Đại Kỷ Nguyên

Công du 9 ngày, ông Tập có lo ‘hoả hoạn ở sân sau’?

Ông Tập Cận Bình trong một chuyến công du. (Ảnh: Twitter).

Lâu lắm ông Tập mới lại có một chuyến công du dài ngày như lần này. Ngay trước chuyến đi, thông tin thân tín quan trọng của ông gặp đại nạn bỗng rộ lên. Ngày càng nhiều dấu hiệu về sự suy giảm quyền lực của ông Tập, đặc biệt ở trong quân đội. Lần này đi lâu như vậy, ông Tập có lo lắng về hoả hoạn ở sân sau hay không?.

Vào ngày 8/11 năm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo rằng ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến công du Nam Mỹ trong 9 ngày, bắt đầu từ ngày 13 và tham dự Hội nghị không chính thức của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 (G20). 

Ông Tập đã có những chuyến công du kéo dài chín ngày hoặc nhiều hơn trong quá khứ, nhưng chủ yếu xảy ra vào thời điểm mới nhậm chức, như chuyến thăm Nga và châu Phi từ ngày 22 đến 30 tháng 3 năm 2013, và chuyến thăm châu Âu từ ngày 22/3 đến ngày 2/4/2014. Trong gần 5 năm qua, việc tương tự chưa từng tái diễn. Hiện tại, Bắc Kinh đang gặp khó khăn cả trong và ngoài nước, cuộc đấu tranh nội bộ cũng rất nhạy cảm, vì vậy bối cảnh ông Tập ở nước ngoài lâu như vậy, tình hình trong nước có thể sẽ có bất ổn.

Thái Thận Khôn và Diêu Thành đồng thời tiết lộ: Trợ lý thân tín của ông Tập đã bị bắt

Vào ngày 11/11, nhà bình luận độc lập có tiếng trong cộng đồng nói tiếng Hoa – Thái Thận Khôn (蔡慎坤) đã tiết lộ trên nền tảng X rằng Miêu Hoa (苗华), Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân ủy Trung ương, Đô đốc Hải quân Trung Quốc, đã bị Quân ủy Trung ương đưa đi điều tra trực tiếp. Điều này có nghĩa là nhân sự quân đội do ông Tập chỉ định, nắm giữ quyền lực về tuyên truyền và nhân sự, đã bị thanh trừng, và một số lượng lớn các tướng lĩnh cao cấp do Miêu Hoa thăng chức, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng mới, Đổng Quân cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Chuyên gia Thái Thận Khôn cho biết, sự việc của Miêu Hoa lần này có nghĩa là phe quân sự Phúc Kiến mà ông Tập đánh giá cao đã bị tổn thất nặng nề.

Vào ngày 11/11, cựu sĩ quan hải quân Trung Quốc, Diêu Thành (姚诚), cũng đã tuyên bố trên nền tảng X rằng cuộc đấu đá trong Quân ủy Trung ương đã leo thang và trở nên công khai, Miêu Hoa đã bị đưa đi điều tra.

Hiện tại, thông tin này chưa được chính thức xác nhận bởi Chính quyền TQ, nhưng kể từ năm ngoái, một số tướng lĩnh như Lý Ngọc Siêu, Tư lệnh Lực lượng Hoả tiễn, và các quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp quân sự đã bị phanh phui sự việc ở nước ngoài và sau đó đều được xác nhận. Các ông Thái Thận Khôn và Diêu Thành, hiện đang cư trú tại Mỹ, vẫn có liên hệ với hệ thống của Chính quyền TQ và thường có thông tin tương đối chính xác.

Theo hoạt động của các lãnh đạo cấp cao trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, lần hoạt động gần đây nhất của Miêu Hoa được ghi nhận vào ngày 7 tháng 10, khi ông tham dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, tại đó ông đã đọc thư chúc mừng với tư cách là phó trưởng đoàn đại biểu trung ương. Chuyên gia các vấn đề thời sự người Hoa – Nhạc Sơn (岳山) cho biết, đã kiểm tra và phát hiện ra rằng, vào ngày 29 tháng 10, lớp đào tạo chuyên đề cho các cán bộ cấp tỉnh và bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai giảng tại Trường Đảng Trung ương, ông Miêu Hoa cũng đã xuất hiện trên màn hình của CCTV, nhưng dường như có vẻ căng thẳng.

