Đại Kỷ Nguyên

Sự cạnh tranh Mỹ – Nga đang nóng lên ở ‘đấu trường’ Bắc Cực

Các binh sĩ Lục quân Hoa Kỳ thuộc Sư đoàn Dù 11 (ảnh: Không quân Hoa Kỳ).

Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ và Nga tại khu vực Bắc Cực đang gia tăng trong những ngày gần đây, phản ánh cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc này.

Chuỗi các cuộc biểu dương sức mạnh quân sự diễn ra khi Ocean-2024, một cuộc tập trận chiến lược của Nga, đang diễn ra trên khắp vùng biển của nước này ở phía bắc, phía đông và phía tây cũng như Biển Địa Trung Hải. Quân đội Nga cũng tham gia một cuộc tập trận với Trung Quốc ở vùng Viễn Đông.

Tuần trước, Hoa Kỳ và Nga đã điều động các phi cơ ném bom có ​​khả năng phóng vũ khí hạt nhân tới Bắc Âu và Đông Bắc Á.

Sự cạnh tranh ở Bắc Cực là một phần của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc do Washington định nghĩa, khi họ phải đối mặt cùng lúc với một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Nga đang tái khẳng định sức mạnh của mình.

Matcova và Bắc Kinh đã điều phi cơ ném bom có ​​khả năng hạt nhân bay vòng quanh bờ biển Hoa Kỳ ngoài khơi Alaska vào tháng 7.

Mới đây, trong Chiến dịch Ocean-2024 bắt đầu vào ngày 10 tháng 9 và kết thúc vào ngày 16/9, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đã báo cáo bốn sự cố phi cơ quân sự Nga hoạt động trong Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Alaska.

NORAD là một bộ chỉ huy của Hoa Kỳ-Canada chịu trách nhiệm cảnh báo hàng không vũ trụ của Bắc Mỹ, bao gồm phát hiện, xác nhận và cảnh báo tấn công. Vùng nhận dạng phòng không là không phận quốc tế, nơi cần theo dõi và nhận dạng phi cơ vì mục đích an ninh quốc gia.

Theo NORAD, mỗi sự cố xảy ra vào các ngày 11, 13, 14 và 15 tháng 9 đều liên quan đến ít nhất một cặp phi cơ quân sự của Nga, bao gồm phi cơ trinh sát hàng hải và tác chiến chống ngầm Tu-142 Bear F và Il-38 May.

Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ cho biết, các hoạt động quân sự của Nga tại Vùng nhận dạng phòng không của Alaska diễn ra thường xuyên và không được coi là mối đe dọa, vì phi cơ vẫn ở trong không phận quốc tế. Các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ thuộc NORAD đã thực hiện một cuộc đánh chặn trong sự cố đầu tiên.

NORAD không nêu rõ khu vực hoạt động của phi cơ quân sự Nga trong Vùng nhận dạng phòng không của Alaska. Vùng phòng không này bao phủ một vùng không phận rộng lớn trên vùng biển xung quanh Alaska, bao gồm Biển Bering, Biển Chukchi và Biển Beaufort.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vào ngày 15 tháng 9 rằng, hai phi cơ ném bom Tu-95MS Bear-H và hai phi cơ ném bom Tu-160 Blackjack – đều có khả năng mang vũ khí hạt nhân – đã bay qua Biển Chukchi và Biển Đông Siberia trong cuộc tập trận Ocean-2024.

Hai vùng biển này là vùng biển cận biên của Bắc Băng Dương, nơi các phi cơ ném bom tiến hành huấn luyện mô phỏng việc phóng hoả tiễn hành trình vào “các cơ sở quan trọng” của đối phương.Theo Tạp chí Khoa học Nguyên tử, mỗi chiếc Tu-160 có thể mang theo tới 12 hoả tiễn hành trình phóng từ trên không, trong khi Tu-95MS có thể mang theo từ sáu đến 14 hoả tiễn hành trình.

Để ứng phó với hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Nga gần Alaska, hai phi cơ ném bom B-52H Stratofortress của Không quân Hoa Kỳ đã bay đến khu vực Bắc Băng Dương gần Alaska vào ngày 14 và 15 tháng 9, theo dữ liệu chuyến bay do dịch vụ theo dõi máy bay Flightradar24 cung cấp.

Phi cơ ném bom của Mỹ được điều hành từ Căn cứ Không quân Barksdale ở Louisiana cho nhiệm vụ khứ hồi ở Bắc Cực. 

