Đại Kỷ Nguyên

Hứa Gia Ấn phiên bản Việt bị tuyên án tử: Dân Trung Quốc khen Việt Nam

Bà Trương Mỹ Lan. (Ảnh: Hải Long/Dân Trí).

Việc bà Trương Mỹ Lan (张美兰), từng là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và là doanh nhân bất động sản lớn nhất gốc Hoa, bị kết án tử hình khiến cả thế giới chấn động, thậm chí sự kiện còn lọt vào danh sách tìm kiếm nóng ở Trung Quốc. Người Hoa các nơi cũng rất quan tâm đến sự kiện này, họ gọi bà là ‘Hứa Gia Ấn’ phiên bản Việt. Dư luận Trung Quốc đã bất ngờ khen ngợi Việt Nam và có những so sánh rất thú vị với tình hình tương tự ở đất nước của họ. 

Trong chương trình ‘Tần Bằng quan sát’ (秦鹏观察) của nhà bình luận gốc Hoa, Tần Bằng), chuyên gia đã có những nhận định và cho thấy người Hoa nhìn nhận thế nào về vụ án bà Trương Mỹ Lan. Sau đây là những nội dung chính trong bài bình luận của chuyên gia Tần Bằng.

Hứa Gia Ấn phiên bản Việt bị tuyên án tử hình khiến nhiều doanh nhân bất động sản Trung Quốc hoảng sợ?

Ngày 11/4 theo giờ địa phương, bà trùm bất động sản Việt Nam Trương Mỹ Lan bị tòa án TP.HCM tuyên án tử hình. Bà bị cáo buộc gian lận tài chính 12,53 tỷ USD, tương đương gần 3% GDP Việt Nam năm 2022.

Truyền thông Việt Nam đưa tin 84 bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên các mức án khác nhau từ 3 năm quản chế đến tù chung thân. Trong số đó, chồng của bà Trương, doanh nhân Hồng Kông Chu Lập Cơ (Eric Chu), bị kết án 9 năm tù, và cháu gái của bà Trương là Trương Huệ Vân (张惠云), Giám đốc điều hành công ty bất động sản Vạn Thịnh Phát của bà, bị kết án 17 năm tù.

Luật sư của bà Trương Mỹ Lan nói với Reuters rằng bà đã không nhận tội tham nhũng và hối lộ. Luật sư nói thêm: “Tất nhiên bà sẽ kháng cáo bản án”.

Ngân hàng lớn thứ 5 cả nước – Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn trống rỗng? 

Các điều tra viên công tố cáo buộc rằng từ năm 2012 đến năm 2022, bà Lan kiểm soát trái phép 91,5% cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), ngân hàng lớn thứ năm của Việt Nam, thông qua hàng chục đại lý. Sau đó, ngân hàng này đã phát hành 2.500 khoản vay cho các công ty của bà Lan, với tổng trị giá lên tới 1.000 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 44 tỷ USD, chiếm 93% tổng dư nợ của ngân hàng trong cùng kỳ, 7% còn lại được cho khách hàng cũ của ngân hàng vay. 

Khoản vay 40 tỷ USD này chiếm 10,7% GDP 409 tỷ USD năm 2022 của Việt Nam. Bà Lan bị cáo buộc gây thiệt hại 64,6 nghìn tỷ đồng cho ngân hàng.

Tháng 10/2022, bà Lan bất ngờ bị bắt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn cũng bị “giám sát đặc biệt”. Điều này dẫn đến việc người gửi tiền đổ xô vào ngân hàng, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc, có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng tài chính. Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã phải vào cuộc khẩn trương để dập lửa.

Thực tế, vụ việc này gây chấn động dư luận Việt Nam, nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng các ngân hàng, công ty khác cũng “làm điều tương tự nhưng không bị phát hiện?”.

Thanh thế người phụ nữ giàu nhất Việt Nam

Bà Trương Mỹ Lan, biệt danh Trương Muội (张妹), là người Hoa thế hệ thứ tư ở Việt Nam. Quê hương của bà là Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông. Vào khoảng thời kỳ Quang Tự của nhà Thanh ở Trung Quốc, ông cố của bà là Trương Thịnh Trữ (张盛着) đã di cư từ Sán Đầu, Quảng Đông đến Sài Gòn. Sài Gòn là vùng sản xuất lúa gạo quan trọng, mỗi năm một lượng lớn gạo cần được vận chuyển đến các khu vực khác qua bến tàu. Ông cố của bà Lan đã nhìn thấy cơ hội phù hợp và thành lập một công ty vận tải biển. Ông đã kiếm được nhiều tiền nhờ vào kỹ năng quản lý xuất sắc của mình.

Bà Lan sinh năm 1956 và bắt đầu kinh doanh từ năm 16 tuổi. Lần đầu tiên bà giúp mẹ kinh doanh nước hoa. Năm 1992, bà thành lập Công ty Vạn Thịnh Phát. Năm sau, bà kết hôn với doanh nhân Hồng Kông Chu Lập Cơ. Dựa vào mối quan hệ của chồng, bà Lan đã có được quyền đại diện cho các sản phẩm LG của Hàn Quốc và kiếm được rất nhiều tiền.

Sau đó, bà Lan chuyển trọng tâm kinh doanh sang đầu tư bất động sản. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, hai vợ chồng bà tiếp quản khu phố Tàu ở Sài Gòn và biến nó thành chợ An Đông, sau này trở nên nổi tiếng ở Đông Nam Á. Trong thời kỳ bùng nổ bất động sản những năm 1990, họ dần mở rộng địa bàn kinh doanh và biến thành những ông trùm bất động sản.