Thông tin không tích cực về ông Miêu Hoa đã xuất hiện từ sớm. Vào tháng 2 năm nay, nhà báo tự do Đỗ Chính (杜政) đã viết trên “Thượng Báo” rằng Miêu Hoa là một “con hổ lớn” thầm lặng trong quân đội. Là người phụ trách công tác chính trị, ông này đã cài cắm người của mình vào toàn quân, tất cả các chính ủy trong quân đội đều là tay chân và tai mắt của ông, mọi sự thăng tiến trong quân đội đều phải được ông gật đầu trước khi báo cáo lên ông Tập. Các tướng lĩnh đều phải nắm chặt lấy Miêu Hoa. Nếu nói về tham nhũng, Miêu Hoa có thể được coi là “kẻ tham nhũng số một trong quân đội”.

Miêu Hoa, 68 tuổi, trước đây đã phục vụ tại Quân đoàn 31 của Quân khu Nam Kinh đóng quân ở Phúc Kiến trong thời gian dài và có mối quan hệ thân thiết với ông Tập Cận Bình, người từng giữ chức vụ ở Phúc Kiến trong những năm đầu của ông. Miêu Hoa được điều động từ Lục quân sang Hải quân vào tháng 12 năm 2014, đồng thời được điều động từ Chính ủy Quân khu Lan Châu sang Chính ủy Hải quân. Ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân ủy vào tháng 8 năm 2017. Ông gia nhập Quân ủy Trung ương vào tháng 10 cùng năm và bắt đầu phụ trách nhân sự toàn quân.

Tin đồn về việc ông Miêu Hoa gặp rắc rối xuất hiện ngay khi có nhiều tin tức về tranh đấu nội bộ trong Quân ủy Trung ương. Được cho là có sự bất hòa giữa nhóm người Phúc Kiến do Phó Chủ tịch Quân ủy Trương Hựu Hiệp lãnh đạo và nhóm người do Phó Chủ tịch Quân ủy Hà Vệ Đông dẫn đầu. Cả Hà Vệ Đông và Miêu Hoa đều không phải là người Phúc Kiến, nhưng đều xuất thân từ Quân đoàn 31 đóng tại Phúc Kiến, được coi là thuộc nhóm quân đội của ông Tập.

Sau Hội nghị Trung ương 3, có tin quyền lực quân sự của ông Tập bị suy giảm, nội bộ Quân ủy Trung ương xảy ra tranh chấp

Từ giữa tháng 7 năm nay, sau Hội nghị Trung ương 3, chính trị Trung Quốc đã xuất hiện nhiều hiện tượng kỳ lạ, xuất hiện tin đồn về việc quyền lực của ông Tập bị suy yếu, đặc biệt là quyền lực quân sự bị suy giảm, trong khi cựu lãnh đạo quân đội – “Thái Tử Đảng” Trương Hựu Hiệp được cho là nhận được sự ủng hộ của các lão thành trong Đảng, lại thường xuyên xuất hiện công khai.

Vào tháng 10 năm nay, cựu sĩ quan hải quân Trung Quốc – Diêu Thành đã tiết lộ trên nền tảng X rằng có dấu hiệu cho thấy Trương Hựu Hiệp đang định gây khó khăn cho hải quân, với tin đồn rằng cựu chính ủy Tần Sinh Tường (秦生祥) và chính ủy hiện tại Viên Hoa Trí (袁华智) đang bị điều tra. Cả hai người này đều được thăng chức trong giai đoạn ông Miêu Hoa giữ chức chính ủy hải quân từ năm 2014 đến 2017, và ông Tần cũng là người thân tín của ông Tập. Cựu sĩ quan Diêu Thành nói rằng nếu ông Miêu Hoa gặp vấn đề, ông Tập về cơ bản đã mất kiểm soát quân đội.

Vào ngày 9 tháng 7 năm nay, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân ủy Trung ương Hà Hoành Quân (何宏军) đã được thăng cấp lên Đô đốc. Ông Hà đã làm việc lâu dài tại Ủy ban Chính trị Tổng hợp và Tổng Cục Chính trị Quân ủy Trung ương sau cải cách quân đội, ban đầu là Trợ lý Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân ủy Trung ương. Con đường thăng tiến của ông cũng rất nhanh, việc để ông nắm quyền dưới Miêu Hoa cho thấy rõ ràng ý định chờ Miêu Hoa nghỉ hưu, thậm chí chuẩn bị cho việc ông bị loại bỏ. Hà Hoành Quân là người huyện Dương, tỉnh Thiểm Tây, được coi là thuộc nhóm Thiểm Tây của Trương Hựu Hiệp, liệu việc bổ nhiệm này có phải là sự sắp xếp của Trương Hựu Hiệp hay không?.