Có 76 phi cơ ném bom “Stratofortress” đang hoạt động, nhưng chỉ có 46 chiếc có thể mang hoả tiễn hành trình phóng từ trên không được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Dữ liệu theo dõi cho thấy một chiếc Stratofortress thứ ba cũng được khai triển cùng với 2 phi cơ ném bom còn lại. Nhưng nó đã quay trở lại Barksdale trong chuyến bay khởi hành từ căn cứ.

Không quân Hoa Kỳ cũng điều hai trong ba phi cơ trinh sát RC-135S Cobra Ball đến Căn cứ Không quân Elmendorf ở Alaska vào ngày 10 và 16 tháng 9. Chúng chuyên thu thập dữ liệu quang học và điện tử về các mục tiêu hoả tiễn đạn đạo.

MeNMyRC, theo dõi Cobra Ball, cho biết cả hai phi cơ sẽ túc trực để thu thập thông tin tình báo về phép đo và chữ ký từ cuộc thử nghiệm hoả tiễn đạn đạo xuyên lục địa sắp tới của Nga, tại Bán đảo Kamchatka ở Viễn Đông.

Tuy nhiên, quân đội Nga vẫn chưa công bố vụ phóng thử hoả tiễn đạn đạo xuyên lục địa. 

Hai loại phi cơ chuyên dụng khác cũng được điều đến Căn cứ Không quân Elmendorf. Một chiếc RC-135V Rivet Joint, có khả năng phát hiện, nhận dạng và định vị tín hiệu, đã đến vào ngày 10 tháng 9, và bay đến bờ biển phía tây bắc của Alaska ba ngày sau đó.

Cũng vào ngày 10 tháng 9, một chiếc WC-135R “Constant Phoenix” đã thực hiện chuyến bay khứ hồi đến Elmendorf. Nó chủ yếu được sử dụng để lấy mẫu không khí và thu thập để phát hiện và xác định các vụ nổ hạt nhân.

Trên mặt đất, ba đơn vị của Quân đội Hoa Kỳ đã được khai triển đến Đảo Shemya ở Alaska vào ngày 12 tháng 9. 

Thiếu tướng Joseph Hilbert, tư lệnh Sư đoàn Không quân số 11, cho biết hoạt động này nhằm ứng phó với các cuộc tập trận đối đầu ngày càng gia tăng xung quanh Alaska và khắp khu vực, bao gồm cả cuộc tuần tra chung bằng phi cơ ném bom do Nga và Trung Quốc thực hiện.

Ông nói: “Chiến dịch tới Đảo Shemya chứng minh khả năng ứng phó của sư đoàn này với các sự kiện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hoặc trên toàn cầu, với lực lượng sẵn sàng chiến đấu chỉ trong vòng vài giờ”.

Đơn vị đóng tại Alaska, còn được gọi là “Arctic Angels”, bảo vệ Bắc Cực ngày càng cạnh tranh. Những tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đã khiến khu vực băng giá này dễ tiếp cận hơn với những người khác, Sư đoàn Không vận số 11 cho biết trong một thông cáo báo chí.

Đối với Lực lượng đặc nhiệm đa miền, quân đội Mỹ thành lập lực lượng này để giải quyết tốt hơn các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, và được thiết kế để đồng bộ hóa các hiệu ứng chính xác nhằm hỗ trợ sự tự do hành động của lực lượng Hoa Kỳ chống lại đối phương.

Lực lượng đặc nhiệm đa miền số 1, có trụ sở tại tiểu bang Washington, đã khai triển ít nhất hai Hệ thống hoả tiễn pháo binh cơ động cao trên Đảo Shemya. Vũ khí này có thể bắn tới sáu hoả tiễn hoặc một hoả tiễn duy nhất được gọi là Hệ thống hoả tiễn chiến thuật của Quân đội.

Hòn đảo nhỏ này có một cơ sở quân sự lớn của Hoa Kỳ —radar Cobra Dane. Nó có vai trò chính là thu thập dữ liệu về hoả tiễn đạn đạo nước ngoài trong suốt chuyến bay của chúng, và có khả năng theo dõi 200 mục tiêu cùng một lúc và cung cấp thông tin cho NORAD.

Khu vực Bắc Cực đang trở nên ngày càng quan trọng về mặt chiến lược do sự tan băng của các sông băng và việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đây. 

Sự cạnh tranh về địa chính trị và quân sự tại Bắc Cực có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới.

Exit mobile version