Khi lãnh đạo của tổ chức luôn được coi là ‘sân sau’ của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ đích thân đứng ra miệt thị Tổng lãnh sự Trung Quốc, vốn là đại diện của Bắc Kinh, thì điều đó có nghĩa gì? Ai cho ông ấy can đảm để làm việc đó?.
Mới đây, tại lễ nhậm chức của Lưu Ái Hoa (劉愛華) thuộc Hiệp hội Phúc Kiến Hoa Kỳ được tổ chức tại khách sạn Grand ở Flushing, New York, chủ tịch danh dự của Hiệp hội Phúc Kiến Hoa Kỳ, người tự xưng là một “lãnh đạo Trung Quốc yêu nước ở nước ngoài” Trần Học Đoan (陳學端) đã công khai miệt thị ông Hoàng Bình (黃屏), tổng lãnh sự của Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York, là “con rối” và là “quan chức tham nhũng”, đồng thời muốn đưa ông Hoàng vào tù.
Theo chuyên gia các vấn đề thời sự người Hoa – Lâm Thanh, (林青), Hiệp hội Phúc Kiến luôn bị ngoại giới coi là một nhóm Hoa kiều thân Bắc Kinh và chịu sự kiểm soát của Lãnh sự quán Trung Quốc. Trần Học Đoan, người hiện tự coi mình là người “yêu nước, yêu quê hương và yêu Hoa kiều”, đã lớn tiếng miệt thị ông Hoàng Bình, không chút sợ hãi, và với thái độ rất vui mừng, đắc ý. Bài báo mới đây của chuyên gia Lâm Thanh đặt câu hỏi rằng, ai có thể dám làm điều này như ông Trần Học Đoan, và ai cho ông Trần sự tự tin để làm điều ấy?
Hơn nữa, những người quay video cũng là những người thân ĐCSTQ trong cộng đồng, họ làm ăn và được trả tiền để quay phim, mấu chốt là họ còn dám đưa video này lên kênh Youtube thân Bắc Kinh có tên “Kim Sơn trực bá” (金山直播) mà không cần phải sợ hãi hay phải xem vẻ mặt của Lãnh sự quán Trung Quốc.
Tác giả Lâm Thanh cho rằng Hiệp hội Phúc Kiến là một cơ quan phụ thuộc của ĐCSTQ, khi ai đó được tuyển dụng vào đây làm việc thì sẽ bị thuần hóa và phải phục tùng cấp trên. Một số người Phúc Kiến đã phải trải qua đủ loại rắc rối để vay tiền và liều mạng trốn sang Hoa Kỳ. Sau khi đến Hoa Kỳ, họ tạm ẩn danh phận là một đảng viên ĐCSTQ. Sau khi bị phát hiện danh tính và đã có chỗ đứng, họ lại quay lại thành “Hoa kiều yêu nước”. Họ cố gắng xu nịnh và ủng hộ các quan chức lãnh sự quán Trung Quốc. Có vẻ như họ là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội ở Trung Quốc, và tỏ ra phục tùng các quan chức Trung Quốc, như thể họ đang ở Trung Quốc vậy.
Trần Học Đoan cho biết, ông đến Hoa Kỳ vào năm 1986. Dù tin rằng mình là người “yêu nước, yêu quê hương và yêu Hoa kiều nhưng ông đã bị Lãnh sự quán Trung Quốc “đàn áp” trong nhiều năm. Không biết có phải là bởi vì ông không thể được Lãnh sự quán Trung Quốc công nhận hay không.
Không tên tuổi, không địa vị, ông Trần đã phải chịu đựng sự tức giận và oán hận trong nhiều năm. Đến khi ông cảm thấy bị tổn thương sâu sắc và nhân phẩm bị xúc phạm trước sự đối xử bất công của ông Hoàng Bình – Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Hoa Kỳ, khiến ông không thể chịu đựng được nữa.
Theo tác giả bài báo, tại “lễ nhậm chức” của Lưu Ái Hoa, ông Trần đã trút bỏ cơn tức giận và oán giận, tất cả những sợ hãi và lo lắng, “đầy phẫn nộ chính đáng” lớn tiếng lên án ông Hoàng Bình. Đây là cơn giận bùng nổ trong nhiều năm của ông Trần, câu nào cũng trúng đích.
Ông Trần miệt thị Tổng lãnh sự Hoàng Bình như sau: “.. Chúng tôi tuyệt đối không sợ Tổng lãnh sự bù nhìn của Lãnh sự quán Trung Quốc! Quan chức tham nhũng ở Trung Quốc khi còn đương chức đều rất đáng sợ nhưng khi ở tù thì họ chẳng là gì cả! Có cơ hội tống hãy tống ông ta vào tù!”.
