Vào tháng 2 năm nay, Hoa Kỳ tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Philippines để bổ sung thêm bốn căn cứ quân sự tại nước này, đây là cơ hội để Hoa Kỳ có được vị thế hàng đầu trong việc giám sát Trung Quốc ở Biển Đông và Đài Loan.
Thỏa thuận này hoàn thiện việc bao vây Trung Quốc, với các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ hiện trải dài từ Hàn Quốc, sang Nhật Bản và Úc.
Gregory B Poling, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói với BBC, “Không có tình huống bất trắc nào ở Biển Đông mà không cần phải tiếp cận Philippines”, đồng thời nói thêm rằng, “Hoa Kỳ không tìm kiếm các căn cứ cố định. Vấn đề là về địa điểm, không phải căn cứ.”
Theo một tuyên bố từ Washington, những bổ sung mới và quyền tiếp cận mở rộng sẽ “cho phép hỗ trợ nhanh hơn cho các thảm họa nhân đạo và liên quan đến khí hậu ở Philippines, cũng như ứng phó với các thách thức chung khác”. Nhiều người tin rằng “thách thức chung” được trích dẫn là ám chỉ ngầm đến ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Vào tháng 4, địa điểm của các căn cứ đã được tiết lộ. Các địa điểm bao gồm, “căn cứ hải quân Camilo Osias ở Sta Ana và sân bay Lal-lo, cả hai đều ở tỉnh Cagayan, và Trại Melchor Dela Cruz ở Gamu, tỉnh Isabela và đảo Balabac ngoài khơi Palawan”, Reuters đưa tin.
Bốn căn cứ này là sự mở rộng của Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) được chính quyền Obama thiết lập lần đầu tiên vào năm 2014.
Trung Quốc chỉ trích thỏa thuận này trong một tuyên bố của đại sứ quán rằng “Hành động của Hoa Kỳ làm leo thang căng thẳng trong khu vực và làm suy yếu hòa bình và ổn định của khu vực”, đồng thời nói thêm rằng “Hoa Kỳ, vì lợi ích riêng và tâm lý chơi trò chơi tổng bằng không, tiếp tục tăng cường thế trận quân sự trong khu vực này”.
‘Nhẹ nhàng và linh hoạt’
Hoa Kỳ đã lùi bước khỏi việc triển khai hàng nghìn quân đến các căn cứ quân sự trên khắp thế giới và thay vào đó đang tìm kiếm những nơi có thể tiến hành các hoạt động “nhẹ nhàng và linh hoạt” khi cần thiết.
Vào những năm 1980, Philippines là nơi đồn trú của khoảng 15.000 quân nhân Hoa Kỳ tại hai căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Châu Á, Clark Field và Vịnh Subic gần đó.
Năm 1991, sau khi nhà độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ, quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại nước này đã được gửi về nước.
Kể từ đó, ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng lớn mạnh, khi chế độ đỏ này xây dựng ít nhất 10 căn cứ đảo nhân tạo ở Biển Đông và vẽ lại bản đồ khu vực mà Philippines khăng khăng gọi là Biển Tây Philippines.
Herman Craft, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines nói với BBC rằng, trước đó, quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh không có vấn đề lớn nào.
“Chúng tôi đã có một tình huống sống và để sống ở Biển Đông. Nhưng vào năm 2012, họ đã cố gắng giành quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough. Sau đó vào năm 2014, họ bắt đầu xây dựng các đảo. Việc Trung Quốc chiếm đất đã thay đổi mối quan hệ này”, ông nói.
Cựu Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, Jose Cuisia Jr cho biết, Philippines có “năng lực rất hạn chế trước mối đe dọa từ Trung Quốc”, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh đã nhiều lần phá vỡ lời hứa không quân sự hóa các căn cứ của họ trên vùng lãnh thổ đang tranh chấp.
“Người Trung Quốc đã quân sự hóa các thực thể đó và điều đó khiến nhiều vùng lãnh thổ của chúng tôi bị đe dọa. Chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ sức mạnh để ngăn chặn họ. Philippines không thể làm điều đó một mình”, ông nói.