Khi phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban trung ương Trung Quốc đang diễn ra, nhiều người lo ngại về triển vọng kinh tế của Trung Quốc và khả năng chính quyền thực hiện các chính sách kinh tế hiệu quả. Về triển vọng kinh tế Trung Quốc, theo nhà bình luận gốc Hoa, Vương Hách (王赫), có hai chủ đề cần thảo luận nóng: Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc đã đạt đỉnh chưa? Thứ hai, liệu nền kinh tế Trung Quốc có theo chân Nhật Bản và thoái lùi 30 năm không?.
Năm 2021, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đang say sưa với phong trào “Đông thăng Tây dáng” hay “phương Đông trỗi dậy, phương Tây suy tàn”, hai giáo sư người Mỹ đã cùng nhau đăng một bài trên các ấn phẩm chính thống như Foreign Policy và Foreign Affairs, cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã đạt đỉnh và đã bắt đầu lao dốc, do tác động kép của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế nội địa trong thập niên qua, và sự ngăn chặn, đàn áp từ bên ngoài trong những năm gần đây.
Sau đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản vào tháng 12/2022, Viện nghiên cứu Lowy của Úc vào tháng 2/2023, tạp chí Economist vào ngày 13/5 năm 2023, viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson nổi tiếng của Mỹ vào tháng 8/2023, v.v, đã công bố các báo cáo hoặc bài báo liên quan chỉ ra rằng, hiệu suất kinh tế của Trung Quốc không thể vượt qua Hoa Kỳ.
Liệu nền kinh tế Trung Quốc đã đạt đỉnh?
Theo nhà bình luận Vương Hách, đây là nhận định chiến lược có tầm quan trọng lớn, và kết luận này có liên quan đến chính sách đối với Trung Quốc của tất cả các nước liên quan.
Bắc Kinh rất ý thức được sức mạnh của lý thuyết “kinh tế Trung Quốc đã đạt đỉnh” (cũng có nghĩa là nó đã bắt đầu lao dốc) nên cực lực phủ nhận điều đó.
Vào ngày 19/5/2023, một viện nghiên cứu cũng đưa ra báo cáo đầu tiên bác bỏ “kinh tế Trung Quốc đã đạt đỉnh”.
Thậm chí vào ngày 27/3 năm nay, khi ông Tập Cận Bình gặp gỡ các đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, ông nhấn mạnh rằng, sự phát triển của Trung Quốc sẽ chưa đạt đỉnh.
Theo ông Vương Hách, những người cho rằng “nền kinh tế Trung Quốc đã đạt đỉnh” thường lấy Nhật Bản làm ví dụ. Trong những năm 1980, nền kinh tế Nhật Bản có động lực vượt qua Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ vào đầu những năm 1990, tăng trưởng kinh tế trì trệ trong 30 năm sau đó, và khoảng cách về quy mô kinh tế với Hoa Kỳ ngày càng rộng hơn.
Ông Vương chỉ ra rằng, hiện nay, kinh tế Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản đầu những năm 1990 như bong bóng bất động sản vỡ, dân số sụt giảm, nhu cầu yếu kém, khó khăn về việc làm đối với giới trẻ. Vậy liệu Trung Quốc có phải là Nhật Bản thứ hai? Có nhiều ý kiến khác nhau về câu hỏi này.
Theo ông Vương, thực tế có hai quan điểm trái ngược nhau về việc liệu 30 năm sau khi bong bóng thị trường nhà ở Nhật Bản vỡ vào năm 1991, đó có phải là “30 năm mất mát” hay không.
Bằng chứng cốt lõi của khẳng định là từ năm 1955 đến năm 1973, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế hàng năm của Nhật Bản là 9%, và từ năm 1974 đến năm 1990 là 4%; nhưng trong 30 năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Nhật Bản chỉ ở mức 1% hoặc thậm chí thấp hơn, trong khi GDP danh nghĩa – tổng sản phẩm nội địa GDP tính theo giá trị thị trường hiện tại – hầu như không tăng trưởng từ năm 1991 đến năm 2022.