Năm 2004, bà Lan xây dựng khách sạn Windsor, khách sạn cao cấp nhất Sài Gòn. Năm 2006, khách sạn này được đánh giá là khách sạn 5 sao và trở thành địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC do Việt Nam tổ chức.

Bà Lan đã xây dựng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành một đế chế kinh doanh đa dạng, trong đó nổi bật nhất là Vạn Thịnh Phát và Tập đoàn An Đông. Năm 2007, vốn của công ty là 6 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi lên 12,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2020. Dù công ty chưa niêm yết nhưng ngoại giới tin rằng bà Lan là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam.

Vào tháng 4 năm 2022, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chính thức đạt được thỏa thuận hợp tác với công ty của tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành (李嘉诚) để cùng phát triển thị trường bất động sản Việt Nam. Về vấn đề này, Triệu Quốc Hùng (赵国雄), giám đốc điều hành của công ty, từng cho rằng một trong những điều kiện để lựa chọn đầu tư vào Việt Nam là: “Tìm được đối tác địa phương phù hợp, am hiểu thị trường và có khả năng hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế”.

Giá nhà tăng vọt và bão liên miên

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022, giá nhà đất tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 20%, mức tăng cao nhất châu Á, với giá trung bình hơn 121 triệu VNĐ/m2; giá nhà ở tại Hà Nội đã tăng trung bình từ 20% đến 25%, thậm chí ở một số khu vực, mức tăng còn cao hơn nữa, tới 35% đến 74%.

Đối mặt với thị trường bất động sản tăng vọt, nhà chức trách Việt Nam tung ra cơn bão quản lý. Tháng 8/2022, Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Văn Thành nói rõ sẽ tăng cường giám sát việc bán trái phiếu của các công ty bất động sản để tránh tình trạng đầu cơ, thao túng giá; vào tháng 9/2022, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Việt Nam, cảnh báo rằng, ngân hàng trung ương sẽ tăng cường giám sát các ngân hàng, đặc biệt là trong các lĩnh vực rủi ro như các dự án bất động sản.

Kết quả là bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan bị bắt. Đầu tháng 10 năm 2022, công an thông báo chính thức bắt giữ bà Lan và những người khác. Theo báo cáo, bà Lan bị tình nghi phát hành trái phiếu trái phép từ năm 2018 đến 2019, huy động hàng nghìn tỷ đồng.

Cư dân mạng Trung Quốc: Trừng phạt nghiêm khắc Hứa Gia Ấn của Trung Quốc

Tin tức này đứng đầu bảng xếp hạng tìm kiếm hot ở Trung Quốc và làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi giữa cư dân mạng. Có người nói: “Tôi đề nghị xét xử như vậy với Hứa Gia Ấn”, và một số người chế nhạo “Việt Nam tiến bộ hơn chúng ta rất nhiều!”

Người khác nhận định bà Lan như là Hứa Gia Ấn phiên bản Việt. Có người nhận định: “Luật pháp Việt Nam rõ ràng vẫn nghiêm khắc hơn”.

Có người chỉ ra rằng: “Với sự thúc đẩy chung của giới truyền thông, luật gia và người trong cuộc, Trung Quốc đã cấu thành tổ chức tham nhũng có hệ thống”. 

“Trong một xã hội bị cai trị độc quyền, tài sản của người giàu được bảo toàn cho các chính trị gia. Chúng ta phải xác định như vậy”.

Theo nhà bình luận Tần Bằng, nếu nhìn vào hậu quả, thiệt hại mà một số doanh nhân và quan chức ở Trung Quốc gây ra cho người dân cũng rất lớn, chẳng hạn như nhiều ngân hàng nông thôn bị phá sản do thông đồng giữa chính phủ và doanh nhân, các tập đoàn, công ty khác bị tàn phá, hàng trăm tỷ dịch vụ quản lý tài sản bị ngừng hoạt động. 

Tuy nhiên, so với trường hợp của bà Trương Mỹ Lan, hiếm khi thấy doanh nhân hay quan chức Trung Quốc bị trừng phạt nặng nề. Sau khi ông trùm bất động sản Hứa Gia Ấn (许家印) gây thiệt hại lớn cho rất nhiều ngân hàng và người mua nhà, ông chỉ bị phạt hơn 164 tỷ đồng, và bản thân gã khổng lồ Evergrande cũng bị phạt hơn 14 nghìn 500 tỷ đồng.

Lý do đằng sau là gì? Nhà bình luận Tần Bằng tiết lộ, hầu hết những doanh nhân đó đều là găng tay trắng của các quan chức, chức sắc cấp cao của ĐCSTQ, nên chỉ cần họ im lặng, chính quyền Trung Quốc vẫn sẽ ‘giơ cao đánh khẽ’.

Quay lại với trường hợp của bà Trương Mỹ Lan, nhà bình luận Tần Bằng cho hay, với hiểu biết về giới doanh nhân Việt Nam, ông cảm thấy có thể có điều gì đó đáng ngờ trong trường hợp của bà Lan, bởi giá bất động sản ở Việt Nam đã tăng vọt, thì đó cũng là vấn đề của nhà điều hành. Theo ông Tần, không thể đổ tất cả trách nhiệm cho các nhà phát triển bất động sản. Và về lý thuyết nếu cho rằng bà Trương Mỹ Lan có thể chi trả số tiền này, và việc vay vốn thông qua các công ty vỏ bọc là việc khá phổ biến, vậy tại sao lại chỉ bà Trương bị bắt?.

Exit mobile version