Trên thực tế, những người được ông Tập Cận Bình đề bạt gần đây liên tục gặp rắc rối hoặc mất tích. Trong số này, tay chân thân cận của ông Tập, Chung Thiệu Quân (钟绍军), sau khi được thăng chức làm Chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy Trung ương, gần đây có thể đã bị thay thế và được điều chuyển làm chính ủy của Đại học Quốc phòng, nhưng thông tin này chưa được xác thực. 

Ngoài ra, Trung tướng Trần Quốc Cường (陈国强), 61 tuổi, Phó bí thư chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Quân uỷ Trung ương, đã được điều chuyển làm chính ủy của Đại học Khoa học Quốc phòng vào cuối tháng 9, được coi là đã mất quyền lực thực sự. Người được thay thế là Thiếu tướng Phó Ái Quốc (傅爱国), 60 tuổi, hiện chưa rõ đi đâu. Tất cả những dấu hiệu này khiến người ta nghi ngờ rằng hiện tại có sự phân phối lại quyền lực trong hàng ngũ lãnh đạo quân đội, và Trương Hựu Hiệp mới là người nắm quyền điều hành.

Ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến công du kéo dài gần mười ngày, liệu có ‘hoả hoạn’ ở sân sau không?

Nhìn lại chuyến thăm của ông Tập tới Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, chuyên gia các vấn đề thời sự người Hoa – Nhạc Sơn cho biết đã nhận được một tài liệu mật từ Cục Công an Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây, được chuyển tiếp từ Sở Công an tỉnh, có tiêu đề “Thông báo về việc chuyển tiếp kế hoạch làm việc ứng phó và vận hành tích hợp của Cục Công an thành phố Vị Nam trong thời gian Tổng bí thư Tập Cận Bình có chuyến công du”. Tài liệu này gửi đến các Cục Công an, các đơn vị cảnh sát của thành phố.

Tài liệu dài 10 trang, trong đó nhấn mạnh rằng trong thời gian ông Tập thăm Việt Nam, cần phải làm tốt công việc an ninh và ổn định cho các chuyến thăm cấp cao, theo dõi chặt chẽ các thế lực thù địch, các phương tiện truyền thông nước ngoài tấn công, sự quấy rối của người dân ở nước ngoài, cũng như các rủi ro an ninh và ổn định trong nước, bảo đảm “an ninh chính trị quốc gia và sự ổn định lớn của xã hội” trong thời gian Tập đi công du. 

Đã có tiền lệ như vậy, lần này ông Tập Cận Bình đi công du cũng chắc chắn sẽ lo lắng về sự bất ổn trong nước, bao gồm cả nguy cơ nổi dậy của nhân dân và sự phản kháng trong đảng cũng như quân đội.

Gần đây, tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã xảy ra một sự kiện lớn với 200.000 người trẻ đạp xe đêm đến thành phố Khai Phong, được gọi là “Cách mạng Đạp xe xuyên đêm”, và sự kiện này đã lan rộng ra nhiều nơi trên cả nước, thậm chí cả Quảng Trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh cũng trở thành điểm đến của những người đạp xe đêm. Có tin cho rằng chính quyền cho rằng có thế lực thù địch can thiệp và đang siết chặt kiểm soát.

Theo chuyên gia Nhạc Sơn, hiện tại, ông Tập Cận Bình vẫn chưa rời khỏi đất nước, nhưng đã có tin về trợ lý thân tín của ông, Miêu Hoa, gặp rắc rối. Mặc dù chưa xác thực, nhưng tin đồn về sự đấu đá nội bộ đang lan rộng, điều này ít nhất là một điềm xấu đối với ông Tập và Chính quyền TQ. Điều này khiến ông Tập dù có bay sang Nam Mỹ cũng sẽ cảm thấy bất an, tình hình này gợi nhớ đến sự cố vào tháng 8 năm ngoái tại Nam Phi, khi những người đi cùng ông bị bảo vệ hội trường chặn lại ở cửa, khiến ông thực sự bối rối. Lần này, sau khi ông Tập tới Nam Mỹ, rất có thể ông sẽ không chỉ bối rối mà còn hoảng hốt vì hoả hoạn ở sân sau nơi quê nhà.

Exit mobile version