Ông Trần nói thêm: “Tất cả hiệp hội Hoa kiều yêu nước và hải ngoại đều bị hắn và Hoàng Bình đàn áp. Liệu có thể bỏ qua một tên khốn như vậy được không? Mọi người nhất định phải đứng lên!”
“Tôi thực sự ghét những quan chức tham nhũng như thế này ở Trung Quốc … Hoàng Bình đã đàn áp tôi. Khi một người như thế này làm tổng lãnh sự, ông ta thực sự là một lãnh sự bù nhìn”.
Ông Trần nói tiếp: “Tôi phản đối quan chức tham nhũng. Quan chức tham nhũng đã được hưởng lợi. Hoàng Bình hiện đang bị dính líu với kẻ cầm đầu vụ lừa đảo ở New York”.
“Ngày mai hãy giúp tôi truyền đi tất cả tin tức! Cảm tạ mọi người đã cho ngoại giới biết Hoàng Bình là ai!”
Lời nói của ông Trần Học Đoan thể hiện bản chất người đàn ông trưởng thành và tự tin, không còn sợ bị rơi vào tay quan chức lãnh sự quán Trung Quốc hay gặp rắc rối nữa. Những gì ông Trần nói quả thực là đúng – những quan chức tham nhũng Trung Quốc khi nắm quyền thì kiêu ngạo và hống hách, nhưng khi họ trở thành tù nhân và phải sống nốt phần đời còn lại trong tù thì họ lại không là gì cả.
Ông Trần Học Đoan đã nhận thấy tất cả những điều này và cũng hiểu rõ sự tình. Ngay cả cựu Ngoại trưởng Tần Cương cũng có thể biến mất chỉ sau một đêm, thì ông Hoàng Bình có là gì chứ? Hôm nay đứng trên vũ đài sân khấu, ngày mai có thể phải vào tù.
Trước đây, thủ lĩnh của nhóm Hoa kiều thân ĐCSTQ tuân theo mệnh lệnh của Lãnh sự quán Trung Quốc, nhưng bây giờ ông lại tự tin, không sợ hãi, dũng cảm và mạnh mẽ, dám công khai chỉ trích, miệt thị Lãnh sự quán và Tổng lãnh sự Trung Quốc Hoàng Bình.
Điều thú vị hơn nữa là mọi người trên và dưới sân khấu cũng hưởng ứng nhiệt tình, vỗ tay liên tục, cổ vũ ông Trần, coi thường Lãnh sự quán Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là, vậy điều gì đã khiến “lãnh đạo Hoa kiều yêu nước” Trần Học Đoan tự tin như vậy? Ông Trần lớn tiếng, dám công khai thách thức Lãnh sự quán Trung Quốc. Ai đứng sau Lãnh sự quán Trung Quốc? Có phải là ĐCSTQ không? Ngay cả những nhà lãnh đạo Hoa kiều yêu nước thân Bắc Kinh nhất ở Phúc Kiến cũng đã quay lưng lại. Tác giả người Hoa, Lâm Thanh, giải thích rằng, đó là vì ĐCSTQ đã là một con hổ chết và không ai sợ nữa. Ngay cả những người gắn bó nhất với con hổ ấy bây giờ cũng dũng cảm công khai vạch trần, chỉ trích, tố cáo và hoàn toàn phớt lờ. Điều này có nghĩa là ĐCSTQ đã cạn kiệt quyền lực và đang thoi thóp.
Nhà bình luận chính trị người Hoa, Đường Tĩnh Viễn (唐靖遠) cũng phân tích: “Về bản chất, điều mà vụ việc này phản ánh là dù ĐCSTQ đã xâm nhập ra nước ngoài, nhưng trong nội bộ, họ đã mất quyền kiểm soát nhiều người trong hệ thống mặt trận thống nhất của mình, nghĩa là họ không còn quyền kiểm soát những người cấp dưới.
Điều này cho thấy sự kiểm soát của ĐCSTQ ở nước ngoài đã bị suy yếu rất nhiều, có nhiều mâu thuẫn trong nội bộ hệ thống và chế độ này đã ở trong thời kỳ trước khi sụp đổ, hay nói cách khác, đã đạt đến điểm không thể cứu vãn. Đó là hiện tượng tất yếu được biểu hiện kịp thời”.
Theo tác giả bài báo, Lâm Thanh, thách thức của ông Trần Học Đoan vang lên lời kêu gọi đào ngũ rõ ràng, nếu bây giờ người như ông Trần còn thoát lý thì ĐCSTQ còn tồn tại được bao lâu nữa? Tác giả Lâm Thanh nhận định rằng, những người trong hệ thống đang bắt đầu quay súng nổi loạn, hợp sức phá bỏ bức tường, và những người như vậy trong hệ thống sẽ ngày càng nhiều.