Đại Kỷ Nguyên

Vòng loại WC: Trung Quốc thảm bại 0-7 trước Nhật Bản, CCTV có bí mật khó nói

Tại vòng loại WC, Trung Quốc thảm bại 0-7 trước Nhật Bản, CCTV có bí mật khó nói (ảnh: Yuichi Yamazaki/AFP).

Vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á diễn ra với 18 đội mạnh, đội tuyển nam Trung Quốc đã đối đầu với đội Nhật Bản và thua thảm 0-7, gây ra sự bất mãn và châm chọc mạnh mẽ từ các cổ động viên Trung Quốc. Tuy nhiên, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) lại không phát sóng trận đấu được người dân quan tâm này. Phân tích cho rằng, CCTV không phát sóng là vì có bí mật khó nói. Chuyên gia cho rằng ĐCSTQ đang lo sợ dân biểu tình, dù thắng hay thua cũng đều bất ổn.

Vào ngày 5/9, đội tuyển bóng đá Trung Quốc đã thi đấu trên sân khách với Nhật Bản, khai màn vòng loại 18 đội. Trong hiệp một, đội Trung Quốc đã thua 0-2, và đến hiệp hai, đội này không có cách nào chống đỡ, Nhật Bản đã ghi thêm 5 bàn, khiến Trung Quốc thảm bại. Trận đấu này còn tạo ra một số kỷ lục đáng xấu hổ cho đội tuyển nam Trung Quốc, như thua Nhật Bản với tỷ số lớn nhất, số bàn thua trong một trận đấu vòng loại nhiều nhất, và thua với tỷ số lớn nhất trong lịch sử vòng loại.

Huấn luyện viên đội Trung Quốc ông Branko Ivanković sau trận đấu cho biết, Nhật Bản là đội mạnh trên thế giới, mặc dù đã dự đoán đây sẽ là một trận đấu khó khăn, nhưng không ngờ lại có nhiều bàn thua đến vậy. Ông nói thêm: “Đối với tôi, với tư cách là huấn luyện viên, đêm nay cũng là một đêm buồn nhất”.

Cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia Trung Quốc, đồng thời là huấn luyện viên Phạm Chí Nghị (范志毅 – Fan Zhiyi), hiện đang ở Thượng Hải đã bày tỏ sự cảm thán: “Đối phương ghi bàn thật dễ dàng, nếu không phải ở đây xa quá, tôi thật sự muốn nhảy xuống sông Hoàng Phố. Chúng ta có thể chấp nhận việc thua Nhật Bản, nhưng để đối thủ ghi bàn dễ dàng như vậy, thực sự quá tệ”.

Thực tế, sau khi hiệp một kết thúc, dữ liệu cụ thể về tấn công và phòng ngự của hai đội đã cho thấy đây là một trận đấu có sự chênh lệch rõ rệt. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ kiểm soát bóng giữa Nhật Bản và Trung Quốc là 74% so với 26%, số đường chuyền chính xác là 285 so với 79, và số cú sút là 9 so với 1, Nhật Bản “trên cơ” gần như ở tất cả các chỉ số, trong khi đội Trung Quốc chỉ dẫn đầu về số lần “việt vị” và số thẻ vàng do phạm lỗi.

Chỉ trong một đêm, chủ đề đội tuyển Trung Quốc thua Nhật Bản đã chiếm lĩnh tốp đầu trên công cụ tìm kiếm nóng. Nhà báo điều tra Trung Quốc, Đặng Phi (邓飞), đã trích dẫn lời của một người bạn trên Weibo rằng: “Điểm tồi tệ nhất của đội tuyển quốc gia Trung Quốc là họ phải ra ngoài, trong một môi trường công khai và quy tắc, để thi đấu với người khác, không thể đóng cửa lại và tự huyễn hoặc, tự nhiên sẽ không thể dẫn đầu được”.

Những nhận xét sâu sắc này đã nhận được hơn 4.000 lượt thích, hơn 1.000 lượt chia sẻ và nhiều bình luận, trong đó có lời nhận xét: “Tuy nhiên, cũng phải cảm ơn đội tuyển quốc gia, vì họ là một trong số ít nơi cho phép chúng ta thoải mái chỉ trích”.

Tham nhũng nghiêm trọng trong bóng đá Trung Quốc ảnh hưởng đến đào tạo chuyên môn?

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung, ngành thể thao Trung Quốc bị cám dỗ bởi danh lợi khổng lồ, là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của tham nhũng do hệ thống gây ra. Bóng đá nam, với tư cách là môn thể thao gắn bó với trái tim của hầu hết người dân Trung Quốc, càng trở thành tâm điểm của vấn đề này.

Trước tháng 11/2022, cựu huấn luyện viên đội tuyển nam Trung Quốc Lý Thiết (李鐵) đã bị điều tra. Vào tháng 3 năm nay, ông Lý Thiết bị buộc tội nhận hối lộ và các tội danh khác, tổng số tiền liên quan lên tới gần 120 triệu nhân dân tệ. Luật sư cho biết, “có thể bị tuyên án chung thân hoặc án treo”.

