Đại Kỷ Nguyên

Mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ căng thẳng Biển Đỏ?

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (ảnh: Tạp chí Tài Chính).

Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng những mặt hàng đông lạnh như rau quả hay thuỷ sản xuất sang châu u sẽ chịu tác động tiêu cực nhất từ khủng hoảng Biển Đỏ.

Nhóm phân tích cho rằng lý do không chỉ vì giá cước vận chuyển tăng vọt mà còn do thời gian vận chuyển kéo dài khiến chất lượng hàng hoá bị ảnh hưởng hoặc chi phí bảo quản tăng theo.

Theo VDSC, đối với mặt hàng dệt may, chi phí vận chuyển thường chiếm từ 4-5% giá vốn hàng bán, do hiện tại nhu cầu tiêu dùng còn thấp nên sự chậm trễ trong đơn hàng vẫn có thể chấp nhận được và các nhà bán lẻ sẽ gánh chi phí vận chuyển tăng thêm trước, đồng thời nhà bán lẻ cũng cần thời gian đánh giá việc chuyển chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng cuối cùng.

Đối với mặt hàng công nghệ, do hình thức vận chuyển phổ biến là bằng đường hàng không nên tác động sẽ hạn chế hơn. Dù vậy việc các nhà xuất khẩu lựa chọn phương án thay thế hình thức vận chuyển từ đường biển sang đường hàng không cũng có thể khiến giá cước vận chuyển bằng đường hàng không tăng theo.

Theo Statista, khối lượng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển chiếm khoảng 61% tổng khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, vận chuyển bằng đường hàng không chiếm 31% và đường bộ chiếm 7%.

Cơ cấu này cũng phản ánh về mặt tổng thể, mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ đối với xuất khẩu Việt Nam sẽ tập trung ở nhóm hàng có tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, sự kéo dài và leo thang của khủng hoảng vẫn sẽ tạo ra tác động tiêu cực lên triển vọng thương mại tổng thể.


Exit mobile version