa qua, khi thủy điện xuống mức nước thấp, chúng ta phải huy động nguồn điện giá cao để đảm bảo nhu cầu của cả nền kinh tế. Khi sử dụng dầu sản xuất điện thì giá thành điện có thể lên đến 5.000 đồng/kWh, với than là khoảng 2.500 – 2.800 đồng/kWh. Theo ông Thỏa, việc “mua cao bán thấp” đang tạo áp lực cho ngành điện dẫn đến thua lỗ kéo dài. Chậm điều chỉnh giá điện về sát thực tế gây khó khăn về nhiều mặt.

Exit mobile version