Ngoài ra, cựu phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc Lý Dục Nghị (李毓毅 – Li Yuyi) cũng đã bị kết án 11 năm tù về tội nhận hối lộ vào ngày 19/8 năm nay.

Kể từ khi ông Lý Thiết bị điều tra, đã có 14 quan chức cấp cao của Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc bị liên quan đến vụ án, trong đó 5 người đã bị tuyên án, còn 9 người vẫn chưa có phán quyết. Nhiều người dùng mạng cho rằng, những quan chức này đủ khả năng để thành lập một đội bóng trong tù.

Ngoài Lý Dục Nghị, 4 người bị tuyên án khác bao gồm: Cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc Trần Tuất Nguyên (陈戌源) bị tuyên án chung thân trong phiên xử sơ thẩm; cựu phó chủ tịch Vu Hồng Thần (于洪臣) bị tuyên án 13 năm tù trong phiên xử sơ thẩm; cựu phó thư ký thường trực Trần Vĩnh Lượng (陈永亮 ) bị tuyên án 14 năm tù; và cựu tổng giám đốc công ty Super League Đổng Tranh (董铮) bị tuyên án 8 năm tù.

Nhà báo độc lập Gia Cá Minh Dương (诸葛明阳) đã nói với Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung rằng, “Tiền có thể mua chức vụ, tiền có thể mua trận đấu giả, vậy thì đối với các cầu thủ bình thường, việc bỏ công sức để rèn luyện kỹ thuật và phát triển chuyên môn có ý nghĩa gì?”

Phân tích: CCTV có một bí mật không thể nói ra

Dưới sự tuyên truyền giáo dục “thù Nhật” lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các trận đấu thể thao giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng bị gán cho màu sắc chính trị và “tình yêu nước” bị bóp méo. Tại sân vận động hôm đó, một người đàn ông Trung Quốc mặc quân phục của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ thế kỷ trước đã cầm loa để đọc ba câu thường dùng của ban Tuyên truyền Trung ương, nhằm cổ vũ cho đội nhà. Anh ta hét lớn: “Không tin có nhiệm vụ nào không hoàn thành, không tin có khó khăn nào không vượt qua, không tin có kẻ thù nào không đánh thắng được”.

Cuối cùng, đội tuyển Trung Quốc thua 0-7. Một cổ động viên Trung Quốc không thể chấp nhận thất bại đã vừa khóc vừa nói: “Các bạn không đá thắng được họ, các bạn vẫn có thể đá người mà. Nhiều cầu thủ Nhật Bản đang thi đấu ở các giải châu Âu đều sợ bị chấn thương, nên nên phải đá cho họ bị thương, không thể để họ chơi đùa chúng ta như vậy được”.

Biểu cảm nghiêm túc khi nói của cổ động viên này dường như xuất phát từ tận đáy lòng, khiến mạng xã hội sửng sốt. Có người bình luận: “Sản phẩm biến dạng dưới sự giáo dục thù hận, không có chút liêm sỉ”; “Thua trận cũng thua luôn cả nhân cách”.

Đáng lưu ý là, trong trận đấu bóng đá giữa Trung Quốc và Nhật Bản được người dân chú ý, CCTV lại không phát sóng. CCTV cho biết, “(giá phát sóng) cao bất thường, đài quyết chống lại việc các lực lượng trong và ngoài nước làm rối loạn thị trường bản quyền thể thao”. Đối với điều này, công chúng cho rằng “không phát sóng là quyết định khôn ngoan, tránh cho hàng triệu người dân có một đêm đau khổ”.

Chuyên gia các vấn đề thời sự, YouTuber gốc Hoa nổi tiếng Giang Phong (江峰), cho biết CCTV không phát sóng có lý do riêng. Ông nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thổi phồng vấn đề Nhật Bản xả nước thải hạt nhân, đẩy cảm xúc thù ghét Nhật Bản lên đỉnh điểm. Trong bối cảnh này, trận đấu bóng đá Trung – Nhật, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rơi vào tình huống khó xử: Nếu đội Trung Quốc thắng, người dân sẽ xuống đường; nếu thua, họ cũng sẽ xuống đường. Hiện tại, thất nghiệp đang gia tăng, xã hội đầy phẫn nộ, một cuộc nổi dậy lớn có thể bùng nổ từ bất kỳ khe hở nào”.

Ông cho biết thêm: “Tại Trung Quốc, một trận thua có thể trở thành thất bại của quốc gia, đặc biệt là trong các trận đấu giữa Trung Quốc và Nhật Bản, thậm chí có thể biến thành sự hoài nghi về khả năng của quốc gia, khả năng của lãnh đạo. Tuyên truyền của CCTV rất rộng rãi, (kết quả trận đấu) có thể giúp người dân Trung Quốc tìm thấy điểm chung để xả stress vào cùng một thời điểm, điều này là điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ nhất, vì vậy họ đã ‘không phát sóng!’ Đây mới là lý do thực sự”.

Exit mobile version