Năm 2023, GDP danh nghĩa của Nhật Bản đạt khoảng 4,2106 nghìn tỷ USD, tụt xuống vị trí thứ tư trên thế giới. Trong khi trước đó, GDP Nhật Bản năm 1968 thời hậu chiến đã vượt Cộng hòa Liên bang Đức và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Năm 2010, Nhật Bản bị Trung Quốc vượt qua và tụt xuống vị trí thứ ba trên thế giới; Nước này vẫn đứng thứ ba trong 13 năm và bị Đức vượt qua vào năm 2023.
Nhà bình luận Vương Hách cho hay, những người phủ nhận nói rằng nửa đầu của 30 năm qua là thời kỳ điều chỉnh của toàn bộ xã hội Nhật Bản, trong khi nửa sau là thời kỳ phục hồi, chuyển đổi từ một xã hội không ổn định và cạnh tranh thành một quốc gia tiên tiến trưởng thành.
Có một lập luận cho rằng sau những năm 1990, các công ty Nhật Bản đã chuyển nhà máy ra nước ngoài để đầu tư. Năm 2018, tài sản và thu nhập ở nước ngoài của Nhật Bản đã vượt tổng GDP nội địa của nước này tới 1,78 lần. Nhật Bản vẫn đang sản xuất và đổi mới, chỉ là ở một nơi khác mà thôi.
Ông Vương chỉ ra một lập luận khác rằng, Nhật Bản đã đi theo con đường dựa vào công nghệ. Các công ty Nhật Bản tiếp tục điều chỉnh cơ cấu công nghiệp và thách thức các ngành công nghiệp mới, từng bước hình thành chiến lược phát triển kinh tế gồm 12 từ:
Chiếm lĩnh thượng nguồn (gồm công nghệ cốt lõi và vật liệu cốt lõi); Kiểm soát trung nguồn (tức linh kiện cốt lõi và thiết bị cốt lõi), Từ bỏ hạ nguồn (gồm hàng trắng, điện thoại di động, máy tính và các ngành công nghiệp khác mà Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á đã làm rất tốt).
Vì vậy, có cảm giác như Nhật Bản ngày càng có ít sản phẩm nhưng lợi nhuận của các công ty Nhật Bản lại ngày càng cao hơn mỗi năm. Do đó, Nhật Bản không phải “thụt lùi 30 năm” mà “tiến nhanh trước 30 năm”.
Bước sang năm 2024, kinh tế Nhật Bản đã khởi sắc. Nhà bình luận Vương Hách chỉ ra rằng, vào ngày 22/2, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo đóng cửa ở mức 39.098,68 điểm, vượt mức cao nhất trong ngày là 38.957,44 điểm được thiết lập trong thời kỳ nền kinh tế bong bóng vào cuối năm 1989.
Con số đó cũng vượt mức đóng cửa lịch sử cao nhất là 38.915 điểm (tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện nay trên thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng từ dưới 5% năm 1989 lên 30%).
Ông Vương giải thích rằng, bởi vì có nhiều ý kiến khác nhau về việc liệu kinh tế Nhật Bản có “thụt lùi 30 năm” hay không, nên có hai câu trả lời cho việc liệu kinh tế Trung Quốc có nối bước Nhật Bản hay không.
Thứ nhất, xét từ số liệu GDP, nếu Nhật Bản thụt lùi 30 năm thì kinh tế Trung Quốc trong tương lai thậm chí còn tồi tệ hơn cả Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm từ năm 2011 đến năm 2019, thị trường bị rung chuyển kể từ năm 2020 (đặc biệt là năm 2022).
Theo ông Vương, điều này đã bộc lộ đầy đủ ba bẫy kinh tế lớn và ba tác hại chính trị lớn, cho thấy Trung Quốc đang bị bệnh nan y, và không thể phục hồi được.
Thứ hai, nhìn từ góc độ “tiến nhanh trước 30 năm” của Nhật Bản, chuyển đổi và nâng cấp kinh tế của Trung Quốc còn yếu và không thể so sánh với Nhật Bản.
Theo ông Vương, chỉ có hai điểm sẽ được thảo luận ở đây. Thứ nhất, Nhật Bản là quốc gia chủ nợ lớn nhất thế giới và xu hướng kiếm lợi nhuận từ nước ngoài tiếp tục gia tăng, đã tăng lên 2,8 lần trong 10 năm, tương đương gần 10% GDP. Năm 2021, thặng dư là 26,6 nghìn tỷ Yên, đứng đầu thế giới.
Ngược lại, dù thặng dư tài khoản vãng lai hàng năm (tức hiện tượng tài khoản vãng lai tích cực khi Trung Quốc xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, hay khi tiết kiệm nhiều hơn đầu tư), và lượng đầu tư ra nước ngoài lớn, điều kỳ lạ là kể từ năm 2014, tài sản ròng ở nước ngoài của Trung Quốc không chỉ đạt hơn 2 nghìn tỷ USD mà thu nhập đầu tư của nước này còn âm quanh năm.
Tài khoản ròng là giá trị tài sản của một thực thể trừ đi giá trị nợ phải trả của nó, thường liên quan đến quỹ mở, quỹ tương hỗ, quỹ dự phòng và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Ông Vương giải thích rằng, nói cách khác, tuy Trung Quốc là nước chủ nợ nhưng lại phải trả lãi cho nước khác.
Thứ hai, Nhật Bản là một quốc gia phát triển, liên minh Mỹ-Nhật có nền kinh tế, khoa học công nghệ hội nhập. Ngược lại, tham vọng toàn cầu của ĐCSTQ ngày càng mở rộng, Hoa Kỳ và phương Tây ngày càng “loại bỏ rủi ro” và tiến hành một “cuộc chiến công nghệ”.
Bắc Kinh không còn có thể nhập khẩu công nghệ của phương Tây trên quy mô lớn như trước nữa, và họ đã biến Trung Quốc thành một “kẻ bắt chước lớn”.
Việc thiếu tinh thần kinh doanh và tay nghề, sự gian lận tràn lan trong nghiên cứu khoa học, các linh kiện cơ bản cốt lõi kém phát triển cũng như thiếu vật liệu cơ bản quan trọng, thiếu quy trình cơ bản tiên tiến và thiếu nền tảng công nghệ công nghiệp (được gọi là “bốn cơ sở”), là những thiếu sót nghiêm trọng trong ngành sản xuất của Trung Quốc và bị phương Tây bóp nghẹt.
Paul Krugman, người đoạt giải Nobel về kinh tế, người có hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế Đông Á, đã xuất bản một bài báo “Liệu Trung Quốc có lặp lại sai lầm của Nhật Bản” vào tháng 7 năm ngoái, và nói về nghiên cứu của mình.
Ông cho hay, trong hai thập niên qua, thu nhập thực tế bình quân đầu người của Nhật Bản đã tăng 45% sau khi điều chỉnh các yếu tố nhân khẩu học, thay vì duy trì ở mức trì trệ, và thành công tránh được tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
Những dự đoán về khủng hoảng nợ ở Nhật Bản chưa thành hiện thực. Xã hội Nhật Bản năng động và sáng tạo về văn hóa hơn nhiều người nghĩ.
Còn Trung Quốc thì sao? Có thể đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Trung Quốc đã cao hơn nhiều so với Nhật Bản.
Liệu Trung Quốc có thể có khả năng tái tạo sự gắn kết xã hội như Nhật Bản, liệu có khả năng quản lý mức tăng trưởng thấp hơn mà không gây ra đau khổ lớn hoặc bất ổn xã hội?
Vì vậy, theo ông Vương, từ góc độ kinh tế, Trung Quốc khó có thể trở thành Nhật Bản tiếp theo. Tình hình có thể còn tồi tệ hơn.
Tất nhiên, một số người cho rằng hệ thống quốc gia tập trung cao độ của chính quyền Trung Quốc có thể huy động hiệu quả các nguồn lực để ứng phó với rủi ro.
Trong tương lai, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy việc chuyển trọng tâm công nghiệp sang các lĩnh vực công nghệ cao như năng lượng mới, để không chuyển hướng tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, không đi theo con đường cũ của Nhật Bản.
Đối với quan điểm này, theo ông Vương, chỉ cần nhìn vào thị trường bất động sản và chứng khoán hiện tại của Trung Quốc, dù chính quyền đã đưa ra những chính sách mạnh bạo từ năm 2022 nhưng tình hình vẫn “sa sút”, và rất khó để thuyết phục người dân.
Ông Vương cho rằng, một số người vẫn ảo tưởng về năng lực chính sách kinh tế của ĐCSTQ, và đặt nhiều hy vọng vào “Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa 11”.
Liệu Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc khóa 20 sẽ kết thúc vào ngày 19/7 tới có khiến những người như vậy tuyệt vọng hay không, mọi người hãy cùng chờ xem.